Chiến khu Vần

Chiến khu Vần

Mô tả

Chiến khu Vần là một trong những chiến khu cách mạng được thành lập sau khi hưởng ứng lời kêu gọi của Mặt trận Việt Minh cách đây 77 năm. Cùng lật lại những trang sử hào hùng của mốc son sự kiện lịch sử nổi tiếng của Yên Bái nói riêng và vùng núi Tây Bắc nói chung nhé.

 

Lịch sử của Chiến khu Vần

Nếu như nhắc về Yên Bái, hẳn bạn sẽ thường nghĩ đến những địa điểm du lịch thiên nhiên hấp dẫn như Di tích ruộng bậc thang Mù Cang Chải hay Hồ Thác Bà Yên Bái phải không nào? Tuy nhiên, ở Yên Bái vẫn có những địa điểm lịch sử rất đặc biệt mà bạn nhất định phải ghé thăm đấy. Lật lại những trang sử kháng chiến vàng son, tại vùng đất Yên Bái - Tây Bắc này, nơi mà “xứ thiêng liêng rừng núi đã anh hùng” đã thành lập nên một trong bảy căn cứ cách mạng quan trọng trong cả nước, gắn liền với cuộc Cách mạng Tháng Tám lịch sử, mang tên Chiến khu Vần

77 năm trước - chính xác hơn là vào ngày 14 tháng 5 năm 1945, tại chùa Hiền Lương đội du kích Âu Cơ với khu căn cứ Vần - một trong những chiến khu đã được thành lập theo lời kêu gọi của Mặt trận Việt Minh, làm nên bàn đạp chiến thắng cho cuộc Tổng khởi nghĩa. Trước năm 1945, Chiến khu Vần nằm ở địa bàn Giới Phiên (Trấn Yên), Đại Lịch (Văn Chấn) và Lương Ca, hợp lại thành 3 tổng. Theo dòng lịch sử biến động, địa danh địa giới cũng đã có nhiều thay đổi, giờ đây Chiến khu Vần thuộc huyện Trấn Yên về phía Nam và Đông Nam Huyện Văn Chấn. 

Tuy đã có nhiều thay đổi về mặt địa giới, nhưng trung tâm của Chiến khu Vần vẫn là xã Minh Phú, nay gồm ba xã Việt Cường, Việt Hồng, Vân Hội. Trong đó phải nhắc đến hai điểm là làng Vần xã Việt Hồng và làng Đồng Yếng thuộc xã Vân Hội có vai trò rất lớn cho sự kiện lịch sử này, một bên là trung tâm chỉ huy của Chiến khu, một bên là trung tâm huấn luyện quân sự của căn cứ cách mạng Chiến khu.

Một lý do khác để Chiến khu Vần trở thành một trong những căn cứ quan trọng nhất của cả nước vì nơi đây chính là nơi tiếp đón an toàn cho các đồng chí cách mạng đã dũng cảm vượt ngục từ nhà tù Sơn La trở về, hoặc khi các hoạt động cách mạng ở miền xuôi bị lộ sẽ được đưa lên đây và tiến hành. 

Ngoài ra, Chiến khu Vần còn có những địa điểm đã diễn ra các sự kiện lịch sử quan trọng, được người dân tại đây gìn giữ và trân trọng như: Đình Làng Dọc, Đình Làng Vần, cây gạo, cây sữa, cây vải của ông Đình Trung hay khu nhà của ông Trần Đình Khánh,...

Những điều cần biết về Chiến khu Vần

Tọa độ của Chiến khu Vần cùng các di tích lịch sử tại đây

Chiến khu Vần hiện nay nằm ở phía Nam của tỉnh Yên Bái, nếu đi từ Thành phố Yên Bái lên di tích cách mạng này theo đường chim bay sẽ dài 16km, còn khi bạn đi theo đường nhựa lộ tỉnh đoạn đường này tổng cộng 30km.

