>
>
>
>
Cánh đồng Mường Lò
Cánh đồng Mường Lò

Cánh đồng Mường Lò

Mô tả

Cánh đồng Mường Lò là cánh đồng rộng lớn thứ 2 ở Tây Bắc, chỉ đứng sau cánh đồng Mường - Thanh Điện Biên. Với vẻ đẹp mộc mạc, , bình dị, cánh đồng Mường Lò luôn là điểm đến được du khách yêu thích khi ghé thăm Yên Bái. Cánh đồng bao la bát ngát, thẳng cánh cò bay chính là nguồn sống của đồng bào dân tộc Thái, cũng là cái nôi của văn hóa ẩm thực cùng những điệu múa xòe cổ truyền thống đặc trưng của miền đất này. Ngày nay, vẻ đẹp của Mường Lò mùa lúa chín vàng ươm đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể, thu hút đông đảo du khách đến tham quan, khám phá.

 

Tuy cánh đồng Mường Lò không nổi tiếng bằng các địa điểm khác như: Tú Lệ hay Mù Cang Chải, thế nhưng chỉ cần nghe qua câu thơ "Mường Lò gạo trắng, nước trong. Ai đi đến đó lòng không muốn về" đều có thể hình dung ra được khung cảnh ở nơi đây phải hoàn hảo đến mức nào để níu kéo được chân của du khách.
 
1. Địa điểm của cánh đồng Mường Lò ở đâu?
Cánh đồng Mường Lò là địa điểm du lịch xinh đẹp của Yên Bái, thuộc địa phận thị xã Nghĩa Lộ, nằm trên Quốc lộ 32, cách trung tâm thành phố Yên Bái khoảng 80km về phía Tây.
Cánh Đồng Mường Lò bao gồm một vài xã của huyện Văn Chấn và toàn thị xã Nghĩa Lộ, sở hữu bức tranh thiên tuyệt đẹp cùng với diện tích rộng lớn. Khi đến đây, du khách không chỉ được thưởng thức cảnh đẹp mùa lúa chín mà còn có cơ hội tìm hiểu về đồng bào các dân tộc Thái, Mường, Kinh, Nùng, Mông, Tày,… đang sinh sống ở đây.
 
2. Thời điểm phù hợp để đến cánh đồng Mường Lò
Cánh đồng Mường Lò đẹp quanh năm nhưng theo kinh nghiệm được truyền đạt từ người trước thì đi Mường Lò Yên Bái vào mùa thu từ giữa tháng 9 – 10 là thích hợp nhất để khám phá miền đất này. Đây là mùa lúa chín rất đẹp, khi những bông lúa vàng ươm sáng rực cả một khoảng trời và bên cạnh đó, nơi đây còn diễn ra nhiều lễ hội ở địa phương.
 
3. Cảnh đẹp của cánh đồng Mường Lò
3.1 Cánh đồng Mường Lò bao la rộng lớn
Mường Lò có địa hình như lòng của một chiếc chảo khổng lồ, từ trên cao nhìn xuống, nơi đây được ôm trọn bởi dãy Hoàng Liên Sơn hùng vĩ, hòa lẫn giữa sắc vàng của lúa chín và sắc xanh của cây cối đồi núi trải rộng đến tận chân trời.
Vùng lòng chảo Mường Lò là nơi cư trú của hơn 10 dân tộc anh em bao gồm Thái, Mường, Kinh, Tày, Nùng,… Chính vì thế tạo nên một vùng văn hoá đặc sắc đa dạng với những nét đan xen độc đáo có một không hai. Từ lâu, người dân đã gọi cánh đồng Mường Lò là vùng đất của gạo trắng nước trong nhờ hương vị thơm lừng của món nếp Tú Lệ.
Thung lũng lúa Mường Lò hiện nay đang là cánh đồng lúa rộng lớn thứ 2 của vùng Tây Bắc, nơi đây là nguồn cung cấp nguồn lương thực rất lớn cho người dân tại đây. Với kinh tế còn nhiều hạn chế, chủ yếu phụ thuộc vào nông nghiệp, cánh đồng Mường Lò có vai trò rất lớn đối với đời sống của người dân.
 
