Tu viện Khánh An
Phường An Phú Đông, Quận 12, TP Hồ Chí Minh
Mô tả
Tu viện Khánh An là địa điểm tâm linh với vẻ an nhiên, tĩnh tâm, với không gian bình yên đã thu hút rất nhiều du khách tới đây chiêm bái, vãng cảnh và check-in. Du khách đến với tu viện đứng trong khuôn viên xanh mát sẽ cảm nhận cảm giác nhẹ nhàng, thư thái, mọi âu lo muộn phiền như được chút bỏ, ngoài ra còn được chiêm ngưỡng kiến trúc cổ kính, độc đáo và tìm hiểu thêm kiến thức về Phật giáo và các khóa tu cùng với các hoạt động thiện nguyện mang đến những giá trị tích cực cho cộng đồng và xã hội.
Tu viện Khánh An là một trong những địa điểm du lịch Sài Gòn nổi bật, thu hút đông đảo tín đồ phật tử và các bạn trẻ đến vãng cảnh, chụp ảnh sống ảo. Để tìm hiểu rõ hơn về địa chỉ, kiến trúc, lịch sử hình thành cũng như những kinh nghiệm tham quan tu viện,...
1. Tu viện Khánh An ở đâu?
Tu viện Khánh An tọa lạc trên khu đất có diện tích 6.000m2 tại địa chỉ 3D, quốc lộ 1A, phường An Phú Đông, quận 12, TP. Hồ Chí Minh. Tuy khá xa trung tâm thành phố nhưng tu viện rất dễ tìm do có khuôn viên rộng, kiến trúc bề thế, nổi bật. Tu viện là một trong những di tích lịch sử nổi bật của thành phố và là nơi thường xuyên tổ chức các khóa tu, khóa thiền ý nghĩa.
2. Lịch sử tu viện Khánh An
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, tu viện Khánh An là căn cứ bí mật của các chiến sĩ cách mạng và đã ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử hào hùng. Năm 1905, Tổ sư Trí Hiền (thầy Năm Phận) được hiến tặng một thửa đất khoảng 4ha để xây dựng chùa Khánh An. Đây chỉ là một ngôi chùa nhỏ và được người dân trong vùng quen gọi với cái tên chùa Thầy Phận hay chùa Thầy Năm Phận.
Lúc bấy giờ chùa Khánh An là căn cứ bí mật, tập hợp nhiều chiến sĩ yêu nước chống Pháp. Tháng 7/1939, tại chùa Khánh An, Chi bộ Đảng Cộng Sản đầu tiên của vùng An Lộc Đông được thành lập với 9 Đảng viên.
Chi bộ đã có vai trò to lớn trong phong trào cách mạng như: phản đối bắt thanh niên Việt Nam đi lính cho Pháp, tổ chức mít-tinh đòi giảm sưu thuế, vạch rõ tội ác của Pháp, chuẩn bị hoạt động Tổng khởi nghĩa Nam Kỳ,…
Trong cuộc chiến tranh khốc liệt, chùa đã nhiều lần bị thực dân Pháp đốt phá. Đến năm 2006, chùa được trùng tu toàn bộ với kiến trúc như ngày nay và được đổi tên thành tu viện Khánh An. Ngày 27/7/2007, UBND TP. Hồ Chí Minh công nhận tu viện Khánh An là di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh cấp thành phố.
3. Kiến trúc tu viện Khánh An
Tu viện sở hữu kiến trúc ấn tượng tựa như phong cách của những ngôi đền, chùa xứ Phù Tang nên được mệnh danh là “Nhật Bản” thu nhỏ giữa Sài Gòn. Tuy nhiên, đại diện tu viện Khánh An cho biết, tu viện được xây dựng theo kiến trúc Phật Giáo Bắc Tông thuộc phong cách chùa chiền cổ xưa của người Việt và hoàn toàn không phải kiến trúc Nhật Bản như nhiều người lầm tưởng.
Tu viện cũng sử dụng những tông màu thân thuộc với văn hóa đời sống người Việt như màu đỏ của gạch, đất; màu xám của khói và màu trắng của vôi. Đặc biệt, vì xây dựng theo phong cách cổ xưa nên tu viện không sử dụng hình tượng rồng, phượng hoặc các họa tiết trang trí sặc sỡ như nhiều ngôi chùa khác ở phương Nam.