Nếu bạn đến thăm Làng Vần xã Việt Hội, bạn sẽ ấn tượng bởi địa hình nơi đây: là thung lũng có chiều dài 4,5km, bao quanh là các dãy núi với độ cao trung bình từ 200 đến 500m. Địa thế của làng ngày xưa hiểm trở, chỉ có một con đường duy nhất để đến được làng và phải qua đèo. Tuy vậy “trong cái rủi có cái may”, dù đường đi khó khăn nhưng lại gần các trung tâm chính trị (tỉnh lỵ 2 tỉnh Yên Bái- Phú Thọ), tạo nên địa hình vừa hiểm trở nhưng cũng không kém phần kín đáo, vì thế Xứ ủy Bắc Kỳ đã chọn nơi này để thuận lợi lập nên căn cứ Cách mạng, dần dà phát triển thành mô hình Chiến khu. Ngày nay, may mắn rằng đường đi đến Làng Vần cũng đã được cải tiến, kết cấu bằng những chân ruộng bậc thang, được đồng bào khai phá kể từ sau Các mạng và gọi là Đồng Cây Gạo, Đồng Trỏ,... 

Đi từ Làng Vần về phía Đông khoảng 4km hoặc đi từ Hiền Lương hơn 3km về phía Tây, bạn sẽ đến được Làng Đồng Yếng. Năm xưa, nhờ vào địa hình hình mâm xôi, vị trí thuận lợi nên đội du kích Âu Cơ đã chọn Đồng Yếng làm nơi trung tâm huấn luyện quân sự, phát triển lực lượng vũ trang để chuẩn bị cho cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền Các mạng ở Yên Bái và Phú Thọ. 

Ngoài việc thăm quan các di tích lịch sử, bạn có thể nghiên cứu hệ sinh thái ở đây với các hang động, sông suối,.. và tự do linh hoạt phương tiện di chuyển như xe máy, ô tô,... 

Chiến khu Vần và bối cảnh hiện đại ngày nay

Ngày nay, để phát huy truyền thống của vùng đất thiêng Chiến khu Vần, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tại đây luôn đồng lòng, đoàn kết để cố gắng ngày càng phát triển Việt Hồng. Một trong những nhu cầu cơ bản nhất- nhu cầu đi lại thuận lợi cũng đã được thực hiện, các tuyến đường xã hay đường thôn bản về cơ bản đã được bê tông hóa, từ đó nhu cầu sản xuất cũng được phát triển theo. 

Bên cạnh đầu tư đường đi lại thuận lợi, trường học, trạm y tế, hệ thống điện lưới quốc gia cũng đã được tiến hành xây dựng, nhờ đó đời sống vật chất và tinh thần của người dân tại đây cũng đã được nâng cao nhiều phần. Đặc biệt các mô hình nông nghiệp độc đáo cũng đã được phát triển, như mô hình cánh đồng gieo cấy một giống lúa với diện tích hàng chục héc- ta tại bản Vần, bản Din, bản Nả, ngoài ra còn có các mô hình trồng dâu nuôi tằm tại bản Nả, bản Vần, hay mô hình trồng cây ăn quả tại bản Phạ, bản Din, bản Chao, mô hình nào cũng có diện tích hàng chục héc-ta, trong đó diện tích kinh doanh chiếm 8,4 ha, sản lượng sản xuất ra đạt được 60 tấn, mang về thu nhập 1 tỷ 200 triệu đồng/ năm. 

Kinh tế ở Chiến khu Vần ngày càng khởi sắc, đời sống nhân dân cũng đã được ấm no hơn. Điển hình nhất là đến hết năm 2020, thu nhập bình quân đầu người trong xã đạt 36.2 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo cũng đã có chuyển biến tích cực, giảm 7,68% so với cùng kỳ chỉ còn 3,17%. Đặc biệt, vào năm 2019 xã Việt Hồng đã được công nhận là xã nông thôn mới. Từ động lực phát triển trên hiện xã đang tập trung nguồn lực, phấn đấu đạt mục tiêu xã nông thôn kiểu mẫu vào năm 2025. 

Xem thêm
image

Địa danh liên quan