Tháp Nhạn Phú Yên

Phường 1, Thành phố Tuy Hoà, Phú Yên

Tháp Nhạn Phú Yên

Mô tả

Tháp Nhạn Phú Yên là một nơi mang dấu ấn văn hóa, lịch sử của người Chăm cổ. Ở giữa lòng đô thị, Tháp Nhạn ở Tuy Hòa, Phú Yên sừng sững như một dấu ấn, là một biểu tượng cho thời đại vàng son của người Chăm pa xưa. Tháp Nhạn là một công trình kiến trúc đặc biệt chứa đựng rất là nhiều giá trị du lịch đồng thời cũng mang ý nghĩa đánh dấu lịch sử, văn hóa vô cùng sâu sắc. Tháp được người Chăm sinh sống ở lưu vực châu thổ sông Ba xây dựng nên vào khoảng thế kỉ 12. Khi du khách đến viếng thăm nơi đây sẽ có cơ hội tự mình khám phá ra những đặc điểm cũng như các khía cạnh độc đáo khác của tháp thông qua cảm nhận của chính bản thân du khách.

 

Tháp Nhạn Phú Yên - bảo tháp 1000 năm tuổi với phong cách kiến trúc huyền bí gắn liền với nhiều bí ẩn chưa được có lời giải mã. Cùng tìm hiểu qua về ngôi tháp cổ xưa, kì bí này nhé.
 
1. Vị trí của Tháp Nhạn Phú Yên
Tháp Nhạn Phú Yên có vị trí thuộc 72 Lê Trung Kiên, Phường 1, thành phố Tuy Hòa, Phú yên. Nằm gần bên bờ bắc sông Đà Rằng và quốc lộ 1A, đây là nơi thờ cúng thần linh của người Chăm Cổ. Nói sơ qua về kiến trúc của tháp, nó khá giống với kiến trúc của ngọn tháp ở Nha Trang khi mà phần chóp được cấu tạo bằng một phiến đá nguyên tảng có tạo hình như một búp sen và là một biểu tượng Linga của người Chăm. Đỉnh tháp bốn mặt đều có bốn cửa sổ giả, cửa chính hướng về phía Đông.
 
2. Tên gọi, nguồn gốc ra đời của tháp Nhạn
Tháp Nhạn hay còn được gọi với các tên khác là núi Nhạn Tháp, núi Bảo Tháp, núi Tháp Dinh, núi Tháp Khỉ có độ cao khoảng chừng 60m so với mặt nước biển. Tháp nằm về phía Bắc con sông Đà Rằng - một con sông thơ mộng, hữu tình đã ấn mình trong rất nhiều trong thơ ca, nhạc họa và cách trung tâm thành phố Tuy Hòa khoảng chừng 3,5 km.
Vốn dĩ, núi và tháp có tên gọi là Nhạn đã được người dân giải thích theo hai điều sau. Thứ nhất, là do địa hình của núi mang dấp dáng con chim nhạn đang xòe đôi cánh vỗ khi nhìn từ xa, phần đầu chim Nhạn chính là chỗ giao giữa quốc lộ 1A với sông Chùa, phần cổ thon nhỏ lại rồi phình ra ngay tại đường Tản Đà. Thứ hai, theo người dân nơi đây kể lại thì ngọn núi này trước kia là nơi sinh sống của giống loài chim Nhạn. Một loài chim nhỏ nhưng có sức bay rất cao, nó có thể bay qua độ cao hơn 600 mét. Minh chứng cho điều này có thể nói đến núi “Nhạn Môn Quan” ở Trung Quốc. Một dãy núi rất cao mà chỉ có loài chim nhạn mới có thể bay qua được.
Theo như nghiên cứu của H. Parmentier thì tháp Nhạn được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ XI và vào đầu thế kỷ XII, cùng thời với các đền tháp Chiên Đàn, Cánh Tiên, Dương Long, Hưng Thạnh và Phước Lộc ở Bình Định. Chưa rõ tháp được xây dựng chính xác vào thời vua nào và thờ ai.
Tuy nhiên, trong Quốc sử quán triều Nguyễn ghi rõ trong Đại Nam thống nhất chí: “Tháp cổ Chiêm Thành: ở trên núi Bảo Tháp về phía đông huyện Tuy Hòa. Tương tuyền, đây là mộ của vua Chiêm Thành, dưới tháp có miếu Bà Chúa Sắt”, Núi Bảo Tháp: ở phía đông huyện Tuy Hòa, có tháp cổ gọi tên thế.”, “Sông Đà Diễn có tên nữa là sông Đà Lãng, chạy đến thôn Bảo Tháp, có sông Bảo Tháp, nguồn ra từ núi Phú Cốc hay còn có tên nữa là núi Bảo Tháp, chảy về phía nam mà hợp vào, lại chảy về phía đông rồi đổ ra cửa biển Đà Diễn”.
 
