Nhà cổ Cai Cường
Xã Bình Hòa Phước, Huyện Long Hồ, Vĩnh Long
Mô tả
Nhà cổ Cai Cường là một trong những địa điểm thu hút nhiều du khách nhất khi đến với Vĩnh Long. Nơi đây sở hữu vẻ hoài cổ, nét kiến trúc độc đáo, mang nét hoài niệm nhuốm màu thời gian. Đến nơi đây, bạn có thể thỏa sức sáng tạo chụp những tấm hình sống ảo theo phong cách vintage, bên cạnh đó bạn có thể khám phá, tìm hiểu về công trình cổ mang vẻ đẹp xao xuyến lòng người qua kiến trúc, cách bài trí nội thất, khuôn viên bên ngoài... hứa hẹn ngôi nhà cổ này sẽ mang đến những trải nghiệm thú vị.
1. Giới thiệu đôi nét về Nhà Cổ Cai Cường
Nhà Cổ Cai Cường có địa chỉ tại số 38, ấp Bình Hòa, xã Bình Hòa Phước, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long.
Nhà Cổ Cai Cường là một trong những địa điểm tham quan cực hot tại vùng đất địa linh nhân kiệt Vĩnh Long bên cạnh Đình Long Thanh, Nhà gốm Tư Buôi, Làng nghề tàu hủ ky Mỹ Hòa... Nằm trên cù lao An Bình thuộc xã Bình Hòa Phước, kề bên là bờ rạch Cái Muối không khi nào ngớt thuyền ghe, ngôi nhà được đánh giá là một trong những công trình vô cùng độc đáo và ấn tượng. Sự kết hợp hài hòa giữa phong cách kiến trúc Đông - Tây đã mang đến nơi đây một vẻ đẹp vừa hiện đại lại rất uy nghi, cổ kính. Trải qua nhiều lần trùng tu, đến nay Nhà cổ Cai Cường vẫn giữ nguyên vẹn được lối sắp xếp và bài trí bên trong đồng thời thể hiện được giá trị thẩm mỹ bền vững của mình qua năm tháng.
- Giá vé: 20.000 VNĐ/khách.
2. Hướng dẫn cách di chuyển tới điểm tham quan
Nhà Cổ Cai Cường cách trung tâm Thành phố Vĩnh Long hơn 10km và Sài Gòn chừng 119km di chuyển. Từ Bến An Bình (Long Hồ), hội xê dịch đi phà tầm 15 phút qua cù lao, sau đó lái xe thêm 5km nữa là tới ngôi nhà cổ đẹp nhất khu vực này. Giá vé cho một chuyến phà thông thường rơi vào khoảng 4.000 VNĐ/xe máy. Bến sẽ hoạt động từ 4 giờ sáng đến 10 giờ tối hàng ngày, do đó bạn sử dụng các phương tiện di chuyển cá nhân để tránh bị nắng có thể đến điểm du lịch tham quan vào sáng sớm hoặc buổi chiều mà không cần lo lắng quá nhiều về lịch trình.
3. Khám phá công trình hơn trăm năm tuổi tại cù lao An Bình
3.1 Lịch sử xây dựng Nhà Cổ Cai Cường
Chủ nhân của ngôi nhà cổ tọa lạc trên cù lao An Bình là gia đình ông Phạm Văn Bổn (hay còn gọi là ông Cai Cường) - một trong những đại địa chủ xứ miệt vườn vào những năm 1800. Sau này, Nhà Cổ Cai Cường được ông Võ Huỳnh Long là con cháu đời thứ 3 của gia tộc họ Phạm kế thừa và quản lý.
Hoàn thiện vào năm 1885, công trình có hình chữ Đinh gồm 2 nếp nhà bố trí vuông góc với nhau. Nhìn từ trên xuống, đầu nhà sau nằm dọc sẽ kết nối với thân nhà trước đặt ngang có mặt chính quay về hướng Bắc, nhìn thẳng ra rạch Cái Muối đông đúc. Với lối kiến trúc pha trộn giữa 2 nền văn hóa khác nhau là Pháp và Việt Nam đầy ấn tượng, ngay từ khi khánh thành, nơi đây đã nhanh chóng lọt Top những căn nhà độc đáo ở Vĩnh Long.
3.2 Lối kiến trúc độc nhất vô nhị của ngôi nhà
Bàn về phong cách thiết kế Nhà Cổ Cai Cường, các chuyên gia cho rằng nơi đây mang dáng hình "nội ứng ngoại hợp" tức nội thất bên trong gắn liền với nét đẹp mỹ thuật truyền thống - văn hóa phương Đông, trong khi ngoại thất tương ứng lối kiến trúc hiện đại, sang trọng của phương Tây. Sở hữu bề ngang 15m, ngôi nhà dùng gỗ lim làm hàng cột cái cao 6m nâng đỡ lớp mái âm dương kết hợp ngói hình vảy cá cổ kính của từng gian nhà.
