>
>
Huyện Ba Vì
Huyện Ba Vì

Huyện Ba Vì

Mô tả

Ba Vì có nhiều địa điểm du lịch nổi tiếng khá gần trung tâm thành phố Hà Nội mà du khách có thể chưa khám phá hết. Đảm bảo những địa điểm du lịch Ba Vì sẽ mang đến trải nghiệm vô cùng thú vị.

1. Địa lý

Huyện Ba Vì nằm ở phía tây của thủ đô Hà Nội, nằm cách trung tâm thành phố khoảng 50 km. Huyện có vị trí địa lý:

- Phía đông giáp thị xã Sơn Tây và huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc

- Phía tây giáp huyện Lâm Thao, huyện Tam Nông và huyện Thanh Thủy thuộc tỉnh Phú Thọ

- Phía nam giáp huyện Thạch Thất và thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình

- Phía bắc giáp thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Huyện Ba Vì là một huyện bán sơn địa với 7 xã miền núi thuộc vùng núi Ba Vì và 24 xã, thị trấn thuộc vùng đồng bằng. Diện tích tự nhiên là 428,0 km², lớn nhất thủ đô Hà Nội. Huyện có dãy núi Ba Vì, núi Ba Vì 3 phần 5 diện tích vùng núi thuộc huyện Ba Vì, cũng là nơi bảo tồn hệ động thực vật thuộc Vườn quốc gia Ba Vì. Vùng (dãy) núi Ba Vì có nhiều ngọn núi nổi tiếng. Trong đó đỉnh Ba Vì (Tản Viên) cao 1281m, đỉnh Núi Vua cao 1296 m. Dãy núi Ba Vì và nhiều danh thắng xung quanh đã tạo cho Ba Vì trở thành một huyện có giá trị và tiềm năng du lịch rất lớn đang khai thác và phát triển có hiệu quả. Huyện có nhiều hồ đập, khá lớn là hồ Suối Hai, và hồ Đồng Mô (tại khu du lịch Đồng Mô). Các hồ này đều là hồ nhân tạo và nằm ở đầu nguồn sông Tích, chảy sang thị xã Sơn Tây, và một số huyện phía Tây Hà Nội, rồi đổ nước vào sông Đáy.

Ở ranh giới của huyện với tỉnh Phú Thọ có hai ngã ba sông là: ngã ba Trung Hà giữa sông Đà và sông Hồng (tại xã Phong Vân) và ngã ba Bạch Hạc giữa sông Hồng và sông Lô (tại xã Tản Hồng, đối diện với thành phố Việt Trì).

Các điểm cực:

- Cực Bắc là xã Phú Cường.

- Cực Tây là xã Thuần Mỹ.

- Cực Nam là xã Khánh Thượng.

- Cực Đông là xã Cam Thượng.

Thống kê năm 2009, dân số huyện Ba Vì là hơn 265 nghìn người, gồm các dân tộc: Kinh, Mường, Dao... 5% dân số theo đạo Thiên Chúa.

2. Hành chính

Huyện Ba Vì có 31 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, bao gồm thị trấn Tây Đằng (huyện lỵ) và 30 xã: Ba Trại, Ba Vì, Cẩm Lĩnh, Cam Thượng, Châu Sơn, Chu Minh, Cổ Đô, Đông Quang, Đồng Thái, Khánh Thượng, Minh Châu, Minh Quang, Phong Vân, Phú Châu, Phú Cường, Phú Đông, Phú Phương, Phú Sơn, Sơn Đà, Tản Hồng, Tản Lĩnh, Thái Hòa, Thuần Mỹ, Thụy An, Tiên Phong, Tòng Bạt, Vân Hòa, Vạn Thắng, Vật Lại, Yên Bài.

3. Lịch sử

Huyện Ba Vì được thành lập ngày 26 tháng 7 năm 1968 trên cơ sở hợp nhất các huyện Bất Bạt, Tùng Thiện và Quảng Oai của tỉnh Hà Tây, khi mới thành lập, huyện gồm 43 xã: Ba Trại, Ba Vì, Cẩm Lĩnh, Cam Thượng, Châu Sơn, Chu Minh, Cổ Đô, Cổ Đông, Đông Quang, Đồng Thái, Đường Lâm, Hòa Thuận, Khánh Thượng, Kim Sơn, Minh Châu, Minh Quang, Phong Vân, Phú Châu, Phú Cường, Phú Đông, Phú Phương, Phú Sơn, Sơn Đà, Sơn Đông, Tân Đức, Tản Hồng, Tản Lĩnh, Tây Đằng, Thái Hòa, Thanh Mỹ, Thuần Mỹ, Thụy An, Tích Giang, Tiên Phong, Tòng Bạt, Trạch Mỹ Lộc, Trung Hưng, Trung Sơn Trầm, Vân Sơn, Vạn Thắng, Vật Lại, Xuân Sơn, Yên Bài.

Ngày 16 tháng 10 năm 1972, chuyển xã Trung Hưng về thị xã Sơn Tây quản lý, huyện Ba Vì còn lại 42 xã.

Ngày 27 tháng 12 năm 1975, huyện Ba Vì thuộc tỉnh Hà Sơn Bình (hợp nhất 2 tỉnh Hà Tây và Hòa Bình).

Ngày 18 tháng 12 năm 1976, hợp nhất 2 xã Vân Sơn và Hòa Thuận thành xã Vân Hòa.

Ngày 29 tháng 12 năm 1978, huyện Ba Vì sáp nhập vào thành phố Hà Nội.

Ngày 2 tháng 6 năm 1982, chuyển 7 xã: Cổ Đông, Đường Lâm, Kim Sơn, Sơn Đông, Thanh Mỹ, Trung Sơn Trầm, Xuân Sơn về thị xã Sơn Tây và chuyển 2 xã: Tích Giang, Trạch Mỹ Lộc về huyện Phúc Thọ. Huyện Ba Vì còn lại 32 xã.

Ngày 3 tháng 3 năm 1987, thành lập thị trấn Quảng Oai (tách ra từ xã Tây Đằng).

Ngày 12 tháng 8 năm 1991, tái lập tỉnh Hà Tây, huyện Ba Vì lại trở về với tỉnh Hà Tây.

Ngày 29 tháng 8 năm 1994, hợp nhất thị trấn Quảng Oai và xã Tây Đằng thành thị trấn Tây Đằng.

Ngày 1 tháng 7 năm 2008, chuyển toàn bộ diện tích và dân số của xã Tân Đức về thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ quản lý theo Nghị quyết số 14/2008/QH12 của Quốc hội (nay xã Tân Đức đã sáp nhập vào phường Minh Nông thuộc thành phố Việt Trì).

Huyện Ba Vì còn lại 1 thị trấn và 30 xã, giữ ổn định cho đến nay.

Ngày 1 tháng 8 năm 2008, giải thể tỉnh Hà Tây cũ, huyện Ba Vì thuộc thành phố Hà Nội.

4. Địa điểm nổi tiếng

- Vườn Quốc gia Ba Vì

- Sơn Tinh Camp

- Ao Vua

- Thiên Sơn - Suối Ngà

- Làng văn hóa dân tộc Việt Nam

- Hồ Tiên Sa

5. Địa điểm lưu trú

Khu nghỉ dưỡng Làng Quýt Retreat Ba Vì

Làng Trong Thung - Jacaranda Valley Ecofarm Ba Vì

QC Art Village Ba Vì

The May Garden Ba Vì

Camellia Homestay Ba Vì

Xem thêm
image

Danh sách phường xã

Địa danh liên quan

Danh sách khách sạn