Mô tả
Đền Đươi có tên chữ là “Quỳnh Hoa từ”, tương truyền đền được xây dựng từ thời nhà Lý ngay khi Hoàng thái hậu Ỷ Lan còn sống. Kết quả các cuộc khai quật khảo cổ khẳng định di tích đã được khởi dựng từ thời Lý. Đến năm 1991, đền được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia.
Nguyên phi Thái hậu Ỷ Lan (7/3/1044 – 25/7/1117) tên là Lê Thị Yến hay Lê Khiết, là phi tần của hoàng đế Lý Thánh Tông, mẹ ruột của hoàng đế Lý Nhân Tông. Trước đây Hoàng Thái Hậu đi thị sát tình hình đất nước đã ghé thuyền vào đây, thấy cảnh đẹp nên bà đã cho xây dựng đền, chùa. Để ghi nhớ công ơn, nhân dân đã thờ phụng bà.
Từ đó đến nay, đền Đươi vẫn còn được người dân trong vùng và khách thập phương đến chiêm bái và tưởng nhớ mỗi năm, đặc biệt vào các ngày lễ hội. Các triều đại sau này đều có sắc phong đền Đươi để người dân được tôn thờ và học tập bà.
Toà tiền tế của đền Đươi gồm 3 gian, 2 dĩ dài 17 m, rộng 8,1m, có kiến trúc kiểu chữ “Nhất”, với 4 vì kèo chính và 2 dãy cột quân của 2 gian, hệ thống cột thấp và các bức chạm tinh xảo. Mỗi vì kèo chính đều có bảy tiền, bảy hậu, cột quân, xà nách, các con thuận một khoảng, hai khoảng, ba khoảng. Các câu đầu trụ, các con vành, đấu nóc đều được chế tác chắc khoẻ, mang tính nghệ thuật cao.
Ngôi đền có bố cục hình chữ “Quốc”, được trùng tu cuối thế kỷ XVII. Hậu cung có khám thờ tượng Nguyên phi Ỷ Lan trong tư thế ngồi, cao 60 cm với nét mặt phúc hậu. Đền còn giữ 4 bộ kiệu, 1 long đình, 4 ngai thờ, 1 bộ bát bửu, 2 câu đối, 1 bát hương đồng, 2 nghê đá từ thế kỷ XVII. Tại đây còn phát hiện một số gạch hoa thời Lý khi khai quật khảo cổ học.
Nhằm tưởng nhớ Nguyên phi Ỷ Lan, hàng năm cứ đến ngày 12 tháng 2 âm lịch (ngày sinh); và 25/7 (ngày mất), nhân dân tổ chức lễ hội để nhắc nhớ công lao, sự nghiệp của Vương mẫu. Trong lễ hội, tượng của bà được đưa lên kiệu rước đi quanh xã để mọi người chiêm ngưỡng.
Lễ hội đền Đươi diễn ra với các nghi lễ cơ bản như: lễ cáo yết, lễ rước, lễ khai hội, lễ tế… Bên cạnh đó là các hoạt động vui chơi: cờ biển, bóng đá mini, văn nghệ… Lễ hội hàng năm có ý nghĩa to lớn trong việc tăng cường sự đoàn kết, xây dựng nếp sống văn hóa, góp phần lớn vào sự phát triển bền vững của địa phương.
Đánh giá của khách hàng
Đánh giá của bạn
Địa chỉ email của bạn sẽ không được hiển thị.