Top 5 địa điểm du lịch tâm linh nổi tiếng tại Ninh Bình
20/07/2024
Không chỉ nổi tiếng với các danh lam thắng cảnh như Tràng An, Tam Cốc – Bích Động… Ninh Bình còn được biết đến bởi rất nhiều khu di tích lịch sử và điểm du lịch tâm linh.
1. Phủ Đồi Ngang
Nằm ở xã Phú Long, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình, tọa lạc bên Khu du lịch hồ Đồng Chương, Phủ Đồi Ngang trở thành địa điểm tâm linh nổi tiếng ở mảnh đất cổ này. Tại đây, còn lưu giữ rất nhiều dấu tích lịch sử, câu chuyện ly kỳ thu hút không ít người tới.
Cách trung tâm huyện Nho Quan khoảng 13km, men theo con đường phủ bóng cây thông, không khó để đến được Phủ Đồi Ngang - một địa điểm tâm linh nổi tiếng gắn bó với người dân huyện Nho Quan suốt bao đời nay.
Phủ Đồi Ngang còn được nhiều người biết đến với cái tên khác như đền Cậu Bé Đồi Ngang, là nơi thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh, một trong bốn vị “tứ bất tử” của Việt Nam và thờ Cậu Bé Đồi Ngang. Đây cũng là nơi duy nhất ở miền Bắc tại Việt Nam có đền thờ Thánh Cậu. Còn đền thờ Thánh Mẫu, có rất nhiều nơi như phủ Dầy (Nam Định), phủ Tây Hồ (Hà Nội),…
Phủ Đồi Ngang gắn liền với truyền thuyết Thánh Mẫu tiên chúa tái tam giáng thế, hiển thánh tại vùng đất Nho Quan, Ninh Bình. Sau khi Mẫu Mẹ về trời, một thời gian qua đi, Mẫu Mẹ nhớ trần gian, khuôn mặt trở nên u buồn. Bà bèn tâu với vua cha cho giáng thế xuống trần. Thánh Mẫu biến hóa thành cô thôn nữ dọn quán bán nước ven đường (trước cổng phủ Đồi Ngang ngày nay) quan sát, dùng phép thuật trừ tà ác, dâm tặc bảo vệ nhân dân. Thánh Mẫu cũng biến hóa, cải trang thành người trần để thử lòng trần gian.
Bên cạnh bề dày về lịch sử, Phủ Đồi Ngang còn có rất nhiều câu chuyện hư hư, thực thực. Người dân ở quanh khu vực phủ Đồi Ngang có truyền nhau một câu chuyện vào khoảng thế kỷ thứ mười bảy, mười tám, quan quân triều đình lúc bấy giờ được lệnh san bằng, phá hủy phủ Đồi Ngang. Trong những năm ấy, các châu, các huyện quanh đây đều mất mùa, bệnh dịch liên tiếp hoành hành. Cho đến ngày lễ hội, Thánh Mẫu giáng thế, hiển linh, chỉ bảo người dân phải “tôn cấp, lập thờ”. Rồi những người dân ấy ngất đi, khi tỉnh lại họ không còn nhớ gì nữa.
Tại đây, cũng có nhiều người hiếm muộn hoặc muốn có con trai nối dõi đến làm lễ để cầu xin. Nơi đây, có nhiều gia đình, cặp vợ chồng đến để cầu con, có người xin cũng được như ý nguyện. Ngoài ra, người dân ở quanh đây từ xưa đến nay cũng đến phủ để tìm của bị mất. Cứ mỗi khi chăn trâu, thả bò bị lạc, người dân quanh đây đều đến Phủ Đồi Ngang thắp hương để xin Thánh Mẫu chỉ đường tìm vật. Những người may mắn có căn duyên sẽ có linh cảm tâm linh để tìm nơi mà trâu, bò đang đi lạc, hoặc đến gia đình đang giữ trâu, bò để chuộc lại. Với một số người khác, thì đợi hai đến ba hôm sau, trâu, bò lại tự về đến nhà…
2. Chùa Đẩu Long
Chùa Đẩu Long là ngôi chùa cổ, có lịch sử hình thành từ thời Đinh - Lê thế kỷ X. Chùa đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa quốc gia. Mặc dù là kiến trúc chùa nhưng nơi đây cũng đồng thời là một đền thờ 9 vị thần của các làng xung quanh. Chùa Đẩu Long tọa lạc ở trung tâm thành phố Ninh Bình.
Chùa Đẩu Long hiện nay thuộc phố Đẩu Long, phường Tân Thành, thành phố Ninh Bình. Chùa nằm trong địa bàn thành phố, trong khu đất thuộc di tích hiện nay vào loại rộng so với nhiều di tích khác ở trong tỉnh Ninh Bình (khoảng hơn 3ha). Khu đất rộng, bằng phẳng, có cảnh quan đẹp. Chùa đã được xếp hạng di tích lịch sử, văn hoá cấp quốc gia theo quyết định ngày 25/4/1994 của Bộ Văn hoá thông tin.
