>
>
>
>
Làng Gốm Phù Lãng Bắc Ninh

Làng Gốm Phù Lãng Bắc Ninh

Huyện Quế Võ, Bắc Ninh

Làng Gốm Phù Lãng Bắc Ninh

Mô tả

Làng Gốm Phù Lãng Bắc Ninh là một trong những làng làm và sản xuất về gốm vô cùng nổi và có tiếng tại Bắc Ninh nói riêng và toàn miền Bắc nói chung với nhiều tiềm năng nổi trội để phát triển du lịch. Khi đến đây, bạn không chỉ được quan sát những cảnh đẹp của thiên nhiên vô cùng hữu tĩnh, xinh đẹp của nơi đây mà bạn còn có thể hiểu thêm hơn về quy trình cũng như cách làm để tạo nên một sản phẩm gốm sứ vừa tinh xảo vừa tuyệt đẹp như vậy.

 

Làng Gốm Phù Lãng Bắc Ninh bắt đầu xuất hiện từ khoảng thời nhà Trần và đến nay vẫn bảo tồn, lưu giữ được nét đẹp vốn có của nơi đây cho đến tận ngày nay. Nếu có cơ hội đến với Bắc Ninh, bạn hãy ghé thăm địa điểm làm gốm xinh đẹp này một lần và thử tự tay trải nghiệm cách làm gốm nhé.
 
1. Vị trí của Làng Gốm Phù Lãng Bắc Ninh ở đâu?
Làng Gốm Phù Lãng Bắc Ninh là một trong những làng gốm từ tuổi đời đến truyền thống lịch sử vô cùng nổi tiếng trong cả nước. Làng gốm thuộc xã Phù Lãng, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh, cách Hà Nội khoảng 60 km. Để đến thăm làng gốm bạn có thể chọn những phương tiện khác nhau cho chuyến hành trình của mình.
 
2. Lịch sử của làng gốm Phù Lãng
Theo như tài liệu và sử sách ghi lại, ông tổ nghề của làng gốm Phù Lãng là Lưu Phong Tú. Vào cuối thời Lý, ông được triều đình cử sang Trung Quốc. Tại đây, ông học được nghề làm gốm và về truyền dạy cho người dân trong nước. Đầu tiên, nghề này đã được ông truyền cho dân cư đôi bờ sông Lục Đầu, sau đó chuyển về vùng Vạn Kiếp - Hải Dương. Vào khoảng đầu thế kỷ 13 (thời nhà Trần) thì nghề được truyền đến đất Phù Lãng Trung. Hiện nay, tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, vẫn còn được lưu giữ và trưng bày một số sản phẩm về gốm Phù Lãng có niên đại khoảng thế kỷ 17 - 19. Đó là sản phẩm gốm men nâu và những sắc độ của nó như men da lươn, vàng nhạt, vàng nâu...
 
3. Cách đi đến làng gốm Phù Lãng
Để đến thăm làng gốm Phù Lãng bạn có thể tự mình khám phá theo cách riêng của mình qua các phương tiện công cộng hoặc cá nhân.
Từ Hà Nội có thể đi xe máy theo quốc lộ 5 rồi rẽ lên đường 1A mới. Tới cầu vượt ở Bắc Ninh thì rẽ phải theo đường đi Phả Lại. Khi thấy một cột cây số ghi “Phả Lại – 6km” vài trăm mét thì rẽ phải xuống một con đường làng nhỏ qua chợ Châu Cầu đi thêm chừng 5 – 10 phút là tới.
Ngoài ra, bạn cũng có thể lựa chọn đi xe bus số 54 từ Long Biên về thành phố Bắc Ninh. Sau đó, bắt xe “Bắc Ninh – Sao Đỏ” thì sẽ chạy qua làng gốm Phù Lãng.
 
4. Kỹ thuật làm gốm Phù Lãng
4.1 Chọn đất và xử lý đất sét
Ðất để làm đồ sành phải là loại đặc biệt, có độ dẻo phù hợp. Lấy được đất về, người thợ phải vô cùng kỳ công đem phơi cho đất bạc màu trộn lẫn các lần đất, đập thành những viên nhỏ bằng ngón chân cái rồi mới cho “ngậm” nước, sau đó xéo tròn, nề đất, chọn sạn, phá, sa cho tới khi đất phải nhuyễn mịn như một miếng giò mới đạt yêu cầu.
Một miếng đất trước khi chuốt phải nề, xéo tới chục lần mới thành khoanh, đủ điều kiện để cho lên bàn xoay nắn thành sản phẩm.
Dưới bàn tay của người thợ thủ công đã dày nghề, đất sét được luyện thật nhuyễn, đảm bảo độ dẻo, mịn nhất định và được tạo hình trên bàn xoay bằng tay hoặc trên khuôn.
 
