Khám phá các công trình kiến trúc độc đáo tại tỉnh Long An

26/07/2024

Đăng bởi: Admin | 26/07/2024

Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, tỉnh Long An là cầu nối giữa thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, có cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp thông thương với vương quốc Campuchia. Với vị trí chiến lược đặc biệt đó, Long An đóng vai trò cầu nối giữa hai vùng kinh tế quan trọng ở Nam Bộ và có vị thế chiến lược quan trọng trong giao thương và du lịch.

1. Tổ đình Kim Cang

Tổ đình Kim Cang được xem là trung tâm Phật giáo, nơi đào tạo tăng tài vào thế kỷ XIX của Nam Bộ. Hiện nay vẫn lưu giữ một bộ mộc bản ghi khắc những kinh điển nổi tiếng của Phật giáo Đại thừa như kinh Pháp hoa, kinh Sám hối, Ngũ hối…Những mộc bản đó được chính tay Sư tổ của Tổ đình chạm khắc và lưu giữ đến ngày nay. Ngôi cổ tự này còn có câu chuyện đi cùng mang màu sắc liêu trai, thu hút, trở thành điểm nhấn cho du lịch Long An.

Trải qua nhiều đời trụ trì với nhiều lần trùng tu. Tổ đình Kim Cang vẫn giữ nét kiến trúc văn hóa truyền thống của miền Tây Nam Bộ, hài hòa và ẩn mình trong sông nước thiên nhiên. Mái lợp ngói âm dương, sường bằng gõ và căm se, nền lát gạch tàu.

Nhiều câu đối, hoa văn trên những bao lam, bảo cái, thể hiện nét văn hóa nghệ thuật đặc sắc tiêu biểu của miền quê sông nước Tây Nam Bộ. Những pho tượng Tây phương Tam Thánh, 18 vị La Hán và nhiều pho tượng Bồ tát, thánh hiền như Ngọc Hoàng Thượng Đế, Thập Điện Diêm Vương, Thánh mẫu … thể hiện tinh thần Tam Giáo Đồng Nguyên.

Ngôi Tam Bảo được trùng tu mái nền, vách phên; xây mới Tăng xá, giảng đường, quang cảnh chung quanh cũng được tu tạo trang nghiêm.

Khuôn viên chùa Kim Cang rộng khoảng 6.000m2, khu đất này được một thí chủ cúng dường cho chùa từ những ngày đầu. Hiện trong sân chùa vẫn còn tấm bia ghi rõ công đức của ông. Khuôn viên rộng lại cạnh bờ sông nên không gian chùa Kim Cang rất trong lành mát mẻ.

Trong khuôn viên chùa có khu bảo tháp với một số tháp lớn, nhỏ khác nhau, trong đó có một ngôi tháp được cho là có sẵn từ trước khi chùa được xây dựng. Ngoài ra, khu bảo tháp còn có một tòa tháp cao đặt xá lợi bên trong cũng là nơi lưu giữ linh cốt do người dân gửi vào.

2. Lăng Nguyễn Huỳnh Đức

Cách thị xã Tân An 3.5km về phía Tây, Lăng Nguyễn Huỳnh Đức là một trong những kiến trúc lăng mộ cổ nhất ở Long An còn tồn tại gần như nguyên vẹn cho đến ngày nay. Đây là một quần thể kiến trúc bao gồm các công trình chính như cổng, lăng mộ, đền thờ Kiến Xương Quận công Nguyễn Huỳnh Đức, một công thần khai quốc của Triều Nguyễn.

