Cẩm nang Review Du Lịch Phú Thọ mới nhất

29/07/2023

Đăng bởi: Admin | 29/07/2023

Phú Thọ có một vị trí trung tâm chuyển tiếp giữa miền núi phía Bắc và đồng bằng, đỉnh của tam giác Châu Thổ đồng bằng Bắc Bộ. Tự nhiên đã ban tặng cho Phú Thọ nhiều cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, là tài nguyên du lịch tự nhiên vô cùng quý báu để phát triển các loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và khám phá thiên nhiên. Đây cũng là mảnh đất cội nguồn của dân tộc có truyền thống lịch sử văn hóa gắn liền với suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Với những tiềm năng và lợi

1 . Du lịch Phú Thọ vào thời gian nào?

Địa danh nổi tiếng mà hầu hết người dân khi nhắc tới Phú Thọ đều biết chính là di tích Đền Hùng, đây cũng là địa điểm thu hút khách tham quan chủ yếu khi tới Phú Thọ.

Lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương hàng năm được tổ chức vào ngày 10/3 ( m lịch), đây là dịp phù hợp để đến Phú Thọ tham quan Đền Hùng. Tuy nhiên, một điều cần lưu ý là lượng khách du lịch đổ về đây trong những ngày Giỗ Tổ vô cùng lớn, nếu ở xa đến Phú Thọ, các bạn cần lưu ý đặt phòng trước thật sớm bởi càng sát ngày thì việc tìm phòng càng khó khăn hơn rất nhiều.

Nếu thích khám phá du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng ở Phú Thọ, các bạn không thể bỏ qua Vườn Quốc gia Xuân Sơn. Thời điểm thích hợp để đến với Xuân Sơn là khoảng từ tháng 4-8, lúc này chưa bước vào mùa mưa bão của miền Bắc, thời tiết oi nóng nên việc vào rừng khám phá sẽ rất tuyệt vời.

Nếu muốn đến tắm thư giãn tại khu suối khoáng nóng Thanh Thủy, các bạn hãy chọn thời điểm mà thời tiết hơi se lạnh (trước khi bước sang mùa đông miền Bắc, với những đợt rét buốt). Ngâm mình trong làn khoáng nóng vào thời điểm này sẽ là một trải nghiệm thú vị.

2 . Hướng dẫn đi tới Phú Thọ

Phương tiện cá nhân

Phú Thọ khá rộng nên tùy theo vùng các bạn định đến mà sẽ có những cung đường khác nhau. Với địa danh Đền Hùng nằm ở ngay gần Tp Việt Trì, các bạn có thể đi theo đường cao tốc Hà Nội – Lào Cai và thoát ra ở nút giao Phù Ninh (IC8), ra khỏi trạm thu phí này sẽ đến đường rẽ vào Đền Hùng ngay. Nếu muốn đến khu vực suối nước nóng Thanh Thủy, các bạn chỉ cần bám theo đường 32, qua cầu Trung Hà  rẽ trái ngay đường đê rồi đi thẳng men theo sông sẽ tới được khu khoáng nóng này. Nếu đi Vườn quốc gia Xuân Sơn thì các bạn đừng rẽ vào đường đê, cứ thẳng cầu Trung Hà theo QL32 đến Tân Sơn nhé.

Phương tiện công cộng

Đường sắt

Phú Thọ nằm trên hành trình của tuyến đường sắt Hà Nội – Lào Cai, tàu này dừng ở một số ga ở Phú Thọ nhưng trong đó có 2 ga chính là ga Việt Trì và Thị xã Phú Thọ.

Nếu đi Đền Hùng các bạn có 2 lựa chọn. Xuống ga Việt Trì rồi đi bộ ra đường Hùng Vương để bắt xe buýt số 19, tuyến buýt này sẽ đi ngang qua gần Đền Hùng. Xuống ga Tiên Kiên (Lâm Thao) rồi đi xe ôm  hoặc taxi vào Đền Hùng (từ đây vào đền Hùng còn khoảng 4km).

Từ ga Hà Nội có 2 chuyến tàu có dừng ở ga Việt Trì là tàu YB3 và tàu SP3. Tàu YB3 xuất phát từ Hà Nội lúc 6h10 và đến Việt Trì lúc 8h20. Tàu SP3 xuất phát từ Hà Nội lúc 22h và có mặt ở Việt Trì lúc 23h50. Dừng ở ga Tiên Kiên chỉ có tàu YB3 lúc 8h55.

Đường bộ

Từ Bến xe Mỹ Đình hàng ngày có rất nhiều các tuyến xe đi tới các huyện của Phú Thọ, các bạn có thể thoải mái lựa chọn nhà xe phù hợp với lịch trình của mình. Nếu muốn đi Đền Hùng bằng xe khách, các bạn chỉ cần lựa chọn các nhà xe có lộ trình đi Thị xã Phú Thọ, các xe này sẽ đi ngang qua cửa Đền Hùng.

Đi lại ở Phú Thọ

Để đi lại ở Phú Thọ khi đến đây bằng phương tiện công cộng, các bạn có thể sử dụng xe buýt, xe ôm, taxi hoặc thuê xe máy. Tùy nhu cầu đi lại mà các bạn có thể lựa chọn phương án phù hợp.

Tuy các dịch vụ cho thuê xe máy ở Phú Thọ chưa phát triển nhưng nếu thực sự bạn cần thuê, có thể vận dụng một vài mẹo nho nhỏ để có thể tìm được các địa điểm có thuê xe máy này.

Các cửa hàng cầm đồ: Đây là một kho các loại xe máy cũ, rất nhiều các loại xe cho các bạn lựa chọn, có thể thuê theo giờ, theo ngày và thậm chí cả thuê theo tháng.

Các khu vực xung quanh các trường đại học, cao đẳng: Những địa điểm này thường rất hay có các cửa hàng cho thuê xe máy phục vụ cho nhóm đối tượng là sinh viên các trường này.

3 . Lưu trú ở Phú Thọ

Phú Thọ là địa phương có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển đa dạng các loại hình du lịch tuy nhiên, các cơ sở lưu trú lại chưa đáp ứng tốt nhất các yêu cầu của du khách vì vậy để nâng cao chất lượng dịch vụ này hy vọng trong tương lai, hệ thống hậu cần cho ngành dịch vụ du lịch tại Phú Thọ sẽ được quan tâm đầu tư và phát triển hơn để tăng thêm lựa chọn cho du khách.

Khách sạn nhà nghỉ ở Phú Thọ

Để đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch ngày một lớn, trong những năm qua, hệ thống các cơ sở lưu trú, các cơ sở kinh doanh du lịch dịch vụ, các khu, điểm tham quan, vui chơi giải trí từng ngày được đầu tư cả về số lượng và chất lượng. Đến nay, Phú Thọ đã có 328 cơ sở lưu trú du lịch (trong đó có 32 khách sạn, 296 nhà nghỉ), chất lượng các dịch vụ du lịch đang ngày được nâng lên, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của du khách đến với Phú Thọ.

Một số khách sạn tốt ở Việt Trì

KHÁCH SẠN Khách Sạn Trường An

Địa chỉ: Băng 2 Đường Hòa Phong, Phường Dữu Lâu, Thành phố Việt Trì, Phú Thọ

Điện thoại: 094 952 47 77

KHÁCH SẠN Khách sạn Mường Thanh Phú Thọ

Địa chỉ: Lô CC17 Đường Hùng Vương, Ph.Gia Cẩm, Thành phố Việt Trì, Phú Thọ

Điện thoại: 0210 3616 666

KHÁCH SẠN Khách Sạn Việt Trì Garden

Địa chỉ: Nguyễn Tất Thành, Trưng Vương, Thành phố Việt Trì, Phú Thọ

Điện thoại: 0210 3555 555

KHÁCH SẠN X2 Vibe Viet Tri Hotel

Địa chỉ: Hai Bà Trưng, Phường Tiên Cát, Thành phố Việt Trì, Phú Thọ

Điện thoại: 0210 2222 222

KHÁCH SẠN Khách sạn Sài Gòn - Phú Thọ

Địa chỉ: Phường Gia Cẩm, Thành phố Việt Trì, Phú Thọ

Điện thoại: 0210 2221 999

Homestay ở Phú Thọ

Sở hữu nhiều cảnh quan thiên nhiên cùng với bản sắc văn hóa đặc sắc, Phú Thọ có nhiều lợi thế để phát triển các loại hình du lịch, trong đó du lịch cộng đồng là một trong những loại hình du lịch phù hợp với thế mạnh của địa phương. Các homestay ở Phú Thọ hiện nay chủ yếu tập trung và được phát triển ở Vườn Quốc gia Xuân Sơn, đến với vùng đất này các bạn sẽ được khám phá những giá vị văn hóa độc đáo của đồng bào người Dao và Mường đang sinh sống tại các bản Dù, Lấp, Lạng và Cỏi. Những điệu múa, lời ca, phong tục tập quán, các nghề truyền thống, lễ hội đặc sắc vẫn được lưu giữ một cách nguyên vẹn.