Chùa Đẩu Long ngoài thờ phật còn thờ 9 vị nhân thần trong nhiều giai đoạn lịch sử. Các vị thần này đều được thờ ở các di tích khác ở các làng xung quanh chùa nên được rước về thờ sở ở ngôi chùa hữu chung. Chùa Đẩu Long thờ Phật đã nghiễm nhiên trở thành một toà đền thờ các vị anh hùng dân tộc và các vị nhiên thần, những linh khí của núi sông núi Tràng An nước Việt hùng vĩ.
Chùa Đẩu Long được xây dựng theo trục trung tâm quay về hướng Tây, là một công trình đồ sộ và bề thế. Hệ thống kiến trúc của chùa bao gồm nhiều lớp: Tam quan, nhà bia, thượng điện, nhà thánh, nhà thờ tổ, nhà thờ Mẫu.
Tam quan chùa được xây theo kiểu hai tầng, tám mái, tầng trên treo chuông, tầng dưới là ba cửa vòm, có hai cột đồng trụ. Phía nam của bể là nhà bia (4 gian nhỏ) dựng bằng các cột đá vuông, mái hai tầng, bên trong đặt 6 bia đá ghi lịch sử và công đức những người tiến cúng tu sửa chùa. Tiếp đến, tòa tam bảo và thượng điện là chùa chính. Về cơ bản, vì chùa mới được xây dựng lại nên các cột đều làm bằng bê tông giả gỗ, vì, kèo, cánh cửa bằng gỗ lim. Phía sau thượng điện là nhà thờ tổ, gồm 5 gian, 3 gian giữa thờ tượng Tổ, hai bên là phòng khách. Phủ cũng ở phía sau thượng điện, nằm ở phía bắc, kiến trúc theo kiểu chữ “đinh”, quy mô nhỏ, là nơi thờ tam vị Thánh Mẫu.
3. Đền thờ Vua Lê Đại Hành
Đền vua Lê Đại Hành là một trong những điểm du lịch nổi tiếng của vùng đất Ninh Bình. Với vẻ đẹp rêu phong cổ kính nhưng không kém phần huyền ảo, đền vua Lê luôn thu hút rất nhiều du khách tứ phương trong và ngoài nước đến tham quan.
Xây dựng cùng thời điểm với đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng (thế kỷ 17), Đền thờ Vua Lê Đại Hành có kiến trúc khá giống với đền vua Đinh và giữ nguyên lối kiến trúc, điêu khắc của thời kỳ Hậu Lê. Đền vua Lê cũng được xây dựng theo kết cấu kiểu nội công ngoại quốc chỉ khác đền vua Đinh là đi vào đền theo cổng phía đông có thêm từ vũ và không có các ngưỡng cửa đá với các tảng đá cổ bồng tôn cao.
Đền thờ Vua Lê Đại Hành có ba toà bao gồm: Bái đường, Thiêu hương, Chính cung. Ngôi đền này có kiểu dáng thấp, các thanh xà, cột và nhiều bức đại tự sơn son thếp vàng tạo nên vẻ uy nghiêm cổ kính nhưng không kém phần tráng lệ, huyền ảo.
Điểm nổi bật độc đáo dễ nhận thấy nhất ở đây là con đường chính đạo dẫn vào đền được lát gạch sạch sẽ, nó dẫn lối đi qua nghi môn ngoại. Bên trái là hòn non bộ cao 3 m, tạc hình chim phượng trông rất uy nghi. Bên phải là nhà tiền bái cũng có hòn non bộ và gốc cây duối hơn 300 năm tuổi. Chưa hết, ở nghi môn nội có hai vườn hoa đăng đối nhau, liền kề là hai dãy nhà vọng và cả hòn non bộ hình Long, Phượng. Giữa sân đặt long sàn bằng đá sở hữu lối kiến trúc và điêu khắc đặc sắc thời Hậu Lê. Đền thờ Vua Lê Đại Hành là một biểu tượng đại diện tiêu biểu cho nền nghệ thuật kiến trúc và chạm trổ đặc sắc của thế kỷ 17 vẫn còn được lưu giữ tới ngày nay.
4. Chùa Duyên Ninh
Chùa Duyên Ninh là ngôi chùa cổ còn được gọi là chùa Cầu Duyên. Chùa được xây dựng từ thế kỷ X dưới thời vua Đinh Tiên Hoàng. Chùa là di tích đặc biệt thuộc khu di tích Cố đô Hoa Lư và cũng nằm trong quần thể di sản thế giới Tràng An ở Ninh Bình. Chùa Duyên Ninh được xem là một trong những ngôi chùa cầu duyên nổi tiếng nhất ở Việt Nam
Ngôi chùa này đã trải qua lịch sử hơn 1000 năm nên những nét kiến trúc cổ đã gần như không còn nữa. Hơn hết, ngôi chùa còn trải qua vài lần trùng tu và sửa chữa. Lối kiến trúc hiện tại được thiết kế theo phong cách giản dị, chỉ bao gồm các khu vực như chính điện, nhà tổ, phòng khách, nhà ăn, vườn cây và tháp xá lợi.