Nguyễn Huỳnh Đức tên thật là Huỳnh Tường Đức, sinh năm 1748 tại Giồng Cái Én, làng Tường Khánh, tổng Hưng Thượng, huyện Kiến Hưng, trấn Định Tường nay là phường Khánh Hậu, thành phố Tân An, tỉnh Long An. Ông sinh ra trong một gia đình có truyền thống 3 đời võ nghiệp, nên có cốt cách làm tướng từ nhỏ, sức khỏe, thần thái cũng hơn người. Năm 1780, ông theo phò chúa Nguyễn Ánh lập nhiều công lớn nên được ban họ vua. Nhiều lần Nguyễn Ánh bị quân Tây Sơn đánh thua, ông vẫn chạy theo cứu giá, một lòng trung quân. Khi Nguyễn Ánh lên ngôi, lấy hiệu vua Gia Long, Nguyễn Huỳnh Đức được phong Quận công, rồi làm Tổng trấn Bắc thành. Sáu năm sau, ông làm Tổng trấn Gia Định cùng cai quản toàn miền Nam. Tương truyền dân gian và sử sách ghi lại, ông là người trung cang, nghĩa khí, võ nghệ cao cường, mọi người đều gọi ông là “Hổ tướng”. Ngày mồng 9 tháng chín năm Kỷ Mão (1819), ông mất và an táng tại quê nhà.

Lăng nhìn chính hướng nam, mặt bằng kiến trúc hình chữ nhật, thuộc loại hình đơn táng, chiều rộng 8,7 m, chiều dài 12 m. Án ngữ ở lối vào mộ phía bắc là bình phong từ đá ong cao 3m, có đắp nổi hoa văn mai – lộc. Đường thần đạo dài 17 m dẫn từ bình phong đến phần chính của mộ.

Kết cấu kiến trúc từ ngoài vào trong gồm: cửa lăng, bình phong tiền, sân tế, bia mộ, nấm mộ và bình phong hậu. Bao quanh là lớp tường thành kết hợp các trụ biểu búp sen. Xung quanh mộ là những cây sứ cổ thụ tỏa hương ngào ngạt tạo nên vẻ thâm nghiêm cho nơi an nghĩ của một đại thần khai quốc.

3. Bảo tàng Long An

Bảo tàng Long An tọa lạc tại phường 4, thị xã Tân An. Được trưng dụng từ một công trình kiến trúc cổ hình thành từ đầu thế kỷ XX, Bảo tàng Long An được thành lập năm 1985, với diện tích trưng bày 2000m2, trưng bày nhiều hiện vật, tác phẩm nghệ thuật dân gian và đương đại…có giá trị lớn lao về lịch sử và văn hóa nhằm giới thiệu các nội dung về lịch sử tự nhiên và lịch sử xã hội, một địa chỉ quan trọng cho khách tham quan khi muốn tìm hiểu, nghiên cứu về lịch sử - văn hóa của tỉnh Long An.

Long An trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ: Phản ánh cuộc đấu tranh gian khổ, khốc liệt nhưng rất đỗi hào hùng và truyền thống “Trung dũng, kiên cường, toàn dân đánh giặc” của quân – dân Long An trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước qua hệ thống hình ảnh, tài liệu khoa học, đặc biệt là những hiện vật gốc mang đậm dấu ấn địa phương. Gian phòng còn trưng bày lá cờ Long An, hình ảnh tiêu biểu của các Mẹ Việt Nam Anh hùng, những Anh hùng Lực lượng vũ trang trên đất Long An, những thành tích của quân và dân Long An đạt được trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ.

Mỹ thuật truyền thống: Trưng bày các sản phẩm gỗ điêu khắc độc đáo, tinh xảo của các nghệ nhân chế tác cùng các hiện vật trong bộ sưu tập tượng Phật, bộ sưu tập gốm dân dụng cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX.

Mỹ thuật kháng chiến: Là phòng giới thiệu những tác phẩm đề tài kháng chiến do các họa sĩ trực tiếp tham gia kháng chiến thể hiện trên nhiều chất liệu phong phú, phản ánh nhiều khía cạnh trong cuộc chiến tranh giành độc lập dân tộc của quân và dân Long An.

