Đền Mẫu Đông Cuông

Xã Đông Cuông, Huyện Văn Yên, Yên Bái

Đền Mẫu Đông Cuông

Mô tả

Đền Mẫu Đông Cuông là một trong hai ngôi đền lớn nằm ở thượng lưu sông Hồng, ngôi đền linh thiêng nãy đã tồn tại từ lâu đời, với vị trí tọa lạc tại xã Đông Cuông, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, ngôi đền đã trở thành điểm du lịch tâm linh được rất nhiều du khách trong và ngoái nước tới lễ bái quanh năm. Nơi đây cũng là cái nôi cho tín ngưỡng thờ Mẫu, góp phần tạo nên văn hóa riêng biệt của mảnh đất Tây Bắc.

 

Đền Mẫu Đông Cuông ở đâu?

Đền Mẫu Đông Cuông còn được người dân địa phương gọi với những tên khác như Đền Đông, Đền Đông Cuông, Đền Chầu Đệ Nhị Thượng Ngàn, Đông Quang linh từ… Đền thuộc địa phận thôn Bến Đền, xã Đông Cuông, huyện Văn Yên, cách trung tâm thành phố Yên Bái khoảng 55 km về phía Tây Bắc.

Đền có vị thế phong thủy rất đẹp khi được xây ở nơi phong cảnh sơn thuỷ hữu tình, có núi có sông, âm dương hòa hợp. Nơi đây cùng Đền Suối Tiên là 2 ngôi đền có diện tích lớn và nổi tiếng với sự linh thiêng lâu đời của Yên Bái. Đền thờ chính Mẫu Đệ Nhị Thượng ngàn đại diện cho tục thờ Mẫu Tam Phủ của người Việt Nam, còn có Chầu Đệ Nhị cùng những vị thần vệ quốc.

Sự tích Đền Mẫu Đông Cuông

Ở đền Đông Cuông, hình tượng Mẫu Thượng ngàn cai quản 81 cửa rừng có sự pha trộn, chồng lớp bởi rất nhiều truyền thuyết ở các thời đại khác nhau. Theo truyền tụng, đây vốn là một ngôi miếu nhỏ thờ thần núi, thần rừng. Ngôi miếu này trở thành đình vào thời Lê và đến triều Nguyễn thì đổi thành đền.

Theo ghi chép của Lê Quý Đôn trong “Kiến văn tiểu lục”, ngôi miếu này thờ Đông Quang công chúa nổi tiếng anh linh, giúp dân lập bản lập mường, dạy dân bách nghệ, chữa bệnh, cứu đói. Vào đời vua Lê Thái Tổ đã phong bà là Lê Mại Đại Vương, sau khi bà phù hộ cho vua Lê đánh tan giặc. Đền Đông Cuông còn có tên là đền Thần Vệ quốc theo sắc phong của triều đình Nguyễn.

Ở đền Đông Cuông, Mẫu Thượng ngàn là bậc anh linh, quyền cao tối thượng nhưng gần gũi, bình dị trong đời sống tâm linh của người dân. Ngoài thờ Mẫu Đệ nhị Thượng ngàn, Đền Đông Cuông còn thờ thần Vệ quốc – các vị thần người bản địa có công trong kháng chiến chống giặc Mông – Nguyên như: Hà Đặc, Hà Chương, Hà Bổng…là những người từng lãnh đạo nhân dân nơi đây chống giặc Mông – Nguyên, bị tử trận.

Đền Đông Cuông thờ Mẫu Thượng Ngàn

Đền Đông Cuông được nhiều nhà nghiên cứu văn hóa dân gian nhận định là vùng khởi nguồn của Mẫu Thượng ngàn trong hệ thống thờ Mẫu của người Việt. Và có vị trí cực kỳ quan trọng trong hệ thống thờ đạo Mẫu, được coi là cội nguồn của Mẫu Thượng Ngàn. Hàng năm, cứ xuân thu nhị kỳ, vào đầu năm bắt đầu từ tháng Giêng đến tháng 3 âm lịch và cuối năm vào từ tháng 8 đến hết tháng 12 âm lịch, các thanh đồng trên mọi miền đất nước thường về Đền Đông Cuông để lễ Mẫu và “bắc ghế hầu Thánh”. Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ nói chung và thờ Mẫu Thượng ngàn nói riêng trong sinh hoạt tín ngưỡng dân gian đã xuất hiện từ lâu đời ở Văn Yên, tồn tại và có sức sống lâu bền trong nhân dân, nhất là khi “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Những năm gần đây, Đền Đông Cuông là điểm nhấn tâm linh tín ngưỡng của đông đảo nhân dân và du khách thập phương trong hành trình du lịch văn hóa tâm linh, nhớ về nguồn cội. Mỗi năm có tới hàng trăm ngàn lượt du khách từ khắp các tỉnh, thành trong nước hành hương tìm về đền Mẫu Đệ Nhị Thượng ngàn dâng hương kính Mẫu, vãn cảnh đền và cầu nguyện cho quốc thái dân an, cầu lộc, cầu tài, cầu bình an trong cuộc sống.