Ngay từ cổng vào, du khách đã thấy sự tỉ mỉ và cầu kỳ trong cách thiết kế. Trên các vòm mái hay mái đình đều được điêu khắc những họa tiết cầu kỳ với độ khó cao cùng với đó là sự sắc sảo và tinh tế trong từng hoa văn. Đặc biệt, ngôi chùa “tựa lưng” vào núi nên bầu không khí và không gian ngập trong hơi thở thiên nhiên, thoáng mát và trong lành.
5. Chùa Bích Động
Chùa Bích Động là một di tích lịch sử văn hóa thuộc Quần thể danh thắng Tràng An – Tam Cốc – Bích Động của tỉnh Ninh Bình. Đây là điểm du lịch tâm linh hấp dẫn, đưa khách đến với chốn uy nghi cửa Phật, bình yên miền sơn cước. Mỗi dịp Xuân về, chùa thu hút hút đông đảo Phật tử, du khách thập phương đến đây chiêm bái và vãn cảnh.
Chùa Bích Động còn được biết đến với tên gọi mỹ miều đó là “Bạch Ngọc Thạch Sơn Đồng”. Ý nghĩa của tên gọi này đó ngôi chùa đẹp và trong trắng như ngọc ở chốn thâm sơn cùng cốc. Mãi cho đến năm 1773, trong một lần đi du ngoạn. Chúa Trịnh Sâm đã quyết định đổi tên ngôi chùa từ Bạch Ngọc Thạch Sơn Đồng thành Bích Động. Chùa Bích Động đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới. Đồng thời, chùa Bích Động cũng đã góp mặt trong danh sách các di tích quốc gia đặc biệt ở Việt Nam.
Chùa Bích Động mang vẻ đẹp nghiêm trang, yên lắng của một chốn tâm linh mà bất cứ ai khi đến đây đều cảm nhận được sự thanh tịnh. Chùa Bích Động là một quần thể chùa cổ được xây dựng bằng gỗ lim vô cùng quý giá. Cả chùa Hạ, chùa Trung và chùa Thượng cũng được lợp bằng mái ngói không mấu, uốn lượn tinh xảo. Ngắm chùa Bích Động, bạn sẽ thấy được nét kiến trúc chùa chiền cổ xưa của người Việt cực kỳ thú vị.
Có rất nhiều du khách trong nước và quốc tế đều review rằng Chùa Bích Động mang một nét đẹp riêng ấn tượng mà bạn khó có thể tìm thấy ở những nơi khác. Sự khác biệt ấy chính là vị trí đắc địa của ngôi chùa, khi mà bao quanh Bích Động là dãy núi đá vôi đứng sừng sững, cao vút. Cùng với đó là hang động và những cây đại thụ to lớn toát lên vẻ thanh tịnh, an yên giữa không gian núi sông rộng lớn.
Vẻ đẹp kiến trúc của Chùa Bích Động cũng khiến du khách mê mẩn và thích thú. Đường nét kiến trúc của chùa có dáng dấp nghệ thuật vào cuối thời Lê đầu thời Nguyễn. Khu chùa Hạ xưa kia trước mặt có Phương Đình, hai bên tả hữu có nhà giải văn, giải vũ. Phía chính giữa là ngôi chùa Trung có những đường nét, mái đao cong cao vút. Viếng cảnh chùa, bạn như lạc vào một chốn hoang sơ, tĩnh mịch mang đến sự thư thái, yên bình. Mọi thứ ở đây đều trong trẻo, mát lành, phảng phất nét trầm tư thêm vào đó là một chút uy nghiêm, huyền bí. Chính vì vậy, nơi đây được ví như một tác phẩm nghệ thuật mang đậm nét hoài cổ. Là sự hòa quyện giữa kiến trúc cổ kính với không gian núi sông rộng lớn khiến ai cũng mê mẩn, trầm trồ.
Trên đây Vigotrip đã giúp bạn tổng hợp top 5 địa điểm du lịch tâm linh nổi tiếng tại Ninh Bình. Vậy còn chần chờ gì mà không đặt tour Ninh Bình tại Vigotrip ngay hôm nay để có một chuyến khám phá mảnh đất tuyệt vời này. Đừng quên Vigotrip vẫn luôn cập nhật những ưu đãi khách sạn, vé xe… và thông tin chia sẻ kinh nghiệm du lịch hữu ích trên website https://vigotrip.com/ nhé!