4 . Các địa điểm du lịch ở Phú Thọ

Việt Trì

Đền Hùng

Đền Hùng là tên gọi khái quát của Khu di tích lịch sử Đền Hùng – quần thể đền chùa thờ phụng các Vua Hùng và tôn thất của nhà vua trên núi Nghĩa Lĩnh, gắn với Giỗ Tổ Hùng Vương – Lễ hội Đền Hùng được tổ chức tại địa điểm đó hàng năm vào ngày 10 tháng 3 âm lịch. Hiện nay, theo các tài liệu khoa học đã công bố đa số đều thống nhất nền móng kiến trúc đền Hùng bắt đầu được xây dựng từ thời vua Đinh Tiên Hoàng trị vì. Đến thời Hậu Lê (thế kỷ 15) được xây dựng hoàn chỉnh theo quy mô như hiện tại.

Đền Quốc Tổ Lạc Long Quân

Đền Quốc tổ Lạc Long Quân được xây dựng tại đồi Sim, cách núi Nghĩa Lĩnh khoảng 1 km, nơi có vị trí đắc địa, có thế “sơn chầu thuỷ tụ”. Đồi Sim có hình thế giống một con rùa lớn, hai bên có Thanh Long, Bạch Hổ, phía trước là hồ Hóc Trai và sông Hồng chảy xuôi về biển. Ngôi đền tọa lạc trên lưng rùa biểu hiện sự linh thiêng huyền diệu.

Đền chính có diện tích 210m², kiến trúc kiểu chữ đinh truyền thống, nội thất bằng gỗ lim, sơn son thếp vàng, mái lợp ngói mũi hài, nền lát gạch Bát Tràng, bó vỉa đá xanh. Hậu cung đặt tượng thờ Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân dáng vẻ uy nghiêm. Tượng được đúc bằng đồng, nặng 1,5 tấn, cao 1,98m ở tư thế ngồi trên ngai, đặt trên bệ đá chạm khắc hoa văn theo mô típ văn hóa Đông Sơn. Hai bên là tượng Lạc hầu và Lạc tướng ở tư thế đứng có chiều cao 1,80m, mỗi pho nặng 0,5 tấn.

Cổng đền (nghi môn) cũng được xây dựng theo kiểu truyền thống, gồm có 4 cột, cổng chính rộng 4,2m, cổng phụ rộng khoảng 2m. Cổng được xây dựng bằng bê tông cốt thép, phía ngoài ốp đá xanh chạm họa tiết hoa văn 4 mặt. Phía trước nghi môn là cổng biểu tượng cũng có kết cấu cột bê tông cốt thép ốp đá và chạm khắc. Hai bên sân đền là nhà tả vu, hữu vu xây dựng 5 gian, khung gỗ lim, lợp ngói mũi hài. Hai trụ biểu đối xứng nhau cũng bằng bê tông cốt thép, phía ngoài ốp đá xanh. Đền thờ Quốc Tổ Lạc Long Quân được Nhà nước đầu tư xây dựng đồng bộ các hạng mục công trình kiến trúc, các họa tiết trang trí được mô phỏng theo hoa văn trên trống đồng Đông Sơn được cách điệu như: Hình ảnh người giã gạo, hình ảnh chim lạc… thể hiện sinh động, độc đáo mang nét kiến trúc đặc trưng riêng của ngôi đền tôn thêm sự uy nghiêm, linh thiêng.

Bảo tàng Hùng Vương

Nằm trên đường Trần Phú, bên bờ hồ công viên Văn Lang – trung tâm của thành phố Việt Trì – Bảo tàng Hùng Vương được ví như một “cuốn sử bằng hiện vật” thu hút đông đảo du khách thập phương đến tham quan, tìm hiểu và khám phá các giá trị độc đáo, riêng có về lịch sử, văn hóa của vùng đất Tổ cội nguồn.

Bảo tàng Hùng Vương được đặt ở vị trí trung tâm của kinh đô Văn Lang xưa bởi thế nó mang trong mình cả một kho tàng lịch sử, văn hóa đồ sộ với hơn 12.000 hiện vật gốc. Trong số đó Bảo tàng lựa chọn 2000 hiện vật đẹp, độc đáo mang giá trị lịch sử, văn hóa, thẩm mỹ cao để trưng bày trong không gian trưng bày của mình với 3 nội dung chính: trưng bày cố định; trưng bày chuyên đề và trưng bày ngoài trời. Trong đó quan trọng nhất là phần trưng bày cố định được thiết kế hiện đại kết hợp hài hòa giữa hệ thống hiện vật gốc với 49 cụm mỹ thuật trải dài theo 5 chủ đề (Thiên nhiên, con người Phú Thọ; Phú Thọ thời kỳ tiền sử và sơ sử; Phú Thọ trong thời kỳ Bắc thuộc và xây dựng quốc gia phong kiến tự chủ; Lịch sử chống ngoại xâm của nhân dân Phú Thọ; Phú Thọ trong công cuộc đổi mới) giúp người xem có được cái nhìn toàn diện nhất về lịch sử hình thành, phát triển của tỉnh Phú Thọ từ thời Hùng Vương dựng nước cho đến ngày nay và những nét đặc trưng về văn hóa vật chất và tinh thần của cư dân vùng Đất Tổ.

Khu du lịch Bạch Hạc – Bến Gót

Phường Bạch Hạc, phường Bến Gót nằm ở phía Nam thành phố Việt Trì, cửa ngõ nối liền giữa Phú Thọ và các tỉnh miền núi phía Tây Bắc với thủ đô Hà Nội và các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ.

Bến Gót ngày nay thuộc phủ Tam Đới xưa, còn tồn tại rất nhiều di tích lịch sử văn hoá, các truyền thuyết, chuyện kể về quá trình dựng nước và giữ nước của ông cha ta như: “Hoa Long Thiền Tự” xưa ở bến sông Thông, cạnh chùa có một tảng đá ven sông, trên mặt còn hằn vết gót chân. Tương truyền, đây là nơi Lạc Long Quân lập đàn tế trời và đã được tiên ông từ trên trời xuống, ngồi trên tảng đá này, đặt tên, phân định anh em cho một trăm người con do  u Cơ sinh ra, sau nơi đây buôn bán kinh doanh sầm uất, trên bến dưới thuyền mới có tên là Bến Gót, Đình Bạch Hạc còn có tên là đình thôn Việt Trì là nơi thờ các vua Hùng, Đền Lang Đài là nơi hai chàng Sơn Tinh và Thuỷ Tinh đấu võ, Miếu Hà Thần là nơi thờ thần Sông đã có công giúp vua Trần Minh Tông đánh Man Đà Giang dẹp yên bờ cõi, Đền Bạch Hạc là nơi thờ thổ lệnh có tên huý là Trần Lan và em là Thạch Khanh tên huý là Trần Bảo có phép thuật thần y, chữa được bách bệnh cho nhân dân, sau hoá thần ở Tam Thanh Quán bên bờ sông Bạch Hạc, được phong làm thần thiêng ở ngã ba sông Hạc….. Ngoài ra trên mảnh đất này còn tồn tại rất nhiều sự tích ly kỳ, nhiều lễ hội truyền thống đặc sắc như: Hội bơi chải, Hội giã bánh dầy,… nói lên sự hình thành tên làng, tên xóm, tên sông, những nét sinh hoạt văn hoá truyền thống của của nhân dân ta gắn liền với nền văn minh sông Hồng và nền văn minh lúa nước.