Kiến trúc của Đền Mẫu Đông Cuông

Đền Đông Cuông đã được xây dựng trên một địa thế khá rộng rãi và đẹp. Ngôi đền sở hữu vị trí tọa sát bên đôi bờ sông hồng, xung quanh đền là đồng ruộng và núi rừng xanh tươi bao bọc, không giống những ngôi đền khác trường tồn giữa chốn phồn hoa, cửa nhà san sát mà Đền Đông Cuông đã được người xưa lựa chọn phương cắm hướng ngay cấp sa bồi của thế đất vùng “Thượng lưu châu thổ sông Hồng”. Đây chính là thế đất binh sự - phên dậu nhưng cũng không xa lìa thế nhân, chốn này tĩnh tại, yên bình nhưng không hề âm u hiu quạnh. Vì vậy ngôi đền Đông Cuông ấy mãi mãi sáng trong như tên gọi “Đông Quang” mà cổ nhân đã đặt. Nhìn từ xa dưới bóng dáng cây Đa gần nghìn tuổi là ngôi đền tuy cổ mà không cũ, được trùng tu tôn tạo lại tuy có nét hiện đại nhưng vẫn mang tính dân tộc cao.

Về kết cấu kiến trúc: Dân tộc Tày Khao gọi nơi đây là đình Đông Cuông với chức năng chính là dùng để thờ Mẫu và vị Đại Vương, người Tày cho rằng Thành hoàng làng là chính, không kiêm nhiệm nhiều chức năng khác và ngôi đền cũng không tập trung thể hiện mỹ thuật không được trang hoàng lộng lẫy, nguy nga mà chỉ điểm tô bởi những vân mây, sóng nước, điểm xuyến đôi hình hoa lá hoa dây tuy đơn giản nhưng rất mềm mại và không kém phần tinh tế. Như đã nói ở bên trên, Đền Mẫu Đuông Cuông có kết cấu hình chữ đinh gồm hai tòa đại bái và hậu cung cấm.

a) Tòa đại bái:

Trước sự quan tâm của chính quyền địa phương và toàn thể nhân dân. Tòa đại bái mới hiện nay đã được xây dựng trên nền móng cũ và mất khoảng 7 năm để hoàn thành gồm 3 gian 2 trái làm kiểu quá giang gối đầu sở hữu những bức tường cao 5m, nền đền lát gạch hoa, mái giằng hoành gỗ, cột xi măng giả gỗ lõi bằng cốt thép, toàn mái được lợp bằng loại ngói vẩy Hương Canh… vôi ve màu sắc nhã nhặn, có diện tích sử dụng 270,5m2, Tam quan cửa thoáng - 10 cửa sổ 02 cửa hậu.

b) Tòa hậu cung cấm:

Gồm một gian trên thượng cung, sàn cách mặt nền 1,80m, đây chính là nơi được đặt hai pho tượng, tượng Mẫu và tượng cao quan Đại Vương người Tày Khao, người dân địa phương còn gọi là Quang Hoàng Báo, được nối liền với gian giữa của tòa đại bái có tổng diện tích khoảng 42m2 dựng kiểu mái xiên đổ xi măng lợp ngói mũi hài Hương Canh - chịu lực ở tường.

Qua bố trí kết cấu khung và ở tòa cung cấm là dạng đình ở trên mang dáng dấp kiến trúc của thời Nguyễn với lối sử dụng cổ truyền có hiệu quả. Đây là nét điển hình đặc trưng nghệ thuật kiến trúc cổ dân gian mà tới hôm nay dù việc xây dựng, tôn tạo lại ngôi chùa tuy có sử dụng công nghệ kỹ thuật hiện đại thì vẫn kèm theo ứng dụng kiểu hệ thống cổ truyền này, chỉ có điều được biến dạng vị trí đi và gọi với một tên gọi khác “con sơn” mà ta vẫn thường bắt gặp.

