>
>
>
Nhà thờ lớn Hà Nội

Nhà thờ lớn Hà Nội

Hà Nội

Nhà thờ lớn Hà Nội

Mô tả

Nhà thờ lớn Hà Nội là địa điểm vô cùng nổi tiếng không những thu hút du khách trong nước mà còn cả những du khách nước ngoài tới đây check-in và chiêm ngưỡng nhà thờ đẹp nhất thủ đô. Với phong cách kiến trúc Gothic Pháp, đậm nét châu Âu, cùng với những năm tháng lịch sử nhà thờ mang vẻ cổ kính khiến bất kỳ ai cũng cảm thấy xao xuyến và đầy hoài niệm. Du khách đến đây ngoài chiêm ngưỡng vẻ đẹp của nhà thờ còn chụp lại cho mình những tấm hình tuyệt vời và để lưu giữ những kỷ niệm đẹp khi đến với Hà Nội. 

 

1. Đôi nét về Nhà thờ Lớn Hà Nội
Nhà thờ Lớn Hà Nội tọa lạc tại số 40 Nhà Chung, quận Hoàn Kiếm, ngay ở điểm giao nhau của 3 con phố lớn là Nhà Thờ, Lý Quốc Sư và Nhà Chung. Nhà thờ Lớn có tên chính thức là Nhà thờ chính tòa Thánh Giuse, là nhà thờ Thiên Chúa Giáo có lịch sử lâu đời nhất ở Hà Nội.
Từ lâu, Nhà thờ Lớn đã là địa điểm sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo của người dân Thủ đô và các tỉnh lân cận. Ngày nay, với lối kiến trúc phương tây độc đáo và bề dày lịch sử, nơi đây đã trở thành điểm tham quan hấp dẫn nhất trong hành trình khám phá du lịch Hà Nội.
 
2. Khung giờ đón khách tham quan và làm lễ ở Nhà thờ Lớn
Nhà thờ Lớn Hà Nội mở cửa miễn phí cho khách tham quan tất cả các ngày trong tuần. Từ thứ 2 đến thứ 7, nhà thờ sẽ đón khách từ 8h – 11h và 14h – 20h. Riêng chủ nhật, du khách có thể đến tham quan vào các khung giờ 7h – 11h30 hoặc 15h – 21h.
Nhà thờ có chương trình lễ vào cả ngày thường và thứ 7, chủ nhật. Từ thứ 2 đến thứ 6, lễ sẽ diễn ra từ 5h30 – 18h15, thứ 7 lúc 18h. Chủ nhật, Nhà thờ Lớn sẽ có nhiều khung giờ làm lễ hơn, bao gồm:
 
  • Lễ tiếng Pháp: 5h, 7h, 9h và 11h.
  • Lễ thiếu nhi: 16h.
  • Lễ giới trẻ: 18h và 20h.
 
3. Kiến trúc Nhà thờ Lớn Hà Nội độc đáo như thế nào?
Nhà thờ Lớn được mệnh danh là nhà thờ có thiết kế kiến trúc đẹp nhất tại Hà Nội. Nhà thờ được xây dựng từ thời Pháp thuộc, là công trình tiêu biểu cho phong cách Gothic Châu Âu, mô phỏng theo kiến trúc nhà thờ Đức Bà Paris. Chiều rộng 21 m, chiều dài 65 m, có 2 tháp chuông cao gần 32 m và được cố định bằng những trụ đá lớn.
Cây thánh giá bằng đá thiết kế tinh xảo là điểm nhấn lớn nhất khi đặt chân vào nhà thờ. Toàn bộ sàn được lát bằng gạch đất nung, tường trát giấy bổi tạo nên một không gian cổ kính và uy nghiêm. Những bức tường phủ rêu là minh chứng rõ nhất cho lịch sử trăm năm của nhà thờ này.
Cửa chính và cửa sổ ở Nhà thờ Lớn Hà Nội mang thiết kế hình vòm, cuốn nhọn đặc trưng của phong cách Gothic. Mái vòm cong cao vời vợi, điểm xuyết thêm ô cửa sổ tròn hình hoa càng làm cho không gian thêm phần tuyệt mỹ. Màu sắc trầm tương phản với những họa tiết, hình ảnh rất Việt Nam khiến cho phần lối đi trở nên sinh động hơn.
Tổng thể nhà thờ được chia thành 3 gian là sảnh đón tiếp, Cung thánh cử hành nghi lễ và khu vực hành lễ. Bên trong thánh đường có 3 ngôi mộ của Hồng y Trịnh Văn Căn, Hồng y Trịnh Như Khuê và Hồng y Phạm Đình Tụng. Giữa Cung thánh là bức tượng Thánh Giuse bế Chúa Giêsu, 2 bên có bàn thờ Đức Mẹ và nhiều tượng thánh khác.
 
