Làng nón ngựa Phú Gia

Làng nón ngựa Phú Gia

Mô tả

Làng nón ngựa Phú Gia là nét văn hóa truyền thống của Bình Định với hơn 300 năm lịch sử cùng những tác phẩm nón lá nổi tiếng, là biểu tượng mạnh mẽ, uy nghiêm của con người nơi đây. Giữa nhịp sống hổi hả, xô bồ nơi chốn thành thị, làng nón ngựa Phú Gia vẫn giữ cho mình nét yên bình, lưu giữ những vẻ đẹp truyền thống của người dân nơi đây. Nếu được đến vui chơi tại Bình Định, bạn nên ghé quá nơi đây để cảm nhận nhịp sống nhẹ nhàng, thanh bình và ngắm nhìn những chiếc nón lá ngựa do chính tay người dân nơi đây tạo ra.

 

Hạnh phúc của những nghệ nhân làng nón ngựa Phú Gia chính là được gìn giữ và tạo ra những chiếc nón ngựa độc đáo, là một sản phẩm đại diện cho những con người tại vùng đất này. Hãy cùng Vigotrip tìm hiểu qua làng nghề thú vị này nhé.
 
1. Vị trí địa lý của làng nón ngựa Phú Gia
Làng nón ngựa Phú Gia có vị trí tọa lạc tại làng Phú Gia, xã Cát Tường, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định. Đây không chỉ đơn thuần là nơi sản xuất ra các sản phẩm nón lá nổi tiếng trong và ngoài nước mà còn là một điểm du lịch được khách du lịch “săn đón” ở Bình Định.
Không khí nhộn nhịp trong cuộc sống và sản xuất hàng ngày của người dân làng nghề nón ngựa Phú Gia làm cho người ta quay về quá khứ, cảm nhận được một quãng lịch sử tái hiện với nhiều nét văn hóa trong đời sống xã hội Việt Nam thời xưa.
Làng nghề nón ngựa Phú Gia đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định công nhận là làng nghề truyền thống, đạt danh hiệu Làng nghề tiêu biểu Việt Nam và được chọn xây dựng mô hình Làng văn hóa – du lịch các dân tộc Việt Nam.
 
2. Lịch sử của làng nón ngựa Phú Gia
Làng nón ngựa Phú Gia đến nay tồn tại và phát triển đã hơn 300 năm lịch sử. Một quãng thời gian đu để chứng minh sản phẩm nón Phú Gia không chỉ là chiếc nón lá thông thường mà là biểu tượng cho sự mạnh mẽ, uy nghiêm của con nhà võ, gắn với lịch sử nghĩa quân Tây Sơn thần tốc.
Theo nghệ nhân Đỗ Văn Lan – người đã gắn bó 55 năm với nghề làm nón ngựa, sở dĩ dân gian gọi nón ngựa trước hết là vì nó dẻo dai, bền bỉ như đặc tính của loài ngựa; bên cạnh đó, thuở xưa, giới quyền quý thường sử dụng trong lúc cưỡi ngựa hay những chiếc nón có bịt bạc, chạm trổ hình rồng, phượng trên đỉnh nón được giới quan binh sử dụng để đội trên đầu khi cưỡi ngựa.
 
3. Kỹ thuật làm nón lá của làng nghề nón ngựa Phú Gia
3.1. Nguyên liệu chuẩn bị cầu kỳ
Khác với tưởng tượng của nhiều người khi nghĩ đến các nguyên liệu đơn giản khi làm nón lá, nón ngựa Phú Gia cũng làm từ tre, lá,…nhưng được chọn lựa một cách khắt khe, nghiêm ngặt và tỉ mỉ vô cùng.
Người làng nghề nón ngựa Phú Gia phải đích thân lên thượng nguồn các huyện Tây Sơn, Vĩnh Thạnh giáp với Tây Nguyên để chặt cây giang đem về chẻ ra từng miếng, rồi phơi khô và tước ra thành cây tăm thật nhỏ và đều.
Lá kè hay còn gọi là lá cọ làm nón không được quá già hoặc quá non, đem phơi nắng, phơi sương để lá vừa khô vừa có được độ mềm dẻo nhất định. Các nguyên liệu khác như rễ dứa rừng, cước, chỉ màu, vải the… cũng đều được tuyển chọn một cách kỹ lưỡng.
 