Với diện tích 100 ha, khu Du lịch Bến Gót được chia thành 2 phần ở bờ Bắc và bờ Nam sông Lô, trong đó phần lãnh thổ phía Bắc (thuộc phường Bến Gót) là chủ yếu. Khu du lịch có đặc trưng điển hình của vùng trung du Bắc Bộ, với địa hình nhấp nhô, phần đất phía Bắc có vị thế như một bán đảo quay về hướng Đông Nam, tạo nên hình ảnh về bến nước, dòng sông. Đặc biệt là sự gắn kết hài hoà giữa đồi núi, cây cối, sông nước tạo nên phong cảnh sơn thuỷ hữu tình, thích hợp để xây dựng khu du lịch nghỉ ngơi, thư giãn, vọng cảnh. Khu du lịch Bến Gót bao gồm những thành phần chủ yếu như: vui chơi giải trí, thể thao, nhà vườn, cắm trại, khách sạn, nhà nghỉ, câu cá, trại sáng tác, lầu bình thơ,… được tổ chức tạo thành trục chủ đạo đi từ cổng chính đến khu lầu tưởng niệm và vọng cảnh phía bờ sông, kết thúc là Lầu Bạch Hạc.

Lầu Bạch Hạc được xây dựng theo hướng vươn cao vừa tượng trưng cho đàn tế trời vừa là nơi du khách có thể ngắm cảnh xa xa, dưới tầng lầu có bia tưởng niệm 100 người con của Lạc Long Quân –  u Cơ, giúp cho du khách hiểu rõ hơn nguồn gốc của đại gia đình các dân tộc Việt Nam. Bên cạnh Lầu Bạch Hạc được tái dựng tảng đá lưu vết chân và hình dáng tiên ông phân định ngôi thứ, mở đầu cho sự hưng thịnh, đoàn kết, thương yêu, đùm bọc của đại gia đình các dân tộc Việt Nam. Phần đất phía Nam chủ yếu dành cho các di tích lịch sử và thể thao nước truyền thống, một phần dành cho các nhà nghỉ nhỏ dưới dạng vườn nông thôn, vườn sinh thái…

Thiên cổ miếuNằm trong địa phận của kinh đô Văn Lang xưa, đền Thiên Cổ uy nghiêm ngự trên một quả đồi nhỏ thuộc thôn Hương Lan, xã Trưng Vương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Đây là ngôi đền thờ vợ chồng thầy giáo Vũ Thê Lang, người thầy giáo đầu tiên của dân tộc đã có công dạy dỗ hai công chúa Tiên Dung – Ngọc Hoa con vua Hùng Vương thứ 18.

Tương truyền, thầy giáo Vũ Thê Lang quê ở Mộ Trạch, Hải Dương cùng vợ là bà Nguyễn Thị Thục, quê ở Đông Ngàn, Kinh Bắc lên kinh đô Văn Lang dạy học từ thời Hùng Vương thứ 18. Hai người tạ thế cùng một giờ, một ngày mồng 2 tháng 2 năm Quý Dậu (năm 228 trước Công nguyên). Đến nay phần mộ của hai vợ chồng thầy cô vẫn còn được nhân dân giữ gìn và bảo vệ cẩn thận ở trong ngôi đền. Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, ngôi đền vẫn được người dân thôn Hương Lan, xã Trưng Vương hết lòng bảo vệ.

Đền Tam Giang – Chùa Đại Bi

Khu di tích lịch sử văn hóa Quốc gia đền Tam Giang, chùa Đại Bi thuộc phường Bạch Hạc, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Ngôi đền nằm bên tả ngạn nơi hợp lưu của ba dòng sông: sông Hồng, sông Lô, sông Đà mà xưa nay nhân dân vẫn quen gọi là ngã ba Hạc. Đây là một thắng cảnh đẹp của vùng đất Tổ, thu hút đông đảo du khách đến tham quan và lễ bái.

Khu di tích lịch sử văn hóa Quốc gia đền Tam Giang, chùa Đại Bi là cụm di tích hoàn chỉnh, thống nhất, gồm có: đền Tam Giang, đền Mẫu, chùa Đại Bi, vết chân Thổ lệnh Cao quan Bạch Hạc Đại Vương, bến bơi chải, tượng đài Chiêu Văn Vương Tả Thánh Thái Sư Trần Nhật Duật và bức phù điêu 18 ngôi chùa tiêu biểu của Phật Giáo Việt Nam.

Đền Tam Giang thờ nhân vật lịch sử huyền thoại thời Hùng Vương dựng nước là thần Thổ Lệnh, ông là thần làng – thần sông Bạch Hạc đã có công chu du thiên hạ tìm phương thuốc quý chữa trị tật bệnh cho muôn dân, khi mất lại linh ứng giúp cho các tướng lĩnh đánh giặc ngoại xâm giữ nước. Chùa Đại Bi, ngôi chùa cổ do Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật và cháu gái là công chúa Thiên Thụy xây dựng từ đời Trần (năm 1328) đã có gần 700 năm tuổi.

Hạ Hòa

Đầm Ao Châu

Nằm trên khu vực của thị trấn ấm Thượng, xã Yên Sơn. Đầm Ao Châu có diện tích mặt nước trên 300 ha nổi lên giữa một vùng đồi trung du, tạo nên 99 ngách ăn sâu vào một vùng đồi gò rộng lớn với diện tích trên 1000ha. Nước trong đầm luôn trong xanh và sạch, độ sâu của nước trung bình từ 8 đến 10m, chỗ sâu nhất là 15m. Những quả đồi đất nổi lên giữa đầm nước mênh mông được trồng các loại cây bản địa như chè, cọ đặc biệt là các đồi vải chín đỏ vải vào mùa hè hàng năm tạo nên bức tranh sơn thủy tuyệt đẹp. Vùng núi và đồi ven hồ là những rừng cây xanh tốt tạo nên một cảnh quan rất thơ mộng.

Đầm Ao Châu đã được quy hoạch để xây dựng thành một khu du lịch sinh thái với hệ thống các khách sạn sang trọng, các khu nghỉ dưỡng với các trò vui chơi giải trí như bơi thuyền, đua thuyền trên mặt đầm.

Đền Quốc Mẫu  u Cơ

Đền nằm giữa một cánh đồng lúa bên dòng sông Thao thuộc xã Hiền Lương, huyện Hạ Hoà. Tương truyền trong số 50 người con theo mẹ  u Cơ lên núi, người con cả dừng ở đất Phong Châu dựng kinh đô Văn Lang cai quản đất nước truyền ngôi được 18 đời, gọi là các vua Hùng. 49 người con theo mẹ tiếp tục ngược thượng nguồn sông Thao, đến vùng Hiền Lương thấy sơn thuỷ hữu tình, đất đai tươi tốt bèn hạ trại khai hoang lập ấp, dạy cho dân làng nghề trồng lúa, nuôi tằm…

Lễ chính đền Mẫu  u Cơ vào ngày 7-1, kéo dài trong ba ngày, sau khi tế nữ xong mới đến lễ Mẫu dâng hương sớ. Trong dịp này trước sân đền và tại đình làng có nhiều trò chơi dân gian địa phương như: cướp cờ, đánh phết, hát ghẹo, hát xoan… Đặc biệt có tục làm bánh vôi từ bột gạo nếp và nước mía là đặc sản ngon nổi tiếng của vùng Hạ Hoà.

Ao Giời – Suối Tiên

Ao Giời – Suối Tiên thuộc huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ; hai bên đường tới Ao Giời – Suối Tiên có hàng trăm đỉnh núi lớn, nhỏ có độ cao trung bình từ 500 – 600m so với mặt biển. Với đỉnh cao 1.200m, núi Nả cao vượt lên sừng sững, trông thật hùng vĩ như điểm tựa của miền thượng vùng trung du rộng lớn, được phủ một màu xanh dày đặc của các loài cây nhiệt đới, chen chúc nhau tầng tầng, lớp lớp với khá nhiều loài cây quí hiếm như đinh, lim, gụ, vàng tâm… Trong rừng còn có các bầy khỉ, nai, hoẵng, lợn rừng, cầy hương…

Suối Tiên bắt nguồn từ trên núi Nả, chảy qua các khe đá, hình thành dải lụa trắng bạc, vắt ngang sườn núi, nổi bật giữa màu xanh mượt mà của núi rừng, lẫn vào màu xanh của mây trời, làm cho cảnh trí càng sinh động, kỳ ảo, cảnh tượng vừa gần gũi, vừa sâu thẳm, vừa rõ ràng, vừa huyền bí thơ mộng làm xao xuyến lòng người. Với chiều dài hơn 10km, lòng suối dày kín lớp sỏi đá và cát vàng làm cho nước suối được thanh lọc tinh khiết, trong vắt, lấp lánh ánh mặt trời phản chiếu. Đầu nguồn của con suối có Giếng Tiên, diện tích chừng 40m2, sâu đến hơn 10m. Từ đáy giếng, dòng nước phun lên mát lạnh, ngọt ngào tạo thành Suối Tiên. Suối Tiên quanh co chảy qua nhiều tầng, bậc tạo nên nhiều thác nước thẳng đứng. Suốt chiều dài con suối có tới 14 thác nước, trong đó có một số thác cao 20m, tựa những tấm màn the trắng xoá, che các hang, hốc đá phía trong.

