Chùa Dâu Bắc Ninh
Xã Thanh Khương, Huyện Thuận Thành, Bắc Ninh
Mô tả
Chùa Dâu Bắc Ninh là nằm trong số những địa điểm du lịch tâm linh tại Bắc Ninh vô cùng thiêng liêng thanh bình. Nơi đây gắn liền, ẩn chứa vô vàn những câu chuyện về truyền thuyết cổ xưa. Khi đến đây, đập vào mắt bạn sẽ là tháp Hòa Phong được dựng lên ở giữa khuôn viên chùa vô cùng ấn tượng. Trong đỉnh ngọn tháp còn có treo thêm cả một quả chuông đồng và khánh đúc. Xung quanh đó là những viên gạch trần được sắp xếp, đặt một cách ngay ngắn, chỉn chu. Nơi đây còn được xem như là trung tâm Phật giáo cổ xưa nhất từ trước đến nay.
Chùa Dâu Bắc Ninh sẽ có tổ chức một vài lễ hội vô cùng nhộn nhịp, đông vui vào thời điểm tháng 4 âm lịch. Nhờ vậy, bạn cũng sẽ được tìm hiểu, biết rõ hơn về những nét văn hóa lẫn lịch sử tại nơi đây. Nếu có cơ hội đến Bắc Ninh chơi thì bạn hãy ghé qua thăm địa điểm xinh đẹp này nhé.
1. Giới thiệu về chùa Dâu
Chùa Dâu Bắc Ninh có vị trí tọa lạc ở xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Chùa còn có nhiều tên gọi khác như là: Diên Ứng tự, Pháp Vân tự, Thiền Đình tự, Cổ Châu tự. Nơi đây còn là trung tâm thành cổ Luy Lâu từ thế kỷ thứ II sau Công nguyên. Được khởi công xây dựng từ những năm 187 đến năm 226 mới hoàn thành, tính đến nay chùa Dâu đã ngót nghét tuổi đời lịch sử gần 1800 năm tuổi. Hiện tại, chùa đang giữ kỷ lục ngôi chùa cổ nhất Việt Nam và được coi là trung tâm Phật giáo đầu tiên của nước ta.
Chùa Dâu là nơi giao thoa của các nền Phật giáo từ Ấn Độ, Trung Quốc và nền văn hóa dân gian VIệt Nam. Chùa thờ nữ thần mây Pháp Vân trong hệ Tứ pháp gồm: Pháp Vân (Thần Mây), Pháp Vũ (Thần Mưa), Pháp Lôi (Thần Sấm), Pháp Điện (Thần Chớp). Bốn vị thần này khởi thủy là thần nông nghiệp, làm ra các phép mây, mưa, sấm, chớp nhằm để giúp đỡ và phục vụ đến việc đồng áng của người dân. Do ảnh hưởng của Phật giáo mà các vị thần này được hóa Phật và được người dân tôn thờ.
Ngôi chùa cổ đã trải qua không biết bao nhiêu thăng trầm, sự tàn khốc của lịch sử, thời gian qua hàng ngàn năm. Với sự bào mòn của thời gian và tàn phá ác liệt của chiến tranh, chùa Dâu đã bị hư hỏng nặng nề và phải xây dựng, tu sửa lại rất nhiều. Tuy vậy, những giá trị văn hóa, tâm linh của chùa Dâu vẫn còn được gìn giữ một cách nguyên vẹn. Đặc biệt là câu truyện về Phật mẫu Man Nương gắn liền với sự ra đời của ngôi chùa cổ này vẫn còn được lưu truyền tai nhau mãi từ đời này đến đời sau cho tới ngày nay. Năm 2013, chùa Dâu được Thủ tướng Chính Phủ xếp hạng thành Di tích Quốc gia đặc biệt.
2. Tham quan chùa Dâu Bắc Ninh
Chùa Dâu tọa lạc trên một khu đất cao lớn, rộng rãi, cây cối xung quanh mọc xanh tốt, um tùm. Sân chùa với giếng nước, ao làng tạo nên khung cảnh đặc trưng, hoài niệm của vùng thôn quê phía Bắc. Cảnh quan đẹp cùng ngôi chùa cổ kính, rêu phong tạo cho du khách cảm giác yên bình, thảnh thơi và thơ mộng đến lạ.
