>
>
>
>
>
Ghềnh đá cổ Mang Yang Gia Lai

Ghềnh đá cổ Mang Yang Gia Lai

Ghềnh đá cổ Mang Yang Gia Lai

Mô tả

Ghềnh đá cổ Mang Yang có niên đại hàng triệu năm với kết cấu địa chất vô cùng đặc biệt. Vì chịu sự tác động từ sông Ayun nên cái khối đá bị bào mòn và tạo thành vô số những hình thù độc đáo. Bãi đá cổ này trở thành niềm tự hào của người dân Mang Yang nói riêng và của du lịch Gia Lai nói chung.

 

Ghềnh đá cổ Mang Yang còn được biết đến với tên gọi khác là bãi đá cổ ở làng Đôn Hyang. Ghềnh đá này nằm ở hạ lưu của Nhà máy Thủy điện H’Chan, thuộc địa phận làng Đôn Hyang, xã Đê Ar, huyện Mang Yang, Gia Lai.

Vì Gia Lai có thời tiết khá ổn định nên gần như thời điểm nào trong năm bạn cũng có thể đến đây tham quan, du lịch. Tuy nhiên, vào cao điểm mùa mưa từ tháng 6 đến tháng 8, khi nước trong đập dâng cao thì bạn sẽ không ngắm nhìn được nhiều khối đá cổ. Bên cạnh đó, nếu nước quá lớn, việc tham quan ở đập thủy điện cũng ẩn chứa nhiều nguy hiểm. Do đó, để thuận lợi chiêm ngưỡng Ghềnh đá cổ Mang Yang thì bạn nên đến đây vào mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau là lý tưởng nhất.

Nếu có cơ hội đến Check-in Gia Lai tại Ghềnh đá cổ Mang Yang thì bạn cần lưu ý di chuyển thật cẩn thận. Rất nhiều tảng đá bị nước mài mòn nhẵn thín, đôi chỗ còn có rêu phong trơn trượt. Vì thế, bạn cần phải chú ý để tránh bị trượt ngã nguy hiểm.

Bên cạnh đó, bạn cũng cần chú ý không xả rác bừa bãi. Nếu có mang theo đồ ăn, nước uống để sử dụng trong quá trình tham quan tại đây thì bạn nhớ gom rác lại và bỏ đúng nơi quy định. Tuyệt đối không bỏ rác lại bãi đá, gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng cảnh quan chung.

Ghềnh đá cổ Mang Yang cách trung tâm thành phố Pleiku khoảng 45km về phía Đông. Bạn có thể tra cứu đường trên Google Maps để đến được Nhà máy Thủy điện H’Chan. Sau đó hỏi đường công nhân làm việc tại đây để di chuyển tới khu vực hạ lưu, ngắm bãi đá cổ. Đường đi khá xa nên bạn có thể dừng lại hỏi đường người dân địa phương để tránh bị lạc nhé.

Tại Gia Lai hiện nay có ba bãi đá cổ nổi tiếng là Ghềnh đá cổ Mang Yang, Suối đá cổ làng Vân và thiên đường đá lục lăng tại làng Kông Yang. Cả ba bãi đá này đều có ý nghĩa rất lớn trong nghiên cứu địa chất, giúp các nhà khoa học có thể tìm hiểu thêm nhiều điều mới mẻ về quá trình hình thành khu vực Gia Lai nói riêng và Tây Nguyên nói chung. Cùng với đó, dựa theo tài liệu chuyên môn và đánh giá của các nhà địa chất học thì Ghềnh đá cổ Mang Yang có hình thức cấu tại và niên đại tương đồng với Gành Đá Đĩa của tỉnh Phú Yên.

Ghềnh đá cổ tại Mang Yang được cấu tạo từ những khối và thanh đá lục lăng tương đối đều đặn, hình dáng khá giống nhau, sắp xếp xen kẽ theo hướng vuông góc. Cấu trúc tại đây dễ khiến chúng ta liên tưởng đến một tổ ong khổng lồ, có nhiều chỗ gồ ghề độc đáo. Đá thì có màu lem luốc như vừa trải qua một vụ cháy lớn, màu sắc không đồng đều, chỗ đậm chỗ nhạt rất đặc biệt.

Hiện nay, chúng ta vẫn chưa thể biết bên dưới đập nước hoặc lòng đất liệu còn có bao nhiêu khối đá cổ. Tuy nhiên, theo đánh giá và suy luận của các nhà địa chất học thì phần Ghềnh đá cổ Mang Yang lộ thiên hiện tại có lẽ chỉ là một phần của bãi đá. Qua thời gian, những biến đổi địa hình có thể giúp chúng ta khám phá thêm nhiều điều thú vị hơn nữa vẫn còn đang bị vùi lấp dưới lòng đất.

Xem thêm
image

Địa danh liên quan