Mô tả
Đường đến làng nghề tàu hũ ky xã Mỹ Hòa
Làng nghề tàu hũ ky Mỹ Hòa nằm bên bờ sông Cái Vồn hiền hòa. Với vị trí địa lý thuận lợi, cách trung tâm Thành phố Cần Thơ chưa tới 10 km, và trung tâm thành phố Vĩnh Long gần 30 km. Du khách rất dễ dàng di chuyển đến tham quan làng nghề truyền thống danh tiếng. Từ Trung tâm hành chính thị xã Bình Minh du khách đi hơn 1 km. Đến cầu Từ Tải qua sông Cái Vồn, vòng xuống dốc cầu men theo đường đan nhỏ sẽ đến làng nghề.
Về làng nghề này bất kỳ thời điểm nào trong năm, đi vào các hộ sản xuất tàu hũ ky. Lúc nào cũng thấy lò hơi, lò lửa nghi ngút, cơi củi đỏ than. Tận mắt chứng kiến quy trình sản xuất ra những miếng tàu hũ ky thơm ngon và hấp dẫn. Lắng nghe bà con nơi đây kể những câu chuyện lý thú về sự hình thành và phát triển của làng nghề.
Nghề càng nhộn nhịp hơn vào trước các ngày rằm lớn trong năm (tháng Giêng, 7, 10 âm lịch) và nhất là chuẩn bị sản phẩm cho thị trường dịp Tết. Từng miếng, từng cọng tàu hủ ky vàng óng, giòn, dai được đưa ra lò.
Lịch sử hình thành làng nghề
Theo lời kể của người dân địa phương, vào khoảng năm 1912 có ông Châu Xường là người Hoa (Quảng Đông) cùng vợ và 2 người con trai là Châu Khoánh và Châu Sầm sang Việt Nam làm ăn sinh sống và đã đến vùng đất Mỹ Hòa, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long lập nghiệp. Họ đã đem theo nghề làm tàu hũ ky gia truyền đến vùng đất này. Lúc đầu nghề được truyền trong dòng họ, nhưng vẫn thuê những hàng xóm đến phụ giúp. Dần dần bà con trong vùng thấy hay đến xin truyền nghề, từ đó số người làm tàu hũ ky đông lên, hình thành nên một làng nghề khá đông đúc.
Làng tàu hũ ky Mỹ Hòa hiện có khoảng 30 hộ gia đình làm nghề. Hiện nay, nhiều cơ sở đã đầu tư lò hơi để sản xuất tàu hũ ky số lượng lớn. Mỗi ngày sản xuất được khoảng 4 tấn tàu hũ ky gồm nhiều loại: tàu hũ ky miếng lớn, tàu hũ ky cọng khô, non, tàu hũ ky ướp muối… cung ứng thị trường trong và ngoài tỉnh. Được tỉnh công nhận là sản phẩm OCOP đạt chuẩn 3 sao.
Quy trình sản xuất
Làng nghề vẫn giữ đúng quy trình sản xuất truyền thống từ xa xưa, từ khâu ngâm đậu nành, tách vỏ, xay đậu, nhồi đậu, nấu nước đậu, vớt váng đậu (tàu hũ ky), hong gió, đóng gói. Một số công đoạn đã được làm tự động, thay thế thủ công để đảm bảo về an toàn thực phẩm.
Nguyên liệu để làm tàu hũ ky duy nhất là hạt đậu nành được tuyển chọn kỹ càng. Đầu tiên, nước cốt đậu nành được cho vào gần đầy các chảo đun liên tục bằng củi, khi củi phía trên cháy hết cũng là lúc lớp than dày phía dưới cũng bén lửa. Khi đó nước đậu sôi trên bề mặt nổi lớp bọt trắng xóa, người thợ dùng vợt để vớt hết bọt trên mặt chảo. Công đoạn này đòi hỏi người thợ phải có kinh nghiệm tính toán sao cho khi lửa than cháy cũng là lúc vớt hết bọt đậu.
Sau đó, dần dần trên mặt chảo sẽ nổi lên một lớp váng, bằng kinh nghiệm người thợ dùng tay sờ nhẹ lớp váng, nếu không dính trên đầu ngón tay tức là tàu hũ đã chín. Người thợ dùng lưỡi dao nhỏ cắt đôi lớp váng rồi dùng que tre vớt lên phơi trên sào. Sào phơi là những cây tre chẻ đôi được bố trí song song ngay trên miệng chảo. Thông thường cứ khoảng 25 phút là vớt một lớp váng.
Thợ làm tàu hũ ky phải luôn tay cho đến khi cạn nước, lấy mãi tới lớp cuối cùng thì gọi là vớt bẹ. Để có được 1kg tàu hũ ky, nguyên liệu phải dùng vào khoảng 2,5kg đậu nành tươi.
Hơi nước trên miệng chảo cùng độ nóng thoát ra từ các miệng lò sau 30 phút sẽ hun và sấy khô dần các miếng tàu hũ ky. Sau đó tàu hũ ky được sang qua sào khác hong gió, nhưng tránh ánh nắng trực tiếp để cho dịu lại dễ xếp và đóng gói…
Các sản phẩm tàu hũ ky sản xuất tại xã Mỹ Hòa nổi tiếng có độ thơm, béo đặc trưng và đặc biệt là độ tươi, mới của sản phẩm. Tất cả những yếu tố trên đã tạo nên sự khác biệt của tàu hũ ky truyền thống Mỹ Hòa “béo nhưng không ngậy để gây ngán, dai và vàng óng ánh”.
Nhắc đến tàu hũ ky, nhiều người nghĩ dùng cho món ăn chay, nhưng bây giờ thì nó không còn là nguyên liệu dành riêng cho những người ăn chay nữa. Vì không chỉ là món ăn giàu dinh dưỡng, tàu hũ ky còn được sáng tạo, chế biến đa dạng thành nhiều món ăn. Để từ đó, cọng tàu hũ ky góp phần làm nên những món ăn bắt mắt, thơm ngon, làm phong phú thêm cho văn hóa ẩm thực Việt Nam.
Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Vào ngày 3/4/2023 UBND tỉnh Vĩnh Long tổ chức Lễ công bố quyết định Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Nghề làm tàu hũ ky xã Mỹ Hòa, thị xã Bình Minh”.
Trải qua hơn trăm năm với biết bao đổi thay, làng nghề vẫn giữ cái hồn cốt gắn với kinh nghiệm đã có từ hàng trăm năm. Nghề làm tàu hũ ky là một di sản có đầy đủ các tiêu chí mang tính đại diện, thể hiện bản sắc của địa phương, cộng đồng. Không chỉ phản ánh sự đa dạng văn hóa và sự sáng tạo của con người, được kế tục qua nhiều thế hệ, có khả năng tồn tại lâu dài. Mà còn là minh chứng cho tình yêu, sự trân trọng giá trị lao động, ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa và tinh thần đoàn kết, tương trợ. Mang tính cộng đồng trong lao động của người dân tỉnh Vĩnh Long.
Đây chính là sức mạnh nội sinh hun đúc nên phẩm chất, cốt cách và nguồn động lực về tinh thần của người dân Vĩnh Long trong suốt chiều dài lịch sử từ thời khai hoang mở cõi đến quá trình đấu tranh, hình thành và phát triển tỉnh.
Đánh giá của khách hàng
Đánh giá của bạn
Địa chỉ email của bạn sẽ không được hiển thị.