3. Sự huyền bí về Tháp Nhạn trong tín ngưỡng dân gian của người dân
Để bàn về sự tích của Tháp Nhạn, người dân Tuy Hòa, Phú Yên tương truyền rằng ngày xưa kia có một người con gái chỉ dạy cho người dân cách để trồng trọt, cấy cày, kéo sợi, quay tơ, dệt vải,.. nhờ vậy mà họ biết cách để kiếm sống mưu sinh. Sau đó không lâu, người con gái ấy bay trở về trời, lúc này người dân mới biết nàng chính là tiên nữ Thiên Y Ana hạ phàm.
Vì quá đỗi nhớ nhung sự tài ba, khéo léo cũng như biết ơn tấm lòng cao thượng rộng mở của nàng tiên Thiên Y Ana, người dân nơi đây đã kỳ công xây dựng nên ngọn Tháp Nhạn. Ngọn tháp được xây với mục đích chính là để thờ phụng nàng tiên nữ và nhắc nhở tất cả mọi người ghi nhớ công lao của người con gái khai sáng cho dân tộc.
Tuy vậy, trên dòng chảy của tín ngưỡng dân gian còn có một truyền thuyết khác không kém phần huyền bí. Chuyện kể rằng thuở xa xưa, Tuy Hòa là một vùng đất đầm lầy, trũng và thấp. Vùng đất này là nơi trú ngụ của vô vàn các loài thủy quái gian ác chuyên quấy rầy và phá hoại mùa màng, đời sống của người dân cư ngụ nơi đây khiến họ vô cùng khổ sở. Ông trời hay tin dữ ấy, nổi giận khôn xiết, lập tức phái người khổng lồ xuống gánh đất lấp vùng trũng này lại bảo vệ người dân khỏi loài thủy quái, trả lại cuộc sống yên bình.
Người khổng lồ tuân mệnh xuống trần thực thi nhiệm vụ. Thoạt đầu người khổng lồ thực hiện vô cùng tốt nhưng sau lại nổi tính hấp tấp khi thấy đầm lầy sắp sửa lấp xong. Y vội vã làm cho xong nhiệm vụ được giao nên thay vì đất y gánh rất nhiều đá. Đòn gánh vì thế mà gãy làm đôi. Đá rơi xuống Tuy Hòa, một bên trở thành ngọn núi mà ngày nay vẫn hay được người dân gọi là Chóp Chài. Đá từ gánh còn lại rơi lại vào ngọn núi Nhạn dáng hình trông giống như ngọn tháp nên người dân gọi là Tháp Nhạn và dốc lòng thờ cúng nhằm để ghi nhớ công lao, công đức.
 
4. Lịch sử công trình kiến trúc mang đậm dấu ấn của người Chăm cổ
4.1 Lịch sử công trình kiến trúc Tháp Nhạn Tuy Hòa
Trên thực tế, Tháp Nhạn là công trình kiến trúc được khởi công xây dựng trong khoảng thời gian từ cuối thế kỉ thứ X đến thế kỉ thứ XIII. Trên sử sách cũng có đề cập đến việc công trình kiến trúc độc đáo Tháp Nhạn này nằm ở Tuy Hòa, Phú Yên. Sử sách ghi rằng công trình được dựng lên và hoàn thành dưới thời trị vì của Chúa Nguyễn Hoàng, trong những năm 1578 đến năm 1580.
 
4.2 Kiến trúc độc đáo của Tháp Nhạn ở Phú Yên
Là biểu tượng văn hóa của người Chăm pa cổ nên Tháp Nhạn thể hiện đời sống tín ngưỡng của người dân ở ngay qua kết cấu kiến trúc. Tháp Nhạn có chiều cao khoảng 25m với cấu trúc ba phần: phần đế tháp, phần thân tháp và phần mái tháp.
Phần đế Tháp Nhạn được thiết kế lớn hơn thân tháp nhưng nhìn chung thân Tháp Nhạn và phần đế đều được xây dựng theo hình vuông với ý nghĩa tượng trưng cho đất. Phần thân Tháp Nhạn có kiến trúc to ở phần chân và nhỏ dần về phía đỉnh. Trên đỉnh tháp là tượng thần Linga được tạc bằng đá, một biểu tượng trong đời sống tín ngưỡng tâm linh của người Chăm cổ, tượng trưng cho sự phồn thực và sinh sôi nảy nở. Tường tháp xây dựng theo chiều thẳng đứng, có bổ trụ tại bốn góc kết hợp tạo gờ lồi lõm ở hai mặt bên và mặt sau của tường. Các biểu tượng chạm trổ, gờ chỉ trên thân tháp vô cùng đa dạng, phong phú và tinh tế. Người Chăm pa cổ thông qua đó không chỉ thể hiện kỹ thuật tinh xảo, gửi gắm ước mơ, khát vọng mà còn bộc lộ sự tôn kính của mình đối với thần linh.
Gần như toàn bộ ngọn tháp được xây dựng bằng gạch nung, chúng được xếp đều nhau tăm tắp và kết dính bằng một loại keo được người Chăm pa chế tạo có nguồn gốc từ cây dầu rái trong tự nhiên. Không chỉ độc đáo về vật liệu kết dính mà phương pháp xây dựng Tháp Nhạn cũng hết sức đặc biệt và thú vị. Những người thợ sau khi phết keo lên mặt những viên gạch nung thì mài chúng với nhau cho đến khi chúng khít lại với nhau hoàn toàn mà không còn li khe hở nào. Phương pháp đó được gọi là kỹ thuật mài chập, tính ứng dụng thực tiễn của kỹ thuật này được thể hiện rõ nét qua sự bền vững của Tháp Nhạn dù chịu sự bào mòn khắc nghiệt của thời gian và điều kiện thời tiết.
 
