Mô tả
Vài nét về Bản Ngòi Tu
Bản Ngòi Tu là một bản nhỏ thuộc xã Vũ Linh, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái. Đây là nơi sinh sống của nhiều đồng bào dân tộc như: Dao, Cao Lan, Nùng, nhưng đông đảo hơn cả là người Dao trắng. Chính vì thế mà Ngòi Tu là nơi tổng hòa rất nhiều giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc khác nhau.
Bên cạnh những giá trị văn hóa to lớn, Bản Ngòi Tu còn thu hút khách du lịch nhờ vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ, mộc mạc mà không kém phần nên thơ, trữ tình. Ngoài ra, khi đến với Ngòi Tu, bạn còn được thưởng thức rất nhiều đặc sản độc đáo, đặc trưng của các dân tộc khác nhau.
Thời điểm nào tốt nhất để khám phá làng văn hóa Ngòi Tu?
Khí hậu tại làng văn hóa Ngòi Tu rất đặc trưng, mùa đông thì lạnh, mùa hè lại rất thoáng mát và dễ chịu. Do đó, du khách có thể tới du lịch mùa nào cũng đẹp, mùa nào cũng có nét độc đáo riêng
Làng văn hóa Ngòi Tu với cảnh sắc thiên nhiên bình yên và tĩnh lặng cùng với những cánh đồng lúa xanh non mơn mởn đang thì con gái đua nhau khoe sắc. Mùi hương thơm phảng phất của cây cỏ hoa lá tại Ngòi Tu khiến cho bất cứ ai khi tới du lịch nơi đây cũng cảm thấy si mê và say đắm lòng.
Xa xa là những hàng cọ xum xuê tỏa bóng mát. Tất cả đều góp phần tạo nên làng văn hóa Ngòi Tu đẹp tựa như một bức tranh chân quê mang đậm nét đẹp văn hóa truyền thống của Việt Nam.
Cách di chuyển tới làng văn hóa Ngòi Tu
Ngòi Tu được thiên nhiên ban tặng cảnh quan đặc sắc kết hợp cùng những giá trị văn hóa lâu đời của đồng bào nơi đây đã tạo nên một nét hấp dẫn rất riêng biệt. Với những lợi thế ấy, Ngòi Tu đã và đang được đầu tư phát triển du lịch cộng đồng. Đến Ngòi Tu, du khách có thể đi bằng ô tô, xe máy theo đường Đông Hồ.
Xuất phát từ Hà Nội đến làng văn hóa Ngòi Tu
Tuyến đường 1: Từ Hà Nội qua cầu Nhật Tân đi lên phía Bắc, đến nút giao với quốc lộ 18 và Quốc lộ 2A, đi theo QL 2A đến thị xã Phúc Yên, Chuyển hướng sang đường Nguyễn Tất Thành đi theo đường DT310, sang đường QL2C đến Tp. Tuyên Quang.
Tiếp đó đi theo QL 37 hướng sang địa phận tỉnh Yên Bái, khi đến chợ Mỹ Bằng rẽ phải hướng về đường 170 đi tiếp đến Xã Vũ Linh – Yên Bình – Yên Bái, tại đây bạn có thể hỏi đường đến làng Ngòi Tu để được chỉ dẫn cụ thể nhất. Tổng quãng đường khoảng 165 km, phải chuyển hướng đường đi khá nhiều, cần phải nhớ rõ các tuyến đường sẽ đi và địa điểm cụ thể.
Tuyến đường 2: Từ Hà Nội đi theo đường QL 32, đến địa phận Cổ Tiết – Phú Thọ chuyến sang đường Hồ Chí Minh đi theo hướng Tuyên Quang. Sau khi đi qua thị xã Phú Thọ chuyển sang đường QL 2 đi tiếp theo hướng Tuyên Quang.
Đến địa phận huyện Đoan Hùng, sau khi qua cầu bắc qua sông Chảy, rẽ trái đi tiếp đến chợ Mỹ Bằng rẽ trái đi vào QL 37. Theo QL 37 khoảng 100m rẽ phải đi hướng về đường 170. Theo đường 170 về phía Bắc bạn sẽ đến Xã Vũ linh và điểm đến làng Ngòi Tu. Tổng quãng đường khoảng hơn 150km, phải chuyển hướng đi khá ít.
Xuất từ trung tâm huyện Yên Bình đến làng văn hóa Ngòi Tu
Ô tô – xe máy: Từ Trung tâm huyện Yên Bình, đi theo Quốc Lộ 37/ Quốc Lộ 70 về hướng Hà Nội, đến Hạt Kiểm Lâm Km14 thì rẽ trái, đi khoảng 20 km đến Thị trấn Thác Bà. Đi theo đường Tỉnh lộ 170 khoảng 12 km sẽ đến Trung tâm xã Vũ Linh. Đi tiếp theo đường 170 về hướng Bắc khoảng 3km, rẽ trái tiếp khoảng 1km sẽ đến Bản Ngòi Tu.
Đi đường thủy: Từ trung tâm huyện Yên Bình, đi theo đường QL37/QL70 đến ngã tư Cảng Hương Lý Km 14, rẽ trái đi khoảng 3,5 km đến Cảng Hương Lý.
Sau đó, di chuyển bằng thuyền tới Ngòi Tu. Trung bình sẽ mất khoảng 50 phút để di chuyển tới đây nếu đi bằng thuyền. Tuy lâu hơn so với các phương tiện khác nhưng đi bằng thuyền tới đây cũng có cái hay riêng. Du khách sẽ được thưởng ngoạn một phần cảnh sắc hồ Thác Bà vốn được ví như một Hạ Long trên cạn, được hòa mình vào thiên nhiên hùng vĩ.
