>
>
>
Lăng Ông Bà Chiểu

Lăng Ông Bà Chiểu

TP Hồ Chí Minh

Lăng Ông Bà Chiểu

Mô tả

Lăng Ông Bà Chiểu là địa điểm tâm linh thu hút rất nhiều du khách tới đây chiêm bái, vãng cảnh. Đây là một trong những công trình cổ mang giá trị to lớn về lịch sử, chứng kiến bao thăng trầm, thay đổi cùng Sài Gòn "hoa lệ". Du khách đến đây sẽ được chiêm ngưỡng kiến trúc cổ xưa trải qua hơn 200 năm, ngoài ra với không gian yên bình, thanh tịnh cùng với nét hoài cổ bạn có thể check-in chụp những tấm hình vô cùng ấn tượng. 

 

Lăng Ông Bà Chiểu là một trong những công trình cổ xưa nhất ẩn mình ở Sài Gòn phồn hoa đô hội. Trải qua hơn 200 năm lịch sử, nơi đây chứng kiến bao thăng trầm và đổi thay của thành phố.
 
1. Giới thiệu về lăng Ông Bà Chiểu
1.1. Lăng Ông Bà Chiểu ở đâu?
Lăng Ông Bà Chiểu là công trình văn hóa tâm linh lớn nhất TP. Hồ Chí Minh. Đây là lăng thờ Tả quân Lê Văn Duyệt (1764-1832) - vị tướng Tổng trấn thành Gia Định xưa. Lăng có tên chính xác là Thượng Công miếu, được ghi bằng chữ Hán ở cổng Tam quan. Sau này người ta quen gọi là lăng Ông Bà Chiểu bởi:
 
  • Tục lệ tránh gọi thẳng tên (phạm húy), người ta gọi là “lăng Ông”;
  • Lăng nằm ngay cạnh chợ Bà Chiểu, lâu dần người dân đã ghép hai từ lăng Ông chợ Bà Chiểu thành “lăng Ông Bà Chiểu” để chỉ khu lăng của Tả quân.
 
1.2. Lịch sử lăng Ông Bà Chiểu
Lăng Ông Bà Chiểu là quần thể khu đền và ngôi mộ của Tả quân Lê Văn Duyệt và vợ là bà Đỗ Thị Phận. Tả quân Duyệt là một trong những vị tướng quân, quân sư tài ba có công rất lớn đối với triều đình nhà Nguyễn. Ông phục vụ dưới 2 triều vua là vua Gia Long và vua Minh Mạng.
Tuy nhiên, dưới thời vua Minh Mạng năm 1835 đã xảy ra vụ biến loạn thành Phiên An. Kết cục, Lê Văn Duyệt bị buộc tội “che chở quân phỉ đảng, để gây nên bọn loạn”. Khi này ông đã mất, vua Minh Mạng ra lệnh san bằng mộ, dựng bia đá khắc 8 chữ “Quyền yêm Lê Văn Duyệt phục pháp xử” (chỗ tên hoạn quan Lê Văn Duyệt chịu tội). Mãi đến đời vua Thiệu Trị (năm 1841), ông mới được giải oan, trụ đá được dẹp bỏ, mộ ông được đắp lại cao và rộng hơn.
Lịch sử lăng mộ Ông Bà Chiểu bắt đầu từ 1848, khi khu lăng mộ về cơ bản được xây dựng xong. Năm 1914, Hội Thượng Công Quý Tế được thành lập. Việc cúng tế miếu lăng Ông Bà Chiểu được tổ chức hằng năm và công tác trùng tu cũng được thực hiện nhiều lần. Ngày 06/12/1989, Bộ Văn hóa công nhận lăng Ông Bà Chiểu là di tích Lịch sử Văn hóa cấp quốc gia.
 
2. Tham quan lăng Ông Bà Chiểu linh thiêng
2.1. Kiến trúc lăng Ông Bà Chiểu
Toàn bộ miếu lăng Ông Bà Chiểu nằm trong một khu đất rộng và cao với tổng diện tích là 18.500m2. Tường bao quanh lăng dài 500m, cao 1.2m với 4 cổng theo 4 hướng ra 4 con đường là: Đinh Tiên Hoàng, Phan Đăng Lưu, Trịnh Hoài Đức và Vũ Tùng. Với lối kiến trúc cổ xưa và chiều dài ấn tượng, du khách đừng quên chụp hình ở lăng Ông Bà Chiểu với các bức tường nơi đây.
Lăng Ông Bà Chiểu chào mừng bạn với cổng Tam quan đặt ở hướng Nam, mở ra đường Vũ Tùng. Trên cổng là dòng chữ Hán, dịch ra là “Thượng Công miếu”, nghĩa là Thượng Công - một chức quan lớn thời xưa. Từ cổng Tam quan đi qua một khu vườn cảnh sẽ vào khu lăng chính, với 3 phần: nhà bia, mộ Tả quân và vợ, và miếu thờ.
 