Mái của ngôi đền được thiết kế cong hình lưỡng long chầu nhật kiểu truyền thống. Các cột trụ bên trong đền được làm bằng gỗ tứ thiết được sơn son thếp vàng hình rồng uốn lượn trông rất trang nghiêm. Nhiều vị trí trong đền được các nghệ nhân chạm khắc tỉ mỉ, tinh xảo như hình tứ linh và hoa lá, mang nhiều giá trị về nghệ thuật. Khuôn viên của đền rộng rãi, thoáng đãng với những hàng cây xanh sum xuê toả bóng mát. Điểm xuyết xung quanh ngôi đền là những vạt rừng đào, rừng mận vào mùa hoa nở rộ rất rực rỡ, thơ mộng. Mặt Đền Mẫu Đông Cuông quay về hướng Nam. Địa thế tụa núi nhìn sông, non nước hữu tình và  cảnh sắc thiên nhiên sinh động tuyệt đẹp như một bức tranh thủy mặc.

Nên đi lễ Đền Mẫu Đông Cuông vào thời gian nào?

Hàng năm, ngoài tuần rằm mùng một, tại đền Đông Cuông còn tổ chức lễ hội mổ trâu tế Mẫu, được bắt đầu diễn ra vào thời khắc đầu tiên của ngày mão đầu năm. Tiếp sau lễ mổ trâu chính là lễ rước Mẫu sang sông, đây là một trong những nghi lễ chính và quan trọng của lễ hội Đền Đông Cuông. Tượng Mẫu sẽ được người dân rước quay về đền vào đúng 10 giờ và đây cũng là lúc để mọi người bắt đầu lễ dâng hương tế Mẫu. Vào thời khắc này, hàng ngàn tín đồ, du khách khắp nơi và nhân dân địa phương lần lượt cùng nhau dâng hương bái lễ, cầu nguyện mong ước những điều may mắn, bình an sẽ đến với gia đình, người thân, bạn bè trong cả năm.

Sau phần lễ này chính là phần hội, phần hội cũng được rất nhiều người mong chờ bởi khi ấy các hoạt động thi đấu thể thao, trò chơi dân gian như: kéo co, đẩy dậy và các hình thức sinh hoạt mang đậm chất dân gian được diễn ra vô cùng sôi động, thu hút nhiều người tham gia tranh tài hoặc đơn giản chỉ để hòa chung niềm vui vào bầu không khí của lễ hội.

Trong Di sản Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu tại đền Mẫu Đông Cuông nói riêng, và các điểm tâm linh thờ Mẫu trong cả nước nói chung có một nghi lễ hết sức đặc biệt, đó chính là nghi lễ chầu văn – hầu đồng. Đây là một nghi thức tín ngưỡng thực hành đặc trưng và độc đáo nhất của đạo Mẫu. Hàng năm, trong khoảng thời gian bắt đầu từ tháng Giêng đến tháng 3 Âm lịch và cuối năm vào từ tháng 8 đến hết tháng 12 Âm, các thanh đồng trên mọi miền đất nước thường hành hương về Đền Đông Cuông để lễ Mẫu và “bắc ghế hầu Thánh”.

Kinh nghiệm di chuyển tới Đền Mẫu Đông Cuông

Để di chuyển đến Đền Đông Cuông du khách vừa có thể lựa chọn đi bằng phương tiện công cộng hoặc tự di chuyển bằng các loại phương tiện di chuyển cá nhân. 

Cách di chuyển bằng các phương tiện công cộng

Di chuyển bằng xe khách: Du khách hãy ra những bến xe như Mỹ Đình hoặc Giáp Bát tại Hà Nội để đặt mua vé xe khách đến Văn Yên, Yên Bái. Xe sẽ trả khách tại bến xe Mậu A tại Văn Yên, khi này du khách phải tiếp tục bắt xe taxi hoặc xe ôm để đi đến Đền Đông Cuông nằm cách đó khoảng 14km. Chặng đường này khá xa xôi và cũng khá tốn sức, du khách nên đặt dịch vụ xe đưa đón tận nơi sẽ thuận tiện hơn. Thời gian để di chuyển sẽ mất khoảng 3h30’.

Di chuyển bằng tàu hỏa: Tại các bến tàu lửa tại Hà Nội, du khách hãy mua vé chặng Hà Nội – Ga Mậu A. Sau khi xuống tàu,du khách cũng cần phải bắt xe tới Đền Đông Cuông cách đó khoảng 14km. Thời gian di chuyển bằng cách này mất khoảng 5h đồng hồ.

