Thành phố Gia Nghĩa
Mô tả
1. Vị trí địa lý
Thành phố Gia Nghĩa nằm về phía tây nam của khu vực Tây Nguyên và phía nam tỉnh Đắk Nông, nằm trên cao nguyên Mơ Nông và có độ cao trung bình là 600 m so với mực nước biển, cách Thành phố Hồ Chí Minh 225 km, cách thành phố Buôn Ma Thuột 120 km, cách thành phố Đà Nẵng 667 km và cách thủ đô Hà Nội 1.400 km, có vị trí địa lý:
- Phía đông giáp huyện Đắk Glong
- Phía tây giáp huyện Đắk R'lấp
- Phía nam giáp huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng
- Phía bắc giáp huyện Đắk Song.
Thành phố Gia Nghĩa có diện tích 284,11 km², dân số năm 2019 là 63.046 người[6], mật độ dân số đạt 222 người/km².
Thành phố Gia Nghĩa có địa hình phức tạp, bao gồm nhiều dãy đồi núi mấp mô xen kẽ nhiều khe suối tự nhiên lớn, nhỏ tạo thành dạng địa hình bị chia cắt mạnh. Địa hình thành phố có hướng thấp dần từ bắc xuống nam, từ đông sang tây, có trục Quốc lộ 14 là trục giao thông xương sống quan trọng gắn kết các trung tâm kinh tế của vùng với các vùng lân cận; có Quốc lộ 14C là trục gắn kết các khu kinh tế cửa khẩu dọc hành lang biên giới, có Quốc lộ 28 kết nối đô thị với Đà Lạt - trung tâm du lịch của cả nước.
Với vị trí địa lý thuận lợi tạo điều kiện cho tỉnh Đắk Nông nói chung và thành phố Gia Nghĩa nói riêng có thể mở rộng giao lưu với các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và Duyên hải miền Trung, tăng cường liên kết giữa Đắk Nông với các tỉnh thuộc Đông Bắc Campuchia về mở rộng thị trường, phát triển hợp tác liên vùng và Quốc tế.
Gia Nghĩa được xem là một đô thị hạt nhân có chức năng chuyển tiếp các hoạt động từ vùng Tây Nguyên tới vùng Đông Nam Bộ (vùng phát triển năng động nhất cả nước) kết nối với vùng Duyên Hải Nam Trung Bộ - một hướng mở ra cảng biển để vận chuyển hàng hóa khối lượng lớn. Đồng thời là một hạt nhân bổ trợ chức năng kết nối các hoạt động theo hành lang Đông Tây và tiểu vùng Sông Mê Kông mở rộng, liên kết với các khu vực phát triển nhằm thúc đẩy các lợi thế so sánh của khu vực.
Thành phố có nhiều lợi thế về vị trí địa lý và là đô thị quan trọng trong vùng Tây Nguyên và của Việt Nam (trung tâm công nghiệp bôxit), có sức hút và tác động rộng lớn đối với các tỉnh xung quanh và quốc tế.
2. Hành chính
Thành phố Gia Nghĩa có 8 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, bao gồm 6 phường: Nghĩa Đức, Nghĩa Phú, Nghĩa Tân, Nghĩa Thành, Nghĩa Trung, Quảng Thành và 2 xã: Đắk Nia, Đắk R’Moan.
3. Các địa điểm nổi tiếng
- Thác Niêng Lung
- Chùa Pháp Hoa
- Đồi chè Gia Nghĩa
- Thác Cô Tiên
- Khu du lịch sinh Thái Thác AnnA
4. Địa điểm lưu trú
- Khách sạn New Sunrise Hotel Dak Nong