4.2 Tạo hình
Tạo hình của gốm Phù Lãng được sử dụng bằng nhiều phương pháp khác nhau trong nghệ thuật tạo dáng, với những hình khối đa dạng, phong phú. Nhưng nhìn chung có thể quy vào hai phương pháp cơ bản:
- Phương pháp thứ nhất tạo hình trên bàn xoay, dùnh làm trong gốm gia dụng và trên gốm trang trí.
- Phương pháp thứ hai là in trên khuôn gỗ hoặc khuôn đất nung rồi dán ghép lại. Mỗi loại hình sản phẩm, mỗi chủng loại hàng đều có những kỹ thuật, kỹ xảo riêng biệt, tất cả đều nhằm đạt được hiệu quả tối đa về hai phương diện kinh tế và thẩm mỹ.
Phương pháp tạo hình sản phẩm (có tiết diện tròn) là chuốt. Tất cả các sản phẩm được đưa lên bàn xoay và được xoay bằng tay. Hoạt động xung quanh bàn xoay tay cần phải có hai người, trong đó một người chuyên ngồi chuốt, còn một người vần bàn xoay.
Người vần bàn xoay đồng thời làm nhiệm vụ lăn đất thành đòn để chuốt còn gọi là xe đòn. Sản phẩm sau khi đã tạo hình xong, để cho từ từ se dần, đến khi sờ tay vào không còn thấy dính, lúc bấy giờ người thợ sẽ bắt đầu tiến hành chúng, đấm, thúc bên trong của sản phẩm cho thành hình đồ vật, rồi lại để cho khô ráo. Lúc này nếu thấy sản phẩm có vết rạn nứt thì sẽ được người thợ vá lại bằng đất mịn và nát.
Bước cuối cùng trong khâu hoàn thành sản phẩm là ve, nạo sản phẩm sau khi sản phẩm đã thành bạc hàng chuyển màu trắng. Ve, nạo xong sản phẩm được tráng một lớp men lên, và cuối cùng là tạo màu sắc.
 
4.3 Tráng men
Chất liệu làm men tráng gồm có: Tro cây rừng - loại cây mà khi đốt, tàn tro trắng như vôi, như tàn thuốc.
Ngày nay nghệ nhân Phù Lãng thường dùng tứ thiết là lim, sến, táu, nghiến, thứ 2 là vôi sống, ba là sỏi ống nghiền nát và cuối cùng là bùn phù sa trắng. Bốn chất liệu cơ bản này, sau khi sơ chế trộn đều với nhau theo sẽ tạo thành một tỷ lệ nhất định rồi để khô, đập nhỏ cho vào nước, gạn, từ đó chế thành một chất lỏng quánh, có màu vàng như mật ong.
Khi sản phẩm còn ẩm, người thợ dùng chổi lông quét men lên bên ngoài của sản phẩm một lớp mỏng để thích hợp rồi đem phơi. Sau khi quét men và phơi khô, sản phẩm có màu trắng đục.
 
4.4 Nung
Sau công đoạn vào men và tạo màu, phơi khô, sản phẩm sẽ được đưa vào lò nung ở nhiệt độ đến 1.000 độ C, để đảm bảo gốm sành nâu có lớp da ngoài thật đanh mặt, nhẵn bóng và chắc.
Những sản phẩm đạt tiêu chuẩn phải, điều kiện phải có màu da lươn vàng óng hay màu cánh gián, khi gõ vào sản phẩm có tiếng vang. Xương đất sét có màu hồng nhạt, khi nung ở nhiệt độ cao, xương gốm chuyển màu gan gà, với hai màu men chủ đạo là nâu vàng và nâu đen.
 
5. Khám phá nét đẹp của làng gốm Phù Lãng
Những sản phẩm gốm của làng Phù Lãng không chỉ đóng góp một phần không nhỏ vào sự phát triển về mặt kinh tế, du lịch của địa phương mà còn góp phần tạo nên nét văn hóa đặc trưng của vùng đất Kinh Bắc.
Khác với những làng gốm khác, sản phẩm gốm Phù Lãng được phủ một lớp men có hoa văn màu da lươn trông vừa thanh nhã vừa bền đẹp lại còn sang trọng. Thêm nữa, nét đặc trưng nổi bật của gốm Phù Lãng là sử dụng phương pháp đắp nổi theo hình thức chạm kép, màu men lên một cách tự nhiên, bền và lạ; dáng của gốm mộc mạc nhưng lại chứa đựng trong đó là vẻ đẹp nguyên sơ của đất với lửa và rất đậm nét của điêu khắc tạo hình.
Với lòng yêu nghề, sức sáng tạo trên chất cốt truyền thống được truyền lại, họ đã vẽ lên một diện mạo hoàn toàn mới cho sản phẩm truyền thống bằng cách thay đổi kiểu dáng khác nhau và thêm vào các họa tiết đẹp đẽ, hoa văn trang trí phong phú trên sản phẩm. Có rất nhiều sản phẩm đáp ứng được nhu cầu khác nhau của người sử dụng như: đèn, bình hoa, đôn, phù điêu, … Đặc biệt, những chiếc lọ trang trí có sự kết hợp giữa gốm và gỗ đang rất thịnh hành và được nhiều người yêu thích.
Một sản phẩm bạn không thể bỏ qua khi đến với làng gốm Phù Lãng, đó chính là dòng tranh gốm. Nhờ sự khéo tay, tinh tế, cẩn thận và tỉ mỉ của người thợ gốm đã tạo nên những bức tranh vô cùng sống động đầy màu sắc. Để tạo nên một bức tranh gốm cần trải qua nhiều công đoạn phức tạp từ dàn đất, tạo hình, cắt tranh, phơi tranh, nung, ghép tranh… Riêng với tranh gốm thì phải nung bằng lò ga cho bức tranh đất “chín” đều, không bị cong, vênh, tránh bụi, bẩn hay cháy đen.
Thật đáng tiếc khi bạn ghé thăm làng gốm Phù Lãng mà không mua cho mình những bức tranh gốm để trang trí cho không gian gia đình mình cũng như làm quà tặng kỷ niệm cho bạn bè, người thân. Hiện nay, các sản phẩm của làng gốm Phù Lãng không chỉ xuất hiện ở các thị trường trong nước mà còn được xuất khẩu đi các nước khác như Mỹ, Nhật, Hàn Quốc… với đa dạng các sản phẩm phong phú khác.

 

Xem thêm
image