Dưới chân các thác nước cao là những phiến đá khổng lồ, trải qua thời gian dài bị xói mòn, đã thành những chiếc ao nhỏ mà đáy ao là cả một phiến đá, làm nên vẻ đẹp riêng có ở nơi đây. Theo truyền thuyết: “xưa kia chỉ có Giếng Tiên, hàng ngày có các nàng tiên thường tới đây tắm mát, Ngọc Hoàng đã cho nước giếng dâng lên tạo thành các thác nước đổ xuống, lâu dần tạo thêm các ao. Ai được tắm ở Ao Giời – Suối Tiên trong 3 năm sẽ có làn da trắng mịn như ngọc, khuôn mặt sáng đẹp như trăng rằm, tâm hồn thư thái, sáng láng”.

Đầm Vân HộI

Đầm Vân Hội có diện tích trên 200 ha, độ sâu của nước từ 7 m đến 8 m, chỗ sâu nhất đạt 20 m. Đầm có hệ thống cung cấp và thoát nước mở nên luôn giữ mực nước ổn định, mùa mưa và mùa cạn nước chỉ chênh lệch nhau khoảng 1,3 m. Nước trong Đầm rất trong và sạch. Xung quanh Đầm có hệ thống núi và đồi và rừng của các xã Quân Khê (Hạ Hòa), xã Vân Hội, xã Việt Cường (Văn Chấn, Yên Bái) vây bọc tạo nên cảnh quan thơ mộng. Trên mặt Đầm có khoảng 40 đảo, đảo lớn nhất có diện tích 10 ha, còn lại là đảo nhỏ từ 0,5 đến 1 ha với các loại cây như: Cọ, chè, keo… tạo nên phong cảnh hữu tình. Đầm Vân Hội cách Đền Mẫu  u Cơ (Hạ Hòa) 1km, cách Ao Giời – Suối Tiên 3 km. Đầm Vân Hội được quy hoạch thành khu du lịch nghỉ dưỡng – vui chơi giải trí cao cấp.

Tân Sơn

Vườn Quốc gia Xuân Sơn

Cách Hà Nội khoảng 120km, Vườn quốc gia Xuân Sơn rộng hơn 15.000ha, đứng thứ 12 trong số 15 vườn quốc gia lớn nhất Việt Nam. Vườn được ví là “lá phổi xanh,” là điểm du lịch hấp dẫn nằm ở phía Tây Bắc của tỉnh, với độ che phủ rừng lên tới 84%, chất lượng các hệ sinh thái rừng ổn định và được bảo vệ tốt. Vườn được đánh giá là nơi có môi trường không khí, môi trường nước sạch sẽ, mát mẻ, nhiệt độ trung bình năm từ 22-23 độ C.

Đặc biệt, một ngày ở Xuân Sơn, thời tiết có nét đặc trưng của 4 mùa: buổi sáng mát mẻ của mùa Xuân, buổi trưa ấm áp của mùa Hè, buổi chiều hiu hiu như mùa Thu, buổi tối trời se lạnh đặc trưng của mùa Đông. Đây là lợi thế của vườn trong phát triển du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng.

Tại đây hiện có 365 loài động vật, trong đó có 46 loài ghi trong Sách đỏ Việt Nam và 18 loài ghi trong Sách đỏ Thế giới. Các loài đặc trưng cho hệ động vật Tây Bắc như voọc xám, vượn chó, cầy bạc má, sóc bụng đỏ đuôi trắng, gấu, báo,… về chim có: gà lôi, gà tiền, đại bàng đất,… riêng sơn dương có nhiều nhất toàn quốc. Bên cạnh đó, vườn còn có 726 loài thực vật bậc cao trong đó có 52 loài thuộc ngành quyết và ngành hạt trần. Nằm trong khu vực giao tiếp của hai luồng thực vật Mã Lai và Hoa Nam, hệ thực vật ở Xuân Sơn có các loài re, dẻ, sồi và mộc lan chiếm ưu thế.

Ngoài ra, ở Xuân Sơn còn có các loài tiêu biểu cho khu vực Tây Bắc như táu muối, táu lá duối, sao mặt quỷ và chò chỉ, chò vảy, nghiến, dồi, vầu đắng, kim giao (rừng chò chỉ ở Xuân Sơn là một trong những rừng chò chỉ đẹp và giàu nhất miền Bắc). Xuân Sơn còn là kho giống bản địa, kho cây thuốc khổng lồ, đặc biệt là cây rau đắng mọc tự nhiên có mật độ cao nhất miền Bắc.

Ngoài sức hấp dẫn của hệ động thực vật phong phú, Xuân Sơn còn có nhiều cảnh quan thiên nhiên kỳ thú. Nằm trong quần thể vườn quốc gia Xuân Sơn có ba đỉnh núi cao trên 1.000m là: núi Voi, núi Ten và núi Cẩn với hàng trăm hang động; sông suối như suối Lấp, suối Thang; và nhiều thác nước có độ cao trên 50m, che phủ hang, hốc đá, hòa quyện màu thác bạc với màu xanh của rừng già làm cho phong cảnh vừa hùng vĩ vừa thơ mộng.

Do quá trình phong hóa, thủy hóa tạo thành Xuân Sơn có 16 hang động đá với thạch nhũ đẹp, đa dạng, tạo nên muôn hình vạn trạng. Vào thăm hang động ở đây, du khách không khỏi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của các nhũ đá rủ xuống thành muôn hình kỳ lạ. Ðộng Tiên là một hang ngầm trong lòng núi đá cẩm thạch dài 10km. Trong hang có đường thông gió lên thẳng đỉnh núi, làm cho không khí trong lành mát dịu. Hồ nước có nhiều loài cá lạ hấp dẫn.

Bên cạnh đó, cộng đồng các dân tộc nơi đây hiện vẫn giữ được bản sắc văn hoá dân tộc của mình như trang phục, lễ hội, các hoạt động đời sống sinh hoạt hàng ngày như đan lát đồ dùng thủ công, dệt thổ cẩm, thêu, lễ cấp sắc, múa đâm đuống, múa xòe, uống rượu hoẵng, cơm lam…, những nét đẹp văn hóa đặc trưng của vùng đất các vua Hùng. Quan trọng hơn, vườn nằm trong thế chân kiềng của tổng thể cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ Tam Đảo – Ba Vì – Xuân Sơn. Trong trục tâm linh của truyền thuyết lịch sử Quốc mẫu Lăng Thị Tiêu, Sơn Tinh – Thủy tinh, vua Hùng, tạo nên một Xuân Sơn kỹ vĩ và có nhiều lợi thế trong bảo tồn, phát triển bền vững kết hợp với du lịch.

Bản Cỏi

Đây là ngôi làng cổ xưa nhất của người Dao Tiền, bản cuối cùng của Vườn Quốc gia Xuân Sơn. Do có loài gà chín cựa, một loài vật tưởng như chỉ có trong truyền thuyết Sơn Tinh Thủy Tinh mà bản Cỏi hiện nay được nhiều người biết tới. Từ một khu dân cư heo hút nằm sâu trong vùng lõi Vườn Quốc gia Xuân Sơn, nay bản Cỏi biến thành địa điểm thu hút được nhiều khách du lịch cũng như các thương lái đến thu mua loại gà này để tiêu thụ.

