Đền Trần Thương

Xã Trần Hưng Đạo, Huyện Lý Nhân, Hà Nam

Đền Trần Thương

Mô tả

Đền Trần Thương Hà Nam có địa thế đẹp, nằm ở nơi 6 dòng sông nhỏ chụm đầu, được biết đến với cái tên “lục đầu khê”. Du khách đến nơi đây sẽ được khám phá một di tích tiêu biểu, mang đậm nét lịch sử, quân sự, kiến trúc nghệ thuật, khảo cổ và tâm linh.

 

1. Ngôi đền Trần Thương mang đậm dấu ấn lịch sử

Địa chỉ: thôn Trần Thương, xã Trần Hưng Đạo, huyện Lý Nhân, Hà Nam, Việt Nam

Đền Trần Thương (đền Trần, đền thờ Đức Thánh Trần) là đền thờ Trần Hưng Đạo được dựng ngay phía trên phần đất ngày xưa Đức Thánh từng dùng làm kho lương phục vụ kháng chiến chống Nguyên – Mông lần 2. Phía trong đền là giếng ngọc, nơi táng nhục thể của Trần Hưng Đạo khi qua đời. Đền nằm bên bờ sông Hồng với khung cảnh nên thơ và bình yên. 

Dù đã qua bao năm tồn tại nhưng đến nay đền vẫn giữ được một vẻ đẹp nguyên sơ, trở thành dấu ấn lịch sử cũng như niềm tự hào của dân tộc ta. Mảnh đất Trần Thương trù phú đã được nhắc đến trong câu “Cá Nhân Đạo, gạo Trần Thương” và câu thơ khắc trên bức châm trong đền: “Đất Trần Thương lắm phúc, hoa quả bốn mùa xuân”. Ngày xưa Trần Thương cũng là trung tâm của 6 khe nước, có thể đi ngược từ sông Hồng ra Thăng Long hoặc xuôi về biển Đông khoảng 3km là đến khu lăng mộ nhà Trần. 

2. Hướng dẫn di chuyển đến đền Trần Thương 

Để đến đền Trần Thương, phần lớn du khách sẽ lựa chọn phương tiện cá nhân hoặc đi xe khách. Với phương tiện di chuyển là xe ô tô hoặc xe máy cá nhân chúng ta có thể đi theo hướng cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ, đến nút giao Liêm Tuyền thì rẽ hướng đi Nam Định theo QL21B. Chạy thêm một đoạn thì bạn rẽ trái vào đường có biển chạy hướng cầu Hưng Hà, tiếp tục di chuyển trên đường đô thị 971 thì sẽ đến đền. 

Cách đi thứ 2 là chạy theo hướng cao tốc 5B – nút giao Yên Mỹ. Sau đó bạn tiếp tục chạy thẳng qua cầu Hưng Hà và đến Đền. Theo kinh nghiệm du lịch, di chuyển bằng cách thứ hai sẽ gần hơn 10km và có thể kết hợp đi chùa Tam Chúc trước khi đi đền Trần Thương

3. Lịch sử hình thành đền Trần Thương

3.1. Bí mật nơi chôn cất Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn

Đại Việt Sử Ký Toàn Thư của Ngô Sỹ Liên, quyển 6, kỷ Nhà Trần chép: “Mùa thu, tháng 8 ngày 20, Hưng Đạo Vương Quốc Tuấn qua đời ở Vạn Kiếp (thuộc Hải Dương ngày nay). Khi sắp mất, ông dặn con rằng: Ta chết thì phải hỏa táng, lấy vật tròn đựng xương, bí mật chôn trong vườn An Lạc, rồi san đất và trồng cây như cũ, để người đời không biết chỗ nào, lại phải [làm sao cho] mau mục.” 

Ngày nay đền Trần Thương được biết đến là nơi thờ cúng Hưng Đạo Đại Vương như một số ngôi đền khác trên cả nước, nhưng đặc biệt hơn ở chỗ những hiện vật quý báu mà nó lưu lại, mang đậm giá trị nghệ thuật kiến trúc và trang trí, chứa đựng bí ẩn về một vị danh tướng của dân tộc. 

3.2. Lịch sử làng và đền Trần Thương

Đền Trần Thương có hình dáng như một thiếu nữ nằm phơi mình trên bãi sông, có thế đất “hình nhân bái phượng”. Theo lời thủ nhang nhà đền, ông Phạm Hải Hưng, Trần Hưng Đạo đã chọn làng Miễu nằm giữa sông Hồng và sông Châu Giang, nơi hội tụ của 6 nhánh sông nhỏ làm 1 trong 6 điểm cất kho lương phục vụ cuộc chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ 2 năm Ất Dậu 1285. 

Sau khi chống quân Nguyên Mông thành công, ngài đã về đây phát lương khao quân dân biểu đạt lòng biết ơn mọi người đã sát cánh với triều đình. Đến nay truyền thống này vẫn được giữ vững hằng năm, vào dịp tết Thượng Nguyên (rằm tháng giêng âm lịch). Tương truyền khi Đức Thánh Trần qua đời, có 5 cỗ quan tàu được đưa về 5 hướng làm lễ táng như nhau, đều được che đậy và xóa dấu tích để không biết đâu mới là nơi Hưng Đạo Đại Vương an nghỉ thực sự. Bản chú thích ở đền Trần Thương thì ghi lại có tới 70 cỗ quan tài. 

