Top những địa điểm du lịch nổi tiếng tại Hà Nam

06/08/2024

Đăng bởi: Admin | 06/08/2024

Hà Nam từ lâu đã được mệnh danh là mảnh đất anh hùng với những địa điểm du lịch Hà Nam tâm linh, di tích lịch sử, làng nghề nổi tiếng.

1. Chùa Tam Chúc

Chùa Tam Chúc có quy mô lớn nhất Việt Nam, được xây dựng trên nền ngôi chùa cổ tự hơn 1000 năm tuổi. Sở hữu vị thế “tiền Lục Ngạn - hậu Thất Tinh”, với cảnh quan mặt hướng hồ, lưng tựa núi. Chùa mang đậm dấu ấn của phong cách chùa cổ Việt Nam.

Chùa Ngọc, hay còn gọi là Đàn Tế Trời, là một trong những công trình thuộc quần thể Chùa Tam Chúc, tọa lạc trên đỉnh Núi Thất Tinh ở độ cao 200m so với mực nước biển. Từ Chùa Ngọc, bạn có thể chiêm ngưỡng toàn cảnh núi non Tam Chúc hiện ra trước mắt, đẹp như một bức tranh thủy mặc.

Ngôi chùa cao 15m, được xây dựng bằng 2.000 tấn đá khối granite đỏ xếp liền nhau mà không cần xi măng hay keo dính. Toàn bộ đá xây dựng được chế tác tại Ấn Độ và vận chuyển sang lắp đặt theo phong cách kiến trúc cổ Việt Nam.

Đi qua 299 bậc thang dẫn vào chùa, bạn sẽ được chiêm ngưỡng bức tượng Phật A Di Đà bằng hồng ngọc nặng đến 4,9 tấn. Đây là loại đá quý nhập khẩu từ Myanmar. Bên cạnh đó là tượng Quan Âm Tống Tử bằng bạch ngọc nguyên khối, nặng khoảng 5kg. Được biết, đây là một trong những cổ vật quý ở Chùa Quán Thế Âm Đà Nẵng – nơi sở hữu Bảo tàng Phật giáo đầu tiên tại Việt Nam.

Điểm đến tiếp theo trên trục thần đạo Chùa Tam Chúc đó là Điện Tam Thế, nằm ở độ cao 45m so với mực nước biển. Ngôi điện có 3 tầng mái cong, được xây theo lối kiến trúc đình chùa đặc trưng của Việt Nam, và là tòa đại điện lớn nhất, đủ chỗ cho 5.000 Phật tử hành lễ cùng một lúc.

Bước qua hàng cửa gỗ chạm trổ tinh xảo, là ba pho tượng Tam Thế được đúc bằng đồng đen đặt trước bức phù điêu hình lá bồ đề, đại diện cho quá khứ, hiện tại và vị lai. Mỗi pho tượng nặng đến 200 tấn.

Mỗi bức tường ở Điện Tam Thế mang một chủ điểm, nếu đi từ trái sang phải theo chiều kim đồng hồ, những câu chuyện triết lý Phật giáo sẽ dần hiện ra một cách sinh động, từ bánh xe Pháp Luân đến cõi Niết Bàn.

Ngoài ra, trước cửa Điện Tam Thế còn trồng cây bồ đề được chiết từ cây bồ đề 2.125 năm tuổi, báu vật của đất nước Sri Lanka, do Chủ tịch Quốc hội Sri Lanka trao tặng.Bên dưới Điện Tam Thế chính là Điện Pháp Chủ, nổi bật với pho tượng Phật Thích Ca Mâu Ni bằng đồng nguyên khối nặng 150 tấn. Điểm nhấn của Điện Pháp Chủ là 4 bức phù điêu lớn bao trùm các bức tường, nói về những giai đoạn và bước ngoặt trong cuộc đời Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, từ khi Ngài đản sinh, thành đạo, thuyết pháp, cho tới khi nhập Niết Bàn.

Điện Quán Âm là nơi thờ Phật Quán Thế Âm Bồ Tát với những bức phù điêu nói về tấm lòng từ bi, hỉ xả của Đức Phật, khi Ngài phổ độ chúng sinh, thể hiện qua các lần ứng thân khi Ngài phải trải qua vô số kiếp luân hồi để cứu rỗi con người.

Đây là cổng chính dẫn lối vào chùa, được xây dựng đồ sộ, vô cùng hoành tráng. Cổng Tam Quan được chia thành Tam Quan Nội và Tam Quan Ngoại. Trong đó, Tam Quan Ngoại được xây dựng kiên cố, là điểm đầu tiên dùng để đón các Phật tử và khách du lịch. Tam Quan Nội là điểm đến tiếp theo sau khi du khách đi thuyền qua hồ Lục Ngạn để đến Khu Tâm Linh.

