Hà Giang đón hơn hai triệu lượt khách nhờ nền tảng số

27/10/2023

Đăng bởi: Admin | 27/10/2023

Vừa qua, Hà Giang đã đón hơn 2 triệu lượt khách du lịch nhờ các nền tảng số. Hà Giang luôn nổi tiếng với những cung đường quanh co, cheo leo hiểm trở đầy thách thức với các tài xế. Tuy nhiên khi bạn đứng trên cao và phóng tầm mắt ra xung quanh thì bạn sẽ thấy đây là một vùng đất tuyệt đẹp với cảnh quan thiên nhiên thư thái cùng cảm giác bình yên.

Tỉnh thu hút hơn 2,1 triệu du khách trong 9 tháng nhờ đổi mới hình thức quảng bá, hỗ trợ du khách qua các nền tảng số.

Trong 9 tháng năm nay, tỉnh đã đón hơn 2,1 triệu lượt khách, tăng 35% so với cùng kỳ, trong đó khách quốc tế đạt mức trên 218.000 lượt người và khách nội địa là hơn 1,9 triệu lượt người. Doanh thu du lịch của tỉnh đạt trên 5.000 tỷ đồng, tăng 58,6% so với cùng kỳ. Du lịch dần trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, "trụ đỡ" quan trọng của nền kinh tế Hà Giang.

Trong đó, Bảo tàng tỉnh được nâng cấp, xây dựng sản phẩm dịch vụ dựa trên nền tảng công nghệ số với sự hỗ trợ của các chuyên gia. Điều này góp phần xây dựng nơi đây trở thành một trong những điểm du lịch tiêu biểu; lưu giữ, giới thiệu, quảng bá, đồng thời, khẳng định các giá trị lịch sử lâu đời, giá trị văn hóa của các dân tộc đã và đang sinh sống tại Hà Giang.

Bảo tàng bắt đầu hoạt động từ tháng 9 và đón trên 6.000 lượt du khách sau một tháng. Với một cái chạm tay, du khách có thể tiếp nhận thông tin về lịch sử, văn hóa, dân tộc, danh lam thắng cảnh. Thiết kế được lồng ghép công nghệ, màn hình tương tác, thiết bị hướng dẫn tự động, tiếp cận thông tin trực tuyến, vừa mang lại hiệu quả truyền thông, vừa có hiệu ứng về mặt thị giác.

Phòng chiếu phim tại đây cũng trang bị công nghệ trình chiếu 3D Mapping, sử dụng ánh sáng để tạo hiệu ứng 3D cho bề mặt tiếp xúc, tạo ra các khối hình ảnh tương tác trong không gian ba chiều.

Giám đốc Công ty du lịch Fivestar Lương Duy Doanh, chia sẻ, sự cộng hưởng giữa lịch sử, văn hóa truyền thống, danh lam thắng cảnh, thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và công nghệ số tạo nên nhiều trải nghiệm tuyệt vời cho du khách. "Việc bắt kịp xu thế chuyển đổi số trong xây dựng sản phẩm du lịch mới là hướng đi đúng, giúp bảo tàng phát triển bền vững", ông nói thêm.

Hà Giang từng bước cụ thể hóa nhiệm vụ chuyển đổi số. 

Hiệp hội du lịch tỉnh hợp tác với Tập đoàn Asim Group triển khai lắp đặt biển quét mã QR giới thiệu các khu, điểm du lịch tiêu biểu của tỉnh tại 11 huyện, thành phố. Theo đó, khách du lịch dễ dàng tìm hiểu thông tin về điểm đến, danh lam thắng cảnh, văn hóa, nơi lưu trú, di chuyển và gợi ý lộ trình phù hợp.

Trong tháng 9, đơn vị và Công ty Cổ phần Truyền thông Adver đã ký kết hợp tác trong quản lý vận hành ứng dụng chuyển đổi số du lịch Tripmap - Hà Giang. Khi sử dụng nền tảng này, du khách có thể trao đổi, gửi tin nhắn và liên lạc trực tiếp với người cung cấp dịch vụ tại điểm đến qua hệ thống chat tích hợp, không cần tìm kiếm thông tin từ các nguồn khó kiểm chứng trên mạng.

Người dùng có thể sử dụng Tripmap qua hai nền tảng: website và ứng dụng trên điện thoại di động. Ứng dụng Tripmap cũng góp phần tạo môi trường du lịch lành mạnh, công bằng, thuận lợi, tăng cường kết nối, tương tác giữa du khách, doanh nghiệp, người dân và chính quyền.

Theo khảo sát của cơ quan chuyên môn, 36% khách du lịch đặt tour qua nền tảng trực tuyến. Các phần mềm hỗ trợ đặt vé, đặt phòng khách sạn, phương tiện di chuyển phát triển nhanh chóng. Nhờ đó, khách du lịch có thể khám phá, tìm hiểu điểm đến tại nhà bằng điện thoại thông minh, máy tính có kết nối Internet và thực hiện các thao tác du lịch khác cho cả hành trình.

Dựa trên đặc điểm này, Hà Giang thường xuyên cập nhật thông tin tư vấn, hỗ trợ cung cấp thông tin trực tuyến cho du khách về tuyến, điểm du lịch qua website của Sở Văn hóa, Thể Thao và Du lịch, Cổng thông tin du lịch thông minh; website, fanpage của Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch tỉnh.

Theo bà Vừ Mai Hương - Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch tỉnh, đơn vị đang chủ động tiếp cận và vận dụng tiện ích của cuộc cách mạng 4.0 để thực hiện các chương trình xúc tiến, quảng bá du lịch, tư vấn trực tuyến và số hóa thông tin.

Khó khăn lớn nhất hiện nay là cơ sở hạ tầng, trang thiết bị hiện đại và nguồn nhân lực công nghệ thông tin có trình độ đáp ứng được yêu cầu phục vụ chuyển đổi số du lịch còn hạn chế. Trong thời gian tới, trung tâm dự kiến tiếp tục tham mưu cho ngành triển khai số hóa toàn bộ các điểm, sản phẩm du lịch được công nhận trên địa bàn tỉnh; áp dụng công nghệ 3D; nâng cấp website du lịch của tỉnh từ đơn ngữ sang song ngữ.

Ngoài ra, đơn vị cũng hướng tới cải tiến tính năng tư vấn trực tuyến, áp dụng công nghệ 360 độ trên trang web; hoàn thiện bản đồ du lịch thông minh; bổ sung trang thiết bị, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu cuộc cách mạng công nghệ số hiện nay.