Tháp Bánh Ít Quy Nhơn

Tháp Bánh Ít Quy Nhơn

Mô tả

Tháp Bánh Ít Quy Nhơn là địa điểm tham quan thú vị đối với nhiều khách du lịch khi tới thăm Quy Nhơn. Nơi đây còn là một trong những kiến trúc Chăm cổ vẫn còn sót lại tại Việt Nam, mang dấu ấn của vương triều Chăm Pa cổ đại với những nét văn hóa độc đáo. Vì nằm ở trên đồi cao cộng với vị trí vô cùng thoáng đãng  nên nơi đây rất phù hợp để du khách check-in và ngắm nhìn cảnh vật xung quanh.

 

Tháp Bánh Ít Quy Nhơn còn là nơi luyện võ của các võ đường vào mỗi buổi sáng, đây cũng là một trong những nơi bắt nguồn nền võ học Bình Định đó. Nét kiến trúc đặc sắc nơi đây cũng là điểm thu hút khách du lịch ghé thăm, cùng tìm hiểu qua về khu tháp mang tính lịch sử này nhé.
 
1. Vị trí của tháp Bánh Ít Quy Nhơn
Tháp Bánh Ít Quy Nhơn có vị trí thuộc xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định, cách trung tâm thành phố Quy Nhơn khoảng chừng 18km.
Để đến được nơi đây, bạn cần di chuyển từ Quy Nhơn theo quốc lộ 19 thì sẽ thấy một doanh trại quân đội gần đấy. Sau đó, bạn chỉ cần đi thẳng tầm 160m rồi rẽ trái là sẽ thấy được địa danh này.
 
2. Vẻ đẹp toàn cảnh Tháp Bánh Ít
Tháp Bánh Ít là một cụm tháp cổ mang kiến trúc Chăm pa. Nó được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ 11 đến đầu thế kỷ 12. Quần thể kiến trúc văn hóa Chăm hay còn được gọi là tháp Bạc. Đây là một quần thể bao gồm bốn tháp trong đó có một tháp cổng phía Đông, một tháp ở cổng phía Nam hay còn gọi là tháp Bia, tháp Yên Ngựa và tháp chính.
Tháp Bánh Ít không cách quá xa trung tâm thành phố nên sẽ giúp cho du khách cảm thấy thuận tiện hơn trong việc di chuyển. Ngoài ra, điều này còn giúp cho du khách có thể cảm nhận được rõ nét cũng như ngắm nhìn được thực tế phong cách xây dựng văn hóa của thời kỳ người Chăm pa cổ đại.
Những bức tượng đá trầm tư, những hình vũ nữ uốn lượn cùng những bức phù điêu linh động sẽ mở ra phía trước khung cảnh của Vương quốc Chăm-pa thời cổ đại. Du khách tới đây sẽ được khám phá từng nét đẹp lịch sử, văn hóa của thời kì này một cách rõ nét.
 
3. Nét kiến trúc đặc sắc của tháp Bánh Ít Quy Nhơn
Tháp Bánh Ít Quy Nhơn bao gồm 4 ngọn tháp, trong đó bao gồm: 1 tháp chính và 3 tháp phụ. Cái tên Bánh Ít có lẽ bắt nguồn từ việc kiến trúc ngọn tháp có hình dạng tựa như chiếc bánh ít mới được mở vỏ ra, trông rất độc lạ và bắt mắt. Đặt tên Bánh Ít cũng là một cách để tôn vinh giá trị truyền thống của Bình Định, bên cạnh đó, còn là gợi ý cho du khách khi đến đây nên nếm qua món bánh ít lá gai mỗi khi có dịp ghé thăm nơi này. Mỗi ngọn tháp đều có nét kiến trúc riêng biệt của nó:
 
3.1 Tháp chính
Đây là ngọn tháp trung tâm với chiều cao lên đến 20m, có 3 tầng to ở dưới, nhỏ ở trên và được xây dựng dựa theo lối kiến trúc Kalan. Phía trên tầng mái được thiết kế các hệ thống cột và cửa giả. Tháp chỉ có duy nhất một cửa chính ở phía Đông còn lại đều là các cửa giả.
Một số mặt tầng mái có họa tiết trang trí mang đậm phong cách văn hóa của nền Chăm pa cổ xưa. Điển hình ví dụ đó là tầng một, có những hoạt tiết như: hình sư tử ở phía Nam hay trang trí bò thần Nandin, còn phía Bắc sẽ là mặt Kala nhìn thẳng cùng với bên trong là các tượng thờ bằng đá khác.
Ở giữa vòm sẽ là bức phù điêu Kala đang ngoặm rắn Naga nhìn trông rất lạ mắt. Các cửa giả thì trang trí bởi các bức phù điêu Gajasimha. Tất cả đều thể hiện được tín ngưỡng và văn hóa thờ thần của người dân Chăm Pa cổ xưa.
 
