Miếu Bà Phi Yến Côn Đảo
Huyện Côn Đảo, Bà Rịa - Vũng Tàu
Mô tả
Miếu Bà Phi Yến ở Côn Đảo là ngôi miếu thờ duy nhất ở trên Côn Đảo và cũng là điểm đến về tâm linh thu hút du khách với không gian thanh tịnh, yên bình và vô cùng linh thiêng, trang trọng. Đặc biệt, miếu Bà Phi Yến còn là địa chỉ để cầu duyên cho sự nổi tiếng được nhiều người yêu thích và muốn đặt chân đến khi tới Côn Đảo. Miếu Bà đã được UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu quyết định đưa nơi đây vào xếp hạng di tích cấp tỉnh.
Miếu Bà Phi Yến ở Côn Đảo hay còn được biết đến là An Sơn Miếu, nơi thờ phụng bà Phi yến, tên thật là Lê Thị Răm - Thứ phi của chúa Nguyễn Phúc Ánh. Nếu có cơ hội đến với Côn Đảo, du khách hãy thử một lần đặt chân đến đây để trải nghiệm địa điểm du lịch này nhé.
1. Vị trí của Miếu bà Phi Yến ở đâu?
Miếu bà Phi Yến Côn Đảo có vị trí nằm ở ngay khu vực trung tâm thị trấn Côn Đảo, cách khoảng 2km về phía hướng Tây Nam, gần với những điểm tham quan nổi tiếng không kém khác như Bảo tàng Côn Đảo, bãi biển An Hải, bãi biển Đất Dốc v.v. An Sơn Miếu được người dân địa phương bắt đầu xây dựng vào năm 1785, đến năm 1861 do thực dân pháp chiếm đóng đảo và di rời dân cư vào đất liền nên ngôi miếu đã bị bỏ hoang. Đến năm 1958, nhân dân trên đảo đã cùng nhau bắt tay cho xây dựng lại Miếu bà Phi Yến Côn Đảo khang trang, hoành tráng hơn và hương khói thờ phụng cho đến ngày hôm nay.
2. Cách di chuyển tới miếu Bà Phi Yến ở Côn Đảo
Kinh nghiệm đi miếu Bà Phi Yến ở Côn Đảo do các du khách chia sẻ, để tới được địa điểm linh thiêng này trước tiên bạn cần tới được thị trấn Côn Đảo bằng các phương tiện như máy bay hay tàu. Cụ thể như sau:
Đối với máy bay: Với những bạn ở khu vực Hà Nội, Cần Thơ, Đà Nẵng hay Sài Gòn thì máy bay là phương tiện dễ di chuyển và tiện lợi nhất, bạn có thể đi máy bay tới cảng hàng không Côn Đảo với giá khoảng 600.000đ - 2.600.000đ/lượt.
Nếu đi tàu bạn có thể đi tàu từ Vũng Tàu hay Sóc Trăng tới Côn Đảo. Thời gian di chuyển khá lâu khoảng 3,5 - 4 tiếng đồng hồ.
Từ trung tâm thị trấn Côn Đảo tới miếu Bà Phi Yến khá gần chỉ cách 2km chừng 5-10 phút, vì vậy bạn có thể dễ dàng đi bằng xe ôm hay taxi rất thuận tiện.
3. Quy mô Miếu bà Phi Yến Côn Đảo
Miếu bà Phi Yến Côn Đảo có diện tích rộng rãi, thoáng đãng khoảng 4.200m2, được xây dựng theo hình chữ Nhất. Bên ngoài miếu là một tấm bia đá, bên trên ghi lại câu chuyện về truyền thuyết bà Phi Yến và Hoàng tử Cải - hai người đã có công rất lớn trong việc giúp đỡ cuộc sống của người dân tại Côn Đảo.
Khuôn viên tại đây trồng rất nhiều cây xanh, ngôi miếu nằm lọt thỏm giữa khu vườn xanh tốt và rậm rạp. Đặc biệt tại đây trồng rất nhiều cây thị hàng có tuổi đời lên đến cả trăm năm tuổi nên đến mùa cây ra hoa rồi kết quả là cả Miếu bà Phi Yến Côn Đảo lại đắm chìm trong những mùi hương rất nhẹ nhàng và vấn vương của loài hoa này.