Đắm chìm trong không gian lãng mạn của Bản văn hóa Ngòi Tu
Phong cảnh tuyệt vời của Bản văn hóa Ngòi Tu
Ban đầu Ngòi Tu chỉ là một bản nhỏ của Yên Bái nhưng chính vì vẻ đẹp của mình, Ngòi Tu càng ngày càng thu hút nhiều khách du lịch. Nắm bắt xu thế đó, chính quyền Yên Bái đã phát triển nơi đây thành một bản văn hóa nhưng vẫn giữ trọn vẹn những gì mộc mạc và đặc trưng nhất nơi đây. Bản Ngòi Tu có địa hình chia thành hai phần chính là phần đất liền và phần tiếp giáp với mặt hồ.
Đi dọc phần đất liền, bạn mới cảm nhận hết không khí trong trẻo của núi rừng Yên Bái. Ngôi làng nhỏ như được những dải núi hùng vĩ của Yên Bái ôm ấp và che chở. Xa xa là những ngôi nhà của đồng bào dân tộc đang nghi ngút khói tạo ra một cảm giác vừa bình yên vừa ấm cúng. Đây là sự tổng hòa nét hùng vĩ của thiên nhiên và sự mộc mạc, giản dị của con người vùng cao. Đứng trên ngôi nhà sàn, phóng tầm mắt ra xa, bạn có thể bắt trọn một Vũ Linh, Yên Bái rất khác, tràn đầy sức sống với những cánh đồng lúa xanh mơn mởn.
Nếu nhắc Ngòi Tu mà bỏ qua khung cảnh Hồ Thác Bà thì quả thật đáng tiếc. Mặt hồ Thác Bà ghi dấu ấn trong lòng khách tham quan nhờ không gian yên ả trong vắt không một gợn sóng, tựa như bức tranh thủy mặc tách biệt khỏi cuộc sống hiện đại. Trên nền bức tranh tĩnh lặng ấy là những chiếc thuyền nan đang lững lờ trôi.
Nếu có dịp đến đây, bạn nhất định phải thử cảm giác ngồi trên thuyền đi dọc hồ Thác Bà. Đây chính cơ hội để bạn thu gọn vẻ đẹp Ngòi Tu qua một góc nhìn rất khác nhưng vẫn rất thơ mộng, trữ tình.
Đi dạo dọc những con đường ven hồ, bạn có thể bắt gặp những em bé người Dao trắng đang tung tăng nô đùa hay những nam thanh nữ tú chơi các trò chơi truyền thống. Nếu có hứng thú, bạn có thể xin tham gia để tạo cho mình một trải nghiệm mới lạ tại Ngòi Tu. Đừng lo lắng, những người dân bản địa ở đây rất thân thiện và sẵn lòng hướng dẫn bạn để cùng tham gia vào những trò chơi hấp dẫn này.
Giá trị văn hóa truyền thống
Bản Ngòi Tu là nơi tập trung nhiều giá trị văn hóa truyền thống, thể hiện qua các loại mặt hàng thủ công truyền thống như: những món đồ trang sức bằng bạc được chạm khắc tỉ mỉ hay những đều thêu đầy tinh tế và các loại hoa văn được in bằng sáp ong trên vải. Nhắc tới bản sắc văn hóa vùng cao là nhắc tới vô số các lễ hội lớn nhỏ khác nhau với rất nhiều làn điệu dân ca, dân vũ. Các điệu hát giao duyên, múa khèn, múa gậy là điểm sống động tạo linh hồn cho các lễ hội hay việc cưới hỏi nơi đây.
Bên cạnh đó, các trò chơi dân gian là cách để người dân trong bản được thêm đoàn kết và gắn bó với nhau. Các trò chơi tuy quen thuộc như: đẩy gậy, đi cà kheo hay đánh yến nhưng lại có sức thu hút mạnh mẽ với người dân bản địa và các bạn trẻ đến đây tham quan.
Ngoài ra, khi đến đây bạn còn được tận mắt nhìn ngắm những ngôi nhà sàn ba gian của người Dao trắng. Những ngôi nhà này đặc biệt ở chỗ nó được làm từ những cấu trúc rời nhau, được gác lên nhau để tạo độ gắn kết chứ không dùng các nguyên liệu hiện đại như đinh hay xi măng. Nếu để ý kỹ, bạn sẽ nhận ra rằng nhà chỉ có duy nhất một cầu thang lên xuống với số bậc thang là số lẻ.
Có thể nói ẩm thực là cách thể hiện nếp sống cũng như văn hóa của một vùng đất một cách giản dị và gần gũi nhất. Ẩm thực của Bản Ngòi Tu ghi dấu ấn nhờ cơm lam, thịt nướng, Trứng kiến Yên Bái, rượu sắn và rượu gạo. Mỗi món ăn đều có những hương vị khác nhau khiến bạn không khỏi thích thú và nhớ nhung.
Tham quan Bản văn hóa Ngòi Tu cần lưu ý những gì?
- Mang đặc trưng của thời tiết vùng hồ, tuy mùa hè Ngòi Tu khá mát mẻ nhưng nhất định bạn phải cẩn thận với cái nắng của vùng núi Yên Bái. Nhất định phải chuẩn bị kem chống nắng và mũ để bảo vệ làn da của bản thân nhé!
- Đôi khi Ngòi Tu cũng có khá nhiều muỗi nên nhớ đem theo kem chống muỗi sẽ giúp bạn có thể thoải mái trải nghiệm tại nơi đây.
- Mùa đông của Ngòi Tu khá lạnh nên hãy chuẩn bị áo khoác và thiết bị giữ ấm nhé!
Địa danh liên quan
Danh sách khách sạn
Đánh giá của khách hàng
Đánh giá của bạn
Địa chỉ email của bạn sẽ không được hiển thị.