Ở phía trước, công trình có hành lang thông với 2 bên cầu thang hình cánh cung trang nhã tạo nên không gian mở rộng rãi. Các cột, tường nhà nơi đây đều được trang trí phù điêu của thời kỳ Phục Hưng, do đó vừa giảm thiểu tác động thời tiết lại sở hữu tính thẩm mỹ cao.
Đến với phần hiên lộ thiên, có thể thấy lối kiến trúc phương Tây được thể hiện rất rõ thông qua 2 bậc thang đối xứng hình cánh cung dẫn lên nhà. Đây chính xác là kiểu dinh thự Pháp với bàn thờ thông thiên như ngôi miếu nhỏ đặt ở giữa, khi bước từ cổng vào sẽ nhìn thấy phần này giống hệt bức bình phong chắn giữa mặt tiền.
Đặc biệt hơn cả phải đề cập tới chất liệu trang trí bên ngoài đầy ấn tượng của Nhà Cổ Cai Cường. Nếu phần tường trên đầu cửa ốp gạch bông tạo thành từng đồ án hoa văn nhẹ nhàng, bay bổng thì hiên nhà được đóng trần gỗ che mái ngói khác biệt hoàn so với những ngôi nhà truyền thống tại miền đất Tây Nam. Phần đường diềm hoa văn zig zag màu nâu đất nung pha lẫn vàng đất trang trí trên tường mặt tiền cũng tạo nên điểm nhấn đặc biệt cuốn hút.
Đi vào bên trong, toàn bộ kết cấu chính của ngôi nhà đều được làm bằng gỗ quý với lối bài trí đậm nét Á Đông xưa. Nhà Cổ Cai Cường gồm 3 phần là nhà trước, nhà giữa và nhà sau, ngăn cách giữa chúng là những bức tường gỗ lớn được chạm khắc đặc biệt công phu, tinh xảo. Nhìn chung, nhà trước và nhà giữa là không gian rất rộng bài trí bàn ghế tiếp khách, bàn thờ gia tiên... trong khi nhà sau lại phân tách thành 3 gian nhỏ hơn: 1 gian để trống có cửa thông ra khu sân vườn, 2 gian bên cạnh là phòng ngủ đối xứng được bao toàn bộ bằng tường gỗ lim.
Điểm xuyến cho ngôi nhà cổ chắc chắn không thể bỏ qua những ô cửa sổ lớn, nhỏ thường được mở rộng để đón ánh sáng vào trong và các vật dụng làm bằng gỗ lim hoặc căm xe quý hiếm như tủ quần áo, bộ đi văng, bàn ghế, phản nằm có tuổi đời từ cuối thế kỷ XIX.
Những hình tượng chạm khắc trên các bao lam và vách gỗ cũng góp phần mang đến ngôi nhà vẻ đẹp đầy tính nghệ thuật. Đội ngũ nghệ nhân đã khéo léo trang trí lên đây những con vật rất quen thuộc với mảnh đất phương Nam buổi đầu như khỉ, chim, ngựa, nai, hổ... cùng lúc đó biến tấu chúng không theo chuẩn mực kinh điển nào nhằm tạo nên điểm nhấn độc đáo vô cùng. Nhà Cổ Cai Cường cùng nhà thuyền của ông Cao Văn Nam là những công trình mà bạn yêu khám phá nét đẹp kiến trúc độc đáo nhất định phải ghé thăm.
4. Những lưu ý khi đến với Nhà Cổ Cai Cường
Để chuyến tham quan ngôi nhà thêm phần trọn vẹn, dưới đây là một số lưu ý khi đến khám phá mà bạn không nên bỏ qua:
- Bởi vì thời tiết miền Tây Nam Bộ khá oi bức nên nếu tới thăm Nhà cổ Cai Cường bằng xe gắn máy, mọi người nên chuẩn bị trước mũ, áo khoác, kem chống nắng...
- Khi tham quan, bạn tuyệt đối không tự ý di chuyển nội thất hay vật dụng trong nhà để tránh gây ảnh hưởng tới lối bài trí lâu đời nơi đây.
- Ngôi nhà cổ có rất nhiều cảnh đẹp cho bạn "sống ảo" hoặc chụp ảnh lưu niệm, do đó tín đồ du lịch nên sạc đầy pin điện thoại, mang theo sạc dự phòng hoặc chuẩn bị trước máy ảnh.
Địa danh liên quan
Đánh giá của khách hàng
0.0
Tổng
0 đánh giá
Rate
0.0 / 5.0
Hiện tại chưa có đánh giá nào cho mục này. Hãy là người đầu tiên đánh giá!
Đánh giá của bạn
Địa chỉ email của bạn sẽ không được hiển thị.