Để vào miếu bạn sẽ đi qua khoảng sân được lát xi măng rộng và bằng phẳng, sau đó gặp một hồ nước hình tròn được xây cũng bằng xi măng. Giữa hồ là một hòn non bộ mô phỏng lại hình dạng hang đá nơi bà Phi Yến từng bị vua Nguyễn Ánh bắt giam cầm. Bước qua hồ là một bàn thờ quanh năm nghi ngút mùi hương khói, đối diện dựng một cột cờ treo loại cờ ngũ sắc theo quan niệm âm dương ngũ hành.
Bên ngoài chính điện của Miếu bà Phi Yến Côn Đảo đặt nhiều ghế đá để khách tham quan có nơi để dừng chân nghỉ ngơi, thư giãn. Giữa sân đặt một lư hương lớn để bạn có thể thắp nhang cầu bình an và may mắn. Kiến trúc tại đây mang đậm phong cách đền chùa truyền thống đặc trưng của Việt Nam với mái ngói và ba cổng ra vào, cổng chính giữa là một tấm hoành phi ghi ba chữ tiếng Hán, có ý nghĩa là “An Sơn Miếu”.
Bên trong chính điện đặt một bức tượng của bà Phi Yến, ngoài ra còn thờ đô đốc Ngọc Lân và các vị thần theo quan niệm Phật giáo. Kiến trúc bên trong Miếu bà Phi Yến Côn Đảo khá bình dị, đơn giản, không gian tĩnh lặng, linh thiêng với những bức hoành phi được chạm khắc tỉ mỉ, công phu quanh năm nghi ngút khói hương. Đồ lễ mỗi ngày là trái cây và hoa quả, các dịp rằm, mùng 1 đầu tháng, lễ tết thì sẽ dâng thêm các loại đồ chay chường khác.
4. Truyền thuyết về bà Phi Yến
Miếu bà Phi Yến Côn Đảo được xây dựng xuất phát từ truyền thuyết về thứ phi Hoàng Phi Yến, vợ vua Nguyễn Ánh. Tương truyền, vào năm 1783, vua Nguyễn Ánh đưa theo vợ con và binh lính tháo chạy ra Côn Đảo khi bị quân Tây Sơn truy sát. Tại đây, ông đã viết thư cầu viện quân Pháp để xin viện trợ chống trả lại quân Tây Sơn, còn có ý định gửi gắm con trai là hoàng tử Cải sang làm con tin.
Lúc này, thứ phi Phi Yến đã ngăn cản chồng vì theo suy nghĩ của bà, chuyện quân Tây Sơn chỉ là chuyện “trong nhà”, là nội chiến quốc gia, không nên nhờ đến ngoại bang can dự. Bởi vì ngay cả khi quân Pháp hỗ trợ vua Nguyễn Ánh đánh thắng quân Tây Sơn thì chiến thắng này cũng không vẻ vang, tôn trọng mà về sau còn phát sinh rất nhiều vấn đề rối rắm khó giải quyết. Thế nhưng, ý kiến này của bà đã khiến vua Nguyễn Ánh tức giận, cho rằng bà thông đồng với địch nên đã ra lệnh xử chết bà.
Tuy nhiên nhờ quan đô đốc Ngọc Lân can gián rằng hoàng tử Hội An, là con trai của thứ phi và nhà vua còn quá nhỏ, nếu mất mẹ thì hoàng tử sẽ rất đáng thương và thiệt thòi. Nhờ đó nhà vua mới rút lại lệnh xử tử, quyết định đày bà Phi Yến vào sâu trong một hang đá trong núi, ngày nay gọi là Hòn Bà Côn Đảo, chỉ để lại một ít bánh nếp và một chum nước rồi lấp kín cửa hang bằng đá lớn. Ngay sau đó thì quân Tây Sơn đánh ra tới Côn Đảo, Nguyễn Ánh bỏ lại thứ phi, cùng tùy tùng trốn chạy ra đảo Phú Quốc. Thế nhưng khi lên thuyền, hoàng từ Hội An không thấy mẹ đâu nên đã khóc lóc, kêu gào, cầu xin vua cha tha cho mẹ và đưa mẹ cùng đi, nếu không sẽ chết cùng mẹ. Trong lúc tức giận và lo sợ kẻ thù đuổi đến, Nguyễn Ánh đã tàn nhẫn ném đứa trẻ đáng thương vô tội xuống biển, thi hài của hoàng tử xấu số trôi dạt vào bãi san hô và được người dân làng Cỏ Ống chôn cất, dựng đền thờ tại khu rừng bên Bãi Đầm Trầu Côn Đảo.
