Mô tả
Di tích lăng mộ và đền thờ Nguyễn Huỳnh Đức tọa lạc tại phường Khánh Hậu, thành phố Tân An, tỉnh Long An. Quần thể di tích gồm đền thờ, lăng mộ và nhà trưng bày tư liệu với diện tích khoảng 1.300 m2.
Nguyễn Huỳnh Đức tên thật là Huỳnh Tường Đức, sinh năm 1748 tại Giồng Cái Én, làng Tường Khánh, tổng Hưng Thượng, huyện Kiến Hưng, trấn Định Tường nay là phường Khánh Hậu, thành phố Tân An, tỉnh Long An. Ông sinh ra trong một gia đình có truyền thống 3 đời võ nghiệp, nên có cốt cách làm tướng từ nhỏ, sức khỏe, thần thái cũng hơn người. Năm 1780, ông theo phò chúa Nguyễn Ánh lập nhiều công lớn nên được ban họ vua. Nhiều lần Nguyễn Ánh bị quân Tây Sơn đánh thua, ông vẫn chạy theo cứu giá, một lòng trung quân. Khi Nguyễn Ánh lên ngôi, lấy hiệu vua Gia Long, Nguyễn Huỳnh Đức được phong Quận công, rồi làm Tổng trấn Bắc thành. Sáu năm sau, ông làm Tổng trấn Gia Định cùng cai quản toàn miền Nam. Tương truyền dân gian và sử sách ghi lại, ông là người trung cang, nghĩa khí, võ nghệ cao cường, mọi người đều gọi ông là “Hổ tướng”. Ngày mồng 9 tháng chín năm Kỷ Mão (1819), ông mất và an táng tại quê nhà.
Lăng mộ Tiền quân Nguyễn Huỳnh Đức được xây dựng năm 1817 (trước khi ông mất) và vẫn còn tồn tại gần như nguyên vẹn cho đến ngày nay. Với chất liệu đá ong và vữa tam hợp, di tích chịu ảnh hưởng bởi phong cách, kiểu dáng kiến trúc thời Nguyễn nhưng vẫn mang bản sắc địa phương và đã trở thành điển hình cho lối kiến trúc lăng mộ của tầng lớp quan lại đầu thế kỷ XIX.
Lăng nhìn chính hướng nam, mặt bằng kiến trúc hình chữ nhật, thuộc loại hình đơn táng, chiều rộng 8,7 m, chiều dài 12 m. Án ngữ ở lối vào mộ phía bắc là bình phong từ đá ong cao 3m, có đắp nổi hoa văn mai – lộc. Đường thần đạo dài 17 m dẫn từ bình phong đến phần chính của mộ.
Kết cấu kiến trúc từ ngoài vào trong gồm: cửa lăng, bình phong tiền, sân tế, bia mộ, nấm mộ và bình phong hậu. Bao quanh là lớp tường thành kết hợp các trụ biểu búp sen. Xung quanh mộ là những cây sứ cổ thụ tỏa hương ngào ngạt tạo nên vẻ thâm nghiêm cho nơi an nghĩ của một đại thần khai quốc.
Bia mộ tạc bằng đá Non Nước Ngũ Hành Sơn cao 1,55 m, rộng 0,9 m, dày 0,16 m, chạm nổi hoa văn tinh xảo hình mặt trời, hoa lá hóa rồng ở hai bên trán bia; diềm bia trang trí chạm nổi hình hoa cúc dây, hoa mai; trung tâm bia mộ đề quốc hiệu Việt Cố, mộ của Khâm sai Gia Định thành Tổng trấn, Chưởng Tiền quân, tặng thời Trung Dực vận công thần, Phụ quốc thượng tướng quân, Thượng trụ quốc, Thái phó Nguyễn Huỳnh tước Quận công, bia được lập vào tháng 11 năm Kỷ Mão (1819).
Phía sau bia là nơi chôn cất thi hài Nguyễn Huỳnh Đức với một nấm mộ phẳng dài 3,4m, rộng 2,7m, cao 0,3m. Sau nấm mộ là Bình phong hậu khép lại kiến trúc lăng mộ.
