Mô tả
Khu tưởng niệm nữ Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Thị Út (Út Tịch) có khuôn viên rộng 1,4 ha, nằm trên con giồng đất cát cao ráo, với các hạng mục công trình chính là Cổng tam quan, nhà dừng chân, khu tưởng niệm, khu trưng bày – truyền thống, khu hội thảo, chiếu phim, dịch vụ lưu niệm, tượng nữ anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Thị Út… được khởi công xây dựng từ năm 2014 và hoàn thành năm 2016.
Nữ anh hùng Nguyễn Thị Út, tên thường dùng là Út Tịch, sinh ngày 19/4/1931 tại xã Tam Ngãi, huyện Cầu Kè. Do cha mẹ đều quá nghèo khổ, phải đi ở đợ cho địa chủ nên các chị em của bà từ khi lọt lòng đã chịu kiếp tôi đòi. Năm 1944, khi bà được 13 tuổi, cha bà qua đời và chị em bà được gia đình đồng chí Nguyễn Hòa Luông – cán bộ Việt Minh xã Tam Ngãi, theo yêu cầu của Chi bộ Đảng địa phương, cho một số tiền “chuộc mạng” làm người tự do.
Sau Cách mạng Tháng Tám, thực dân Pháp đưa quân xâm lược nước ta lần nữa, Nguyễn Thị Út tham gia công tác trinh sát, liên lạc cho đơn vị Công an xung phong Cầu Kè, do đồng chí Nguyễn Hòa Luông làm Chỉ huy trưởng. Chị Út tham gia kháng chiến chống Pháp như một lẽ tự nhiên: “Nó đánh mình thì mình đánh nó!”…
Năm 1950, Nguyễn Thị Út kết hôn với một chiến sĩ Công an xung phong huyện là Lâm Văn Tịch – người Khmer. Theo cách xưng hô của địa phương, tên người phụ nữ luôn được ghép với tên chồng, từ đó Nguyễn Thị Út được bà con lối xóm gọi là Út Tịch.
Sau Hiệp định Genève 1954, lực lượng vũ trang cách mạng tập kết ra miền Bắc, chính quyền Ngô Đình Diệm tổ chức các chiến dịch “Tố cộng”, “Diệt cộng” khủng bố, đàn áp cán bộ đảng viên được phân công ở lại miền Nam và cả những người có liên quan đến cuộc kháng chiến chống Pháp. Gia đình Út Tịch phải bỏ xứ, tạm lánh sang Kế Sách (Sóc Trăng).
Năm 1959, theo yêu cầu của cách mạng, gia đình Út Tịch quay về Tam Ngãi, tiếp tục công tác tại địa phương. Sau Đồng khởi 14/9/1960 thắng lợi, cả hai vợ chồng Út Tịch đều tham gia vào lực lượng du kích xã, chồng trực tiếp cầm súng, vợ hợp pháp công khai vừa làm ruộng nuôi 5 đứa con lần lượt ra đời, vừa làm công tác trinh sát, theo dõi tình hình hoạt động của địch. Tuy vậy, không có trận chống càn hay bao vây đồn bót, phục kích bọn lính đi lẻ… của du kích Tam Ngãi mà chị Út không có mặt. Trong đó, chị Út trực tiếp điều nghiên và tham gia các trận đánh nổi tiếng như trận lấy đồn Tám Thế, trận phục kích trên lộ Chông Nô 3, trận phá ấp chiến lược Chông Nô 2… Không những vậy, chị Út còn đi đầu trong công tác vận động quần chúng địa phương đấu tranh chính trị ra tề xã Tam Ngãi hay vào tận dinh quận Cầu Kè; tham gia công tác binh vận kêu gọi binh lính địch đào rã ngũ, vác súng ra tham gia cách mạng.
Thấy chị Út bụng mang dạ chửa vừa nuôi bầy con nhỏ mà vẫn trực tiếp cầm súng, lãnh đạo xã và bà con Tam Ngãi khuyên chị ở nhà tịnh dưỡng. Chị khẳng khái trả lời: “Có ai đánh giặc mà chờ đẻ xong mới đánh không? Còn gà mái là còn gà con, cứ đánh!”. Cả xã Tam Ngãi, cả huyện Cầu Kè khâm phục và noi gương chị Út tích cực tham gia đánh giặc giữ làng. Từ đó, tiểu đội du kích nữ Tam Ngãi, rồi trung đội địa phương quân nữ Cầu Kè ra đời, sát cánh cùng nam giới chiến đấu chống kẻ thù. Ở Xã đội Tam Ngãi, trung đội du kích nam do anh Lâm Văn Tịch chỉ huy, tiểu đội du kích nữ do chị Nguyễn Thị Út chỉ huy, vừa thi đua vừa hỗ trợ nhau trong chiến đấu và chiến thắng kẻ thù.
