Huyện Ứng Hòa
Mô tả
1. Địa lý
Huyện Ứng Hoà nằm ở phía nam thủ đô Hà Nội, có địa giới hành chính:
- Phía bắc giáp huyện Chương Mỹ và huyện Thanh Oai
- Phía nam giáp huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam
- Phía tây giáp huyện Mỹ Đức với ranh giới là Sông Đáy
- Phía đông giáp huyện Phú Xuyên và thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam.
Dân số năm 2017 là 204.800 người. 2,2% dân số theo đạo Thiên Chúa.
2. Lịch sử và tên gọi
Huyện Ứng Hòa nguyên là phủ Ứng Thiên đời nhà Lê thuộc trấn Sơn Nam.
Năm Gia Long thứ 13 (năm 1814) phủ Ứng Thiên đổi tên là phủ Ứng Hòa.
Năm Minh Mạng thứ 12 (năm 1831), khi tỉnh Hà Nội được thành lập, Ứng Hòa là một trong bốn phủ của tỉnh Hà Nội. Phủ Ứng Hòa gồm các huyện Sơn Minh sau đổi thành Sơn Lãng, Chương Đức (sau đổi thành Chương Mỹ), Thanh Oai và Hoài An.
Năm 1888, khi tỉnh Hà Đông được thành lập, phủ Ứng Hòa thuộc tỉnh Hà Đông.
Năm 1891, thành lập phủ Mỹ Đức thuộc tỉnh Hà Đông, bao gồm huyện Yên Đức, Chương Mỹ và Sơn Lãng.
Sau Cách mạng tháng Tám thành công, huyện Sơn Lãng đổi tên là huyện Ứng Hòa, huyện Yên Đức đổi tên là huyện Mỹ Đức.
Ngày 21 tháng 4 năm 1965, tỉnh Hà Tây được thành lập theo Nghị quyết của ủy ban Thường vụ Quốc hội, trên cơ sở hợp nhất hai tỉnh Sơn Tây và Hà Đông.
Theo đó, huyện Ứng Hòa thuộc tỉnh Hà Tây gồm thị trấn Vân Đình và 29 xã là Cao Thành, Đại Cường, Đại Hùng, Đội Bình, Đông Lỗ, Đồng Tiến, Đồng Tân, Hòa Lâm, Hòa Nam, Hòa Phú, Hoa Sơn, Hòa Xá, Hồng Quang, Kim Đường, Liên Bạt, Lưu Hoàng, Minh Đức, Phù Lưu, Phương Tú, Quảng Phú Cầu, Sơn Công, Tân Phương, Tảo Dương Văn, Trầm Lộng, Trung Tú, Trường Thịnh, Vạn Thái, Viên An, Viên Nội.
Ngày 27 tháng 12 năm 1975, kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa 5 thông qua Nghị quyết hợp nhất hai tỉnh Hà Tây và Hòa Bình thành tỉnh Hà Sơn Bình. Theo đó, huyện Ứng Hòa thuộc tỉnh Hà Sơn Bình.
Ngày 12 tháng 8 năm 1991, kỳ họp thứ chín Quốc hội khóa 8 thông qua Nghị quyết chia tỉnh Hà Sơn Bình thành hai tỉnh Hòa Bình và Hà Tây. Theo đó, huyện Ứng Hòa thuộc tỉnh Hà Tây.
Ngày 23 tháng 9 năm 2003, Chính phủ ra Nghị định số 107/2003/NĐ-CP điều chỉnh địa giới hành chính mở rộng thị trấn Vân Đình thuộc huyện Ứng Hòa. Theo đó, sáp nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và nhân khẩu của xã Tân Phương và một phần diện tích và dân số các xã Liên Bạt, Phương Tú, Vạn Thái vào thị trấn Vân Đình.
Sau khi điều chỉnh, huyện Ứng Hòa gồm 29 đơn vị hành chính gồm thị trấn Vân Đình và 28 xã: Cao Thành, Đại Cường, Đại Hùng, Đội Bình, Đông Lỗ, Đồng Tiến, Đồng Tân, Hoa Sơn, Hòa Lâm, Hòa Nam, Hòa Phú, Hòa Xá, Hồng Quang, Kim Đường, Liên Bạt, Lưu Hoàng, Minh Đức, Phù Lưu, Phương Tú, Quảng Phú Cầu, Sơn Công, Tảo Dương Văn, Trầm Lộng, Trung Tú, Trường Thịnh, Vạn Thái, Viên An, Viên Nội.
Từ ngày 1 tháng 8 năm 2008, giải thể tỉnh Hà Tây theo Nghị quyết của kỳ họp thứ ba Quốc hội khóa 12 ngày 29 tháng 5 năm 2008. Theo đó, huyện Ứng Hòa thuộc thành phố Hà Nội.
3. Hành chính
Huyện Ứng Hòa có 29 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, bao gồm thị trấn Vân Đình (huyện lỵ) và 28 xã: Cao Thành, Đại Cường, Đại Hùng, Đội Bình, Đông Lỗ, Đồng Tiến, Đồng Tân, Hoa Sơn, Hòa Lâm, Hòa Nam, Hòa Phú, Hòa Xá, Hồng Quang, Kim Đường, Liên Bạt, Lưu Hoàng, Minh Đức, Phù Lưu, Phương Tú, Quảng Phú Cầu, Sơn Công, Tảo Dương Văn, Trầm Lộng, Trung Tú, Trường Thịnh, Vạn Thái, Viên An, Viên Nội.