Đồi chè Long Cốc

Phú Thọ đã từ lâu nổi tiếng là đất trồng chè, với diện tích trồng chè trên 12 ngàn ha và sản lượng chè búp tươi vô cùng lớn. Ai đã từng qua vùng đồi trung du Phú Thọ khu vực các huyện Tân Sơn, Thanh Sơn sẽ không thể nào quên những đồi chè xanh mơn mởn, trông như những mâm xôi tầng tầng, lớp lớp ngút ngàn tạo nên cảnh quan thiên nhiên kỳ thú. Đồi chè Long Cốc ở Tân Sơn được xếp vào một trong những đồi chè đẹp nhất Việt Nam.

Đèo Khế

Đèo Khế là ranh giới tự nhiên giữa 2 tỉnh Phú Thọ và Yên Bái. Từ Hà Nội qua địa phận xã Thu Cúc (Phú Thọ) đi thẳng tiếp là lên đến đèo Khế. Vượt qua đèo Khế sẽ sang tới địa phận của huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái. Trước đây, đèo Khế từng là “nỗi sợ hãi” đối với cánh tài xế và những người đi đường đêm. Sau khi được tu sửa lại, con đường đèo dài gần 30km không chỉ giúp giao thông thuận tiện mà còn trở thành điểm lui tới quen thuộc của dân mê phượt.

Thanh Sơn

Thác Mây

Thác Mây thuộc xã Hương Cần, nằm cách trung tâm huyện Thanh Sơn khoảng 25km. Trên đỉnh núi Hem có một hồ nước nhỏ, nước từ đó đổ xuống sườn núi tạo thành suối Hem và nhiều tầng thác liên hoàn kế tiếp nhau, gọi là thác Mây. Thác Mây gồm 13 thác nước lớn nhỏ, trong đó thác cao nhất là thác Thượng với nhiều cột nước tung bọt trắng xoá. Những ngày trong xanh, hoà cùng màu xanh của núi rừng và màu xanh của trời là những dòng thác như giải lụa mềm giữa trời. Nhiều thác nước lớn nhỏ đã tạo nên những cung bậc âm thanh khác nhau, có thác nước đổ rào rào, có thác nước chảy róc rách giống như những bản nhạc của thiên nhiên. Tới gần thác, không khí như dịu mát hẳn, khác biệt với không khí bên ngoài, du khách có thể đắm mình trong dòng nước suối trong mát sau khi khám phá bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp.

Thác Mơ

Thác Mơ thuộc xã Cự Thắng, cách trung tâm huyện 15km. Trước đây, thác có tên gọi khác là thác Vạn Mơ nhưng lâu dần người ta gọi thác là thác Mơ. Ngay từ tên gọi của thác đã tạo cho du khách hình dung được khung cảnh mộc mạc, mà nên thơ. Đường vào thác được bao bọc bởi màu xanh của núi rừng, các loại hoa dại hai bên đường, góp phần tạo nên vẻ đẹp hoang sơ cho khung cảnh nơi đây.

Thác Mơ có đến 9 tầng khác nhau, từ xa, đã nghe tiếng thác nước đổ rì rào như lời hát của các sơn nữ. Men theo con suối nhỏ để đến chân thác, du khách sẽ được đắm mình trong cảnh sắc thiên nhiên còn hoang sơ của đại ngàn. Thác được vây quanh bởi những ngọn núi xanh mát, hệ động thực vật nguyên sinh phong phú, đa dạng. Sau khi khám phá vẻ đẹp của thiên nhiên, du khách có thể nghỉ ngơi tại nhà sàn, thưởng thức các món ăn dân giã đặc sắc của đồng bào các dân tộc Thanh Sơn.

Suối khoáng nóng Thanh Thủy

Khu du lịch nước khoáng nóng Thanh Thủy nằm trên địa phận các xã La Phù và Bảo Yên huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ, cách thành phố Việt Trì hơn 40km, giáp với Hà Nội, nằm bên tả sông Đà, đối diện với núi Ba Vì. Khu du lịch nước khoáng nóng Thanh Thủy là khu vực đắc địa sở hữu nguồn nước khoáng nóng cùng với các cảnh quan đẹp được coi là những tài nguyên vô giá của tự nhiên ban tặng cho Thanh Thủy để phát triển du lịch nghỉ dưỡng. Qua tài liệu nghiên cứu khoa học cho thấy, nước khoáng Thanh Thuỷ có nhiệt độ dao động trong khoảng từ 37ºC – 54ºC thuộc loại nước khoáng ấm – nóng. Trong nước khoáng có nhiều chất vi lượng như: Natri, Canxi, Magie, đặc biệt có hàm lượng chất Radon vừa phải để tạo nên một loại nước quý hiếm rất thích hợp cho việc tắm ngâm, phục hồi sức khoẻ và chữa bệnh.

Hồ Ly (Hồ Thượng Long)

Sau khi ngăn đập, hồ Thượng Long hay còn gọi (hồ Ly) trở thành một trong 10 hồ có trữ lượng nước lớn nhất tỉnh, hồ có khả năng tưới cho trên 500ha lúa và cung cấp nước sinh hoạt cho hàng ngàn người dân ở xã Thượng Long, Nga Hoàng, Hưng Long, Phúc Khánh, Đồng Thịnh và thị trấn Yên Lập. Đập ngăn nước đã tạo nên một hồ nước xanh như viên ngọc giữa núi rừng.

Hồ Ly được tạo từ hai khe nước là khe Ly và khe Chanh. Người dân địa phương đã lấy tên khe Ly đặt tên gọi cho hồ. Hồ Ly có vẻ đẹp non nước hữu tình mà thiên nhiên ưu đãi ban tặng cho nơi đây với cảnh đẹp yên bình thu hút nhiều bạn trẻ đến tham quan, chụp hình và trải nghiệm thú vị khi khám phá văn hóa dệt thổ cẩm, thưởng thức những đặc sản của bà con dân tộc người Dao, Mường tại địa phương.

5 . Các món ăn ngon ở Phú Thọ

Ẩm thực người Mường Phú Thọ

Cơm lam người Mường

Ẩm thực là một nét đẹp văn hóa, là sản phẩm đặc trưng do bàn tay và khối óc của con người tạo ra. Với người Mường ở Thanh Sơn, họ đã biết cách chung sống cùng thiên nhiên, những món ăn đơn giản, dân dã nhưng luôn hài hòa và gắn liền với thiên nhiên cũng như bản tính hiền lành và đôn hậu của con người xứ Mường. Cho đến nay, những giá trị văn hóa đó vẫn được đồng bào bảo tồn và phát huy. Một trong số các món ăn điển hình phải kể đến là cơm lam.

Để làm ra được món cơm lam ngon và có dấu ấn riêng của dân tộc mình, người Mường thường rất cầu kỳ, kỹ lưỡng trong việc chọn nguyên liệu. Đầu tiên phải chọn đồ đựng là một ống nứa thon dài khoảng 20- 30cm, không to, không nhỏ, không quá dày cũng không quá mỏng. Vì nếu quá dày nướng sẽ rất lâu, lúc bóc sẽ rất tốn công, còn nếu quá mỏng sẽ dễ bị cháy. Điều đặc biệt nứa phải là cây còn non, bà con lấy luôn nước có ở trong từng đốt ống nứa để nướng cơm, người Mường cho rằng đó là thứ tinh hoa của đất trời còn vương lại. Ống nứa tươi xanh giúp lửa không bén vào gạo và chất nhựa trong vỏ sẽ ngấm sâu vào cơm làm cho cơm có vị ngọt và mùi hương tự nhiên.

Tiếp theo là đến việc chọn gạo, đồng bào chọn loại nếp nương thơm, dẻo của vùng cao. Gạo trước khi được đem đi “lam” sẽ được ngâm khoảng 2- 3 tiếng, sau đó vo sạch, rắc ít muối và trộn đều rồi đổ vào ống nứa đã có sẵn nước. Khi gạo đổ vào, không nén chặt mà để cách miệng ống 5cm để khi gạo chín nở ra sẽ vừa khít miệng ống. Nếu thấy ống nứa có ít nước, có thể thêm nước xăm xắp mặt gạo. Nước này người Mường thường lấy nước trên những khe đồi, khe suối nhằm tạo nên vị ngọt mát. Sau đó, đem nút miệng ống lại bằng lá dong hoặc lá chuối. Đốt lửa dựng các ống quanh bếp, có thể nướng ống cơm lam bằng than củi, than tre hoặc rơm khoảng một giờ, khi cơm sủi thỉnh thoảng nhấc ra dằn mạnh ống xuống đất để gạo dồn xuống phía dưới cho hạt cơm săn chắc. Nước cạn, đặt ống nằm ngang và nướng xoay đều. Dùng ngón tay nhấn, thấy cơm mềm và có mùi thơm bốc lên là cơm đã chín. Lấy dao róc bỏ phần vỏ cháy bên ngoài. Đợi cho nguội hẳn bóc lớp vỏ còn lại sẽ để lộ ra lớp cơm vẫn được bao bọc bởi phần vỏ lụa trắng ngà của ruột tre, nứa khiến cơm lam có một màu sắc thuần hậu.

