>
>
Huyện Đông Anh

Huyện Đông Anh

Huyện Đông Anh

Mô tả

Diện mạo Huyện Đông Anh – mảnh đất trù phú, giàu truyền thống văn hóa lịch sử bên dòng sông Hồng đã biến đổi không ngừng trong những năm qua nhờ vị trí địa lý thuận lợi cùng những chuyển biến ngoạn mục của hệ thống hạ tầng.

1. Địa lý
Huyện Đông Anh nằm ở phía bắc của thủ đô Hà Nội, nằm cách trung tâm thành phố khoảng 18 km, có vị trí địa lý:

- Phía đông giáp huyện Gia Lâm và thành phố Từ Sơn, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh
- Phía tây giáp huyện Mê Linh và huyện Đan Phượng
- Phía nam giáp các quận Tây Hồ, Bắc Từ Liêm và Long Biên
- Phía bắc giáp huyện Sóc Sơn.
Huyện Đông Anh có diện tích 185,68 km², dân số tính đến 31/12/2022 là 437.308 người, mật độ dân số đạt 2.355 người/km².

Trên địa bàn huyện còn có Đầm Vân Trì là đầm nước tự nhiên lớn nhất nằm trên địa bàn các xã' Kim Chung, Kim Nỗ, Vân Nội. Ngoài ra còn có các đầm nước khác như đầm Nguyên Khê, đầm Hải Bối,... cùng nhiều hồ nước trên địa bàn huyện.

Sông Thiếp nối đầm Vân Trì qua sông Hoàng Giang chảy quanh khu di tích Cổ Loa. Sông Ngũ Huyện Khê nối từ Sông Đuống chảy về Từ Sơn qua Yên Phong, Tiên Du thông ra sông Cầu tại thành phố Bắc Ninh. Ngoài ra còn có sông đào Đông Anh cùng hệ thống kênh mương thủy lợi.

Địa hình huyện tương đối bằng phẳng với hệ thống đê sông Hồng, sông Đuống cùng đoạn đê sông Cà Lồ từ quốc lộ 3 về hướng Yên Phong, Bắc Ninh. Bên cạnh đó là các dải tường thành khu di tích Cổ Loa và một số gò đống còn sót lại, cùng với Núi Sái nơi có đền Sái ở Thụy Lâm là cao hơn hẳn.

2. Hành Chính

Huyện Đông Anh có 24 hành chính cấp xã, bao gồm có: Thị trấn Đông Anh (huyện lỵ) và 23 xã: Bắc Hồng, Cổ Loa, Đại Mạch, Đông Hội, Dục Tú, Hải Bối, Kim Chung, Kim Nỗ, Liên Hà, Mai Lâm, Nam Hồng, Nguyên Khê, Tàm Xá, Thụy Lâm, Tiên Dương, Uy Nỗ, Vân Hà, Vân Nội, Việt Hùng, Vĩnh Ngọc, Võng La, Xuân Canh, Xuân Nộn.

3. Lịch sử

Huyện Đông Anh trước kia là một phần huyện Kim Hoa (gồm Mê Linh, Đông Anh, Sóc Sơn của Hà Nội, thị xã Phúc Yên của Vĩnh Phúc), thuộc phủ Bắc Hà; huyện Đông Ngàn, Yên Phong phủ Từ Sơn thuộc trấn Kinh Bắc và huyện Yên Lãng, phủ Tam Đái thuộc trấn Sơn Tây (xứ Đoài). Từ năm 1831 đến năm 1901, đất huyện Kim Hoa (Kim Anh) thuộc tỉnh Bắc Ninh. Năm 1876-1903, huyện Kim Anh sáp nhập với huyện Đông Ngàn thuộc phủ Từ Sơn thành huyện Đông Khê, thuộc phủ Từ Sơn của tỉnh Bắc Ninh, rồi được nhập phần lớn vào tỉnh Phù Lỗ (được thành lập ngày 6 tháng 10 năm 1901).

Ngày 10 tháng 4 năm 1903, huyện Đông Khê lại được chia tách thành 2 huyện là Kim Anh và Đông Khê đổi tên thành huyện Đông Anh.

Đến năm 1904, tỉnh Phù Lỗ đổi tên thành tỉnh Phúc Yên thì huyện Đông Anh thuộc tỉnh Phúc Yên. Thời kỳ 1913-1923 thuộc tỉnh Vĩnh Yên. Thời kỳ 1923-1950 thuộc tỉnh Phúc Yên. Thời kỳ 1950-1961 thuộc tỉnh Vĩnh Phúc.

