>
>
>
Chùa Tháp Tường Long

Chùa Tháp Tường Long

Hải Phòng

Chùa Tháp Tường Long

Mô tả

Chùa Tháp Tường Long là địa điểm du lịch tâm linh vô cùng nổi tiếng ở Hải Phòng. Ngọn tháp được thiết kế với nét kiến trúc độc đáo trông như cây bút đang vẽ lên nền trời xanh, nơi đây tái hiện những năm tháng lịch sử thời Lý, du khách đến đây ngoài việc chiêm bái, vãng cảnh còn có thể tìm hiểu về những giá trị văn hóa lịch sử. 

 

1. Lịch sử Tháp Tường Long - công trình kiến trúc Phật giáo thời Lý
Tháp Tường Long hay còn gọi là chùa Tháp hoặc tháp Đồ Sơn được xây dựng vào thời vua Lý Thánh Tông - giai đoạn Phật giáo phát triển mạnh mẽ và được tôn làm quốc đạo. Di tích lịch sử Hải Phòng này được xây trên bãi đất rộng khoảng 2.000m2 với 9 tầng, chiều cao 100 thước.
So với các công trình kiến trúc thời bấy giờ, công trình Phật giáo này được xem như ngọn tháp cao nhất với vị trí trên đỉnh núi cao 128m so với mực nước biển. Theo các bản thuyết minh về chùa Tháp, nơi đây được xây dựng ngoài mục đích phục vụ cho tín ngưỡng, tôn giáo còn là đài quan sát nhằm theo dõi các biến động phía Đông Bắc.
Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, tháp Tường Long đã trở thành một di tích khảo cổ học. Người ta đã tìm thấy phế tích tháp với nền móng hình vuông, lòng tháp rỗng, trên các viên gạch vẫn còn hiện những hàng chữ nổi bằng tiếng Hán: “Lý gia đệ tam đế Long Thụy Thái Bình tứ niên tạo”.
Năm 2007, tháp Tường Long Hải Phòng đã được phỏng dựng lại và chính thức được khánh thành vào năm 2017. Tháp mới cao 9 tầng, vỏ tháp được xây dựng bằng gạch gốm, cách trang trí tháp giữ được những nét đặc trưng của thời Lý với các hoa văn, họa tiết mềm mại, tinh xảo. Tháp Tường Long ngày nay đã trở thành điểm đến tâm linh của đông đảo du khách trên cả nước, đặc biệt vào dịp đầu năm.
 
2. Nét kiến trúc độc đáo của tháp Tường Long
Trên đường lên chùa Tháp Đồ Sơn, từ xa, bạn đã có thể chiêm ngưỡng sự đồ sộ của công trình nghệ thuật độc đáo này nhờ vị trí tọa lạc trên một khoảng đất lớn và tách biệt. Giữa một khoảng trời rộng lớn, tòa tháp đứng hiên ngang, sừng sững như một vị thần bề thế.
Nếu bạn là du khách đam mê tìm hiểu về nét kiến trúc của thời nhà Lý cùng nghệ thuật Phật giáo đương thời, tháp Tường Long là điểm dừng chân lý tưởng. Nhìn từ xa, ngọn tháp như một cây sáo với nhiều cửa sổ phân tầng.
Bên ngoài tháp được lát bằng gạch và đá hoa cương mang sắc đỏ cổ kính. Phần mái tháp trang trí những hoa văn như đóa sen, đóa cúc… được chạm khắc tỉ mỉ, tinh xảo. Những hình tượng này đều rất phổ biến vào triều đại nhà Lý và xuất hiện ở tất cả các công trình kiến trúc thời bấy giờ.
Bốn góc của chân tháp có độ nghiêng khoảng 190 độ. Xung quanh chân tháp gồm ba dãy nhà cấp bốn là nơi thờ thần, lễ Phật, tiếp khách, sinh hoạt của các sư thầy… Đa phần du khách trước khi di chuyển đến chân tháp đều dừng chân vái lạy các vị thần trong từng ngôi chùa để thể hiện sự thành kính.
 
