>
>
Huyện A Lưới

Huyện A Lưới

Huyện A Lưới

Mô tả

Địa lý
Địa giới huyện A Lưới được giới hạn trong tọa độ địa lý từ 160 00'57'' đến 16027’ 30'' vĩ độ Bắc và từ 1070 0' 3’ đến 1070 30' 30'' kinh độ Đông, có vị trí địa lý:
Phía đông giáp thị xã Hương Thủy và huyện Nam Đông
Phía tây giáp huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị và nước CHDCND Lào
Phía nam giáp huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam
Phía bắc giáp thị xã Hương Trà và huyện Phong Điền.
Huyện A Lưới nằm trên trục đường Hồ Chí Minh chạy qua địa phận 14 xã, thị trấn trong huyện đã phá thế ngõ cụt, nối liền A Lưới thông suốt với hai miền Bắc-Nam đất nước; cách không xa quốc lộ 9- trục đường xuyên Á, có thể thông thương thuận lợi với các nước trong khu vực qua cửa khẩu Lao Bảo-Quảng Trị; đồng thời, Quốc lộ 49 nối đường Hồ Chí Minh với Quốc lộ 1, đây là trục giao thông Đông-Tây quan trọng kết nối A Lưới với Quốc lộ 1, thành phố Huế và các huyện đồng bằng. Có 85 km đường biên giới giáp với nước CHDCND Lào và là huyện duy nhất trong tỉnh có 2 khẩu quốc tế A Đớt-Tà Vàng (tỉnh Sê Kông) và cửa khẩu Hồng Vân-Kutai (tỉnh SaLavan) liên thông với CHDCND Lào, đây là các cửa ngõ phía Tây quan trọng, là lợi thế để huyện mở rộng hợp tác kinh tế, văn hóa với nước bạn Lào và các nước trong Khu vực.
Huyện A Lưới tiếp giáp với Lào ở phía tây, cách thành phố Huế 70 km về phía đông.
Về mặt giao thông, nó được nối với thành phố Huế bằng quốc lộ 49, là một quốc lộ rất hiểm trở có ba đèo cao và vực sâu, trong đó đèo A Co dài 16 km.
A Lưới là vùng đất có nhiều người dân tộc thiểu số sinh sống như: Tà Ôi, Cơ Tu, Vân Kiều,...
Các địa danh được biết đến ở A Lưới trong Chiến tranh Việt Nam gồm: đèo Mẹ Ơi, suối Máu, đồi A Bia (người Mỹ gọi là Hamburger Hill - đồi Thịt Băm, nơi xảy ra trận Đồi Thịt Băm),...
Hành chính
Huyện A Lưới có 18 đơn vị hành chính cấp xã, bao gồm thị trấn A Lưới (huyện lỵ) và 17 xã: A Ngo, A Roàng, Đông Sơn, Hồng Bắc, Hồng Hạ, Hồng Kim, Hồng Thái, Hồng Thượng, Hồng Thủy, Hồng Vân, Hương Nguyên, Hương Phong, Lâm Đớt, Phú Vinh, Quảng Nhâm, Sơn Thủy, Trung Sơn.
Lịch sử
Hình thành và phát triển
A Lưới là căn cứ địa cách mạng của cả tỉnh, cả nước trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Qua hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc, đồng bào các dân tộc A Lưới đã có nhiều tấm gương tiêu biểu như: Anh hùng liệt sỹ A Vầu, xã Hồng Kim; Anh hùng liệt sỹ Cu Lối, xã Hồng Nam; Anh hùng Cu Trip, Anh hùng Hồ Vai, Kăn Lịch, Kăn Đơm, Bùi Hồ Dục, Hồ A Nun và nhiều tấm gương tiêu biểu khác; đồng thời, đã đóng góp 33.837 tấn lương thực, thực phẩm, 4.560 lượt dân công hỏa tuyến, 7.850 lượt công dân lên đường nhập ngũ, 1,5 triệu ngày công phục vụ chiến đấu; 577 liệt sỹ, 1.086 thương binh, hàng ngàn gia đình có công, gần 10 nghìn