Đền thờ Phúc Khê

Xã Đông Thanh, Huyện Đông Sơn, Thanh Hóa

Đền thờ Phúc Khê

Mô tả

Đền thờ Phúc Khê tướng công Nguyễn Văn Nghi được xây dựng năm 1617, niên hiệu Hoàng Định thứ 18 đời vua Lê Kính Tông. Là ngôi đền cổ với tuổi đời hơn 400 năm, tọa lạc trên mảnh đất của dòng họ Nguyễn - dòng họ "danh gia thế phiệt" ở vùng đất danh tiếng Cổ Bôn xưa (nay là thôn Phúc Triền, xã Đông Thanh, huyện Đông Sơn).

 

Khu đền thờ Phúc Khê có tổng diện tích khoảng 38.000m2, được bố trí theo kiểu "nội công ngoại quốc", gồm 2 vòng thành khép kín: thành đất (thành ngoại), thành đá (thành nội). Đường dẫn từ thành ngoại vào thành nội được lát bằng đá xanh nguyên khối). Bên trong thành nội là các cụm kiến trúc gỗ được xây dựng theo hình chữ "Công", chữ "Tam", chữ "Nhị" và chữ "Nhất".

Nổi bật ở khu đến thờ này là hệ thống tường thành đá và cổng đền lớn hình mái vòm, tương tự cổng di sản Thành nhà Hồ (ở xã Vĩnh Tiến, huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa). Trải qua hơn 400 năm tồn tại và không được trùng tu tôn tạo, di tích không còn nguyên vẹn, cây cối mọc um tùm quanh khuôn viên ngôi đền càng làm tăng thêm vẻ cổ kính, rêu phong.

Trong đền Phúc Khê có hai tượng voi to lớn, được xem là cặp tượng voi đá cổ lớn nhất Đông Nam Á. Tượng bên phải có chạm khắc đai xích sắt. Một con dáng vẻ quy thuận, một con biểu lộ sức mạnh như tạo thành hai thể đối nghịch của âm dương.

Cổng đền có một cửa, kết hợp giữa kỹ thuật xếp đá phía duới và xây gạch nung trên nóc kết thành kiểu mái vòm cầu kỳ. Những phiến đá lớn được những người thợ xưa ghè đẽo, mài nhẵn xếp chồng khít lên nhau.

Bên trong tường thành là hệ thống hạng mục kiến trúc bề thế. Theo sử liệu, trung tâm khu đền thờ trước đây có 24 dãy nhà lớn bé, tuy nhiên hiện chỉ còn lại gian nhà nhỏ rộng chưa đầy trăm mét vuông dùng làm nơi thờ tự. Đây là gian nhà nằm giữa, nối gian tiền đường, trung đường với nhà chánh tổng phía sau. Căn nhà dạng mái vẩy, lợp ngói mũi hài nung thủ công. Do hệ thống cột kèo, xà ngang... đã quá cũ khiến phần mái võng xuống, có nguy cơ đổ sập.

Các công trình quy mô như bái đường, sân lễ, tiền điện, hậu điện và phần phụ trợ khác nay chỉ còn lại nền móng hoặc đã hoàn toàn mất dấu vết.

Xem thêm
image

Đánh giá của khách hàng

0.0
Tổng
0 đánh giá
Rate
0.0 / 5.0
Hiện tại chưa có đánh giá nào cho mục này. Hãy là người đầu tiên đánh giá!

Đánh giá của bạn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được hiển thị.