Ngày 20 tháng 4 năm 1961, toàn bộ huyện Đông Anh (gồm 16 xã: Bắc Hồng, Phúc Thịnh, Tự Do, Tiến Bộ, Nam Hồng, Thành Công, Hùng Sơn, Toàn Thắng, Việt Hùng, Dân Chủ, Việt Thắng, Anh Dũng, Tân Tiến, Vạn Thắng, Liên Hiệp, Quyết Tâm) của tỉnh Vĩnh Phúc sáp nhập vào Hà Nội.

Ngày 31 tháng 5 năm 1961, thành lập huyện Đông Anh mới trên cơ sở tiếp nhận thêm 5 xã: Liên Hà, Vân Hà, Dục Tú, Đông Hội, Mai Lâm thuộc huyện Từ Sơn ((nay là thành phố Từ Sơn) Bắc Ninh); xã Kim Chung thuộc huyện Yên Lãng (nay là huyện Mê Linh) và xã Tàm Xá thuộc quận V cũ.

Lúc này, huyện Đông Anh có 23 xã: Anh Dũng (Hải Bối), Bắc Hồng, Dân Chủ (Đại Mạch), Đông Hội, Dục Tú, Hùng Sơn (Uy Nỗ), Kim Chung, Liên Hà, Liên Hiệp (Vân Nội), Mai Lâm, Nam Hồng, Phúc Thịnh (Nguyên Khê), Quyết Tâm (Cổ Loa), Tàm Xá, Tân Tiến (Vĩnh Ngọc), Thành Công (Kim Nỗ), Tiến Bộ (Thụy Lâm), Toàn Thắng (Tiên Dương), Tự Do (Xuân Nộn), Vạn Thắng (Xuân Canh), Vân Hà, Việt Hùng, Việt Thắng (Võng La).

Ngày 11 tháng 3 năm 1974, sáp nhập thôn Đại Bi của xã Cổ Loa vào xã Uy Nỗ.

Ngày 13 tháng 10 năm 1982, thành lập thị trấn Đông Anh trên cơ sở 797,2 ha diện tích tự nhiên của 4 xã Tiên Dương, Uy Nỗ, Nguyên Khê, Xuân Nộn.

Huyện Đông Anh có 1 thị trấn và 23 xã như hiện nay.

4. Các địa điểm nổi tiếng
- Khu di tích Cổ Loa: Cổ Loa là kinh đô của nhà nước Âu Lạc dưới thời An Dương Vương vào khoảng thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên và của nhà nước phong kiến dưới thời Ngô Quyền thế kỷ 10.

- Đình Ngọc Chi ở xã Vĩnh Ngọc, Đông Anh, Hà Nội. Đình làng Ngọc Chi thờ Nồi Hầu là một vị tướng dưới thời vua An Dương Vương có công trong việc đánh đuổi quân Triệu Đà.

- Đình Đào Thục ở xã Thụy Lâm, Đông Anh Hà Nội Thờ 3 Vị Thánh, Đức Thánh Tam Giang (tên thật Trương Hống, Trương Hác) ở Thế kỷ VI - Là 2 vị tướng dưới thời Triệu Quang Phục. Thánh Đương Giang, là một vị tướng nhà Đinh ở Thế kỷ X có công mang 5.000 quân lính và thu nạp 30 trai tráng làng Đào Thục đi đánh dẹp giặc loạn 12 Xứ quân cùng với một người trong mộng là Phi Nương Hoàng hậu. Bà là người đã phù giúp cho ông trong chiến trận. Đình sau này có từ thời Hậu Lê.

- Đình Biểu Khê ở xã Thụy Lâm, Đông Anh Hà Nội Đình làng Biểu Khê cũng thờ Đương Giang, là một vị tướng nhà Đinh có công trong việc dẹp loạn 12 sứ quân thời Đinh Tiên Hoàng.
Đình Mạnh Tân ở xã Thụy Lâm, Đông Anh Hà Nội Đình làng Mạnh Tân cũng thờ Đương Giang đại vương, là một vị tướng nhà Đinh có công trong việc dẹp loạn 12 sứ quân thời Đinh Tiên Hoàng.

- Đình làng Quậy thôn Đại Vĩ, Giao Tác, Liên Hà, Đông Anh, Hà Nội.

Xem thêm
image

Danh sách phường xã

Địa danh liên quan

Danh sách khách sạn