Chùa Trấn Quốc
Phường Yên Phụ, Quận Tây Hồ, Hà Nội
Mô tả
Chùa Trấn Quốc à ngôi chùa cổ và linh thiêng bậc nhất Hà Nội. Từng là trung tâm Phật giáo của Thăng Long dưới thời Lý – Trần, chùa Trấn Quốc giờ đây trở thành điểm đến tâm linh hấp dẫn của thủ đô, thu hút rất đông du khách tới thăm quan và lễ bái mỗi năm. Dù có phải là người theo đạo Phật hay không, chuyến đi đến Chùa Trấn Quốc, Hà Nội sẽ mang đến cho bạn góc nhìn thú vị về văn hóa, lịch sử, văn hóa của Việt Nam.
Chùa Trấn Quốc là một ngôi chùa cổ kính, vẹn nguyên dáng hình như thuở tạo dựng ban đầu cách đây 1.500 năm, mang nét yên bình mà cổ kính giữa lòng Hà Nội tấp nập. Hàng năm, chùa thu hút rất đông phật tử thập phương, du khách trong và ngoài nước đến dâng hương, lễ phật cũng như vãn cảnh chùa.
1. Chùa Trấn Quốc Ở Đâu?
Chùa Trấn Quốc hiện nay nằm trên một hòn đảo ở phía Đông của Hồ Tây, cuối đường Thanh Niên, thuộc phường Yên Phụ, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội.
Chùa Trấn Quốc nằm ở khu vực Hồ Tây, nên bạn có thể di chuyển bằng phương tiện cá nhân hoặc công cộng.
Đối với những bạn đi bằng ô tô, xe máy từ trung tâm thành phố thì sẽ mất khoảng 20 phút và có thể gửi xe miễn phí tại chùa.
Còn nếu đi bằng xe buýt, hãy đi tuyến số 50 (Long Biên – Sân vận động Quốc gia) có điểm dừng rất gần cổng chùa.
Ngoài ra, thuê xe ô tô riêng có kèm tài xế luôn là giải pháp tối ưu cho bạn, nhất là khi đi với gia đình hoặc một nhóm bạn bè. Chỉ cần yên tâm ngồi ngắm cảnh phố phường Hà Nội, mọi việc khác để bác tài lo nhé.
2. Lịch sử chùa Trấn Quốc
Chùa Trấn Quốc ban đầu có tên là chùa Khai Quốc, xây dựng vào năm 541 thuộc thời Tiền Lý. Lúc đó, chùa nằm gần bờ sông Hồng bởi vậy khi đê sạt lở vào năm 1615 (đời vua Lê Trung Hưng), chùa được di dời vào phía trong đê Yên Phụ khu gò đất Kim Ngưu. Sau đó, trong khoảng thế kỉ 17, chúa Trịnh cho đắp đê Cố Ngự (nay là đường Thanh Niên) để nối với đảo Kim Ngưu. Chùa đổi tên thành chùa Trấn Quốc vào đời vua Lê Hy Tông (1681 – 1705) với ý nghĩa mong muốn đây sẽ là nơi giúp dân xua đi thiên tai, đem lại cuộc sống bình yên cho toàn dân. Và cái tên đó được sử dụng cho tới tận ngày nay.
Xưa kia, chùa Trấn Quốc là trung tâm Phật giáo của kinh thành Thăng Long. Các vua Lý, Trần vẫn thường hay vãn cảnh và ngự giá cúng lễ vào các dịp lễ, Tết tại chùa bởi vậy mà có nhiều cung điện đã được xây dựng phục vụ việc nghỉ ngơi của vua: cung Thúy Hoa, điện Hàm Nguyên.
3. Kiến trúc chùa Trấn Quốc
Chùa Trấn Quốc tọa lạc trên một hòn đảo phía Đông của Hồ Tây, nép mình trầm mặc trên con đường Thanh Niên tấp nập. Là một ngôi chùa cổ được xây dựng từ lâu, chùa Trấn Quốc đã trải qua rất nhiều lần trùng tu, diện mạo có phần thay đổi, quy mô và kiến trúc của chùa hiện giờ là kết quả của một đợt trùng tu lớn năm 1815. Tổng diện tích chùa khoảng hơn 3000m2, bao gồm vườn tháp, nhà tổ và thượng điện.
Chùa thuộc hệ phái Bắc tông với kết cấu và kiến trúc theo nguyên tắc khắt khe của Phật Giáo gồm 3 ngôi chính: Tiền đường, nhà thiêu hương và Thượng điện nối với nhau thành hình chữ Công (工).
Nhà Tiền đường có hướng về phía Tây, phía sau có nhà Tam bảo. Hai dãy hành lang nằm hai bên nhà thiêu hương và Thượng điện. Phía sau Thượng điện là gác chuông nằm trên trục sảnh đường chính với kiến trúc ba gian có mái chồng diêm. Nhà tổ nằm bên trái Thượng điện và bên trái là nhà bia hiện còn lưu giữ 14 tấm bia mang nhiều giá trị lịch sử và văn hóa.