3.2 Tháp Mái hay còn gọi tháp yên ngựa
Ngọn tháp này nằm ở phía Nam sáp bên tháp chính với chiều dài 12m, chiều rộng 5m và chiều cao 10m. Phần mái được thiết kế hình cong tựa như một chiếc thuyền, Hình thù mái tháp thì giống như nhà Rông của người Tây Nguyên.
Mặt của cửa chính nằm về phía Đông, ngoài ra còn có những cửa phụ đi ra hướng về phía Bắc, Nam. Các mặt của tháp được khắc họa rất nhiều chi tiết, hình ảnh khác nhau như hình người, thú, chim, muông và hoa văn hoa lá.
 
3.3 Tháp lửa
Với chiều cao là 10m, nằm về phía Đông Nam. Tháp có 4 cửa hướng về 4 hướng theo phong cách, kiến trúc Posah. Cách bố trí này nhằm cho tháp hưởng được tinh hoa, sinh khí của đất trời. Phần đỉnh tháp thì được thu nhỏ theo từng tầng đi lên. Nhìn xa, tháp như quả bầu nậm bị phủ đầy rêu, màu sắc ngày một phai dần theo thời gian.
 
3.4 Tháp Cổng
Ngọn tháp cuối cùng nằm về phía Đông của tháp chính. Có vòm cửa hình mũi giáo xếp chồng lên nhau theo kiến trúc Gopura. Chiều cao là 13m được xây dựng trên bình đồ hình vuông 7x7m và nguyên liệu tạo nên được làm hoàn toàn từ gạch đá ong. Hai cánh cửa của tháp thông với một cửa hướng về tháp chính và một cửa hướng về phía Đông.
 
4. Trải nghiệm tại tháp Bánh Ít Quy Nhơn
Mang trong mình một vẻ đẹp độc đáo, mới lạ, tất cả liên kết tạo thành một quần thể hoành tráng vững chãi mang đậm phong cách kiến trúc nghệ thuật Chăm Pa cổ. Khiến bất kì du khách nào đặt chân đến đây đều có cảm giác như lạc vào một thế giới huyền bí, ảo diệu.
Tháp được xây dựng trên vị trí có gió, mây xanh và cảnh vật xung quanh kỳ thú, là một vị trí vô cùng đắc địa. Tạo nên một nét đẹp văn hóa lịch sử nhưng cực kì thu hút, ấn tượng.
Bên cạnh đó, bức tượng nữ thần Shiva tọa trên đài sen cũng làm cho du khách đến đây đều phải trầm trồ, thán phục trước sự tinh tế và tinh xảo của nó. Đến ngày nay, các vật dụng của người Chăm xưa vẫn được lưu giữ bên trong tháp Bánh Ít Quy Nhơn, bạn nên ghé vào xem để biết thêm về sinh hoạt đời sống của người xưa nhé. Ngày nay, tháp không còn thờ cúng nhưng còn nhiều người dân địa phương vẫn đến để thắp hương cầu nguyện.
 
5. Kinh nghiệm khi đến Tháp Bánh Ít
Nếu như bạn đang có ý định đi du lịch mà chưa tìm được sự lựa chọn phù hợp thì Bình Định sẽ là một gợi ý không tồi để bạn tham quan những thứ liên quan đến cổ xưa. Với việc đi du lịch Bình Định nói chung hay tháp Bánh ít nói riêng thì bạn cũng nên có sự lựa chọn và chuẩn bị kỹ càng và học hỏi thêm kinh nghiệm từ người đi trước.
Bạn nên đi vào khoảng thời gian là mùa khô, như vậy thì việc tham quan sẽ trở nên dễ dàng hơn.
Đặc biệt, bạn không nên đến đây vào khoảng từ tháng 9 đến tháng 12 vì đây là khoảng thời gian ở Bình Định có mưa bão hoàn toàn không thích hợp cho việc tham quan du lịch.
Khi quyết định đi du lịch vào thời tiết nắng thì bạn cần chuẩn bị một số vật dụng cần thiết như sau để chuyến đi được diễn ra tốt nhất có thể:
- Mũ, áo dài tay, ô,... cũng nên chuẩn bị cả kem chống nắng để chống lại cái nắng cho làn da của mình.
- Một số loại thuốc cơ bản như thuốc đau đầu, đau bụng… để nếu có tình huống không may xảy ra thì cũng không ảnh hưởng đến chất lượng tham quan chuyến đi của bạn.
- Bạn nhớ mang theo giấy tờ tùy thân để xuất trình khi gặp trường hợp cần thiết.
- Chú ý giữ gìn vệ sinh chung nơi công cộng cũng như bảo vệ cảnh quan, kiến trúc của tháp. Tuyệt đối không làm những hành động gây ảnh hưởng đến kiến trúc hay xả rác bừa bãi gây ô nhiễm môi trường nhé.
 
 

 

Xem thêm
image

Địa danh liên quan