4. Di tích lịch sử
Điều đặc biệt ở Ứng Hòa là có nhiều di tích lịch sử văn hóa lâu đời và nổi bật hơn cả là hệ thống các di tích về thời Đinh, thờ Đinh Bộ Lĩnh và các vị tướng có công đánh dẹp loạn 12 sứ quân. Tiêu biểu như:
- Đình Trạch Xá và Đền Tổ nghề may ở xã Hòa Lâm thờ Tứ phi Hoàng hậu Nguyễn Thị Sen, là người có công phát triển truyền dạy nghề may trong cung đình Hoa Lư nên được hậu thế tôn vinh là Bà tổ nghề may.
- Đền Bách Linh ở xã Hòa Nam thờ Đinh Tiên Hoàng Đế cùng bài vị 99 vị thần của 2 huyện Mỹ Đức và Ứng Hòa. Đền Bách Linh có vai trò như một đền Hàng Tổng, có từ thời Đinh.
- Đền Phù Lưu ở xã Phù Lưu thờ Không Bảng đaị vương triều Đinh, có công giúp Vua Đinh Tiên Hoàng đánh dẹp loạn 12 sứ quân.
- Đền Không Thần ở xã Lưu Hoàng thờ Cao Quang Vương, vị tướng nhà Đinh có công giúp Vua dẹp loạn 12 sứ quân, lập ra nhà nước Đại Cồ Việt. Thời 12 sứ quân, Một đồn binh của Đinh Bộ Lĩnh đã đóng tại Kẻ Hóp (Ngoại Hoàng). Sau khi tướng lĩnh hy sinh người dân làng Ngoại Hoàng đã thờ ông là Thành Hoàng làng.
- Đình Quảng Nguyên ở xã Quảng Phú Cầu thờ Đống Củ Đại vương, là tướng tài danh của Đinh Tiên Hoàng Đế. Đình Quảng Nguyên là di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng về giá trị lịch sử và kiến trúc nghệ thuật.
- Đình Thanh Dương ở xã Đồng Tiến, Ứng Hòa, Hà Nội thờ Vua Lê Đại Hành và các hoàng tử con vua có từ Thời Lý
- Đình Động Phí ở xã Phương Tú thờ Bạch Tượng, vị tướng tham gia dẹp loạn 12 sứ quân. Thần tích, thần phả ở đình làng Động Phí cho biết Đinh Điền, Nguyễn Bặc có về đây thu nạp lực lượng Bạch Tượng gồm 500 quân lính.
- Đình Ngọc Động ở xã Phương Tú Thờ Bạch Địa, tướng nhà Đinh tham gia dẹp loạn 12 sứ quân
- Đình Nguyễn Xá ở xã Phương Tú Thờ Đô Đài, tướng nhà Đinh tham gia dẹp loạn 12 sứ quân
- Đình Hòa Xá ở xã Hòa Xá thờ Nguyễn Đức Chính là vị tướng có công dẹp loạn 12 sứ quân, đã được Đinh Tiên Hoàng phong làm tả đạo Tướng quân.
- Đền Vân Đình ở thị trấn Vân Đình, Ứng Hòa
- Đình Thượng ở xã Vân Đình thờ người anh cả trong ba anh em trai người trang Vân Đình đã mộ binh theo Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân. Làng Vân Đình hình thành từ thời Đinh, với tên gọi ban đầu là Kẻ Đinh, sau tránh họ Vua đổi san Kẻ Đình.
- Đình Nhì ở Vân Đình thờ người thứ hai trong ba anh em trai trang Vân Đình đã mộ binh theo Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân.
- Đình Ba ở Vân Đình thờ người em út trong ba anh em trai trang Vân Đình, có tên hiệu Mộc Hoàn Cư Sĩ đã mộ binh theo Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân.
- Đình Thanh Ấm ở Vân Đình thờ Minh Phúc Đại Vương đã đi theo Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân.
- Quán Lục Sĩ ở Vân Đình thờ Minh Phúc Đại Vương và võ sư Trương Ma Ni theo Đinh Bộ Lĩnh đánh dẹp 12 sứ quân. Trương Ma Ni có con trai Trương Quán Sơn là phò mã nhà Đinh.
- Đền Thánh Cả ở xã Hồng Quang cho biết khi Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân đã đến làng Hữu Vĩnh hạ trại làm lễ cầu nguyện được Thần báo mộng âm phù giúp ông dẹp giặc. Sáng hôm sau, Vua chọn 12 thanh niên trai tráng của làng Hữu Vĩnh xung vào đội quân. Từ đó đánh đến đâu thắng đến đấy. Nhà vua sắc phong "Thượng đẳng thần" cùng mỹ tự. Ngày 11 tháng giêng hàng năm, nhà vua xa giá về đây hành lễ. Từ đó, ngày 10, 11, 12 tháng giêng trở thành ngày hội lớn của nhân dân địa phương. Kỳ lễ tế vua Đinh, tưởng niệm vua Đinh hiện nay được đân làng tổ chức tế lễ 1 ngày (đầu tháng 2).
- Đình Phí Trạch ở xã Phương Tú thờ sứ quân Ngô Xương Xí.
- Làm đàn thôn Đào Xá (Đông Lỗ)
- Mây tre đan Đống Vũ (Trường Thịnh)
- Làm giày da thôn Thần (Minh Đức)
- Vịt quay, vịt cỏ đặc sản Vân Đình
5. Địa điểm lưu trú
- Khách sạn Hòa Nam