Bảo tàng Long An là điểm đến lý tưởng cho những ai muốn tìm hiểu về văn hóa, lịch sử, yêu thích sưu tầm, nghiên cứu những giá trị cổ xưa. Thay cho những bài học lịch sử khô khan, được xem, nghe thuyết minh về từng hiện vật, chúng ta cảm nhận được trọn vẹn hơn, cảm xúc hơn để từ đó càng trân quý cuộc sống ấm no, hạnh phúc hôm nay.

4. Chùa Diêu Quang

Chùa Diêu Quang là một ngôi chùa Phật giáo phát triển (Phật giáo Bắc tông, Phật giáo đại thừa) nằm trên đường Lương Văn Chấn, thuộc phường Khánh Hậu, thành phố Tân An, tỉnh Long An. Trước cổng chùa là một cây trôm cổ thụ tỏa bóng mát, nên chùa con được người dân trong vùng quen gọi là chùa Cây Trôm.

Du lịch Long An đến vãn cảnh chùa Diêu Quang, khách tham quan sẽ ấn tượng ngay với cây trôm cổ thụ ở trước chùa rất thiêng liêng với người dân sở tại. Cây cao hơn 30m, chu vi gốc khoảng 6m, phần ngọn có đường kính 32,5m, bộ rễ của cây tỏa đều và nổi lên, có rễ cao hơn mặt đất từ 0,5-0,6m và có nhiều u cao to, hình thù cổ quái, ấn tượng.

Năm 2016, cây trôm mõ là cây đầu tiên trên địa bàn tỉnh Long An được công nhận cây di sản Việt Nam. Lúc sinh thời, cố nhà văn, nhà Nam Bộ học Sơn Nam có đến Khánh Hậu khảo cứu cây Trôm để xác định tuổi của cây. Nhà văn Sơn Nam cho rằng, năm 1731 khi dòng họ Tiền quân Kiến xương Quận công Nguyễn Huỳnh Đức đến sinh cơ lập nghiệp tại giồng Cai Yến xưa (nay là phường Khánh Hậu) thì đã có cây Trôm này, ước tính lúc đó cây đã hơn 50 tuổi. Như vậy tính đến nay “lão cây Trôm” đã 350 năm tuổi.

Tuy nhiên, năm 2002 có 2 đoàn cán bộ khoa học của Nhật Bản và Viện KHXH TP. HCM đến Khánh Hậu nghiên cứu đề tài “Làng xã Nam Bộ, trường hợp xã Khánh Hậu, tỉnh Long An” đã rất kinh ngạc trước sự hiện diện của cây Trôm cổ thụ. Giáo sư Tiến sĩ Sakurai Yumio của Nhật đã dùng khoan tay khoan vào thân cây Trôm để lấy dăm gỗ làm xét nghiệm tính tuổi cây. Theo kết quả xét nghiệm của vị giáo sư này cho thấy “lão cây Trôm” Khánh Hậu có tuổi đời từ 450 – 500 năm.

Vậy có thể nói, cây Trôm Khánh Hậu là chứng tích sống của rừng nguyên sinh lâu đời ở đó, trước khi vùng đất giồng Cai Yến được người Việt đến khẩn hoang, lập làng. Khi còn là rừng thì có nhiều động vật hoang dã và thú dữ. Bằng chứng ở đây vẫn còn ngôi mộ – dân gian gọi “mả Cọp” – tương truyền là nơi chôn cất những phần xác của nạn nhân bị cọp vồ ăn thịt còn sót lại.

Nhà chùa, Phật tử và người dân trong phường rất yêu quý cây trôm cổ thụ, hễ cây có bất kỳ sự thay đổi nào thì mọi người đều rất lo lắng. Hồi năm 2013 cây Trôm bị sét đánh trúng phần ngọn của cây làm tróc một mảng vỏ và cháy sém một nhánh cây lớn. Lúc đó mọi người rất lo lắng, sợ cây Trôm sẽ chết, bởi trước đó trong chùa có 1 cây sao rất lớn bị sét đánh chết. Nhưng thật kỳ diệu, cây trôm chỉ chết khô 1 nhánh, phần còn lại của cây vẫn sống tươi tốt cho đến nay. Từ lâu, người dân ở đây bảo nhau không được lấy mủ Trôm vì sợ ảnh hưởng sức khỏe của cây, dù mủ Trôm là dược liệu quý.