4.3 Giá trị văn hóa, lịch sử của Tháp Nhạn
Với ý nghĩa tâm linh huyền bí cùng giá trị công trình kiến trúc độc đáo của người Chăm pa cổ, vào ngày 16-11-1988 Tháp Nhạn đã được xếp hạng vào là Di tích kiến trúc – nghệ thuật cấp Quốc gia. Đến năm 2014, Tháp Nhạn được Tổ chức kỷ lục Việt Nam công nhận là nằm trong Top 10 Tháp và cụm Tháp cổ được nhiều du khách tham quan nhất. Ngày 24-12-2018, Tháp Nhạn chính thức được xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt.
 
5. Sinh hoạt vui chơi cùng Hội thơ Nguyên tiêu
Nếu bạn là một người yêu thơ ca thì không thể không biết đến hoặc đã từng được nghe qua một đêm thơ được tổ chức hằng năm mỗi dịp Nguyên Tiêu tại tháp Nhạn Phú Yên.
Theo chia sẻ của nhà thơ Dương Thái Nhơn thì vào năm 1980, khi mà bối cảnh đời sống kinh tế còn rất nhiều khó khăn, “Đêm thơ Nguyên Tiêu” được hình thành rất tự nhiên chỉ để thỏa lòng những con người yêu thi ca Việt Nam, nhưng cả người tổ chức và những người tham gia cũng không thể ngờ rằng lại đạt được những kết quả xuất sắc ngoài mong đợi những năm sau này.
Và chính vì thế, cứ đến hẹn lại lên, vào mỗi dịp Nguyên Tiêu – rằm tháng Giêng hàng năm, khi mặt trăng tròn và sáng nhất trên bầu trời đêm Phú Yên, mọi người lại rủ, kéo nhau về tháp Nhạn để thả hồn mình vào ngâm thơ, đọc thơ, bình thơ, nghe giới thiệu những bài thơ xuân được phổ nhạc…
Giữa cái không gian vô vàn nguồn cảm xúc ấy, đêm thơ Nguyên Tiêu trở thành một điểm sáng lung linh, là một nét đẹp văn hóa in đậm trong lòng người tham dự và các du khách gần xa, giúp họ biết yêu đời hơn, yêu người hơn và có ý thức trân trọng cuộc sống này hơn.
 
6. Một vài lưu ý cần biết khi tham quan tháp Nhạn Phú Yên
- Thời gian lý tưởng và phù hợp du lịch Phú Yên và tham quan tháp Nhạn là từ đầu tháng 3 đến cuối tháng 9. Nếu là trong ngày thì khoảng 6h30 lúc sáng và xế chiều từ 4h30 - 9h30 là đẹp nhất.
- Nếu lưu trú tại khách sạn trung tâm thành phố Tuy Hòa thì bạn nên sử dụng taxi để di chuyển, giá cả rơi vào khoảng 15,000 vnđ – 20,000 vnđ.
- Sử dụng thời trang nhẹ nhàng, mát mẻ nhưng đừng quá ngắn, quá hở hoặc quá mỏng vì về chiều hoặc đêm, trên tháp Nhạn thường có gió lớn sẽ hơi lạnh.
- Ngay dưới chân tháp có dịch vụ xe ôm chở lên tháp, giá 10,000 vnđ/ người. Tuy nhiên, những mùa cao điểm hoặc những ngày thứ 7 và chủ nhật thường rất hỗn độn để tranh giành khách.
- Cũng ngay dưới chân núi Nhạn về chiều và đêm có nhiều hàng quán bán đặc sản vô cùng ngon như: bánh canh, bánh bèo, bánh tráng nước, bánh lọc, bánh hỏi, …. cùng với đó là các món chè để giải khát được nấu từ nhiều loại đậu, khoai, chuối, dừa, …
- Tối thứ 7 hàng tuần hoặc 1 tháng 2 lần vào ngày thứ 7 tầm giữa tháng và cuối tháng sẽ diễn ra các hoạt động văn hóa, văn nghệ đặc sắc.

 

Xem thêm
image

Địa danh liên quan

Danh sách khách sạn


Đánh giá của khách hàng

0.0
Tổng
0 đánh giá
Rate
0.0 / 5.0
Hiện tại chưa có đánh giá nào cho mục này. Hãy là người đầu tiên đánh giá!

Đánh giá của bạn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được hiển thị.