Tết của người Mông ở bản Tà Số

16/01/2024

Đăng bởi: Admin | 16/01/2024

Bản du lịch cộng đồng Tà Số thuộc địa phận xã Chiềng Hắc được ví như một cao nguyên trên cao nguyên của huyện Mộc Châu, Sơn La đang là điểm đến mới lạ khiến những tín “đồ đam mê xê dịch” phải sốt xình xịch”. Nơi hội tụ vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ, văn hoá nguyên sơ bản sắc đậm đà và phong tục đời sống đặc trưng của người H’Mông. Vậy vào dịp tết tại điểm đến này có gì thú vị. Hãy tìm hiểu cùng Vigotrip qua bài viết dưới đây nhé.

Tết của đồng bào dân tộc Mông ở Sơn La diễn ra từ 30/11 âm lịch và kéo dài trong một tháng, là dịp để du khách đến tìm hiểu phong tục truyền thống và tham gia những trò chơi dân gian.

Bản Tà Số ở xã Chiềng Hắc, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La, được đồng bào dân tộc Mông ở huyện Yên Châu khám phá và di cư đến từ năm 1964. Trong tiếng Mông, Tà Số có nghĩa là Ngải Cứu vì ban đầu khi đến đây, cả vùng đất chỉ toàn cây ngải cứu.

Bản Tà Số có khí hậu lạnh hơn so với các bản vùng thấp khác ở Sơn La 4 - 6 độ C. Qua nhiều năm sinh sống, đồng bào dân tộc Mông ở nơi đây vẫn còn giữ nguyên những nét văn hóa truyền thống, điển hình là phong tục Tết cổ truyền của người Mông, theo trang web Ban Dân tộc tỉnh Sơn La.

Khác với dân tộc Kinh, người Mông ở Sơn La ăn Tết cổ truyền trong một tháng từ ngày 30/11 âm lịch. Lên Tà Số, Vân Hồ, bản Pa Pách, Pa Khen vào dịp này, du khách có thể tham gia đón tết cùng đồng bào dân tộc Mông.

Người Mông có phong tục "30 tết lợn, mùng 1 tết gà". Người dân bản Tà Số bắt đầu mổ lợn từ ngày 25 Tết để làm lễ tạ ơn tổ tiên, trời đất đã phù hộ cho dân bản có sức khỏe tốt, mùa màng bội thu và mọi điều may mắn. Một phần thịt lợn dùng để dâng cúng, một phần dùng để làm lạp sườn, ba chỉ hun khói, thịt lợn treo gác bếp, một phần mời anh em họ hàng, khách quý đến ăn cơm cùng gia đình.

Gà được thịt trong buổi chiều ngày cuối năm để làm mâm cơm cúng gia tiên.

Thứ không thể thiếu trong mâm cỗ Tết của người Mông là bánh dày làm từ gạo nếp nương gói lá chuối, tương tự như bánh chưng của người Kinh. Bánh dày có thể chiên hoặc nướng lên để ăn.

Người Mông quan niệm bánh dày tượng trưng cho Mặt Trăng, Mặt Trời, là vũ trụ, là nguồn gốc sinh ra con người và muôn loài trên trái đất. Bánh càng to, càng tròn thì cuộc sống của họ sẽ càng đủ đầy và sung túc. Bánh dày không chỉ dùng để cúng, ăn Tết mà còn làm quà tặng cho khách đến chơi.

Anh Thành cho biết bánh dày mềm, dẻo, thơm và ngọt bùi. Bánh quyện với hương lá dong rừng tạo nên một mùi thơm đặc trưng của núi rừng Tây Bắc.

Trong mâm cỗ Tết của người Mông còn có các món ăn khác được chế biến từ thịt lợn và gà như lòng, tiết canh, thịt lợn hầm, gà luộc và đặc biệt là rượu ngô. Rượu được nấu từ trước Tết vài tháng, đựng trong chum, đậy lá chuối rừng khô để giữ được hương thơm.

Từ ngày mùng 5 trở đi, người Mông tổ chức những lễ hội, trò chơi để những người trong bản giao lưu, trò chuyện với nhau.

Bên cạnh những trò chơi dân gian như bắn nỏ, đẩy gậy, kéo co, người Mông còn tổ chức các môn thể thao hiện đại như bóng chuyền, bóng đá, cầu lông để làm tăng tình đoàn kết. Trong đó, đánh tulu (ảnh) là trò chơi được những cậu bé người Mông yêu thích, thể hiện sức khỏe, độ khéo léo trong việc đẽo gọt tulu.

Dưới tiết thời se lạnh, hoa cải, hoa mận trổ bông, nhiều đôi trai gái đã nên duyên vợ chồng nhờ vào Tết cổ truyền. Trong các ngày Tết, nam thanh, nữ tú diện quần áo mới, đeo đồ trang sức đẹp nhất tham gia các trò chơi dân gian. Đây là dịp để họ gặp gỡ, tìm hiểu nhau. Người Mông cũng tổ chức các lễ cưới, hỏi vào tháng Giêng.