4. Lịch sử ra đời của Nhà thờ Lớn Hà Nội
Vị trí hiện tại của Nhà thờ Lớn trước đây là chùa Báo Thiên – một ngôi chùa có từ thời nhà Lý. Thế kỷ thứ 18, chùa Báo Thiên bị phá hủy và trở thành nơi họp chợ của người dân Đại Việt. Tiếp đó, Giáo hội Công giáo được chính quyền cho phép để xây dựng nhà thờ.
Năm 1884, Nhà thờ Lớn được thiết kế và khởi công xây dựng bởi giám mục Puginier. Đến năm 1887 thì hoàn thiện và làm lễ khánh thành vào đúng dịp Giáng sinh. Đến nay, Nhà thờ Lớn đã gắn bó người người dân Thủ đô trong gần 2 thế kỷ, chứng kiến không biết bao nhiêu thăng trầm của mảnh đất này.
 
5. Các trải nghiệm không thể bỏ qua khi đến Nhà thờ Lớn Hà Nội
Tham dự các buổi lễ tại Nhà thờ Lớn
Tham dự các buổi lễ được xem là hoạt động hấp dẫn nhất khi đến với Nhà thờ Lớn, dù là đối với người có Đạo hay không có Đạo. Thông qua các buổi thánh lễ như lễ rửa tội, lễ cưới… bạn có thể hiểu thêm về quan niệm tín ngưỡng, tôn giáo của Giáo dân và những nghi thức quan trọng trong một buổi lễ Công giáo.
Nhà thờ Lớn sẽ mở cửa cho du khách vào tham quan và tham dự các buổi lễ. Bạn có thể theo dõi lịch làm lễ để ghé thăm nhà thờ này vào các khung giờ phù hợp. Khi tham dự lễ, du khách cần chú ý đến trang phục, nên mặc quần áo lịch sự, kín đáo và gọn gàng, tránh làm ồn hoặc có những lời nói không hay liên quan đến tôn giáo, các vị thánh…
 
Đón lễ Giáng sinh ở Nhà thờ Lớn
Cứ mỗi dịp Giáng sinh về, Nhà thờ Lớn Hà Nội lại được trang hoàng rực rỡ hơn bao giờ hết. Từng dòng người đổ về nhà thờ để dự lễ, cầu mong một mùa Giáng sinh an lành và hạnh phúc. Với những người không có đạo, họ cũng tề tựu về đây để được chiêm ngưỡng một không khí Giáng sinh ấm áp, lung linh với cây thông, hang đá, đèn điện đầy màu sắc…
 
Chụp ảnh “sống ảo” cùng background Nhà thờ Lớn
Nhà thờ Lớn là một trong những công trình mang tính biểu tượng của Thủ đô Hà Nội. Do đó, sẽ không khó để bạn bắt gặp những tấm hình check – in với background là nhà thờ cổ kính này. Với kiến trúc Gothic độc đáo, Nhà thờ Lớn sẽ mang đến cho bạn một khung cảnh đẹp như ở trời Âu.
Dù là ngày nắng vàng ươm hay mùa đông lạnh giá, Nhà thờ Lớn vẫn thu hút một lượng lớn các bạn trẻ đến đây để tham quan và chụp ảnh “sống ảo”. Nếu có dịp ghé thăm Thủ đô, các bạn đừng quên lưu lại cho mình một bộ ảnh “siêu chất” cùng địa điểm nổi tiếng này nhé!
 
Thưởng thức đặc sản trứ danh “trà chanh” Nhà thờ Lớn
Nhắc đến Nhà thờ Lớn Hà Nội, người ta sẽ nghĩ ngay đến loại đồ uống đặc trưng là trà chanh. Về cơ bản, trà chanh ở Nhà thờ Lớn không quá khác biệt so với những nơi khác ở Hà Nội. Cũng là hương vị thanh mát, chua chua, ngọt ngọt nhưng thưởng thức trà chanh ở đây đã trở thành một nét văn hóa đặc biệt.
Những ngày hè nắng nóng, bạn có thể cùng bạn bè ngồi quây quần bên cốc trà chanh mát lạnh, cắn hạt hướng dương, ngắm nghía công trình kiến trúc đồ sộ và “tám” đủ thứ chuyện trên trời dưới đất. Không gian nơi đây cực kỳ thoáng mát, chỉ đơn giản vài chiếc ghế con con mà du khách nào cũng phải dừng chân ghé lại.
Ngoài ra, quanh khu vực Nhà thờ Lớn còn có rất nhiều món ăn ngon cho bạn lựa chọn. Những món ăn vặt như nem chua, nem rán, xoài dầm hay bún dọc mùng chỉ có giá từ vài chục nghìn đồng nhưng hương vị sẽ khiến bạn phải mê mẩn.
 

 

Xem thêm
image

Địa danh liên quan

Danh sách khách sạn