Đáng chú ý là trên bức bình phong hậu có bài minh văn tương truyền nội dung minh văn do chính vua Gia Long ngự phê để ghi nhớ công lao của một đại thần đã cùng mình vào sinh ra tử, từng là người bảo toàn tính mạng cho vua và sự trung hưng của triều Nguyễn.
Cách mộ 20m về phía Nam là đền thờ Nguyễn Huỳnh Đức. Từ năm 1819 đến 1959, gia tộc thờ ông trong ngôi nhà xưa do Vua Gia Long sai người dựng cách ngôi mộ khoảng 500m. Vào năm 1959, để tiện cho việc thờ cúng, gia tộc đã xây dựng ngôi đền thờ mới này theo kiểu tứ trụ, 2 tầng mái, cửa gỗ trông ra hướng Đông.
Ngay sau cửa chính đền thờ có đặt hương án chạm rồng, phụng, hoa lá sơn son thếp vàng, phía trên có bức họa truyền thần Tiền quân Nguyễn Huỳnh Đức được vẽ năm 1802. Trong đền có nhiều cổ vật và tư liệu rất giá trị trong việc nghiên cứu về vùng đất Nam bộ thế kỷ 18 – 19, những vật dụng sinh thời của ông được con cháu gìn giữ đến hôm nay. Đáng chú ý trong đó là chiếc võng – kiệu khi ông còn là Tổng trấn Bắc thành và Gia Định thành, đây là cổ vật quý giá, độc bản duy nhất hiện có ở VN; chiếc ghế gỗ chạm hoa văn tinh xảo do vua Thái Lan tặng ông trong thời gian ông thực hiện công vụ tại Thái Lan theo sự chỉ đạo của triều đình. Bộ ván bằng gỗ quý ông sử dụng khi ngủ gắn liền với những câu chuyện về sự linh thiêng. Ngoài ra, còn có hàng chục sắc phong, chỉ truyền, ấn triện liên quan đến thân thế và sự nghiệp của ông rất quý giá hiện đang được trưng bày tại di tích.
Vào năm 1972 gia tộc đã cho xây dựng 2 cổng lớn ở hai đầu con đường vòng cung dẫn vào lăng với thiết kế giống nhau theo kiểu cổng tam quan truyền thống. Trên cổng có hàng chữ Hán ”Tiền quân phủ” và ”Lăng Nguyễn Huỳnh Đức”. Nhìn từ xa, cổng lăng toát lên vẻ đường bệ, uy nghi như chào đón khách tham quan.
Nhà lưu niệm và tiếp khách nằm bên cạnh đền thờ Nguyễn Huỳnh Đức. Tại đây treo tranh ảnh về khu lăng cùng các câu chuyện, tích xưa về thân thế, sự nghiệp… của vị tướng khai quốc công thần triều Nguyễn.
Di tích Lăng mộ và Đền thờ Nguyễn Huỳnh Đức đã được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng là di tích quốc gia tại quyết định số 534/QĐ/BT, ngày 11/05/1993.
Hàng năm, vào 3 ngày (mùng 7, 8 và 9 tháng 9 âm lịch), người dân Long An và Tiền Giang tề tựu cùng gia tộc làm lễ cúng giỗ ông hết sức trọng thể. Truyền thống này được kế tục từ năm 1819 đến nay. Du lịch Long An, đến tham quan di tích lăng Nguyễn Huỳnh Đức, chúng ta không chỉ biết đến cuộc đời, thân thế, sự nghiệp của một danh tướng trong lịch sử phong kiến được nhân dân tôn thờ như một vị Tiền Hiền mà còn được chiêm ngưỡng nghệ thuật kiến trúc lăng mộ đầu đời Nguyễn và những cổ vật quý giá cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX.
Địa danh liên quan
Đánh giá của khách hàng
Đánh giá của bạn
Địa chỉ email của bạn sẽ không được hiển thị.