3.2 Vẻ đẹp Mường Lò mỗi mùa lúa chín
Nổi tiếng là miền đất “gạo trắng, nước trong”, Mường Lò đã trở thành cảm hứng đi vào nhiều tác phẩm thơ ca văn học. Với vẻ đẹp ngây ngất lòng người, mỗi mùa nơi đây đều hiện lên trước mắt du khách với những màu sắc riêng, vẻ đẹp riêng.
Do diện tích Cánh đồng Mường Lò rất rộng lớn, lại thuộc địa phận nhiều địa phương nên tạo nên khung cảnh vô cùng đặc biệt và đa dạng. Cùng một thời điểm nhưng mỗi xã sẽ có lịch canh tác khác nhau. Bên này là Nghĩa Lộ lúa đã ngả chín vàng thì ở Văn Chấn cánh đồng vẫn xanh mơn mởn. Vì thế tạo nên cảnh quan của những thửa ruộng đan xen vào nhau rất đặc sắc, màu sắc.
Mỗi sáng khi bình minh lên, những tia sáng đầu tiên chiếu xuống cả cánh đồng rộng lớn cùng với hình ảnh những người nông dân vác cuốc vác liềm ra đồng làm cỏ, gặt lúa, tiếng cười đùa nói chuyện vang vọng cả một vùng cánh đồng. Khi trời ngả dần về chiều, hình ảnh những cô cậu bé lùa trâu về chuồng, những bông lúa lấp lánh dưới ánh hoàng hôn tạo nên một vẻ đẹp vừa thanh bình vừa kì diệu khiến lòng người nôn nao.
Đến mùa thu hoạch, những xe nặng trĩu lúa gạo đang cùng người dân trở về nhà. Bỏ lại phía sau là những thửa ruộng ngập trong rơm rạ. Mùi rơm phất phảng, khô vàng dưới ánh nắng mặt trời. Đến đây mùa này, bạn còn có cơ hội tham gia những lễ hội mừng lúa mới của người dân địa phương và thưởng thức rất nhiều món ăn ngon cùng những chén rượu thơm lừng.
 
3.3 Những bản làng thơm ngát mùi chè shan
Ngay bên cạnh Cánh đồng Mường Lò là đồi chè Suối Giàng nổi tiếng. Những thân chè cổ thụ to lớn cho ra loại chè thượng hạng, là một trong những đặc sản nổi tiếng của mảnh đất Yên Bái. Vào mùa thu hoạch, chế biến chè, cả khu vực này chìm trong hương thơm êm dịu, mùi nhựa chè lan tỏa trong không gian nhiều đến mức ta có cảm giác như đang có một tách trà nóng hổi đang được đặt ngay trước mắt.
Chè từ người dân đưa từ trên đỉnh núi về bằng ngựa, đưa vào sao ngay để giữ nguyên hương vị của lá chè tươi. Lúc ấy cả bản đều ngập trong hương thơm của chè, một mùi hương sẽ khắc sâu trong tâm trí du khách mỗi khi nghĩ đến Mường Lò. Nhờ kinh nghiệm chế biến thủ công cùng những kinh nghiệm từ nhiều đời truyền lại, người dân địa phương đã tạo nên loại chè thượng hạng nổi tiếng gần xa, trở thành nguồn sống, nguồn thu nhập giúp họ có cuộc sống hạnh phúc hơn.
Những cây chè ở Suối Giàng Yên Bái đều có thân to và cong như lưỡi câu, trên thân phủ một lớp tuyết màu trắng nên cái tên chè Tuyết Shan mới được ra đời. Người dân địa phương truyền tai nhau khá nhiều giả thuyết về nguồn gốc của loại chè nổi tiếng này nhưng trên thực tế thì không ai chắc chắn đồi chè này có từ bao giờ. Có những gốc chè tuổi thọ lên đến vài trăm năm, được ví như là cây chè thuỷ tổ của vùng Suối Giàng. Không chỉ là loại chè ngon nổi tiếng mà người dân tại đây còn uống chè như một thói quen để tránh các loại bệnh đường ruột hay tận dụng lá chè sát vào da thịt mỗi khi bị những bệnh ghẻ ngứa, viêm da, dị ứng.
 
3.4 Ngắm nhìn những điệu xòe của người dân Mường Lò
Tại khu vực Mường Lò và Nghĩa Lộ, người dân tộc Thái cư trú rất đông. Họ đã tạo nên những bản sắc riêng của cộng đồng dân tộc Thái tại Yên Bái, với những nét văn hóa đặc trưng, trong đó có điệu múa xòe truyền thống nổi tiếng.
Nhắc đến những cô gái Thái là chúng ta sẽ nghĩ ngay đến vẻ đẹp dịu dàng của họ trong tà áo cóm - loại áo cánh ngắn, được may ôm chặt lấy thân, khi mặc sẽ cho vạt áo vào trong cạp váy. Trang phục này vừa làm tôn lên nét vẻ đẹp của người con gái, vừa đảm bảo sự thoải mái và khỏe khoắn để họ có thể làm việc đồng áng, dệt vải, nấu cơm.
Ngày nay, trang phục của người phụ nữ dân tộc Thái đã có nhiều màu sắc và kiểu dáng cũng cách tân để thêm phần mới mẻ, hiện đại. Tuy nhiên vẫn luôn đảm bảo chiếc áo được may đúng theo kiểu truyền thống, vừa tôn lên vẻ đẹp rạng rỡ mà vẫn thanh khiết, đơn thuần của những cô gái miền sơn cước.
Cùng với áo thì khăn đội đầu cũng là thứ không thể thiếu để làm nên trang phục truyền thống của người Thái. Đây không phải là loại khăn nhuộm chàm đen, viền 2 đầu bằng chỉ màu sắc sặc sỡ như tím, hồng, xanh… có chiều dài từ 180cm đến 200cm, chiều rộng khoảng 32cm đến 35cm.
Trong những bộ trang phục truyền thống, các cô gái Thái sẽ thướt tha biểu diễn điệu múa xòe đặc trưng. Không ai rõ điệu múa này có từ bao giờ, thế nhưng trải qua bao nhiêu thế hệ, người Thái đều chắt chiu, gìn giữ và truyền lại điệu xoè này như một món quà để giữ gìn nét truyền thống cho con cháu. Nếu có dịp đến du lịch Cánh đồng Mường Lò vào mùa xuân, vào dịp ngày rằm hay mùa thu hoạch thì bạn sẽ được tận mắt thấy những điệu múa xòe của các cô thiếu nữ bên đốm lửa trại hân hoan, tưng bừng. Bên cạnh đó, bạn còn có cơ hội hòa mình vào điệu múa, nắm tay nhau thành một vòng tròn lớn quanh đống lửa, cùng nhảy múa nhịp nhàng uyển chuyển nhịp nhàng trong tiếng cồng chiêng tươi vui. Càng đông người điệu múa sẽ càng tưng bừng, rộn ràng hơn, xóa nhòa mọi khoảng cách với nhau, thể hiện sự đoàn kết và hiếu khách của người dân nơi đây.
 
