>
>
>
>
>
Khu lưu niệm Nghệ nhân dân gian Nguyễn Long Phi

Khu lưu niệm Nghệ nhân dân gian Nguyễn Long Phi

Xã Khánh Hải, Huyện Trần Văn Thời, Cà Mau

Khu lưu niệm Nghệ nhân dân gian Nguyễn Long Phi

Mô tả

Khu lưu niệm Nghệ nhân dân gian Nguyễn Long Phi là điểm dừng chân lý tưởng trên hành trình du lịch Cà Mau dành cho những ai muốn khám phá đặc trưng văn hóa của vùng đất cực Nam Tổ quốc. Những câu chuyện về cuộc đời bác Ba Phi được lưu giữ tại đây hứa hẹn sẽ đem đến cho bạn rất nhiều điều thú vị.

 

1. Giới thiệu vài nét về Khu lưu niệm Nghệ nhân dân gian Nguyễn Long Phi

1.1 Khu lưu niệm Nghệ nhân dân gian Nguyễn Long Phi nằm ở đâu?

Khu lưu niệm Nghệ nhân dân gian Nguyễn Long Phi (hay còn được gọi là bác Ba Phi) tọa lạc tại địa phận Kênh Ngang thuộc xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau. Đây là nơi lưu giữ các hình ảnh, hiện vật ngày xưa của bác Ba Phi cùng với bàn thờ và khu mộ của gia đình người nghệ nhân nức tiếng này. Hiện nay, Khu lưu niệm Nghệ nhân dân gian Nguyễn Long Phi là một trong những địa điểm tham quan tại Cà Mau thu hút đông đảo người dân địa phương cùng nhiều bạn trẻ trên khắp mọi miền đất nước.

1.2 Nghệ nhân Nguyễn Long Phi (bác Ba Phi) là ai?

Chắc hẳn trong tuổi thơ mỗi người đều đã từng một lần nghe đến tên gọi bác Ba Phi qua những câu chuyện tiếu lâm nổi tiếng. Bác Ba Phi có tên thật là Nguyễn Long Phi (sinh năm 1884) quê ở Rạch Mũi, Cái Rắn, huyện Cái Nước và là con thứ hai trong một gia đình gồm 8 anh em. Bác Ba Phi được biết đến là một người lực điền giỏi võ và cực kỳ yêu thích đờn ca tài tử, đặc biệt ông rất giỏi đờn cò. Sau khi sinh bác Ba Phi, để tránh sự truy đuổi, phạt vạ và quấy rối của quan quân dưới thời chúa Nguyễn, ba mẹ ông đã chạy dạt sang cư trú ở tận Kênh Ngang, thuộc địa phận xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời. Ngày nay, nơi này chính là Khu lưu niệm Nghệ nhân dân gian Nguyễn Long Phi.

Bác Ba Phi đã để lại cả một kho tàng truyện tiếu lâm độc đáo cho thế hệ sau. Mặc dù không được ghi chép lại rõ ràng nhưng những mẩu chuyện ngắn như tàu rùa, rắn tát cá, câu ếch, nếp dẻo, cọp xay lúa… vẫn luôn được truyền miệng từ Bắc chí Nam. Với kho tàng truyện dân gian để lại, vào năm 2003, bác Ba Phi đã được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam trao tặng danh hiệu “Nghệ nhân dân gian” cao quý và Huy chương “Vì sự nghiệp văn nghệ dân gian”.

2. Khu lưu niệm Nghệ nhân dân gian Nguyễn Long Phi có gì?

2.1 Nơi lưu giữ những câu chuyện về cuộc đời của bác Ba Phi

Đến với Khu lưu niệm Nghệ nhân dân gian Nguyễn Long Phi, bạn sẽ được hiểu thêm về cuộc đời của bác Ba Phi trứ danh. Năm bác Ba Phi chừng 15 tuổi thì cha của ông lâm bệnh qua đời, để lại 3 người em trai và 5 người em gái cho ông chăm sóc. Đến năm 18 tuổi, bác Ba Phi bị thực dân Pháp bắt đi làm phu và sau đó lại thành lính Lê Dương rồi chịu lưu đày sang Pháp. Bác Ba Phi đã vận động, thuyết phục được hai người lính Pháp bỏ ngũ chạy sang nước Xiêm (nay là Thái Lan) để tìm đường về Việt Nam và trốn ở rừng U Minh. Sau khi quay về, bác Ba Phi xin làm công trong nhà của Hương Quản Tế. Thấy bác Ba Phi thật thà, khỏe mạnh lại còn biết tính toán làm ăn, Hương Quản Tế liền nhận vào làm công. Dần dần, Hương Quản Tế cảm thông với hoàn cảnh của bác Ba Phi nên gả con gái mình là Trần Thị Lữ (thường gọi là cô Ba Lữ) cho ông cưới làm vợ. 

