Mô tả
Trong ngôi làng nhỏ bé với 120 hộ dân này, du khách tìm thấy sự yên bình từ những con người thật thà, chất phác; được đắm mình trong tiếng cồng chiêng của các đội nghệ nhân; được chiêm ngưỡng những nhạc cụ, trang phục truyền thống dưới mái nhà rông lợp tranh mát rượi; được thưởng thức những món ẩm thực truyền thống và được hòa mình trong tiếng dân ca Giẻ Triêng réo rắt…
Đâu chỉ có du khách mới ấn tượng khi đến với Đăk Răng, ngay cả bản thân chúng tôi, dù đã quá quen với mảnh đất này, nhưng sao, lần nào đến, cảm xúc vẫn nguyên vẹn như thuở ban đầu.
Bước chân vào cổng chào, trên con đường bê tông với những mái nhà san sát mọc hai bên, nhìn ra phía trước, mái nhà rông truyền thống sừng sững tạo cảm giác yên bình đến lạ. Không “tiếng suối reo như tiếng hát xa” cũng chẳng “trăng lồng cổ thụ” nhưng cảnh vật, không gian nhẹ nhàng như xua tan mọi suy nghĩ, lo toan trong cuộc sống bộn bề.
Ở Đăk Răng, đi từ đầu đến cuối làng, hầu như nhà nào cũng có khung cửi, cũng có những tấm thổ cẩm màu sắc. Bởi, dệt thổ cẩm là niềm vui của nhiều phụ nữ Giẻ Triêng nơi này. Như bà Y Ngói, Y Giỏ, Y Pleor, Y Ngân… dù lớn tuổi, mắt đã lờ mờ nhưng ngày ngày vẫn miệt mài bên khung cửi, cọc cạch dệt từng tấm thổ cẩm để may trang phục truyền thống cho các thành viên trong gia đình.
Cũng nhờ vậy mà nơi đây, hầu như người nào cũng có ít nhất 1-2 bộ đồ truyền thống. Đến ngày hội, từ già, trẻ, gái trai đều khoe mình trong những bộ thổ cẩm. Chỉ như vậy thôi, đã thấy được sự gìn giữ tinh túy trong văn hóa; du khách đến cũng cảm nhận được nét riêng biệt, sự lôi cuốn và ấn tượng.
Nhiều nét văn hóa bản địa lâu đời vẫn được gìn giữ qua nhiều năm tháng. Đó là trang phục của nam với khăn chàm đội đầu, lỗ tai xâu đeo khuyên bằng gỗ quý hoặc ngà voi, và xăm mình với nhiều nét hoa văn đơn giản, nhưng tinh tế. Hay những chiếc khổ với nhiều hoa văn truyền thống đặc sắc.
Bước từng bậc thang xuống khỏi nhà rông – nơi lưu giữ hồn làng của Đăk Răng, đôi chân vẫn cảm thấy bịn rịn. Ra khỏi làng, trong tai vẫn văng vẳng tiếng đàn ting ning, tiếng sáo trong veo, tiếng đàn t’roan do chính tay già làng Brôl Vẻ làm; vẫn cọc cạch tiếng khung cửi của các chị, các mẹ; đâu đó vọng lại tiếng cồng chiêng dội vào rừng cao su với lời mời gọi: nhớ ghé thăm làng nhé!...
Địa danh liên quan
Đánh giá của khách hàng
Đánh giá của bạn
Địa chỉ email của bạn sẽ không được hiển thị.