Cách di chuyển phương tiện cá nhân

Nếu đi bằng ô tô, Du khách sẽ đi khỏi Hà Nội bằng đường Cầu Nhật Tân vào làn đường cao tốc Hà Nội – Lào Cai (chặng đường này sẽ có mất phí cầu đường). Tại nút giao 14 đi về phía bên phải thì rẽ khỏi đường cao tốc vào ĐT 166. Đi theo ĐT 163 các biển chỉ dẫn đến Đền Đông Cuông. Thời gian di chuyển mất khoảng 3 tiếng với đoạn đường dài 193km. Đây được xem là quãng đường tối ưu nhất, tiết kiệm thời gian nhất.

Nếu du khách đang tìm kiếm một quãng đường không có trạm thu phí hoặc muốn đi đến Đền Đông Cuông bằng xe máy thì du khách cũng rời Hà Nội bằng đường cầu Nhật Tân. Đi tiếp vào QL5 sang Mê Linh, sau đó rẽ vào trục chính đô thị Mê Linh. Du khách đi tiếp QL2A. Đi theo QL2 đến Nguyệt Cư tại Sông Lô, Thành phố Việt Trì. Lúc này du khách hãy đi theo Đường Lạc Long Quân đến Cầu Phong Châu/QL32C tại Hợp Hải. Đi dọc theo QL32C đến Giới Phiên, Thành phố Yên Bái. Đi theo ĐT 163 đến đền Đông Cuông. Lộ trình này dài tới 215Km, thời gian di chuyển của cả quãng đường mất khoảng 3 tiếng với ô tô và gần 4 tiếng với xe máy.

Lễ hội Đền Mẫu Đông Cuông

Lễ hội đền Mẫu Đông Cuông là lễ hội văn hóa tâm linh, ẩn chứa nhiều nét văn hóa độc đáo và cổ kính. Hàng năm, cứ mỗi dịp Tết đến xuân về, lễ hội Đền Đông Cuông lại được tổ chức vào ngày Mão đầu tiên của năm mới với phần lễ được tổ chức tại đền Mẫu đúng với nghi thức truyền thống như: đón ông Mo về đền, lễ mổ trâu trắng tế thần, lễ rước kiệu Mẫu sang sông, lễ dâng hương. Phần hội đa dạng, phong phú và mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc như đẩy gậy, kéo co, vật dân tộc, ném còn, đu tiên, đua thuyền…Bên cạnh đó, du khách thập phương đến hành hương, chiêm bái trong dịp này còn được tham gia các hoạt động trong phần hội như: thi đấu các môn thể thao dân tộc, các trò chơi dân gian, biểu diễn nghệ thuật quần chúng, trình diễn trang phục dân tộc, xe thư viện lưu động và tham quan mua sắm tại các gian hàng chợ quê và tham quan gian trưng bày báo xuân của Hội Nhà Báo tỉnh Yên Bái.

Ngoài lễ hội đầu năm, Đền Đông Cuông còn tổ chức 1 lễ hội cơm mới vào tháng 9 âm lịch với chương trình của Festival thực hành tín ngưỡng đạo Mẫu; trình diễn trang phục thực hành tín ngưỡng đạo Mẫu; rước nước thiêng ở sông Hồng; triển lãm, trưng bày tranh, ảnh, thực hành nghi lễ thờ Mẫu. Giới thiệu, quảng bá về hình ảnh, con người, sản phẩm quế Văn Yên đến với du khách thập phương trong và ngoài nước như: hội chợ giới thiệu các sản phẩm quế; giới thiệu về trang phục, ẩm thực, tín ngưỡng của các dân tộc trên địa bàn huyện.

Ý nghĩa văn hóa của Đền Mẫu Đông Cuông

Trong tâm thức của người dân nơi đây, Đền Đông Cuông, Mẫu Thượng Ngàn đã gắn liền với sông núi, hóa thân thành thần bản địa để nâng đỡ, che chở cho đồng bào các dân tộc trong vùng quanh năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, cuộc sống an lành, hạnh phúc. Trên mảnh đất linh thiêng này, mỗi dịp lễ hội chúng tôi cũng như muôn dân trăm họ từ mọi miền của Tổ quốc về đây để tỏ lòng thành kính dâng lên Mẫu Đệ Nhị Thượng Ngàn và các vị thần linh, các anh hùng, nghĩa sỹ phù hộ, chở che để muôn dân được ấm no, hạnh phúc.

Xem thêm
image

Địa danh liên quan


Đánh giá của khách hàng

0.0
Tổng
0 đánh giá
Rate
0.0 / 5.0
Hiện tại chưa có đánh giá nào cho mục này. Hãy là người đầu tiên đánh giá!

Đánh giá của bạn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được hiển thị.