Đền được dựng lên sau khi Trần Hưng Đạo hóa thánh. Làng Miễu cũng chính thức mang tên làng Trần Thương kể từ đó. Trần Thương có nghĩa là kho lương của nhà Trần. 

4. Kiến trúc trong đền Trần Thương

4.1. Nghi Môn Ngoại

Qua cổng Nghi Môn du khách sẽ được nhẹ bước dưới hàng cây cổ thụ mát mẻ. Đường dẫn vào sân đền cũng được lát đá hoàn toàn rất đẹp. Kiến trúc của Nghi Môn Ngoại theo kiểu gác 3 tầng mái, gồm 3 cổng và 2 bên xây trụ biểu. Cổng giữa đồng thời là lối đi chính dẫn tới đền có 3 tầng mái và cửa cuốn vòm. Trong đền Trần Thương có tổng cộng 4 giếng nước, trong số đó có 1 giếng nước đã cạn.

4.2. Đền Chính

Đền chính gồm Cổ lâu, Tiền tế, Tả hữu vu, Hồ khẩu, Trung điện, Hậu cung, tổng thể có kích thước 16,8m x 24,18m. Hai bên phải, trái của công trình là hai giếng nước, kè bằng đá xanh. Cổ lâu nằm ở phía trước gian giữa của Tiền tế. Cổ lâu cao hai tầng dựng theo kiểu chồng diêm tám mái, lợp ngói mũi hài, trên bờ nóc và các bờ dải có đắp rồng, phượng.Tiền tế có 5 gian 2 chái, gồm 6 vì kèo làm bằng gỗ lim. Giếng Hồ khẩu nối liền không gian với Tiền tế, phía sau có Trung Điện. 

4.3. Giếng Hồ Khẩu

Giếng nối liền giữa Tiền Tế và Trung Điện, không có mái che. Giếng Hồ Khẩu rộng 6,39m và sâu 2,9m với phần thành được xây bằng gạch chỉ. Hai bên giếng Hồ Khẩu là nhà tả và hữu nối liền với đầu hồi nhà Tiền Tế. 

4.4. Trung Điện

Trung Điện thường được sử dụng cho mục đích cúng bái, giải hạn, làm lễ hầu đồng... Điện nằm ngay mặt sau giếng Hồ Khẩu và là một trong những điểm đến huyền bí nhất tại đền Trần Thương. Chính giữa là một tòa Cổ Lâu nằm nhô ra giếng Hồ Khẩu có 2 mái, 8 rồng lợp ngói cổ kính và mang giá trị văn hóa cao. 

4.5. Hậu Cung và nhà thờ Mẫu

Hậu Cung nối liền với Trung Điện, luôn đóng cửa và chỉ mở vào ngày tuần, ngày lễ cho mọi người thắp hương. Trong khi đó, nhà thờ Mẫu tách biệt sau đền chính và có lối đi từ cổng sau. Phía trước bên phải nhà thờ là giếng nước nhỏ kế đền chính. 

5. Tham dự lễ hội đền Trần Thương

Lễ hội đền Trần Thương được tổ chức vào Rằm tháng Giêng và tháng Tám âm lịch hằng năm, đây cũng là một trong ba lễ hội lớn nhất của Hà Nam. Lễ hội được biết đến với nhiều hoạt động văn hóa dân gian đặc sắc. Theo quy định, lễ hội được tổ chức 3 ngày nhưng trên thực tế có thể dài hơn, mỗi ngày có đến 4 – 5 đám tế. Vào ngày chính, phần lễ có rước kiệu, dâng hương, tế lễ; phần hội sẽ có những trò như bơi chải trên sông, đi cầu kiều, đánh cờ tướng... 

Từ năm 2010, đền Trần Thương tổ chức thêm lễ hội phát lương (êm ngày 14 tháng Giêng âm lịch) thu hút rất nhiều du khách ghé thăm. 3 phần chính của nghi lễ phát lương bao gồm: 

- Lễ rước lương thảo từ kho lương vào đền làm lễ. 

- Lễ châm đuốc và dâng hương của đại biểu. 

- Rước lương thảo vào hậu cung làm mật lễ. 

Sau đó những túi lương tượng trưng (có 5 loại hạt đỗ đỏ, đỗ xanh, hạt đậu nành, ngô đỏ, thóc nếp cái hoa vàng) cùng ấn phù của đền sẽ được phát cho khách du lịch Hà Nam với mong muốn cầu an, hạnh phúc và no ấm dịp năm mới. 

Xem thêm
image

Địa danh liên quan


Đánh giá của khách hàng

0.0
Tổng
0 đánh giá
Rate
0.0 / 5.0
Hiện tại chưa có đánh giá nào cho mục này. Hãy là người đầu tiên đánh giá!

Đánh giá của bạn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được hiển thị.