Vạn lý trường thành của Ấn Độ - Pháo đài Amber
24/10/2023
Pháo đài Amber là điểm thu hút khách du lịch nhất ở TP Jaipur với bức tường chạy dài trên đồi Aravali, gợi liên tưởng đến "Vạn lý trường thành".
Cách trung tâm thành phố 11 km, Amber Fort (pháo đài Amber, tên ban đầu Ambikeshwara) từng là thủ phủ của TP Jaipur, bang Rajasthan (Ấn Độ) thời hoàng kim.
Pháo đài được xây dựng trong 3 triều đại vua Ấn Độ, nằm trên ngọn đồi Aravali, ở thị trấn Amer, bang Rajasthan. Đến thế kỷ XVIII, dưới triều đại của vua Sawai Jai Singh, Amber chính thức hoàn thành và tồn tại đến nay đã hơn 400 năm, theo trang web Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài.
Pháo đài nằm trên đồi cao, dài khoảng 3 km, rộng khoảng một km, phản chiếu hình ảnh xuống hồ Maotha dưới chân núi. Nhìn bên ngoài, Amber có kiến trúc giống như một căn cứ quân sự, được người dân địa phương gọi là pháo đài Chiến thắng.
Đến Ấn Độ vào 16/8 vừa qua, travel blogger Nguyễn Thanh Tính (25 tuổi, TP HCM) đã có cơ hội chiêm ngưỡng pháo đài Amber.
Tính cho biết pháo đài nằm cách TP Jaipur khoảng 11 km, mất 30 phút lái xe. Có hai cách để di chuyển trong pháo đài: một là đi bộ qua những con đường đá, hai là cưỡi voi. Ngồi trên lưng voi có thể cảm nhận được rõ ràng hơn vẻ đẹp hùng vĩ của bầu trời, thành phố và cảnh sắc hồ Maotha.
Bên trong pháo đài là hệ thống các phòng, đại sảnh, vườn cây, tháp canh được xây dựng bằng đá sa thạch và cẩm thạch như một cung điện. Tổng thể công trình có màu vàng hổ phách, kết hợp với vườn cây và hồ nước mang đến cảm giác vừa sang trọng, lộng lẫy vừa ấm áp.
Gần cổng Ganesh của pháo đài là đền Kali hay còn gọi là đền Shila Devi, một nữ thần của bộ lạc Chaitanya. Ngôi đền thu hút nhiều du khách bởi cánh cổng chạm khắc hoa văn cầu kỳ, lộng lẫy và sự linh thiêng.
Ngoài ra, du khách còn được tham quan hội trường Jai Mandir với những bức vẽ trên trần nhà hay những gian phòng được trang trí mang nét độc đáo riêng của người Ấn Độ.
Đi sâu vào bên trong, du khách sẽ được chiêm ngưỡng những bức tranh tường, đường nét chạm khắc, hoạ tiết mang dấu ấn của đạo Hồi và đạo Hindu.
Để hiểu thêm về lịch sử pháo đài Amer và cách di chuyển từ cung này sang khác, du khách nên thuê hướng dẫn viên địa phương, Tính chia sẻ kinh nghiệm.
Những hành lang trong pháo đài là vị trí tốt để ngắm nhìn toàn cảnh xung quanh pháo đài và chụp ảnh. Tính gợi ý du khách nên đến đây vào buổi chiều để ngắm hoàng hôn phủ xuống tòa thành.
Phía dưới sân pháo đài là những quầy hàng của người dân địa phương. Du khách có thể mua một số món đồ lưu niệm với giá khoảng 100 rupee (30.000 đồng) trở lên trước khi ra về.
Nằm trên cùng một dãy núi Aravalli ở miền Tây Ấn Độ, pháo đài Amber và pháo đài Jaigarh được kết nối với nhau bằng một hành lang ngầm để di chuyển qua lại khi có chiến tranh.
Những bức tường thành chạy dài trên đồi cao khiến Tính liên tưởng tới Vạn lý trường thành của Trung Quốc. Năm 2013, pháo đài Amber, cùng với 5 pháo đài khác ở bang Rajasthan được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới, theo trang web Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài.
Chi phí cho chuyến đi khoảng 5 triệu đồng, đã bao gồm tiền khách sạn, ăn uống, di chuyển đến đồi Aravali, chi phí thuê xe jeep từ chân đồi lên cổng và cưỡi voi tham quan bên trong pháo đài.
Pháo đài mở cửa từ 7h đến 17h hằng ngày. Đây là một địa điểm đông khách du lịch, Tính lưu ý du khách nên cẩn thận bảo quản đồ đạc. Nhiều tour guide thường chèo kéo, mời gọi, du khách không nên thuê vì có thể bị chặt chém.
Trên lối đi rời khỏi pháo đài, du khách có thể bắt gặp các màn trình diễn thổi sáo thôi miên rắn.
Rajasthan (Vùng đất của các vị vua) là tiểu bang có diện tích lớn nhất (khoảng 342.239 km2) của Ấn Độ, nằm ở phía tây. Trong bang Rajasthan, Amer là một thị trấn di sản, sở hữu nhiều điểm du lịch thu hút đông du khách: 18 ngôi đền, 3 nhà thờ Jain và 3 giáo đường Hồi giáo.
Du khách có thể kết hợp tham quan pháo đài Amber với một số di tích khác của nền văn minh thung lũng sông Ấn tại Kalibanga, quần thể đền Dilwara, núi Abu thuộc dãy núi Aravalli cổ đại, vườn quốc gia Keoladeo gần Bharatpur - một di sản thế giới. Rajasthan cũng có 3 khu bảo tồn hổ: vườn quốc gia Ranthambore ở Sawai Madhopur; khu bảo tồn hổ Sariska ở Alwar và khu bảo tồn hổ đồi Mukundra ở Kota.