Sau đó, bà Phi Yến được dân làng giải cứu khỏi hang đá, cho bà biết sự tình về người con đáng thương. Trước tấm lòng thương con của thứ phi, mọi người đã giúp bà dựng một ngôi nhà nhỏ ngay bên mộ hoàng tử để bà hương hỏa cho con trai. Tên thật của bà là Lê Thị Dăm, còn tên riêng của hoàng tử Hội An là Cải nên người dân Côn Đảo mới có câu ca tương truyền đến ngày hôm nay: "Gió đưa cây Cải về trời / Rau Răm ở lại chịu đời đắng cay".
Đến rằm tháng bảy năm 1785, bên làng An Hải có cuộc đàn chay lớn nên đã đưa kiệu qua làng Cỏ Ống, rước thỉnh thứ phi Phi Yến qua tham dự để ban phước thiện cho người dân. Năm ấy bà mới 24 tuổi, nhan sắc trẻ trung của bà đã làm lay động lòng người nên đã khiến tên đồ tể tên Biện Thi nổi lòng tà dục. Đêm đến, hắn lén chui vào phòng bà với ý định dở trò đồi trụi, thế nhưng vừa chạm vào tay bà Phi Yến thì bà đã tỉnh dậy và truy hô dân làng. Thế nhưng, vì cảm thấy xấu hổ và tủi nhục, bà Phi Yến đã chặt đi cánh tay bị tên đồ tể chạm vào, rồi sau đó tự tử vì cảm thấy bản thân mình đã không còn trong sạch như trước.
Đau lòng trước sự ra đi của bà, người dân làng An Hải và Cỏ Ống đã xử tử tên đồ tể Biện Thi rồi lập nên Miếu bà Phi Yến Côn Đảo để thờ phụng và hương khói cho thứ phi cùng với người hoàng tử. Sau đó, theo những người dân sinh sống tại đây thì bà Phi Yến và hoàng tử Cải đã nhiều lần linh nghiệm, hiển linh để giúp đỡ người dân, mách cho dân làng biết điềm lành, điềm dữ sắp ập đến. Thế nên, ngôi miếu này đã trở thành một phần trong tín ngưỡng và đức tin bao đời nay của người dân Côn Đảo, dù bị tàn phá khi thực dân Pháp xâm lược nhưng sau đó vẫn được xây dựng lại khang trang hơn.
Ngày 25/10/2005 Miếu bà Phi Yến đã được Ủy ban tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu xếp hạng là di tích cấp tỉnh, cần trùng tu và tôn tạo lại để có thể giữ gìn văn hóa, lịch sử đáng quý của hòn đảo này.
5. Những lưu ý khi đến Miếu bà Phi Yến Côn Đảo
Vì An Sơn Miếu là một công trình tâm linh nên khi đến đây bạn lưu ý
- Chọn trang phục lịch sự, kín đáo để thể hiện sự tôn trọng.
- Trong quá trình tham quan bạn cũng phải giữ trật tự, không nói cười đùa giỡn to tiếng, không hút thuốc hay tự ý ngắt cây bẻ cành.
- Không được mang đồ ăn thức uống vào khu vực khuôn viên miếu, nên giữ ý thức chung và không xả rác bừa bãi, nên mang theo nhang và hộp quẹt để dâng hương.
- Xem dự báo thời tiết trước khi đi để tránh ảnh hưởng tới chuyến đi của bạn. Tốt nhất nên đi vào những ngày trời nắng đẹp và mát mẻ để có chuyến tham quan trọn vẹn.
- Tuân thủ theo đúng quy định và quy trình khi lễ tại miếu Bà.
- Nếu còn thời gian thì bạn có thể kết hợp tham quan những địa điểm tâm linh nổi tiếng khác tại Côn Đảo như: Mộ cô Sáu tại nghĩa trang Hàng Dương, tượng đài Liệt sĩ nghĩa trang Hàng Dương, Miếu Cậu Cải, Miếu cô Vân trên Hòn Cau, chùa Núi Một, nghĩa trang Hàng Keo, Miếu Năm Cô...
Địa danh liên quan
Danh sách khách sạn
Đánh giá của khách hàng
0.0
Tổng
0 đánh giá
Rate
0.0 / 5.0
Hiện tại chưa có đánh giá nào cho mục này. Hãy là người đầu tiên đánh giá!
Đánh giá của bạn
Địa chỉ email của bạn sẽ không được hiển thị.