Chùa được xây theo lối kiến trúc “nội Công ngoại Quốc” - lối thiết kế đặc trưng của những ngôi chùa cổ tại Việt Nam ngày xưa và các nhà Tiền Đường, Thiêu Hương, Thượng Điện được xây cao dần vào phía trong. Trải qua nhiều lần xây dựng và tu sửa, đặc biệt là trong thời kỳ Lê - Nguyễn, nên chùa in đậm dấu ấn kiến trúc và điêu khắc tượng đặc sắc của thời đại lúc đó.
Khi bước vào chùa, ấn tượng đầu tiên với du khách chính là tháp Hòa Phong 3 tầng cao 17m nằm giữa sân. Tháp được xây bằng gạch nung. Chuông và khánh đặt trong tháp đều được đúc từ cuối thế kỉ 17 - đầu thế kỉ 18, gắn liền với câu thơ quen thuộc của người Bắc Ninh vô cùng nổi tiếng: “Dù ai đi đâu về đâu/ Hễ trông thấy tháp chùa Dâu thì về”. Tại các góc của tháp có tượng thờ “Tứ vị Thiên Vương” cai quản bốn phương trời. Ngoài tháp Hòa Phong, chùa Dâu còn có vườn tháp gồm 8 tháp là nơi yên nghỉ của các vị sư từng góp công tu sửa tại chùa, có niên đại thế kỉ 14 - thế kỉ 19.
Tiền đường với 7 gian phòng rộng rãi mang phong cách bố trí và đúc tượng đậm chất của thời Nguyễn. Tại đây đặt tượng Hộ Pháp, Bát Bộ Kim Cương, Đức Ông, Đức Thánh Hiền với tạo hình sinh động, đặc sắc. Kế tiếp tiền đường là nhà thiêu hương, nơi thờ Thập điện Diêm Vương, trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi - người đã có công trong việc tu sửa chùa và Thái tử Kỳ Đà.
Nhà thượng điện được xây phía trên nằm ở cao nhất, là nhà một gian ba trái với mái nhà cong, tạo khối như bông sen, được trạm trổ khéo léo, tỉ mỉ hình tứ linh. Bên trong thượng điện đặt pho tượng uy nghi của bà Dâu hay chính là nữ thần Pháp Vân - chị cả của Tứ Pháp. Bên tay trái của bà Pháp Vân là tượng bà Pháp Vũ hay bà Đậu - được rước sang thờ cùng khi chùa Đậu Bắc Ninh bị tàn phá nặng nề do Pháp sang xâm lược. Bên dưới bàn thờ bà Dâu là tượng của Kim Đồng, Ngọc Nữ và hộp đựng Thạch Quang, viên đá nằm trong thân cây dung thụ mà theo sự tích được kể lại là hoá thân của con gái vị tăng sĩ Ấn Độ, Khâu Đà La và bà Man Nương. Các bức tượng được bố trí cân xứng, hài hòa và mang đường nét, vẻ đẹp đặc trưng của người Việt Nam ta.
Nhắc đến nghệ thuật tượng của chùa Dâu, không thể không kể đến 18 pho tượng của các vị La Hán ở dọc hai dãy hành lang song song nối liền tiền thất và hậu đường được miêu tả với các tư thế, hình dáng và màu sắc sinh động mà gần gũi.
3. Lễ hội tại chùa Dâu
Lễ hội chùa Dâu được diễn ra trong ngày 8-9 tháng 4 âm lịch hằng năm với quy mô vô cùng lớn. Năm ngôi chùa lớn tại ba xã của tỉnh Bắc Ninh thờ Pháp Vân (bà Dâu -chùa Dâu), Pháp Vũ (bà Đậu), Pháp Lôi (bà Tướng), Pháp Điện (bà Dàn) và Phật mẫu Man Nương sẽ lấy chùa Dâu làm nơi trung tâm để thực hiện nghi lễ rước các bà. Đám rước khi tới chùa Dâu sẽ tổ chức các nghi lễ theo hình thức trò chơi vô cùng độc đáo, hấp dẫn như trò “mẹ đuổi con” - các kiệu rước chạy 3 vòng, “cướp nước” - các kiệu đua nhau tới cổng Tam Quan để dự đoán tình trạng mùa màng sắp tới.
Lễ hội là cơ hội để tìm về Phật tổ linh thiêng, bên cạnh đó là tìm hiểu các nghi thức tín ngưỡng dân gian đầy độc đáo, thú vị thể hiện lòng biết ơn đối với thần linh và những ước mơ về cuộc sống ấm no, hạnh phúc của người dân làm nông nghiệp. Bởi vậy không chỉ với người dân vùng Bắc Ninh, lễ hội chùa Dâu còn thu hút rất nhiều khách thập phương đến tham dự, cầu may.
