Đầm An Khê Quảng Ngãi

Xã Phổ Thuận, Thị xã Đức Phổ, Quảng Ngãi

Đầm An Khê Quảng Ngãi

Mô tả

Đầm An Khê Quảng Ngãi thuộc hệ thống Di tích quốc gia đặc biệt Văn hóa Sa Huỳnh. Đầm rộng lớn, tựa như chiếc gương soi khổng lồ in trên nền trời là điểm đến cho du khách yêu thiên nhiên.

Đầm An Khê Quảng Ngãi nằm ở vùng giáp ranh giữa hai xã, phường là Phổ Khánh và Phổ Thạnh của thị xã Đức Phổ. Đầm có diện tích mặt nước là 347 ha, chiều dài nhất khoảng 3.500 m, chiều rộng nhất chừng 1.000 m. Nơi sâu nhất trong đầm là 4 m. Đầm An Khê thoát nước ra biển Đông qua Cửa Lỗ, vốn là một lạch nhỏ dài khoảng 3.000 m.

Nước trong đầm An Khê là môi trường sống thích hợp của nhiều loài thủy sinh, chủ yếu là các loài nước ngọt như cá diếc, cá mè, cá thát lát, cá bống, cá chình, cá chép, cá trắm cỏ, tôm, ốc, cá rô phi, cá úc… Cá biển sống trong đầm khá ít, có cá móm, cá đối, cá khế sáu sọc…

Về mặt khảo cổ học, quanh khu vực đầm An Khê Quảng Ngãi là những di chỉ rất có giá trị của nền văn hóa Sa Huỳnh như Phú Khương, Thạnh Đức và Long Thạnh. Đầm An Khê là mắt xích quan trọng nhất trong quá trình phát triển và lan tỏa của văn hóa Sa Huỳnh trong quá khứ. Bởi vì đây là nguồn cung cấp nước ngọt cho sinh hoạt, khai thác thủy sản và sản xuất nông nghiệp của cư dân Sa Huỳnh cổ.

Đầm là nơi mưu sinh của nhiều người dân sống ở khu vực xung quanh, mỗi ngày có khoảng vài trăm ghe thuyền đánh bắt cá tôm trong đầm. Thu nhập bằng nghề đánh bắt cá tôm trong đầm cũng rất khá bởi cá tôm ở đây phong phú, đa dạng, mặt nước đầm hiền hòa, ít sóng nên dễ đánh bắt.

Đầm An Khê như một nhân chứng ngàn năm chứng kiến bao biến thiên của thời đại. Từ văn hóa Sa Huỳnh, đến văn hóa Chăm Pa và văn hóa Đại Việt. Bởi thế đầm là mạch nguồn nối hiện tại với quá khứ, để con cháu đời sau có cơ hội tìm hiểu về cuộc sống của tổ tiên những đời trước. Do đó, đầm An Khê Quảng Ngãi được mệnh danh là một di sản, một “báu vật” thiên nhiên của miền Trung nói riêng và Việt Nam nói chung.

Xem thêm
image

Địa danh liên quan