Cũng nhờ bản tính siêng năng và sự cần cù, chăm chỉ, bác Ba Phi đã khai khẩn rất nhiều ruộng đất ở vùng U Minh Hạ thời bấy giờ. Có được ruộng đất riêng, vợ chồng bác Ba Phi bắt đầu chăm lo xây dựng nên cơ nghiệp. Ông huy động tá điền, dân công đào một con kênh giữa rừng thẳng ra biển để vận chuyển đặc sản ở vùng U Minh và bán cho các tàu buôn Pháp neo đậu trong Vịnh Thái Lan. Bác Ba Phi còn cho tá điền trồng cây tràm dọc hai bên bờ kênh và từ đó, địa danh kênh Lung Tràm mới được hình thành cho đến ngày nay.

Năm 1942, giữa lúc phong trào cách mạng ở tỉnh đang dâng cao, bác Ba Phi đã tự nguyện cống hiến hàng trăm mẫu ruộng của mình cho Đảng và Nhà nước để chia sẻ với những người dân nghèo không có nổi một miếng đất canh tác. Bác Ba Phi chỉ để lại vài mẫu cho gia đình mình canh tác và mưu sinh. Cuộc đời của bác Ba Phi vẫn hay kể chuyện tiếu lâm, mua vui cho bà con trong vùng. Những câu chuyện mà ông kể phần lớn là nói quá, cường điệu do chính lối suy nghĩ, liên tưởng và nhân cách hóa độc đáo của mình khiến ai nghe cũng đều bật cười, thoải mái tinh thần và cảm thấy có tình có lý. Truyện của Bác Ba Phi không dùng để phê phán hay đả kích ai, cũng không có ý đồ hiểm ác mà chỉ phản ánh hiện thực xã hội một cách cực kỳ sinh động, ca ngợi vùng đất U Minh Hạ trù phú, giàu sản vật và tính cách phóng khoáng, nghĩa hiệp của con người nơi đây.

2.2 Nơi thờ cúng, bảo tồn và tưởng niệm về người nghệ nhân đất Cà Mau 

Bác Ba Phi qua đời vào ngày 06/12/1964 (nhằm ngày 03/11/1964 âm lịch) tại ấp Đường Ranh, xã Khánh Hải (hiện nay là Kênh Ngang, ấp Lung Tràm, xã Khánh Hải). Khu lưu niệm Nghệ nhân dân gian Nguyễn Long Phi được xây dựng trên phần đất của gia đình bà Nguyễn Thị Anh (con dâu thứ hai của bác Ba Phi) với diện tích khoảng 3.278m2. Phía sau Khu lưu niệm Nghệ nhân dân gian Nguyễn Long Phi tầm 200m là một khu mộ với diện tích chừng 12m2. Nơi này gồm có mộ của bác Ba Phi nằm chính giữa, mộ bà Trần Thị Lữ (vợ cả) ở bên trái và mộ bà Lữ Thị Cham (vợ thứ hai) bên phải. Ba ngôi mộ đều được xây cất bằng bê tông cốt thép rất khang trang, xung quanh có trồng hoa và cây cảnh.

Ngày 10/9/2015, Uỷ ban Nhân dân tỉnh Cà Mau đã chính thức công nhận Khu lưu niệm Nghệ nhân dân gian Nguyễn Long Phi là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh. Ngày nay, nơi đây trở thành địa điểm lưu giữ các hình ảnh, hiện vật và những giá trị đặc trưng về một nét đẹp văn hóa vùng U Minh. Đứng tại Khu lưu niệm Nghệ nhân dân gian Nguyễn Long Phi và ngắm nhìn các hình ảnh, hiện vật còn sót lại, chắc hẳn ai cũng tưởng như thấy phảng phất một bác Ba Phi hiền hòa với tấm lưng trần, đầu quấn khăn, một tay đặt cây mác vót nơi bắp chân, môi “bập bập” điếu thuốc gò cuốn bằng giấy nhựt trình rồi hạ giọng kể một hai câu chuyện dí dỏm nào đó cho bà con cùng những đứa trẻ trong xóm. 

Xem thêm
image

Địa danh liên quan


Đánh giá của khách hàng

0.0
Tổng
0 đánh giá
Rate
0.0 / 5.0
Hiện tại chưa có đánh giá nào cho mục này. Hãy là người đầu tiên đánh giá!

Đánh giá của bạn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được hiển thị.