Mô tả
Theo sử liệu, chùa Tôn Thạnh ban đầu có tên là chùa Lan Nhã, do Thiền sư Viên Ngộ xây dựng vào năm Gia Long thứ 7 (1808) sau đó ít lâu chùa có tên mới là là chùa Tông Thạnh, mãi cho đến năm 1841, vì kỵ húy tên của vua Thiệu Trị là Miên Tông nên chùa bắt buộc phải đổi tên là chùa Tôn Thạnh với ý nghĩa mong mỏi dòng dõi sau này đời đời hưng thịnh.
Vào năm 1820, trong vùng Long An phát bệnh đậu mùa lan rộng, có rất nhiều người bị bệnh dẫn đến cái chết. Cảm thương trước đại nạn, Đại bi tâm phát khởi, Thiền sư Viên Ngộ lập đàn cầu kinh tiêu tai, giải ách, phát khởi mật nguyện chung thân tịnh cốc (không ăn suốt đời) cầu nguyện cho đại dịch tiêu tan, cầu cho quanh vùng được bình an và quả nhiên linh ứng nhiệm màu.
Đến năm 1846, ngài quyết định tuyệt thủy rồi viên tịch vào ngày 18/2 năm Bính Ngọ. Tưởng nhớ đến một thiền sư suốt đời hy sinh thân mình đem lại điều lành cho chúng sinh, người dân quanh vùng xây tháp thờ trong khuôn viên chùa Tôn Thạnh. Chính vì vậy chùa Tôn Thạnh còn được gọi là chùa Tăng Ngộ hay chùa Ông Ngộ, Lão Ngộ.
Theo Đại Nam Nhất Thống Chí, chùa Tôn Thạnh trông “rường cột tráng lệ, vàng son huy hoàng” nổi tiếng ở đất Gia Định xưa. Trải qua nhiều năm lịch sử, chùa Tôn Thạnh đã được tu sửa lại và xây dựng thêm một số công trình mới, nhưng vẫn không làm mất đi những nét cổ xưa u tịch ngày nào.
Con đường dài dẫn vào chùa đi qua cổng lớn đề tên “Chùa Tôn Thạnh” được dựng vào năm 1960; hai bên đường là hàng cây cổ thụ xanh mát, khiến du khách nghe lòng an nhiên bỏ trút đằng sau những ồn ào của phố thị để bước vào chốn tâm linh thanh tịnh.
Tổng thể kiến trúc nếu quan sát trên cao thì thấy gần giống chữ đinh, thứ tự từ trước ra sau bao gồm: Mặt tiền sân trước, Chính điện, Nhà giảng, hành lang Đông, hành lang Tây với mái lợp ngói, tường xây gạch.
Chánh điện có diện tích khá khiêm tốn nhưng lưu giữ nhiều hiện vật có giá trị, ý nghĩa về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật qua các cột kiểu tứ tượng ở chánh điện, những tượng Phật có từ đầu thế kỷ XIX và các hoành phi câu đối chữ Hán sơn son thiếp vàng.
Giá trị nhất là pho tượng Địa Tạng Vương Bồ tát cao 110 cm, đúc bằng đồng. Tương truyền pho tượng này được đúc tới hai lần. Lần đầu đúc xong thì phát hiện phía sau còn có một khe nứt nên khi đúc lần sau, thiền sư Viên Ngộ đã chặt một ngón tay cho vào nồi nấu đồng và lần đúc này đã thành công viên mãn.
So với nhiều chùa khác ở Nam Bộ, Tôn Thạnh không phải là ngôi chùa cổ nhất, cũng không phải là ngôi chùa có kiến trúc bề thế, nghệ thuật. Song nơi đây từ năm 1859 đến 1862, nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu đến ở đất Thanh Ba, lấy chùa Tôn Thạnh làm nơi dạy học, làm thơ, bốc thuốc trị bệnh và tham mưu cho nghĩa quân chống Pháp. Và cũng chính tại ngôi chùa này, ông đã sáng tác bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc. Trong áng văn bất hủ, có đoạn viết: “Chùa Tôn Thạnh năm canh ưng đóng lạnh, tấm lòng son để lại ánh trăng rằm/Đồn Lang Sa một khắc đặng trả hờn, tủi phận bạc trôi theo dòng nước đổ.”, đồng thời hoàn thành thi phẩm nổi tiếng: Lục Vân Tiên.
Hiện trong khuôn viên chùa có tấm bia kỷ niệm nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu, dựng năm 1973. Tấm thứ 2 vừa được dựng lên vào tháng 6-1998 ca ngợi công đức của Cụ Đồ Chiểu và kỷ niệm ngày chùa được công nhận là Di tích lịch sử – văn hóa cấp Quốc gia vào ngày 27 tháng 11 năm 1997.
Trong khung cảnh thanh bình, yên ả, đứng trước tấm bia ca ngợi công đức của cụ Đồ Chiểu trong khuôn viên chùa, bồi hồi đọc lại những dòng chữ, câu từ của Áng Văn tế bi hùng thuở trước, ta lại càng thấy tự hào và biết ơn bao anh hùng nghĩa sĩ đã hy sinh bảo vệ non sông.
Du lịch Long An, đến chùa Tôn Thạnh ghé thăm một danh lam của đất Gia Định xưa, thắp nén tâm hương trước bảo tháp của Thiền sư Viên Ngộ và tưởng nhớ nhà chí sĩ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu ngày nào đã từng ở tại chùa Tôn Thạnh viết nên những áng thơ, văn tuyệt tác để lại cho đời càng làm chuyến đi thêm phần ý nghĩa.
Đánh giá của khách hàng
Đánh giá của bạn
Địa chỉ email của bạn sẽ không được hiển thị.