Mô tả
Tháp Mường Bám, còn gọi là “Thạt Bản Lào”, là di tích kiến trúc nghệ thuật ở bản Lào xã Mường Bám huyện Thuận Châu tỉnh Sơn La, Việt Nam. Ngọn tháp này do người dân tộc Lào xây dựng, chọn đất kỹ lưỡng theo phong thủy. Tháp nằm trên ngọn đồi có bề mặt rộng khoảng 1ha, cách Nậm Húa khoảng 300m.
Từ trung tâm huyện Thuận Châu đến xã Mường Bám gần 90 cây số đường dốc núi hiểm trở. Địa hình vùng này nhiều núi cao sinh ra những con đèo dài, khúc khuỷu, quanh co cùng những khúc cua tay áo hay những con dốc trải dài. Đứng trên đỉnh con dốc vào xã, bản làng người Thái, người Mông hiện ra trước mắt trong cảnh sắc của những ngày mùa xanh ngắt của núi rừng, của nương ngô, ruộng lúa và dòng Nậm Hua ầm ào mùa lũ.
Trong cảnh sắc đó, Tháp Mường Bám cổ kính, rêu phong, lặng lẽ trên một quả đồi đầu xã. Nằm trên một quả đồi nhìn ra dòng Nậm Hua, tiếng Thái nghĩa là “suối đầu nguồn” của dòng sông Mã. Tháp cao 4 tầng, xây dựng theo hình bút tháp cao 13 m. Đứng từ trên tháp, thả tầm mắt, có thể bao quát được cả xã Mường Bám với dòng Nậm Hua uốn lượn như con rắn lớn và những dãy núi trập trùng bao quanh.
Đồng bào ở Mường Bám chủ yếu là người dân tộc Thái, Khơ Mú, H’Mông. Theo lời kể của người già trong bản, cách đây khoảng hơn 500 năm, đây là vùng đất có cảnh đẹp, địa lý thuận lợi, có dãy núi chạy dài, đằng trước là dòng Nậm Húa chảy qua, cánh đồng lúa men theo dòng suối. Theo thuyết phong thuỷ, đây là vùng đất đẹp và ổn định. Tại đây nửa thế kỷ trước các dân tộc bộ tộc Lào, Thái cùng cư ngụ hòa bình, chăm chỉ làm ăn.
Quần thể có 5 tháp, một tháp to ở giữa và 4 tháp con ở xung quanh theo 4 hướng Đông, Tây, Nam, Bắc. Mặt tháp quay về hướng Đông và nhìn ra ngã ba suối Nậm Húa. Núi chắn hai bên theo hướng Bắc, Nam tựa thế tay ngai. Bên trái, phải, phía sau tháp có dãy núi tựa người đang ngồi thiền. Quần thể tháp Mường Bám có vị thế rất tĩnh lặng, uy nghi.
Tất cả năm tháp đều được xây bằng một loại vật liệu, chủ yếu là gạch vồ màu đỏ, kích thước lớn dài 35cm, rộng 15cm, dày 7cm được gắn kết với nhau bằng vôi, cát, và mật. Các hoạ tiết hoa văn được làm bằng vữa đắp nổi, nhiều chỗ gắn thêm vào những hình đất nung trang trí.
Đánh giá của khách hàng
Đánh giá của bạn
Địa chỉ email của bạn sẽ không được hiển thị.