2. Làng Vũ Đại

Làng Vũ Đại là một địa điểm du lịch thuộc tỉnh Hà Nam thu hút rất nhiều du khách đến tham quan và khám phá, đặc biệt là những bạn có niềm đam mê mãnh liệt đối với văn học Việt Nam. Hình tượng nhân vật “Chí Phèo” ăn vạ cùng ngôi làng nghèo có lẽ đã in sâu vào tiềm thức của bao thế hệ người Việt chúng ta.

Hình ảnh lò gạch cũ gây ấn tượng mạnh cho bất kỳ ai tiếp xúc với tác phẩm “Chí Phèo”. Đây không chỉ là hình ảnh quen thuộc ở những làng quê Bắc Bộ của Việt Nam, đây còn là nơi bắt đầu tấn bi kịch cũng như sự quẩn quanh, bế tắc của số phận người lao động nghèo trong tác phẩm của Nam Cao. Tham quan lò gạch cũ, du khách sẽ hiểu thêm về sự khó khăn, cay đắng của tầng lớp người nghèo trong xã hội xưa.

Với những đóng góp to lớn cho nền văn học nước nhà, dù ra đi khi tuổi mới 36 nhưng nhà văn, liệt sĩ Nam Cao luôn để lại những kỉ niệm không thể nào quên với đất nước, với những người yêu văn học. Khu tưởng niệm được xây ngay trên mảnh đất quê hương ông để những người yêu quý, mến mộ tài năng có thể về đây thắp nén nhang và lắng nghe câu chuyện cuộc đời cố nhà văn.

Một trong những đặc sản nổi tiếng ở Hà Nam chính là cá làng Vũ Đại. Những niêu cá nóng hổi, thơm nức, được chế biến rất cầu kỳ đã làm say mê nhiều thực khách. Đã bao giờ bạn tự hỏi, cá kho làng Vũ Đại được nấu từ cá gì mà ngon đến vậy chưa? Hãy ghé thăm nơi đây để cùng tìm hiểu nhé.

Làng Vũ Đại ngày nay hiện lên với vẻ đẹp dung dị của chốn thôn quê, nơi du khách có thể cảm nhận được nhịp sống chậm rãi, không khí trong lành, con người hiền hậu. Bên cạnh những nét đẹp đó, làng Vũ Đại còn là nơi có những món đặc sản làm say mê du khách như chuối ngự, hồng không hạt và đặc biệt là cá kho Vũ Đại, món ăn có mặt trên mâm cơm của rất nhiều gia đình mỗi dịp Tết Nguyên Đán.

3. Đền Trúc - Ngũ Động Thi Sơn

Quần thể Đền Trúc - Ngũ Động Thi Sơn tọa lạc giữa không gian rợp bóng trúc, khung cảnh thiên nhiên hữu tình có núi, có sông, có hang động kỳ thú, và là di tích lịch sử ý nghĩa, trở thành điểm đến hấp dẫn trong chuyến du lịch Hà Nam.

Ngôi đền được dựng bằng gỗ lim, tổng thể thiết kế theo kiểu chữ Đinh gồm cổng đền, tiền đường và hậu cung. Cổng Đền Trúc là 4 cột đồng trụ: 2 cột chính giữa cao trên 6m và 2 cột nhỏ ở hai bên. Trên các cột có những họa tiết, chữ và đôi voi đắp nổi quay mặt vào nhau.

Tiền đường Đền Trúc có 5 gian, 3 gian giữa là hệ thống cửa gỗ được làm lùi và sát hàng cột quân, tường đầu hồi xây nhô ra, phía ngoài là hai cột đồng trụ. Hệ thống vì kèo biến thể kiểu giá chiêng đồng rường con nhị xuất hiện vào cuối thế kỷ 17 và phổ biến vào cuối thế kỷ 19.

Hàng năm, lễ hội Đền Trúc ở Hà Nam được tổ chức trong nhiều ngày đầu xuân, từ mồng 1 tháng Giêng đến ngày 10 tháng Hai âm lịch, với nhiều hoạt động tín ngưỡng, văn hóa truyền thống đậm đà bản sắc, thể hiện lòng tri ân và tưởng nhớ về vị anh hùng dân tộc Lý Thường Kiệt.

Lễ hội Đền Trúc được mở vào những ngày nông nhàn nên thu hút đông đảo người dân địa phương và du khách gần xa về dự. Ngoài các nghi thức, nghi lễ cổ truyền, còn diễn ra nhiều trò diễn, trò chơi dân gian như kéo co, đấu vật, chọi gà... đặc sắc nhất là múa hát Dậm và đua thuyền.

4. Đền Tiên Ông

Đền Tiên Ông tọa lạc ở Tượng Lĩnh, Kim Bảng, Hà Nam. Đền Tiên Ông được xây dựng từ đời vua Trần Nhân Tông trên lưng chừng núi Tượng Lĩnh, Nhìn từ trên cao chùa có giống hình con voi phục uy nghi, sừng sững hiện ra trước mắt. Một ngôi chùa yên bình, thanh tịnh được nhiều du khách lựa chọn, chỉ khi đến đây bạn mới cảm nhận rõ điều đó.