4.Lịch sử về chùa Dâu Bắc Ninh
Chùa Dâu được xây dựng từ năm 187 đến năm 226. Cho đến nay, dù đã phải trải qua nhiều triều đại và nhiều lần được tu sửa nhưng chùa vẫn giữ nguyên được vẻ đẹp linh thiêng vốn có của nó. Vào thời nhà Trần, vua Trần Nhân Tông đã cho Mạc Đĩnh Chi xây dựng lại chùa theo mô hình tháp chín tầng, chùa năm gian. Lúc bấy giờ chùa rất nguy nga, tráng lệ và đẹp đẽ. Tuy nhiên, sau khi trải qua nhiều cuộc chiến tranh chùa đã bị mai một và bị hư hại khá nhiều.
Ngôi chùa đã chứng kiến rất nhiều cuộc chiến tranh lịch sử đầy hào hùng của người dân tộc Việt Nam. Cũng vì thế mà đây chính là nơi hai nền văn hóa phật giáo từ Ấn Độ và từ phương Bắc đến giao lưu, hòa hợp. Đây cũng là nơi các tăng sĩ đến từ Ấn Độ chọn là một trong những nơi để truyền bá Phật pháp đầu tiên từ những ngày đầu công nguyên.
Chùa Dâu là di tích lịch sử gắn liền với sự tích về Phật Mẫu Man Nương và Tứ Pháp gồm có: Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi và Pháp Điện. Bên cạnh đó, ngôi chùa này còn thờ các tượng như: Tứ Trấn, Hộ Pháp, Kim Cương, Thập Điện Diêm Vương, Phật và Bồ Tát, La Hán… Điều này thể hiện rõ nét nhất qua sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa tín ngưỡng dân gian của người Việt với Phật Giáo.
5. Cách di chuyển đến chùa Dâu
Chùa Dâu cách trung tâm thành phố Bắc Ninh khoảng chừng 20km. Từ trung tâm Bắc Ninh bạn đi qua cầu vượt Bồ Sơn, đi thẳng theo quốc lộ 38, đến ngã tư Kinh Dương Vương - Lạc Long Quân thì bạn sẽ rẽ trái vào Lạc Long Quân đi khoảng thêm 10km nữa là tới chùa Dâu.
Hoặc để tiết kiệm chi phí bạn có thể đi xe buýt tuyến 204 với lộ trình tại tỉnh Bắc Ninh là: Ngã tư Phú Thị - Đường 181 - Phố Sủi - Keo - Kim Sơn - Chùa Keo - Phố Toàn Thắng - Đức Hiệp - Xuân Lâm - Hà Mãn - chùa Dâu - Thanh Hoài - Tam Á - Phố Khám - Thị trấn Hồ. Bến xuống ở chợ Dâu thì bạn đi bộ cách chùa Dâu 400m khá gần.
6. Kinh nghiệm cần biết khi tham quan chùa Dâu
Khi tham quan chùa Dâu bạn cần chú ý những điều sau:
- Đến cổng chùa thì bạn đi vào cửa phải, đi ra cửa trái, không được đi cửa giữa.
- Giữ tâm ý trong sáng, giữ ý nguyện tốt đẹp, hướng thiện thì mọi điều ước sẽ được thực hiện.
- Đi lễ chùa cần ăn mặc kín đáo, lịch sự. Tránh mặc đồ màu mè, rườm rà, mặc váy kể cả váy dài. Tuyệt đối không được mặc áo hai dây, quần ngắn trên đầu gối, các trang phục hở hang để thể hiện sự tôn trọng.
- Giữ gìn cảnh quan và không khí tôn nghiêm của chùa bằng cách không nói to, cười đùa, vứt rác bừa bãi, ngắt lá bẻ cành tránh làm phiền người khác.
- Không tự ý chạm, leo trèo, sờ vào các bức tượng của chùa sẽ gây hư hại đến chùa.
- Dâng lễ thành tâm, đơn giản, không cần quá cầu kỳ. Chỉ nên dâng hương hoa trà bánh thuần chay. Dâng hương và xếp lễ theo sự hướng dẫn của nhà chùa.
Địa danh liên quan
Đánh giá của khách hàng
0.0
Tổng
0 đánh giá
Rate
0.0 / 5.0
Hiện tại chưa có đánh giá nào cho mục này. Hãy là người đầu tiên đánh giá!
Đánh giá của bạn
Địa chỉ email của bạn sẽ không được hiển thị.