4. Địa điểm tham quan cánh đồng Mường Lò
4.1 Bản Sà Rèn
Bản Sà Rèn nằm yên bình nơi dòng suối Thia quanh năm nước chảy tí tách, có lẽ do chưa được biết đến nhiều cũng như ít chịu can thiệp của con người nên nơi đây vẫn còn đó nét đẹp bình dị của núi rừng Yên Bái khiến bao người thích thú.
 
4.2 Bản Đêu
Bản Đêu thuộc xã Nghĩa An sẽ địa điểm lý tưởng cho ai muốn tìm hiểu nét truyền thống của người Thái. Ghé thăm bản Đêu bạn có thể hòa mình cùng cuộc sống của người dân nơi đây, nếu thích bạn còn có thể đi xe đạp khoảng 30km tới suối Nậm Đông để tắm hay di chuyển tới Trạm Tấu.
 
4.3 Bản Chao Hạ 
Bản Chao Hạ là địa điểm du lịch nổi tiếng ở Nghĩa Lộ tọa lạc ở xã Nghĩa Lợi. Đến với bản Chao Hạ bạn sẽ được ngắm cảnh thiên nhiên hùng vĩ và trải nghiệm văn hóa truyền thống toàn cầu cùng với đó là được thưởng thức món ngon nơi đây.
 
4.4 Di tích Căng Đồn
Nhà tù Căng Đồn có hai dãy nhà tách biệt dùng để giam giữ tù nhân nam và một dãy để giam tù nhân nữ. Trong khi đó, bên ngoài là dãy nhà thường trực và cả chỗ trạm cho lính gác nữa. Bao quanh nhà tù chính là hàng rào kẽm gai để tránh tù nhân vượt ra ngoài cùng với nhiều dấu vết còn tồn tại như hầm sâu cắm đầy chông nhọn, chòi canh gác cao ở bốn góc.
 
4.5 Suối nước nóng Văn Chấn
Suối nước nóng Văn Chấn, Nghĩa Lộ sẽ là điểm đến hấp dẫn và được yêu thích của du khách khi muốn tắm suối thư giãn, đắm chìm trong những điệu múa truyền thống và thưởng thức các món đặc sản của người Thái.
 
5. Ăn gì khi đi Mường Lò?
Về với vùng đất Mường Lò du lịch, du khách sẽ được thưởng thức văn hóa ẩm thực truyền thống của cư dân địa phương với sắc thái riêng hết sức độc đáo. Những món ăn ngon kèm cách chế biến công phu, hứa hẹn sẽ đem lại cho bạn nhiều cảm xúc, dư vị khi thưởng thức.
Người Thái thích ăn các món nướng từ thịt gia súc, gia cầm, cá,... Các nguyên liệu này được thái miếng, ướp bằng gia vị đặc trưng của núi rừng Tây Bắc và cho vào xiên hoặc kẹp tre tươi nướng trên chiếc than hồng. Các món thịt nướng của người Thái ở đây được nướng bằng bếp than hồng nên ăn rất thơm, ngon mà lại không ngán.
Bên cạnh các món nướng, du lịch Mường Lò còn là cơ hội để bạn thử qua nhiều món đặc sản nức tiếng khác như thịt trâu gác bếp, nhộng ong xào mùng, bánh chưng đen, rượu táo mèo,... Ngoài thưởng thức tại chỗ, du khách còn có thể mua mang về để làm quà tặng cho gia đình, người thân.
 

 

Xem thêm
image

Địa danh liên quan

Danh sách khách sạn