3.2. Công đoạn làm nón ngựa
Để hoàn thành một chiếc nón của làng nghề nón ngựa Phú Gia, các nghệ nhân phải bắt tay thực hiện 20 công đoạn làm nón ngựa. Trong đó, 4 công đoạn quan trọng nhất là tạo sườn mê, thắt nan sườn, thêu hoa văn trên sườn và lợp lá cho nón.
Lá nón sau khi mua về được các thành viên dẽ cho thẳng ra, sau đó thì người thợ sẽ đưa lá qua lưỡi cày đã được làm nóng, phải kéo nhanh tay để đảm bảo lá được phẳng và không bị hỏng lá do nóng. Công đoạn tạo sườn mê và thắt nan sườn chính là tạo khung cho chiếc nón, đòi hỏi người nghệ nhân phải có kinh nghiệm, tay nghề và tỉ mỉ.
Tiếp theo là nước quay nón, đầu tiên là “Bứt vòng”: Người thợ sẽ sử dụng dao, cước để quấn vòng quanh khuôn nón; sau đó, dùng lá lần trong dải đều trên khuôn; cuối cùng dùng lớp lá lần ngoài phủ lên trên bề mặt.
Bước thứ ba “Khâu nón”: Người nghệ nhân làng nghề nón ngựa Phú Gia sẽ dùng kim, cước để khâu lần lượt các vòng nón từ trên đỉnh nón xuống đến vòng cạp là vòng to nhất của nón. Sự khéo léo của người thợ khâu sẽ thể hiện qua từng đường kim mũi chỉ.
Bước cuối cùng là bước quan trọng quyết định tính thẩm mỹ của chiếc nón. Các nghệ nhân thực hiện thêu họa tiết, lúc này bề mặt chiếc nón như một khung tranh nghệ thuật, tùy ý để các nghệ nhân vẽ nét lên. Từng nét vẽ như chứa đựng cả tấm lòng, niềm tự hào của họ, thể hiện qua sự tỉ mỉ và tinh tế trên từng đường kim. Đây cũng chính là điểm đặc biệt của chiếc nón làng nghề nón ngựa Phú Gia mà không nơi nào có được.
Hiện nay, kỹ thuật làm nón nghệ đã được áp dụng nhiều công nghệ tiên tiến, chiếc nón gia truyền ngày càng được biến tấu nhằm phục vụ nhu cầu của khách hàng. Bên cạnh đó, nhiều lớp dạy làm nón ngựa được dựng lên, chiếc nón theo những nghệ nhân có tiếng đi khắp trong Nam ngoài Bắc để quảng bá rộng rãi.
 
4. Những điểm nổi bật của làng nón ngựa Phú Gia
4.1 Những chiếc nón ngựa kỳ công, độc đáo
Mỗi một chiếc nón ngựa tại đây đều được thực hiện với sự tỉ mỉ và khéo léo từ các nghệ nhân lành nghề tại đây. Làm nón ngựa rất lắm công phu phải trải qua 3 công đoạn. Đó là làm mê sườn, đan sườn mê và chằm nón. Mỗi công đoạn có một thôn, một xóm làm riêng theo hình thức chuyên môn hóa và kinh nghiệm của từng nơi. Còn với riêng Phú Gia chủ yếu là mua sườn mê về làm ra nón thành phẩm.
Mê sườn được chẻ nhỏ ra như những cây tăm và chuốt nhẵn đều, tiếp đến là đan mê. Bước tiếp theo là đặt mê sườn lên khung nón và cuối cùng là đặt lá cọ lên trên mê sườn, tiến hành chằm nón. Bên trong nón được thêu nhiều hình ảnh, hoạt tiết trang trí bắt mắt như: các loại hoa hay hình ảnh rồng phượng. Điều đặc biệt hơn đó là thường việc thêu sẽ do những nghệ nhận lớn tuổi, lành nghề thực hiện để đảm bảo chất lượng của chiếc nón.
 
4.2 Những món quà lưu niệm đậm nét con người đất võ
Tại làng nón ngựa Phú gia sẽ có 2 loại nón: Chiếc nón bình thường thì chóp nón để trần, trên đỉnh có một chùm chỉ ngũ sắc phất phơ như bông hoa, những chiếc nón này có giá tương đổi rẻ chỉ từ 40.000 - 50.000. Chiếc nón làm theo nguyên mẫu truyền thống thì sẽ có giá từ 300.000 - 500.000 đồng/chiếc và có thể có giá hơn, tùy kích cỡ và các kiểu hoa văn.
Đối với loại nón ngựa làm bắt mắt hơn thì trên đỉnh nón được gắn chụp bạc hoặc đồi mồi có chạm trổ long, lân, quy, phụng. Quai nón được làm bằng những dải lụa đỏ hoặc xanh, chỗ dưới cằm có chỏm tua. Những chiếc nón ngựa thế này rất được du khách ưa thích bởi sự độc đáo, mới lạ và độ bền, dẻo của nón. Ngoài sử dụng để bán và xuất khẩu, ở làng Phú Gia nón ngựa là một trong những vật phẩm không thể thiếu vào những ngày cưới hỏi khi đó trong ngày này chú rể sẽ đội chiếc nón ngựa này để đi rước dâu về nhà như một nét văn hóa, truyền thống của nơi đây.
 
4.3 Hoạt động tham quan làng nón ngựa Phú Gia
Khi đến với làng nghề bạn sẽ có cơ hội được tham quan và tận mắt được xem những nghệ nhân và những người sống tại Phú Gia thực hiện làm lên những chiếc nón ngựa này. Ở đây ai cũng được truyền dạy làm nghề từ khi còn rất nhỏ tuổi, nên đừng quá bất ngờ khi bạn thấy ai ai ở đây cũng thoăn thoắt tay nghề làm nón từ những cô chú lớn tuổi đến các bạn nhỏ nhé.
Ngoài ra, bạn còn có thể mua cho mình những chiếc nón ngựa xinh xắn và có thể lựa chọn dây quai nón để tạo điểm khác biệt, mới mẻ cho chiếc nón của mình.
Nếu bạn đã quen với những chuyến đi chơi sôi nổi, náo nhiệt thì mình tin rằng chuyến đi đến làng nón ngựa Phú Gia sẽ là một trải nghiệm khác khi được đặt chân đến một nơi bình yên và cực kì dễ chịu đó.
Tuy nhiên, bạn cũng lưu ý là tránh làm ồn hay ảnh hưởng mất tập trung đến thời gian làm việc và quá trình làm nón của các nghệ nhân tại làng nghề này nha.

 

Xem thêm
image

Địa danh liên quan

Danh sách khách sạn