Bánh trứng kiến người Mường

Nếu như đối với những người dân tộc Kinh, vào ngày mồng 3 tháng 3 âm lịch hằng năm thường tổ chức “Tết hàn thực” hay còn gọi Tết bánh trôi – bánh chay thì người Mường lại tổ chức ăn “Tết thanh minh” với món đặc sản là bánh trứng kiến.

Theo quan niệm của người Mường, mỗi năm chỉ làm loại bánh này đúng một đợt vào lúc mặt trời đỏ nhất trong năm và cũng chỉ trong tháng ấy mới có loại trứng kiến mang hương vị khác lạ nhất so với các loại kiến làm tổ trên cây khác. Người Mường cho rằng thường bắt đầu từ tháng 3 âm lịch mặt trời sẽ đỏ rực nhất, đó là lúc những tổ kiến đen trên ngọn cây luồng, cây keo, cây nứa,… trong rừng có nhiều trứng nhất, theo kinh nghiệm của đồng bào, mặt trời càng đỏ thì trứng càng to nhanh, trứng ngon nhất khi nó to nhất thì bằng hạt gạo nương và có màu trắng hồng béo ngậy.

Để làm món bánh trứng kiến, người Mường vào rừng tìm cây nứa, cây luồng có những tổ kiến to, có nhiều trứng. Người thì chặt tổ trên cây cho rơi xuống, người thì cho tổ vào mẹt đập nhẹ cho rơi trứng ra, người thì vừa kéo mẹt đi vừa bẻ cành lá cho vào để lừa kiến bò đi chỗ khác, sau đó sàng sẩy cho sạch vỏ tổ, còn lại những quả trứng kiến chắc, mẩy. Trứng kiến sau đó được rửa sạch, phơi khô.

Những gia vị cho món bánh trứng kiến thêm thơm, ngon gồm có: Lóng chuối (nõn chuối rừng), rau đáu (rau răng cưa), rau dổi, lá kiệu cùng gạo tẻ đã được ngâm qua nước. Tất cả những nguyên liệu này được chộn lẫn với nhau, cho vào cối giã nhỏ, thêm gia vị (mắm, muối, mì chính) vừa đủ sau đó được nặn thành viên to gần bằng nắm tay, tán dẹt, cho trứng kiến vào giữa và dùng lá sung mật gói lại rồi cho vào nồi hấp hoặc đồ chín. Khi bánh đã chín, mang ra xếp vào rổ để nguội là có thể thưởng thức mà không cần chấm thêm bất kỳ gia vị nào.

Bắp chuối lam sườn

Bắp chuối lam sườn là món ăn truyền thống mang đậm bản sắc dân tộc Mường. Hoa chuối rừng có trên khắp các các dãy núi, cánh rừng ở Yên Lập. Khi đi rừng người Mường thường hái bắp chuối mang về để chế biến thành nhiều món ăn khác nhau. Để làm món bắp chuối lam sườn, bắp chuối sẽ được thái mỏng, ngâm với dấm, sau đó vớt ra để ráo nước và với các trộn gia vị: muối, tiêu, lá thơm và thịt sườn băm (trước kia là thịt thú rừng băm nhỏ) cho vào ống nứa và lam đều tay (như lam cơm) trên lửa nhỏ hoặc than hồng. Khi lam chín món ăn có mùi thơm đặc trưng của hoa chuối rừng vị ngọt của thịt sườn, có thể ăn cùng cơm nóng hay làm dùng đồ nhắm rượu đều rất tuyệt.

Măng chua nấu thịt gà

Văn hóa ẩm thực của người Mường hình thành từ những món đơn giản dân dã, in đậm hương vị núi rừng, sông suối như thịt, cá, măng, rau rừng… Trong số đó, sẽ là thiếu sót khi không nhắc tới gà nấu măng chua. Trong tiết trời lạnh của mùa đông rất thích hợp để thưởng thức món măng chua nấu gà với mùi vị chua dịu nhẹ và thịt gà mềm mượt. Món măng chua nấu gà từ lâu đã nổi tiếng. Với đồng bào Mường để thưởng thức món măng chua nấu thịt gà ngon thì không thể thiếu các loại rau ăn kèm như lá đu đủ, cải nương … ăn kèm thịt gà với các loại rau này sẽ tạo nên hương vị đặc sắc vị đắng lá đu đủ kết hợp với cay của rau cải nương cùng hương vị thơm ngon của măng chua nấu thịt gà sẽ tốt cho sức khỏe.

Thịt nộm nâuNgười Mường ở Thanh Sơn vốn sinh sống chủ yếu dựa vào thiên nhiên, gần những con sông, con suối nhỏ, chính từ sự che chở của thiên nhiên mà trong nếp nhà sàn của đồng bào luôn tồn tại nguồn thức ăn được chế biến từ nguyên liệu sẵn có nơi núi rừng. Bên cạnh sở thích ăn thức ăn có vị chua như: củ kiệu muối, quả cà muối chua, rau cải muối dưa, rau sắn muối dưa cá; vị đắng như: măng đắng; lá, hoa, quả đu đủ; rau đốm… thì đồng bào còn ưa dùng một loại củ rất đặc biệt có vị chát, đó là củ nâu.

Món thịt nộm nâu được xem như món ăn “lạ” và đặc trưng của đồng bào Mường trên mảnh đất này. Để chế biến nên món thịt nộm nâu, tùy vào số lượng người ăn mà bà con chuẩn bị nguyên liệu vừa đủ. Đồng bào chọn thịt lợn loại lợn rừng nuôi thả rông, làm món nộm nâu thích hợp nhất là thịt nạc mông kèm theo một chút thịt ba chỉ. Củ nâu có hai loại: nâu vàng và nâu đỏ, nhưng làm món thịt nộm nâu đồng bào chọn loại nâu già màu đỏ thẫm, vì nâu đỏ món ăn sẽ ngon hơn, màu sắc sẽ hấp dẫn hơn.

Rau rừng đồ Thanh Sơn

Nhắc đến ẩm thực của người Mường, thực khách thường nghĩ ngay đến những món ăn đơn giản, dân dã mang hương vị của núi rừng, sông suối như: món cá suối, thịt lợn rừng, măng chua… nhưng có lẽ ít ai đã được thưởng thức món rau rừng đồ. Với đồng bào dân tộc Mường ở vùng cao Thanh Sơn, từ những loại rau rừng bình dị, gần gũi trong vườn nhà, trên vách núi, đồng bào đã chế biến nên món rau rừng hết sức độc đáo, hấp dẫn mang đặc trưng riêng mà chỉ người Mường mới có.

Rau đồ đạt tiêu chuẩn đòi hỏi phải giữ được màu xanh của các loại rau, màu trắng của quả cà rừng, của hoa đu đủ đực và màu nâu nhạt của hoa chuối rừng. Đồng thời, phải giữ được vị chát, đắng đặc trưng của rau ngải cứu, lá đu đủ. Rau đồ có thể xem như một món ăn rất truyền thống của người Mường, đồng bào đi làm nương về cũng có thể hái rau rồi làm món ăn này. Điều đặc biệt hơn, trong các loại rau rừng đồng bào đem đồ cũng là một trong những vị thuốc vì những loại rau rừng có vị đắng, chát vốn có tính nóng và có tác dụng rất tốt trong phòng chống cảm cúm, chống các loại gió độc, tăng sức đề kháng cho cơ thể…. Chỉ từ những sản vật của núi rừng mà người Mường Thanh Sơn đã chế biến thành những món ăn cực kỳ hấp dẫn mang hương vị đặc biệt.

