Mô tả
Chùa Phúc Lâm thuộc xã Thượng Lâm (Nà Hang). Chùa có tên đầy đủ là “Phúc Lâm Tự”. Chùa tọa lạc trên một gò đất cao, rộng và bằng phẳng, quay theo hướng Tây Nam nhìn ra cánh đồng bản Nà Tông. Phía xa hơn nữa là những dãy núi Thượng Lâm trùng điệp, mây trắng bao phủ quanh năm.
Tương truyền rằng, những dãy núi kia là “đàn Phượng Hoàng lửa đi tìm đất làm kinh đô” xưa hoá thành. Ngọn núi ở phía sau chùa Phúc Lâm cao sừng sững, người dân trong vùng vẫn quen gọi là ngọn núi cổ Rùa gắn với sự tích “Chiếc cầu da” ở nơi “Sơn kỳ, thuỷ tú” càng làm cho quần thể ngôi chùa và thung lũng Thượng Lâm thêm màu huyền thoại.
Cũng giống như hàng vạn vật chất khác chịu ảnh hưởng của thời gian và sự tàn khắc của thiên nhiên, nên ngôi chùa xưa đã biến mất chỉ để lại những dấu tích đượm vẻ kỳ bí. Theo một vài nghiên cứu, toàn bộ khuôn viên của phế tích kiến trúc chùa Phúc Lâm xưa tọa lạc trên một gò đất rộng khoảng 600m2.
Các hiện vật còn được lưu giữ tại chùa như: Tảng kê chân cột bằng đá xanh, mảng trang trí vật liệu kiến trúc bằng đất nung, bình đồ kiến trúc của ngôi chùa, các mảng tháp đất nung cùng hệ thống tượng thờ… đã chứng minh chùa Phúc Lâm ra đời trong khoảng thời gian giữa thế kỷ XIII và XIV (dưới thời Trần) theo những phế tích còn lại cho thấy: Toà tiền đường có kích thước là 15m x 6m, đây là nơi để nhân dân địa phương tới hành lễ vào các ngày rằm và mùng một hàng tháng, hai bên là hai pho tượng thờ được đặt ở vị trí sát vách, trên hai tảng kê chân cột bằng đá xanh.
Tượng được làm bằng gỗ, để mộc không sơn son thiếp vàng. Tượng có khuôn mặt nữ, đầu búi tóc trên đỉnh, phía dưới của tượng đã bị hư hại nhiều. Giữa gian tiền đường là nơi đặt hương án, phía sau nhang án là phật điện (Toà Tam bảo).
Toà Tam bảo của chùa Phúc Lâm có bốn lớp tượng phật, bệ được làm theo kiểu giật cấp, các pho tượng đều được làm bằng gỗ, để mộc ở tư thế ngồi thiền trên toà sen; các pho tượng mang nhiều nét văn hoá của cư dân vùng cao; tượng không được chạm khắc trau chuốt, các đường nét không mềm mại nhưng rất có hồn, dáng vẻ tự nhiên (giống như tượng tạc ở nhà mồ của các đồng bào Tây Nguyên).
Đặc biệt trên nền của ngôi chùa xưa đã phát hiện được 14 tảng kê chân cột bằng đá xanh hình vuông, có một số tảng kê chân cột vẫn còn đặt ở vị trí khởi nguyên của nó. Theo nghiên cứu, ngôi chùa cổ được làm chủ yếu bằng gỗ, khá phổ biến ở những ngôi chùa làng vùng Trung du Bắc bộ.
Hiện nay, trên nền của ngôi chùa cũ, nhân dân đã dựng lên một ngôi chùa nhỏ bằng gỗ mái lợp lá cọ, theo bình đồ kiến trúc hình chữ Nhất với chiều dài khoảng 8m, chiều rộng khoảng 4m và chiều cao khoảng 3m, kết cấu kiến trúc đơn giản theo kiểu “Kèo cầu kẻ suốt, vì nóc giả chiêng” một phong cách cổ truyền của nền kiến trúc cổ Việt Nam để thờ Phật và các vị thần bản địa.
Hàng năm, cứ vào các dịp lễ, tết (nhất là lúc tổ chức lễ hội Lồng tông) người dân và du khách đến Thượng Lâm đều hướng về ngôi chùa với tấm lòng thành kính và cùng cầu chúc cho “mưa thuận gió hoà, vạn vật tốt tươi, nhà nhà no đủ...”.
Địa danh liên quan
Danh sách khách sạn
Đánh giá của khách hàng
Đánh giá của bạn
Địa chỉ email của bạn sẽ không được hiển thị.