Năm 1998, ngôi Bảo Tháp lục độ đài sen được xây dựng, đến năm 2003 thì hoàn thành tạo thành khu vườn tháp của chùa. Ngôi Bảo Tháp cao 15m, gồm 11 tầng. Ở mỗi tầng tháp có đặt một pho tượng Phật A Di Đà bằng đá quý màu trắng trong mỗi ô cửa hình vòm. Đặc biệt, trên đỉnh có một tháp sen 9 tầng (Cửu phẩm liên hoa) được tạc bằng đá quý, tạo nên vẻ đẹp uy nghi, linh thiêng nhưng lại rất mềm mại. Bảo Tháp được dựng đối xứng với cây bồ đề do Tổng thống Ấn Độ tặng năm 1959 trong chuyến đến thăm thủ đô Hà Nội của ông. Cây bồ đề này được chiết từ cây đại bồ Đạo Tràng – nơi mà Đức Phật Thích Ca ngồi hành đạo cách đây hơn 25 thế kỷ.
Hiện nay, chùa còn lưu giữ nhiều pho tượng Phật và Bồ Tát có giá trị lớn được đặt chủ yếu ở Thượng điện. Trong đó nổi bật nhất là bức tượng Phật Thích Ca nhập Niết bàn được làm từ gỗ, sơn son thiếp vàng, là bức tượng Niết bàn đẹp ở Việt Nam.
4. Tham quan chùa Trấn Quốc
4.1. Bảo Tháp Lục Độ Đài Sen
Bước qua tam quan, bạn sẽ thấy ngọn tháp nâu đỏ sừng sững trước mặt. Đó chính là Bảo Tháp Lục Độ Đài Sen. Ngọn tháp tuyệt đẹp gồm 11 tầng, mỗi tầng có đến 6 ô cửa vòm, mỗi ô cửa là tượng Phật A Di Đà bằng đá quý màu trắng. Đỉnh tháp là 9 tầng đài sen cũng được làm bằng đá quý, được gọi là cửu phẩm liên hoa.
4.2. Tiền Đường
Đi qua vườn tháp cổ, bạn sẽ đến Tiền đường. Đây là nơi an vị của nhiều pho tượng độc đáo, đặc biệt là tượng Phật Thích Ca Nhập Niết Bàn. Pho tượng này được làm bằng gỗ, sơn son thếp vàng, và được bình chọn là tượng Phật nằm đẹp nhất Việt Nam. Cùng với đó là nhiều pho tượng Phật khác được đúc bằng đồng rất đẹp.
4.3. Thượng Điện
Thượng điện là nơi lưu trữ 14 tấm bia, khắc ghi những bài thơ của các vị trạng nguyên và tiến sĩ nổi tiếng. Ngoài ra, văn bia còn cung cấp nhiều thông tin và mô tả đầy đủ những lần tu tạo chùa qua các đời vua, nhờ đó mà người đời sau biết rõ hơn về lịch sử của Chùa Trấn Quốc.
4.4. Cây Bồ Đề
Cây bồ đề ở Chùa Trấn Quốc thu hút rất nhiều sự quan tâm của du khách lẫn các chư tăng, Phật tử, bởi đây là cây bồ đề được chiết từ cây Bồ Đề Đạo Tràng – nơi Đức Phật Thích Ca ngồi hành đạo cách đây hơn 25 thế kỷ, tượng trưng cho sự trí tuệ và lòng từ bi của Đức Phật. Qua nhiều năm, nhờ sự quan tâm chăm sóc của các sư trụ trì nên cây bồ đề vẫn phát triển tươi tốt.
5. Các Địa Điểm Du Lịch Gần Chùa Trấn Quốc
Từ vị trí Chùa Trấn Quốc – Hồ Tây, bạn có thể dễ dàng tham quan các địa điểm du lịch khác ở nội thành như: Phủ Tây Hồ, Hoàng Thành Thăng Long, Lăng chủ tịch Hồ Chí Minh, Phố cổ Hà Nội, Nhà hát Lớn, Văn Miếu Quốc Tử Giám, Chợ Đồng Xuân...
Đến khu vực Hồ Tây mà không thưởng thức thêm một vài món ăn ngon của Hà Nội thì tiếc lắm đó. Dọc bờ hồ, bạn có thể tìm thấy vài quán ăn chuẩn vị Bắc như: bún đậu Cây Đa, mì gà tần, bánh tôm Hồ Tây, bánh rán mặn Võng Thị, v.v.
Địa danh liên quan
Danh sách khách sạn
Đánh giá của khách hàng
0.0
Tổng
0 đánh giá
Rate
0.0 / 5.0
Hiện tại chưa có đánh giá nào cho mục này. Hãy là người đầu tiên đánh giá!
Đánh giá của bạn
Địa chỉ email của bạn sẽ không được hiển thị.