Bánh tai Phú Thọ

Bánh tai Phú Thọ chủ yếu là thứ ăn sáng. Ra chợ phường (như chợ phường Hùng Vương hiện nay) định ăn bánh tai, ta phải tìm đến bà hàng không quán, bánh đựng trong thúng ủ kín. Ngon nhất là ăn tại chỗ, kiểu dân dã. Bánh tai vừa lấy ra còn hơi nóng, lót tay bằng mảnh lá chuối hoặc cầm tay không, từ từ ăn mới thấm hết cái đặc điểm và mùi vị của bánh: cảm giác dẻo mát, giòn, bùi, ngọt, béo, thơm hòa quyện trong từng miếng.

Xôi nếp Gà Gáy

Gà gáy là tên một giống lúa nếp quý hiếm, là đặc sản nổi tiếng của huyện Yên Lập có từ rất lâu đời. Loại nếp này là giống lúa dài ngày, được trồng trên những ruộng bậc thang, hạt dài, mẩy, lúa chưa chín nhưng chỉ đi qua cánh đồng lúa người ta đã được đắm mình trong hương lúa non ngào ngạt đến mê người. Khi nấu, cơm thơm, dẻo, mùi vị ngon đặc trưng.

Để có một nồi xôi nếp Gà gáy ngon thì gạo phải được đãi sạch, không cần ngâm nước lâu nhưng xôi vẫn dẻo, mềm, thơm. Cho gạo vào trõ, lấy cám gạo tẩm ít nước vào rồi chát kín trõ xôi không cho nó phì hơi ra ngoài. Cứ thế đun khoảng 2 tiếng thì nhấc ra. Xôi nếp “gà gáy” mà ăn với muối vừng do bà con dân bản trồng trên nương thì ngon tuyệt vời. Mùi muối vừng thơm nức cùng với hương thơm ngon ngọt, nồng nàn của xôi, tất cả hòa quyện vào nhau tọa nên mọt món ăn rất đỗi gần gũi, mộc mạc mà khó quên. Xôi nếp Gà gáy được dùng để đãi khách quý, nấu rượu trong những ngày lễ lớn, quan trọng.

Cuốn cão làng Sỏi

Không biết món cuốn cão ở làng Sỏi (Thạch Sơn, Lâm Thao) có từ bao giờ, ai là người đầu tiên sáng tạo nên món ăn đặc biệt ấy. Xưa kia người dân nơi đây gọi con tôm càng là con cão, cách gọi tên này ngày nay vẫn còn không ít người trong làng sử dụng. Món ăn là sự tổng hợp của nguyên liệu, nhiều màu sắc với màu đỏ của tôm, màu xanh của rau thơm, củ kiệu, màu trắng của thịt ba chỉ luộc và bún, giò lụa, màu vàng của trứng rán… Những con tôm được lựa chọn to chừng ngón tay út, đều nhau được rang lên phải đạt độ giòn và ngả màu hơi đỏ. Củ kiệu để cả lá, nhặt bỏ rễ và đem luộc chín. Trứng rán, thịt lợn ba chỉ luộc, giò lụa và bún, tất cả được thái thành miếng nhỏ dài để dễ xếp và dễ cuốn với kiệu. Để có một miếng cuốn cão ngon vừa miệng, người ta xếp các loại thực phẩm đã thái sẵn mỗi loại một miếng cùng một ít rau mùi sau đó dùng lá của củ kiệu cuốn lại

Cá thính chua

Phú Thọ là vùng đất có nhiều sông suối, ao hồ nên từ lâu cá đã trở thành một món ăn quen thuộc của mảnh đất này. Ngoài các cách chế biến thông thường như cá kho tương, kho trám, cá rán, nấu canh chua…người dân nơi đây còn tinh tế chế biến ra một món ăn độc đáo là cá thính. Cách chế biến này không những tạo nên một món ăn có hương vị độc đáo mà còn giúp bảo quản cá mỗi khi người dân đánh bắt được nhiều. Với phương thức gia truyền truyền từ đời nay sang đời khác, cá thính đã trở thành một món đặc sản của mảnh đất trung du không biết tự bao giờ.

Để làm được một mẻ cá thơm ngon phải đòi hỏi sự kì công, tỉ mỉ, khéo léo và tinh tế của người làm ra nó. Khi cá được bắt về, người ta mổ cá, để nguyên vẩy, làm sạch phía bụng cá và thái vừa miếng, sắt đôi cho miếng cá mỏng để dễ ngấm gia vị. Sau đó, dùng thính đã xay mịn trộn vào cá đã ướp muối và xếp cá vào chum hoặc vại. Cuối cùng, úp ngược lọ xuống một cái chậu đựng nước muối sao cho “vung” mo cau không chạm vào nước. Để khoảng 3 tuần có thể mang ra ăn được. Muốn cá thính thơm ngon hơn, người ta cho thêm vài lá ổi vào cùng. Sau một thời gian, lấy cá ra cạo sạch thính cũ và cho thính mới vào. Miếng cá phải khô, chặt thịt, thơm dậy mùi thính và lá ổi mới đạt yêu cầu. Cá thính để càng lâu càng ngon hơn.

Cá ướp thính thường chỉ rán hoặc nướng. Nhưng món cá nướng luôn được chuộng hơn cả bởi nó có mùi thơm đặc trưng của thính quyện vào mùi than, mùi khói. Cách nướng cá cũng thật đặc biệt. Không nướng cá trực tiếp trên than hồng, mỗi miếng cá được cặp vào một thanh tre tươi. Từng cặp cá đem cắm xung quanh bếp lửa than hồng. Lửa than tỏa ra, cá chín dần dần bằng hơi nóng tỏa ngang, thỉnh thoảng lại xoay đảo qua, đảo lại cho hai mặt cá chín đều. Cá nướng như vậy không bao giờ bị cháy. Mùi thơm của thính đỗ tương, gạo nếp, cộng với mùi cá chín vàng bay ra thật quyến rũ.

Măng sặt Ấm Hạ

Măng rừng có ở nhiều nơi nhưng măng Sặt là giống măng rừng không phải vùng nào cũng có. Từ lâu rồi, măng Sặt mọc nhiều trên núi Buộm, dãy núi cao nhất ở Ấm Hạ. Loại măng này có đặc điểm thân nhỏ bằng đầu ngón tay cái, dong dỏng cao, lá nhỏ, sinh sản nhanh.

Cá nheo đồng Hạ Hòa

Cá nheo là loài cá da trơn sống ở ao hồ, sông ngòi vùng trung du Hạ Hòa. Rất hiếm khi người đồng quê nơi đây bắt được những chú cá quanh năm sống lẩn dưới bùn nước sâu này để chế biến món ăn. Cá nheo đồng được người dân miền trung du Hạ Hòa chế biến thành những món ăn đậm đà dư vị. Vì đây là loại cá da trơn nên khó lòng chế nheo thành món luộc, món hấp hay nấu canh. Người sành ăn từ lâu đã biết chế nheo thành hai món khá hấp dẫn là nheo nướng và nheo om trái chuối xanh.

Các món ăn từ cọ

Xôi cọ

Vào khoảng tháng 11, 12 âm lịch là mùa cọ chín, người dân ở huyện Phú Thọ lại lựa những quả cọ nếp để làm xôi. Món ăn này từ lâu đã trở nên thân thuộc và người dân nơi đây đi đâu cũng nhớ về.

Để làm xôi cọ, người ta thường chọn các quả cọ nếp có vị béo và ngậy. Cọ tẻ cũng có thể làm được xôi nhưng thường không ngậy và dẻo. Quả cọ được rửa sạch và xóc cho tróc vỏ, bớt vị chát rồi cho vào nồi nước đun cho đến khi chín, gọi là ỏm cọ. Sau đó cọ được tách ra lấy phần thịt màu vàng để nấu xôi.

Gạo nếp dùng để nấu cũng phải được chọn kỹ càng thì xôi mới dẻo, thơm, hạt bóng mẩy. Gạo được ngâm nước qua đêm sau đó vo sạch, cho thịt cọ vào bóp nhuyễn, thêm một chút muối thêm phần đậm đà.