Đầu năm 1965, bộ đội tỉnh, bộ đội huyện về phối hợp với du kích Tam Ngãi tiến công căn cứ quân sự địch tại Bà Mi. Dù mới sanh con được ba ngày nhưng chị Út vẫn cương quyết ra trận, rồi lâm vào trận sốt mê man phải đưa về quân y điều trị. Vậy mà vừa lành bệnh, khi đứa con tròn tháng tuổi, chị đã có mặt góp sức tiêu diệt căn cứ Bà Mi. Ngày hôm sau, khi bộ đội tỉnh đã rút đi, địch cho một trung đoàn chủ lực đổ bộ đường sông đánh úp vào căn cứ ta ở giồng Cây Sanh nhưng đã bị đại đội địa phương quân Cầu Kè, trung đội du kích nam và tiểu đội du kích nữ Tam Ngãi, lợi dụng địa hình địa vật, chiến đấu suốt một ngày trời, bảo vệ an toàn vùng căn cứ. Trận này, ta đánh thiệt hại nặng một tiểu đoàn chủ lực địch, diệt tại trận 01 tên và bắt sống 01 tên cố vấn Mỹ.
Sau chiến công vang dội này, Xã đội phó Tam Ngãi Nguyễn Thị Út được khu Tây Nam bộ cửa đi dự Đại hội Chiến sĩ thi đua toàn miền Nam. Tại Đại hội này, chị Út được Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Nhì và tuyên dương danh hiệu Anh hùng Quân Giải phóng, nay là Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, với thành tích: “Đã tham gia 23 trận lớn nhỏ, góp phần quan trọng cùng đơn vị diệt và làm tan rã trên 200 giặc, thu 70 súng. Đồng chí là một chiến sĩ trinh sát dũng cảm và mưu trí, một chiến đấu viên ngoan cường, một chiến sĩ binh vận tài tình…”.
Năm 1966, chị Nguyễn Thị Út được chuyển công tác về Ban Dân quân Quân khu 9. Chị hy sinh ngày 27/11/1968, tại xã Vĩnh Bình, huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang.
Cuộc đời vừa nuôi con vừa đánh giặc của nữ anh hùng Nguyễn Thị Út đã được nhà văn Nguyễn Thi thể hiện một cách trung thực mà đầy tính sáng tạo trong quyển truyện ký Người mẹ cầm súng. Thông qua vai trò của văn học, nữ anh hùng Nguyễn Thị Út từ làng quê Tam Ngãi vươn mình trở thành biểu tượng điển hình rực rỡ của người phụ nữ miền Nam đánh Mỹ. Chính hình ảnh “Người mẹ cầm súng” Út Tịch với câu nói nổi tiếng “Còn cái lai quần cũng đánh!” đã làm cho cả thế giới hiểu hơn về tính chính nghĩa, tính tất thắng của cuộc kháng chiến chống Mỹ mà nhân dân Việt Nam đang tiến hành lúc ấy.
Đến với Khu tưởng niệm nữ anh hùng Nguyễn Thị Út, thông qua các hiện vật, hình ảnh, tư liệu trưng bày, khách tham quan có dịp tìm hiểu một cách khái quát về hoàn cảnh xuất thân, quá trình tham gia kháng chiến và nhất là quyết tâm đánh giặc bảo vệ xóm làng không gì lay chuyển được của một người phụ nữ bình dị, sinh ra và lớn lên ở một làng quê nghèo khó, trước một kẻ thù mạnh hơn gấp bội.
Đến với khu tưởng niệm, khách tham quan sẽ được cung cấp một cách hệ thống hơn những thành tích, chiến công trong hai cuộc kháng chiến thần thánh chống ngoại xâm và những thành tựu trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc của Đảng bộ, lực lượng vũ trang và nhân dân huyện Cầu Kè.
Khu tưởng niệm nữ anh hùng Nguyễn Thị Út là điểm nhấn quan trọng trong chuỗi các địa chỉ du lịch trên địa bàn huyện Cầu Kè – vùng đất được mệnh danh “Vương quốc Dừa sáp”, bao gồm Vạn Niên Phong Cung với Vu lan thắng hội, Nhà cổ Huỳnh Kỳ, khu du lịch sinh thái vườn cù lao Tân Quy…
Địa danh liên quan
Đánh giá của khách hàng
Đánh giá của bạn
Địa chỉ email của bạn sẽ không được hiển thị.