người và 5.000 hộ gia đình tham gia cách mạng. Nhờ những đóng góp to lớn cho cách mạng mà đã được Đảng, Nhà nước tuyên dương, phong tặng huyện A Lưới danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; 16 xã, thị trấn được phong tặng anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; 8 cá nhân được phong tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, 12 bà mẹ Việt Nam anh hùng, 19 tập thể anh hùng lực lượng vũ trang.
Đồng thời, huyện A Lưới là địa bàn sinh sống, tụ cư lâu đời của đồng bào các dân tộc thiểu số anh em: Pa Kô, Tà Ôi, Ka Tu, Pa Hy trong các thung lũng dọc Trường Sơn, sát với nước bạn Lào anh em, đến năm 1976, huyện A Lưới được thành lập và có thêm 3 xã kinh tế mới Sơn Thủy, Phú Vinh, Hương Phong là đồng bào kinh lên xây dựng quê hương mới tại A Lưới.
Đến nay, sau 38 năm (1976- 2014) trưởng thành và phát triển, huyện A Lưới hôm nay đã thay da đổi thịt, bộ mặt nông thôn miền núi đã có nhiều khởi sắc, kinh tế - xã hội đã có những bước phát triển và đã đạt được những kết quả quan trọng: Thu nhập bình quân đầu người 14 triệu đồng/người/năm; tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất đạt 15%; tỷ lệ hộ nghèo còn 13,64%; cơ sở hạ tầng được quan tâm đầu tư, xây dựng, như: Điện, đường, trường, trạm, thủy lợi, nước sinh hoạt,… nhờ vậy, đã có 100% thôn, bản có đường giao thông, 90% hộ gia đình sử dụng nước hợp vệ sinh, 100% xã, thị trấn có điểm bưu điện văn hóa xã (số liệu năm 2013).
Lịch sử hành chính
Sau năm 1975, huyện A Lưới thuộc tỉnh Bình Trị Thiên, gồm 20 xã: A Đớt, A Ngo, A Roàng, Bắc Sơn, Đông Sơn, Hồng Bắc, Hồng Hạ, Hồng Kim, Hồng Nam, Hồng Quảng, Hồng Thái, Hồng Thượng, Hồng Thủy, Hồng Tiến, Hồng Trung, Hồng Vân, Hương Lâm, Hương Nguyên, Hương Phong và Nhâm.
Ngày 13 tháng 3 năm 1979, thành lập 2 xã Phú Vinh và Sơn Thủy thuộc vùng kinh tế mới.[2]
Ngày 18 tháng 5 năm 1981, chuyển xã Hồng Tiến về huyện Hương Trà quản lý (nay là thị xã Hương Trà)[3]. Huyện A Lưới có 21 xã: A Đớt, A Ngo, A Roàng, Bắc Sơn, Đông Sơn, Hồng Bắc, Hồng Hạ, Hồng Kim, Hồng Nam, Hồng Quảng, Hồng Thái, Hồng Thượng, Hồng Thủy, Hồng Trung, Hồng Vân, Hương Lâm, Hương Nguyên, Hương Phong, Nhâm, Phú Vinh, Sơn Thủy.
Ngày 30 tháng 6 năm 1989, tỉnh Thừa Thiên Huế được tái lập từ tỉnh Bình Trị Thiên, huyện A Lưới thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế.[4]
Ngày 22 tháng 11 năm 1995, thành lập thị trấn A Lưới (thị trấn huyện lỵ huyện A Lưới) trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của xã Hồng Nam.[5]
Ngày 1 tháng 1 năm 2020, sáp nhập xã A Đớt và xã Hương Lâm thành xã Lâm Đớt, sáp nhập xã Hồng Quảng và xã Nhâm thành xã Quảng Nhâm, sáp nhập xã Bắc Sơn và Hồng Trung thành xã Trung Sơn.[6]
Huyện A Lưới có 1 thị trấn và 17 xã như hiện nay

Xem thêm
image

Danh sách phường xã

Địa danh liên quan