3.1. Chánh điện
Tu viện Khánh An có hai tòa nhà chính là chánh điện và nhà tăng, khách đường. Về chánh điện, tòa nhà được đặt tên là “Phật đường tỉnh thức” có kết cấu chủ yếu từ gỗ. Đây là nơi tụng kinh, tọa thiền của chư tăng, phật tử.
Bậc thang lên chánh điện được làm bằng đá, chạm trổ họa tiết hoa sen tinh tế. Mái ngói chánh điện có màu nâu trầm xếp lớp kết hợp trang trí với nhiều đèn lồng rực rỡ. Khuôn viên tu viện khá mát mẻ và được tô điểm bởi nhiều loại cây như: thông, phượng vỹ, hoa giấy,… bên cạnh những cột đèn lục giác lạ mắt.
3.2. Nhà tăng và khách đường
Bên cạnh chánh điện là tòa tháp của nhà tăng và khách đường với gam màu đỏ chủ đạo và phần chóp tháp cao vút màu vàng. Chính kiến trúc này khiến nhiều người liên tưởng đến phong cách đền chùa Nhật Bản.
Khu nhà tăng và khách đường được xây chủ yếu bằng gỗ, sơn màu giả gỗ pha sắc đỏ đặc trưng. Bên trong được trang trí công phu, sang trọng, bên ngoài được chăm chút tỉ mỉ, tinh tế. Giữa tòa tháp có hồ sen lớn cùng hệ thống hòn non bộ thanh tịnh.
Chính kiến trúc độc đáo cùng khung cảnh bình an, xanh mát là yếu tố khiến tu viện Khánh An trở thành nơi yêu thích của nhiều tín đồ phật giáo đến vãng cảnh, tham quan và chụp ảnh.
4. Những góc chụp hình ở tu viện Khánh An
Đến tu viện Khánh An, các bạn trẻ sẽ dễ dàng sở hữu những tấm ảnh check-in sống ảo xịn sò dưới mái vòm có kiến trúc tuyệt đẹp. Bên cạnh đó, khuôn viên rộng với lá hoa khoe sắc không chỉ là nơi mang đến sự thư thái, bình yên mà còn là background tuyệt vời để du khách tạo dáng.
Đặc biệt, bạn sẽ có những bức ảnh lung linh, ấn tượng với những chiếc đèn lồng, cột đèn lục giác bằng gỗ quanh tu viện và cánh cổng gỗ xinh xắn,… Bạn cũng có thể tạo dáng “so deep” bên hành lang thơ mộng trên tòa tháp hoặc tại bậc cầu thang đá mộc mạc.
Mỗi góc của tu viện đều sở hữu những nét đẹp rất riêng, cuốn hút mà bạn sẽ khó lòng tìm thấy ở bất cứ ngôi chùa nào khác tại Sài Gòn.
5. Kinh nghiệm tham quan tu viện Khánh An
5.1. Thời điểm đẹp nhất để tham quan tu viện
Dù tọa lạc khá xa trung tâm thành phố nhưng tu viện Khánh An luôn thu hút rất đông phật tử và du khách đến hành hương, vãng cảnh, nhất là những dịp cuối tuần, rằm, lễ quan trọng. Do đó, nếu muốn tận hưởng vẻ đẹp yên tĩnh và trầm mặc của tu viện, bạn hãy đến đây vào những thời điểm ít người như đầu hoặc giữa tuần và tránh các dịp rằm, lễ.
5.2. Lưu ý khi tham quan tu viện Khánh An
Là chốn thiền tịnh và là nơi thờ tự trang nghiêm, bạn cần lưu ý những điều sau khi đến tham quan tu viện:
- Tuân thủ quy định, biển hướng dẫn của tu viện, hạn chế nhang khói.
- Ăn mặc lịch sự, kín đáo, không tạo dáng chụp ảnh phản cảm.
- Giữ yên lặng, không đùa giỡn gây ảnh hưởng không gian thanh tịnh.
- Giữ gìn vệ sinh chung, không xả rác bừa bãi làm mất cảnh quan chung.
- Không tự ý cho cá ăn.
- Nếu muốn tham gia khóa tu, bạn có thể gặp các sư thầy để xin thông tin về lịch tu học tu viện Khánh An và đăng ký.
Địa danh liên quan
Danh sách khách sạn
Đánh giá của khách hàng
0.0
Tổng
0 đánh giá
Rate
0.0 / 5.0
Hiện tại chưa có đánh giá nào cho mục này. Hãy là người đầu tiên đánh giá!
Đánh giá của bạn
Địa chỉ email của bạn sẽ không được hiển thị.