Đền Tiên Ông thờ Nam thiên đại thành hoàng Thánh tổ Thiên vương Bồ Tát. Sự tích Tiên Ông được truyền thuyết kể rằng cha của Tiên Ông quê ở Từ Sơn (Bắc Ninh), là quan to trong triều nhà Trần, có tới 23 thê thiếp mà vẫn chưa có con trai. Đến khi đi kinh lý ở trấn Sơn Nam, tại xã Thịnh Đại (nay là xã Đại Cương) huyện Kim Bảng, thân phụ ngài lấy tới thê thiếp thứ 24 mới sinh được ngài. Ngài sinh ra đã có tướng mạo khác thường, lớn lên chỉ một lòng đèn hương thờ Phật. Ngài chu du khắp nơi tìm thầy học đạo. Vào một ngày, ngài đến khu Quang Thừa (nay là xã Tượng Lĩnh) thấy dãy Bát Cảnh Sơn hùng vĩ bèn lập một ngôi chùa dưới chân núi động Tam Giáo để thờ Phật và thờ tổ tiên cha mẹ, gọi là chùa Tam Giáo.

Sinh thời ngài có rất nhiều công lao đối với nhân dân địa phương như cứu giúp kẻ nghèo khó, chữa bệnh cứu người. Khi đắc đạo, ngài hóa thân vào cây "Đại nại" và dặn rằng hãy lấy cây gỗ đó để tạc tượng thờ, còn lấy đồng tạc tượng thờ thần. Dân nhớ ơn lập đền thờ tạc tượng gỗ và tượng đồng theo lời dặn của ngài. Các pho tượng rất linh thiêng, trải bao lần đền bị chiến tranh giặc giã phá hủy, pho tượng đã nhiều phen bị mang đi nhưng không ai đụng tới được. Nguyễn Hữu Chỉnh cũng đã mang tượng đồng ở đền thờ ngài đi đúc tiền đồng nhưng búa rìu không chạm được vào tượng, tượng chỉ đổ mồ hôi, còn quân lĩnh chạm vào tượng thì bị rìu chặt vào chính chân mình. Nguyễn Hữu Chỉnh sợ hãi khấn rằng, nếu Ngài linh thiêng thì hãy cho sông Châu bên mưa, bên tạnh. Quả nhiên là ứng nghiệm. Cuối cùng, Nguyễn Hữu Chỉnh phải sai quân lính mang tượng trả lại về đền. Nhiều vị vua, chúa như Lê Thái Tổ, Lê Dụ Tông, Trịnh Doanh, Trịnh Tùng, Trịnh Sâm, Mạc Phúc Hải đã tới thăm đền. Tương truyền, Lê Quý Đôn, Nguyễn Huy Oánh là con cầu tự của ngài.

5. Làng trống Đọi Tam

Làng nghề truyền thống nổi tiếng với nghề làm trống đã có từ rất lâu đời, Làng Trống Đọi Tam đã làm ra nhiều loại trống khác nhau như: trống dùng trong đình, chùa, trống dùng trong các dịp lễ, Tết… Theo những người thợ làm trống lành nghề ở đây, để làm ra một chiếc trống phải trải qua 3 giai đoạn: làm da, làm tang và bưng trống. Mỗi bước đều cực kỳ tỉ mỉ nếu không sẽ ảnh hưởng đến chất lượng, âm thanh trống.

Từ xa xưa trống Đọi Tam được sản xuất chủ yếu để phục vụ cho các dịp hội làng hoặc đặt ở các công đường để người dân có thể gióng trống kêu oan. Chúng không những cùng quân ta ra trận mà còn dùng để ra hiệu lệnh giục đắp đê hay các dịp ngày hội mùa xuân, gọi trẻ đến trường.

Tại làng trống có một tục lệ đặc biệt, nghề gia truyền chỉ được các bậc ông bà, cha mẹ dạy cho con trai và con dâu. Càng về sau tục lệ có chút thay đổi và ngay cả con gái cũng được truyền nghề rất kỹ lưỡng. Trẻ con tại làng ngay từ lúc 10 tuổi đã được biết sơ qua về cách làm trống. Khi lớn lên đến 14 15 tuổi đã bắt đầu học nghề thành thạo.

Tuy rằng Hà Nam không phải điểm du lịch hot trong cả nước nhưng không thể phủ nhận rằng Hà Nam là mảnh đất có rất nhiều cảnh đẹp thiên nhiên, giá trị văn hóa, lịch sử hấp dẫn chưa được khám phá. Trải nghiệm các địa điểm du lịch Hà Nam sẽ mang đến những giờ phút nghỉ ngơi, vui vẻ, thư giãn đúng nghĩa cho bạn và gia đình. Đừng quên ghé thăm trang web: https://vigotrip.com/ để cập nhật những kiến thức du lịch hay nhất nhé.