3. Giá trị lịch sử - văn hóa - tâm linh của tháp Tường Long
Tháp Tường Long không những được biết đến là một đại danh lam kiêm hành cung của các nhà vua thời Lý mà công trình này còn là một trong các địa điểm du lịch Hải Phòng xuất phát từ hệ tư tưởng có ảnh hưởng trực tiếp của đạo Phật.
Ngọn tháp nhiều tầng như một chiếc cột linh quang rực rỡ chiếu rọi đạo pháp cho mọi người lúc đương thời, phản ánh sự hội nhập và truyền bá rằng tôn giáo này đã trải qua một quá trình dài và phát triển đến đỉnh cao.
Về giá trị tâm linh, tháp Tường Long gắn với câu chuyện rồng vàng hạ thế trong mộng của vua Lý Thánh Tông. Theo ghi chép từ sách “Đại Việt sử lược”, vào năm Mậu Tuất 1058, vua Lý Thánh Tông sau khi ngự giá qua biển Ba Lộ đã dừng chân tại nơi đây xây tháp. Ngài đã nằm mộng thấy rồng vàng nên đã hạ lệnh đặt tên cho tháp là Tường Long (thấy rồng vàng hiện lên) để ghi nhớ điềm lành.
 
4. Các hoạt động du lịch tâm linh đến chùa tháp Tường Long
4.1. Dâng hương phụng cầu
Tháp Tường Long ngoài sở hữu nét kiến trúc đặc sắc mang đậm tính văn hóa, lịch sử còn là chốn linh thiêng ngày đêm tỏa hương khói nghi ngút. Du khách đến đây để dân hương phụng cầu trước các vị thần linh, đặc biệt là pho tượng Phật A Di Đà linh thiêng được phỏng dựng bằng đá ngọc thạch nguyên khối đặt trong tầng một của tòa tháp.
 
4.2. Tham gia lễ hội xuân cầu may năm mới
Lễ hội xuân cầu may năm mới tại tháp Tường Long luôn nằm trong danh sách những lễ hội Hải Phòng thu hút nhiều du khách từ khắp mọi miền đất nước đổ về. Vào những ngày đầu năm, tháp khoác lên mình tấm áo rực rỡ, tràn đầy sức sống của cảnh vật mùa xuân.
Lễ hội xuân cầu may được tổ chức vô cùng náo nhiệt. Du khách ngoài thắp hương khấn phật còn có thể xin những lá bùa may mắn, gửi gắm tâm tư, ước vọng của mình lên cây “điều ước” ngay dưới chân tháp để cầu chúc một năm mới bình an.
 
4.3. Thả hồn về nguồn cội với cảnh quan mang đậm dấu ấn lịch sử
Với vị trí ở khá cao so với mực nước biển, từ đài thượng của tháp, du khách có thể chiêm ngưỡng trọn vẹn phong cảnh xinh đẹp của thành phố. Hướng mắt về phía Đông, bạn sẽ được thưởng lãm cảnh biển bao la với bốn bề là núi cao bát ngát.
Với cảnh sắc rất đỗi yên bình như vậy, thật không khó hiểu nếu nhiều du khách chọn dừng chân tại tháp Tường Long như một cách để tận hưởng bầu không khí trong lành, tĩnh lặng đầy tâm linh để giúp tâm hồn thêm an nhiên.
 
4.4. Tham quan và tìm hiểu giá trị lịch sử của các hiện vật trưng bày
Khu trưng bày hố khảo cổ tại chân tháp Tường Long được hoàn thành vào năm 2018 cũng là một điểm nhấn thu hút du khách. Trên nền móng hố khảo cổ được chia thành hai khu, một khu trưng bày hiện vật được phục dựng để xây dựng tháp mới, khu còn lại để bài trí những hiện vật từ năm 1058 như: ngói lòng máng, ngói mũi hài, mảnh đất nung khắc hình rồng, tượng uyên ương, mảnh đầu rồng…
Những hiện vật này là tài liệu đắt giá để du khách tìm hiểu giá trị lịch sử, văn hóa của di tích này. Khi nhìn thấy những hiện vật này, nhiều du khách đã bày tỏ sự tự hào về truyền thống của cha ông ta lưu truyền lại.

 

Xem thêm
image

Địa danh liên quan

Danh sách khách sạn


Đánh giá của khách hàng

0.0
Tổng
0 đánh giá
Rate
0.0 / 5.0
Hiện tại chưa có đánh giá nào cho mục này. Hãy là người đầu tiên đánh giá!

Đánh giá của bạn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được hiển thị.