5. Chùa Tôn Thạnh

Chùa Tôn Thạnh tọa lạc tại ấp Thanh Ba, xã Mỹ Lộc, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An. Ngôi chùa có lịch sử hơn 200 năm tuổi, là nơi Nguyễn Đình Chiểu, một nhà thơ lớn, một chí sĩ yêu nước của dân tộc Việt Nam từ năm 1859 – 1861 đã sống và sáng tác bài văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc nổi tiếng.

Giá trị nhất là pho tượng Địa Tạng Vương Bồ tát cao 110 cm, đúc bằng đồng. Tương truyền pho tượng này được đúc tới hai lần. Lần đầu đúc xong thì phát hiện phía sau còn có một khe nứt nên khi đúc lần sau, thiền sư Viên Ngộ đã chặt một ngón tay cho vào nồi nấu đồng và lần đúc này đã thành công viên mãn.

So với nhiều chùa khác ở Nam Bộ, Tôn Thạnh không phải là ngôi chùa cổ nhất, cũng không phải là ngôi chùa có kiến trúc bề thế, nghệ thuật. Song nơi đây từ năm 1859 đến 1862, nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu đến ở đất Thanh Ba, lấy chùa Tôn Thạnh làm nơi dạy học, làm thơ, bốc thuốc trị bệnh và tham mưu cho nghĩa quân chống Pháp. Và cũng chính tại ngôi chùa này, ông đã sáng tác bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc. Trong áng văn bất hủ, có đoạn viết: “Chùa Tôn Thạnh năm canh ưng đóng lạnh, tấm lòng son để lại ánh trăng rằm/Đồn Lang Sa một khắc đặng trả hờn, tủi phận bạc trôi theo dòng nước đổ.”, đồng thời hoàn thành thi phẩm nổi tiếng: Lục Vân Tiên.

Hiện trong khuôn viên chùa có tấm bia kỷ niệm nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu, dựng năm 1973. Tấm thứ 2 vừa được dựng lên vào tháng 6-1998 ca ngợi công đức của Cụ Đồ Chiểu và kỷ niệm ngày chùa được công nhận là Di tích lịch sử – văn hóa cấp Quốc gia vào ngày 27 tháng 11 năm 1997.

Trong khung cảnh thanh bình, yên ả, đứng trước tấm bia ca ngợi công đức của cụ Đồ Chiểu trong khuôn viên chùa, bồi hồi đọc lại những dòng chữ, câu từ của Áng Văn tế bi hùng thuở trước, ta lại càng thấy tự hào và biết ơn bao anh hùng nghĩa sĩ đã hy sinh bảo vệ non sông.

Du lịch Long An, đến chùa Tôn Thạnh ghé thăm một danh lam của đất Gia Định xưa, thắp nén tâm hương trước bảo tháp của Thiền sư Viên Ngộ và tưởng nhớ nhà chí sĩ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu ngày nào đã từng ở tại chùa Tôn Thạnh viết nên những áng thơ, văn tuyệt tác để lại cho đời càng làm chuyến đi thêm phần ý nghĩa.

Qua bài viết trên, chúng ta đã cùng nhau khám phá và tìm hiểu về các công trình kiến trúc độc đáo tại tỉnh Long An. Hy vọng với những gì Vigotrip chia sẻ sẽ có thể giúp cho bạn hiểu rõ hơn về những giá trị lịch sử và văn hóa đã tồn tại hàng trăm năm nay tại Long An. Hãy luôn theo dõi Vigotrip để đọc thêm nhiều bài viết hữu ích khác nhé.