  • Nhà bia
Nhà bia là nơi đặt bia đá ghi nhớ công đức của Tả quân. Nơi đây được xây dựng như một ngôi điện nhỏ, tường lát gạch và lợp ngói âm dương. Trên bia đá được khắc chữ Hán “Lê công miếu bi” ca ngợi công lao của tướng Lê Văn Duyệt đối với nhân dân và triều đình. Trước bia đá đặt đôi hạc vàng cưỡi rùa, tượng trưng cho sự hòa hợp âm dương, hỗ trợ lẫn nhau giữa muôn loài.
 
  • Lăng mộ
Lăng mộ là công trình được xây dựng đầu tiên trong lăng, vì thế đây cũng là nơi cổ nhất. Phần mộ gồm 2 ngôi mộ song táng: Tả quân bên phải (hướng từ nhà bia nhìn vào) và vợ là bà Đỗ Thị Phận bên trái. Mộ lăng Ông Bà Chiểu được gọi là mộ “quy”, vì có hình dáng như con rùa đang nằm. Bao quanh mộ là bức tường dày bằng đá ong, thông ra sân đốt nhang đèn.
 
  • Miếu thờ
Khu miếu thờ là nơi sinh hoạt tín ngưỡng của nhân dân trong việc thờ cúng tướng Lê Văn Duyệt. Với kỹ thuật chạm khắc gỗ, chạm khắc đá, khảm sành sứ vô cùng tinh xảo, khu miếu thờ là nơi đẹp nhất trong toàn bộ khuôn viên.
Miếu thờ gồm 3 phần: tiền điện, trung điện và chính điện. Mỗi gian điện thờ cách nhau bởi một giếng trời. Đi sâu vào khu vực chính điện có một góc dựng lại khung cảnh sống bình thường của Tả quân. Tuy nhiên, chỉ những người có phận sự mới được vào khu vực này để thực hiện các nghi lễ.
 
2.2. Xin xăm ở lăng Ông Bà Chiểu
Xin xăm Tả quân là hình thức xin xăm phổ biến ở nước ta, bên cạnh xin xăm Quan Âm và xin xăm Quán Thánh. Trong khi xin xăm Quan Âm và xin xăm Quán Thánh thiên về xin tài lộc thì xin xăm Tả quân là xin về sức khỏe, bệnh tật, nên còn được gọi là xin “xăm thuốc”.
 
2.3. Lễ hội lăng Ông Bà Chiểu
Vào ngày 29 - 30/7, ngày 1 - 2/8 âm lịch hằng năm, tại lăng Ông Bà Chiểu sẽ tổ chức lễ giỗ tướng Lê Văn Duyệt vô cùng long trọng. Sự kiện này thu hút không chỉ người địa phương mà đông đảo khách tỉnh xa cũng về dự hội. Mọi người về đây để cầu bình an, sức khỏe cho gia đình mình và tình duyên đôi lứa.
Dịp lễ cũng là cơ hội để các bạn trẻ có các bức hình sống ảo thật đẹp, đặc biệt là chụp hình ở lăng Ông Bà Chiểu với áo dài. Khối kiến trúc cổ kính tại lăng tạo nền tôn lên vẻ đẹp của áo dài truyền thống.
 
3. Hướng dẫn di chuyển đến lăng Ông Bà Chiểu
Trước tiên nếu bạn ở xa, bạn có thể di chuyển bằng máy bay, xe khách, tàu hỏa,... để đến Thành phố Hồ Chí Minh. Sau đó, bạn có thể tùy chọn bắt taxi, xe ôm, thuê xe tự túc hoặc phương tiện công cộng để đến lăng Ông Bà Chiểu.
 
Nếu đi bằng phương tiện công cộng, bạn có thể tham khảo lộ trình xe buýt như sau:
  • Xe buýt đi qua lăng: 08, 18, 24, 51, 54, 55, 104;
 
Trạm xe buýt gần lăng:
  • Lăng Ông Bà Chiểu: cách 119m, khoảng 2 phút đi bộ;
  • UBND quận Bình Thạnh: cách 174m, khoảng 3 phút đi bộ;
  • Trường Tiểu học Nguyễn Đình Chiểu: cách 288m, khoảng 4 phút đi bộ.
 
 
 

 

Xem thêm
image

Địa danh liên quan

Danh sách khách sạn