>
>
>
>
>
Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế
Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế

Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế

Mô tả

Dù trải qua bao thăng trầm và biến cố của lịch sử, Huế vẫn hiện lên với vẻ đẹp cổ kính, đầy nguy nga và lộng lẫy. Bên cạnh những lăng tẩm, đền đài mang đậm dấu ấn dưới thời các vị vua triều Nguyễn thì Huế còn có một điểm đến thực sự hoàn hảo dành cho những ai muốn có cái nhìn rõ nét hơn, chân thực hơn về triều đại vàng son này, đó chính là Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế.

 

Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế là bảo tàng đầu tiên tại Huế, được thành lập từ năm 1923, Trong đó, điện Long An - khu vực trưng bày chính có niên đại từ năm 1845, dưới thời vua Thiệu Trị. Trải qua hơn 175 năm tồn tại, đây trở thành một trong những kiến trúc gỗ đặc trưng nhất của Việt Nam, bởi hội tụ tất cả những gì tinh tuý nhất của nghệ thuật kiến trúc và trang trí, đại diện cho thời kỳ cực thịnh của mỹ thuật cung đình triều Nguyễn.

Khuôn viên bảo tàng rộng đến 6.330 m2, trong đó có tòa nhà chính ở giữa, có tên là điện Long An với diện tích mặt bằng 1.185m2 và một số nhà phụ dùng làm kho tàng trữ cổ vật, sân vườn,… Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế trưng bày các sưu tập cổ vật Huế xưa, phần lớn có xuất xứ từ cung đình Nguyễn như: sưu tập đồ sứ, sưu tập đồ pháp lam, sưu tập trang phục cung đình, sưu tập ấn triện, sưu tập nhạc khí dùng trong các cuộc lễ tế, sưu tập tranh gương, sưu tập đồ gỗ sơn son thếp vàng và khảm cẩn, sưu tập súng thần công thời chúa Nguyễn và vua Nguyễn.

Điện Long An trước đây là một biệt cung để vua Thiệu Trị thỉnh thoảng đến tiêu khiển và làm chỗ nghỉ chân hàng năm khi ra cày ruộng Tịch điền ở gần đó. Đây là một công trình kiến trúc tuyệt mỹ bằng gỗ được xây dựng theo kiểu “trùng thiềm điệp ốc” với 128 cột, nhìn từ bên ngoài, hàng cột gỗ lim đặt trên đá tảng cắm xuống mặt sân tạo hiệu ứng chiều cao, tất cả các cột đều được chạm nổi trên gỗ với những hình ảnh hoa lá cách điệu. Bộ mái được lợp ngói âm dương tráng men màu vàng, chia làm nhiều lớp để giảm bớt sự nặng nề.

Bước vào bên trong điện, bạn sẽ phải ngỡ ngàng vì như được quay trở lại kỳ vàng son khi không gian bên trong sáng lên bởi sự lấp lánh của xà cừ, của ngà, của xương được khảm trực tiếp lên các thành phần kiến trúc mộc. Một trong những điều ấn tượng đầu tiên của điện Long An là hàng trăm chữ cái, bài thơ được chạm khắc trên gỗ, và đặc biệt hơn hết đó là những bài thơ theo kiểu ‘hồi văn kiêm liên hoàn” (bài thơ được sắp xếp theo hình tròn hình bát quái), có đến 64 cách đọc theo ngang, dọc, ngược, xuôi, hình tròn,...

Xem thêm
image

Địa danh liên quan

Danh sách khách sạn