Cơm nắm lá cọ

Phù Ninh là vùng quê nổi tiếng với cây cọ. Đời sống người dân nơi đây bao đời gắn với cây cọ. Bên cạnh nón lá cọ, mành cọ, ở đây còn có một đặc sản là cơm nắm lá cọ.

Để có nắm cơm lá cọ, phải tìm những lá cọ non của những cây cọ mới mọc thấp ngang thắt lưng. Tàu lá cọ nhỏ bằng miệng nón, còn phớt xanh hoặc chưa xòe hết. Mang lá cọ cắt bớt tua lá xung quanh, lau rửa sạch, để cho ráo nước. Cơm nấu chín, xới ra, dùng khăn ướt hoặc tay nhúng nước lạnh nắm tròn lại, lăn cho kỹ, cho nhuyễn, tùy khẩu phần ăn cho một hay nhiều người mà chia thành nắm to, nắm nhỏ. Sau đó cho vào tàu cọ, túm lại buộc một đầu, lăn qua lần nữa cho chặt. Cơm nắm lá cọ thường được người dân Phù Ninh mang theo khi đi làm đồng, đi buôn bán hay đi học xa trong những tháng ngày còn khó khăn.

Cọ ỏm

Cứ đến cữ tháng 9 cây cọ bắt đầu ra hoa và đến vài ba tháng sau thì cho quả. Quả cọ non thì chưa om được, phải đợi đến khi quả cọ già, da chuyển màu xanh sậm. Quả cọ rửa qua, cho vào nồi lưng lưng nước, đặt lên bếp, đun nhỏ lửa. Cái giống cọ không ưa to lửa, bởi nếu ai nóng ruột đun lửa to cho chóng chỉ có làm hỏng món cọ om mà thôi, bởi khi ấy cọ rất chát, lửa càng to thì cọ càng chát. Vậy nên khi đun nhỏ lửa, vị chát của cọ được “thôi” ra, cho đến khi thấy quả cọ mềm là được. Cọ om ăn bùi, ngậy không kém trám om. Cầu kỳ hơn, cọ om đem kho cá, nêm gia vị ăn cũng rất lạ.

Bánh làng Dòng

Làng Dòng (Xuân Lũng, Lâm Thao) nức danh khắp vùng trung du đất Tổ với nghề làm bánh truyền thống đã tồn tại hàng mấy trăm năm, vẫn đang được người dân nơi đây gìn giữ và phát triển. Các loại bánh của làng Dòng vừa ngon, vừa đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm, luôn được đông đảo người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh yêu thích.

Bánh chưng được gói từ gạo nếp cái hoa vàng, dẻo thơm đậm đà hương vị; bánh nẳng được làm cầu kỳ từ gạo nếp với nước cốt các loại lá thơm, mầu đỏ đậm, có độ trong và dẻo, chấm với mật mía đem lại cho du khách cảm giác mát giọng, ngọt ngào; bánh gai dẻo mềm hương vị của lá gai, bùi béo của mứt sen trần, của lạc rang, của cùi dừa; bánh đúc giòn, đậm đà vị tương quê, thêm lạc rang bùi ngậy thơm nồng; bánh giày mịn màng, dẻo thơm, ngọt dịu…

Bánh sắn

Đây là loại bánh dân dã đã để lại khá nhiều ấn tượng mới lạ, sâu sắc cho du khách thập phương mỗi khi ghé thăm quê hương Phú Thọ. Món ăn không chỉ thơm bùi của vị sắn nếp đặc sản nơi đây mà còn béo ngậy quyến rũ lòng người.

Để làm ra những chiếc bánh ngon, trước tiên phải chọn được nguyên liệu tốt đó là loại sắn nếp củ trắng, thân mập có nhiều bột, vị ngọt thơm, khi luộc sắn bở tung trắng xốp. Cách làm loại bánh này khá đơn giản: Sắn bóc vỏ, rửa sạch, lọc bỏ xơ dùng bàn mài sắn thành bột đánh nhuyễn. Vắt lấy bã còn nước để lắng gạn lấy tinh bột rồi nhào bã cùng tinh bột cho mịn nhuyễn, nắn thành từng chiếc bánh nhỏ xinh. Nhân bánh gồm: Thịt mỡ, hành tươi, đỗ xanh bỏ vỏ nấu chín. Phi hành mỡ thơm cùng đỗ xanh, thịt mỡ nêm gia vị cho vừa để làm nhân bánh. Bột sắn nặn thành những chiếc bánh xinh xinh hình tròn hoặc khum dẹt, dùng lá chuối bọc bên ngoài từng chiếc bánh để khi xôi bánh không bị dính vào nhau. Lần lượt xếp bánh vào nồi đồ xôi. Đun nồi xôi nhỏ vừa để bánh chín đều. Sau 40 phút bánh sẽ lên mùi thơm ngậy của sắn nếp và nhân đậu thịt. Khi bóc chiếc bánh, bên ngoài có màu xanh nhạt từ màu xanh của lá chuối, bên trong bánh có màu trắng và ở giữa là nhân.

Đặc sản Phú Thọ mua về làm quà

Tương Dục Mỹ

Mùi thơm hấp dẫn, vị đậm ngọt, béo ngậy và màu vàng sánh của tương Dục Mỹ khiến cho những ai từng thưởng thức sẽ không quên được hương vị tương quê đặc biệt nơi đây

Những nguyên liệu để tạo nên tương Dục Mỹ là gạo nếp, đậu tương, muối và nước. Tuy quy trình làm tương nơi đây không có gì khác so với quy trình làm tương truyền thống: phơi mốc, ủ mốc, lên men…nhưng có lẽ chính do nguồn nước ngọt được lấy từ độ sâu hàng trăm mét dưới lớp đá ong dày đã tạo nên mùi vị đặc biệt cho loại tương này.

Bưởi Đoan Hùng

Bưởi Đoan Hùng là giống bưởi đặc sản nổi tiếng tại Phú Thọ và khắp miền Bắc. Loại trái cây đặc biệt này được trồng tại vùng đất Đoan Hùng, xưa còn gọi là “bưởi Phủ Đoan”, là loại cây trồng lâu năm, có quả hình cầu dẹt, nặng chưa đầy 1 kg, khi quả chín màu vàng sáng, tép nhỏ, vỏ héo, mềm, đặc trưng mọng nước, ngọt và mát. Món ẩm thực đất Tổ này còn quý ở chỗ có thể bảo quản được vài tháng đến nửa năm, ngay cả khi vỏ đã héo khô, khi bổ ra ăn vẫn ngọt, thơm mát, vẫn giữ nguyên hương vị.

Tại Đoan Hùng hiện nay vẫn còn giữ được hai giống bưởi quý đó là: bưởi Chí Đám và bưởi Bằng Luân. Cách đây khoảng 300 năm bưởi Bằng Luân được trồng nhiều nhất ở hai xã Bằng Luân và xã Quế Lâm của huyện Đoan Hùng. Bưởi Chí Đám rất ưa đất phù sa, loại này có nguồn gốc từ việc gây giống cây bưởi của nhà lão nông có tên là ông Sửu cách đây trên 200 năm, nên bưởi còn có tên gọi là bưởi Sửu.

Hồng Gia Thanh

Hồng Gia Thanh có nguồn gốc ở Tiên Cát, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, được dân di thực về trồng tại các vườn hộ gia đình thuộc xã Gia Thanh, huyện Phù Ninh ít nhất từ 50 – 70 năm trở lại đây, có những cây đã gần 70 tuổi. Hiện trên địa bàn huyện Phù Ninh đang có khoảng 50ha diện tích trồng Hồng mang lại thu nhập cho người dân.

Đặc điểm của Hồng Gia Thanh là quả không có hạt, hình thoi cao thành chứ không tròn, tai vểnh lên, khi chín quả có màu vàng nhạt, ăn vị giòn, ngọt. hồng ngâm còn chứa nhiều vitamin tốt cho sức khỏe, là một món quà hấp dẫn cho những người con xa quê và du khách thập phương ghé thăm Phú Thọ được thưởng thức đặc sản vùng Đất Tổ.

Chè Phú Thọ

Mỗi vùng đất với điều kiện thổ nhưỡng khác nhau nên đã đem lại cho sản phẩm chè Phú Thọ nhiều hương vị đặc trưng riêng. Đến nay, sản phẩm chè của Phú Thọ đã được xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới và được đông đảo người tiêu dùng trong nước biết tới.