Cách Maldives quyết không để rác nhấn chìm du lịch
03/04/2024
Là quốc gia có vùng trũng thấp nhất thế giới, 99% là nước, hơn 1.000 hòn đảo trải rộng trên 90.000 km2, kinh tế của Maldives phụ thuộc vào du lịch, đánh bắt hải sản. Ngoài vấn đề hàng nghìn đảo có nguy cơ bị nhấn chìm do biến đổi khí hậu, Maldives còn có một "kẻ thù" khác - rác thải do khách du lịch và thủy triều mang vào. Theo World Bank, phần lớn trong số 860 tấn rác thải được tạo ra hàng ngày ở Maldives năm 2022 đều bị đốt ngoài trời vì không có nơi chôn lấp.
Quyết không để rác thải nhấn chìm nền kinh tế phần lớn do du lịch tạo ra, Maldives cấm nhựa dùng một lần, các resort đều tái chế nhựa, biến thành đồ lưu niệm.
Là quốc gia có vùng trũng thấp nhất thế giới, 99% là nước, hơn 1.000 hòn đảo trải rộng trên 90.000 km2, kinh tế của Maldives phụ thuộc vào du lịch, đánh bắt hải sản. Ngoài vấn đề hàng nghìn đảo có nguy cơ bị nhấn chìm do biến đổi khí hậu, Maldives còn có một "kẻ thù" khác - rác thải do khách du lịch và thủy triều mang vào. Theo World Bank, phần lớn trong số 860 tấn rác thải được tạo ra hàng ngày ở Maldives năm 2022 đều bị đốt ngoài trời vì không có nơi chôn lấp.
Trước Covid-19, 90% doanh thu thuế của đảo quốc đến từ các khách sạn tư nhân, những nơi đón 1,5 triệu du khách mỗi năm. Quyết không để rác thải nhấn chìm nền kinh tế, Maldives từ năm 2022 đẩy mạnh kế hoạch phát triển du lịch bền vững. Chính phủ đã thành lập các trung tâm quản lý tài nguyên, chất thải trên đảo thân thiện với môi trường. Từ 1/6/2022, Maldives cấm sản xuất, nhập khẩu, tiêu thụ nhựa sử dụng một lần, khuyến khích du khách và người dân sử dụng các sản phẩm thay thế.
Nhà hoạt động môi trường nổi tiếng người Maldives, Shaahina Ali, nói loại bỏ dần nhựa khỏi đảo quốc là bước đi rất nhỏ nhưng là quyết định rất táo bạo và tích cực. Ngoài ra, chính phủ cũng thúc đẩy tái sử dụng và tái chế rác thải, tổ chức các buổi tuyên truyền cho người dân về tầm quan trọng của rác thải biển cùng khẩu hiệu như: "Biến không gian công cộng thành nơi thú vị cho du khách", "Không ai có trách nhiệm đến dọn dẹp đảo giúp chúng ta, nhiệm vụ của chúng ta là giữ nó sạch sẽ".
Chính phủ cũng kết hợp với các khu nghỉ dưỡng nằm trên các đảo để xử lý rác thải và đạt được thành công. Khu nghỉ dưỡng Soneva Fushi hợp tác với 11 đảo lân cận phát động cam kết chấm dứt đốt rác thải trên đảo, chuyển sang quản lý rác thải thân thiện với môi trường. Chỉ trong một tháng, 87% của hơn 4.700 gói rác thải (63 tấn) đã được xử lý ngay trên đảo bằng cách ủ rác hữu cơ hoặc vận chuyển đi nơi khác tái chế.
Hiện du khách chỉ cần mở website bất kỳ khu nghỉ dưỡng sang trọng nào ở Maldives đều sẽ tìm thấy thông tin cam kết của họ trong việc phát triển du lịch xanh, bền vững. Phần lớn khu nghỉ dưỡng nằm rải rác trên các đảo, khiến những nơi này phải nỗ lực hết sức giảm tác động đến môi trường - vốn rất mong manh tại Maldives.
Nhưng khách du lịch có thực sự quan tâm đến những cam kết bền vững của khu nghỉ dưỡng? Nhà sinh vật biển Samuel Dixon, cũng là quản lý phụ trách phát triển bền vững tại các resort sang trọng như Fairmont Maldives - Sirru Fen Fushi trả lời: "Có".
"Ngày càng có nhiều du khách có ý thức bảo vệ môi trường, đặc biệt trong phân khúc khách sạn hạng sang", Dixon nói.
Khách thường xuyên đặt câu hỏi cho Dixon thể hiện sự quan tâm đến môi trường như quá trình phục hồi san hô trên đảo, bảo tồn rùa, vấn đề tái chế, sử dụng năng lượng mặt trời. Dixon không cảm thấy phiền trước những thắc mắc này vì "nó có nghĩa là chúng ta đang hướng tới một tương lai phát triển bền vững cho ngành khách sạn".
Khu nghỉ của Dixon có phòng thí nghiệm bền vững được khai trương đầu năm 2022, chuyên xử lý rác thải nhựa và nằm cách bến tàu vài bước chân. Trong căn phòng được làm từ container chứa đầy máy móc chuyên dụng dùng để biến rác thải nhựa thành đồ lưu niệm, nội thất hoặc đồ dùng dành cho các trường học ở địa phương như thước kẻ. Phòng thí nghiệm cũng xử lý những chiếc lưới - đặc biệt có hại cho rùa biển, bị tàu đánh cá vứt bỏ - bằng cách tái chế thành những chiếc vòng tay, thẻ hành lý gắn vào vali của hành khách.
Ngoài gom nhựa trong khu nghỉ, hàng tuần nhóm của Dixon cũng đi gom từ các khách sạn lân cận và trường học cũng như rác thải do sóng đánh từ ngoài biển vào. Lượng nhựa mà khu nghỉ của Dixon tái chế chưa quá nhiều nhưng anh tin rằng điều quan trọng là cần nhắc nhở du khách về những vấn đề Maldives đang đối mặt. Từ đó, khách sẽ hợp tác với cộng đồng địa phương và tìm ra hướng giải quyết.
Các khách sạn trên các hòn đảo cũng đang tích cực sử dụng đồ tái chế. Trong nhiều khách sạn đều không có nước đóng chai bằng nhựa, thay vào đó là chai thủy tinh. Mỗi du khách đến khu nghỉ của Dixon đều được tặng một chai đựng nước tái chế để họ có thể hứng nước quanh đảo. Ngay cả kem đánh răng trong bộ dụng cụ cá nhân cũng được đựng trong gói giấy nhỏ thay vì tuýp nhựa dùng một lần.
Không có sự đầu tư nào để phát triển tương lai một quốc gia quan trọng bằng dìu dắt thế hệ trẻ, đặc biệt tại Maldives - nơi có dân số trẻ nhất Nam Á. Do vậy, không chỉ tập trung cho hiện tại, đảo quốc còn hướng tới tương lai khi đưa chương trình bảo vệ môi trường, tái chế rác thải và phát triển du lịch bền vững vào các cơ sở đào tạo nghề để dạy học viên. Maldives đang trở thành quốc gia nơi người dân từ già đến trẻ đều được tiếp cận với kỹ năng biến rác thải thành của cải, thiết lập sự thịnh vượng lâu dài.
Những nỗ lực này của chính phủ nhằm mục đích muốn giúp cho thế hệ đời con, cháu sau của người dân Maldives tiếp tục được nhìn thấy cá voi bơi lội trong vùng nước hoang sơ và không có nhựa.