Cao nguyên đá Tủa Chùa
Huyện Tủa Chùa, Điện Biên
Mô tả
Cao nguyên đá Tủa Chùa là một địa điểm vô cùng đặc biệt mà bạn không nên bỏ lỡ khi đến Điện Biên. Nơi đây với cảnh núi non trùng điệp, càng lên cao bạn sẽ càng thấy được sự hùng vĩ của nơi được mệnh danh là "tiểu Hà Giang", những mỏm đá đen chằng chịt nép mình vào vách núi. Tất cả đã tạo nên một nét đẹp hoang sơ, mộc mạc không chỉ cảnh vật mà còn của những nếp nhà đơn sơ của đồng bào dân tộc Mông sinh sống nơi đây, từ đó thu hút rất nhiều du khách đến tìm hiểu đời sống văn hóa và check-in những tấm ảnh tuyệt vời trong chuyến du lịch này.
1. Cao nguyên đá Tủa Chùa ở đâu?
Cao nguyên đá Tủa Chùa là một vùng núi đá vôi thuộc địa bàn huyện Tủa Chùa, cách trung tâm thành phố Điện Biên Phủ khoảng 130 km. Để đến đây, du khách cần di chuyển 130 km về hướng Đông Bắc. Toàn bộ cao nguyên này nằm ở các xã Sính Phình, Tả Phìn, Tả Sìn Thàng, Sín Chải huyện Tủa Chùa.
Những ai đã từng du lịch Hà Giang, sau đó lại về huyện Tủa Chùa đều nhận định rằng nơi này có cảnh đẹp tựa như cao nguyên đá Đồng Văn. Hành trình đến đây đầy gian nan khi du khách phải đi qua những con đèo dốc uốn lượn, những đường núi trúc trắc và cả vực sâu đang chực chờ.
Vùng đất này là địa bàn cư trú của đồng bào người Mông. Họ sống trên đá, hòa hợp với bức tranh thiên nhiên độc đáo và khác biệt. Về đây, bạn sẽ cảm nhận chân thực cảnh quan ấn tượng của miền cao nguyên đá, tìm hiểu về nét văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc. Chắc hẳn bạn sẽ có nhiều kỷ niệm đặc biệt khi về đây du lịch.
2. Câu chuyện về cao nguyên đá Tủa Chùa
Theo các tư liệu lịch sử, vào khoảng thế kỷ thứ XVIII gia đình Vàng Chống Cáng, người dân tộc Mông di cư từ Trung Quốc sang và định cư tại bản Tả Phìn. Sau một quá trình làm ăn buôn bán thuận lợi, trở nên giàu có nhất vùng, Vàng Chống Cáng tự xưng là vua. Ông thuê người xây thành nhằm bảo vệ tài sản của gia đình.
Thành được xây dựng trên một vùng đất khá bằng phẳng, đất đai màu mỡ, tập trung đông dân cư. Đường xá đi lại thuận tiện cách trung tâm xã Tả Phìn hiện nay khoảng 600m. Có chu vi khoảng 440 m. Với 2 cửa (cửa chính nằm ở phía Bắc chạy dài đến ngã ba xã Tả Phìn, cửa phụ nằm ở phía Đông giáp khu vực đường đi xã Huổi Só, huyện Tủa Chùa, hiện tại 2 cửa thành đã bị phá hủy).
Thành cấu tạo theo hình vòng tròn, lợi dụng tối đa địa hình tự nhiên. Tận dụng chiều cao của các đồi, gò vì thế tường thành có đường nét uốn lượn theo địa hình chứ không băng theo đường thẳng.
Nguyên liêu xây dựng thành chủ yếu là đá. Với phương thức ghè, đẽo hoàn toàn bằng thủ công. Sử dụng kỹ thuật ghép đá tinh xảo, từ phiến đá to, đến viên đá nhỏ xếp chồng lên nhau không có sự tham gia của các chất kết dính. Tạo thành bức tường đá chắc chắn, bề mặt bằng phẳng, người và ngựa có thể đi lại. Mặt thành cao trung bình 2m, mặt thành rộng 1m được xây dựng trong khoảng 9 năm. Hiện nay, những dấu tích của Thành Vàng Lồng còn lại 2 đoạn tường thành khá nguyên vẹn đang được bảo tồn để phục vụ du khách tham quan.
Đến Tả Phìn, chiêm ngưỡng phong cảnh, trải nghiệm văn hóa bản địa. Và tìm hiểu những câu chuyện hấp dẫn, ly kỳ xoay quanh quy luật xây dựng và kết cục của Thành Vàng Lồng sẽ là những trải nghiệm khó quên trên những hành trình du lịch của du khách.
3. Khám phá vẻ đẹp của cao nguyên đá Tủa Chùa
Cao nguyên đá Tủa Chùa nằm ở độ cao 1400 mét so với mực nước biển, được mẹ thiên nhiên ban tặng địa hình vô cùng đặc biệt. Có đến 70% diện tích huyện là núi đá vôi. Vì thế về đây, bạn sẽ được lạc chân vào một không gian toàn đá là đá. Càng di chuyển lên cao, khung cảnh hiện ra càng vắng vẻ hoang sơ.
Những du khách lần đầu du lịch Điện Biên chia sẻ rằng, đến cao nguyên đá này có cảm giác như đang đi vào một thế giới khác. Ở đó, những mỏm đá đen chằng chịt nép mình vào vách núi, phủ đầy trên mặt đất và bao bọc cả những nếp nhà đơn sơ của đồng bào dân tộc Mông sinh sống nơi đây.
Khám phá cao nguyên đá Tủa Chùa, tuyệt vời nhất là được lái xe máy rong ruổi trên những con đường. Những khúc cua uốn cong cong dẫn vào sâu trong một “rừng đá” vừa huyền bí, vừa ma mị, đẹp không thể cưỡng lại. Trên đường đi, bạn sẽ nhìn thấy những ngôi nhà sàn gỗ của người Mông được xây trên đá, họ chung sống với một vùng đất mà tứ bề đều là đá.
Cảnh sắc ở cao nguyên đá Tủa Chùa thực sự rất giống Công viên Địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn. Nếu chọn bất kỳ địa điểm nào để chụp ảnh, bạn sẽ khó phân biệt đâu là Tủa Chùa, đâu là Đồng Văn. Tuy nhiên trên thực tế nơi này cũng có nhiều điều khác biệt mà du khách phải về đây khám phá mới cảm nhận trọn vẹn được.
Huyện Tủa Chùa không chỉ thu hút du khách bởi sự nguyên sơ, hoang dại mà còn là nơi mà các tín đồ đam mê chụp ảnh rất thích. Ở đây, bạn sẽ được lưu lại những khoảnh khắc đẹp với hình ảnh núi đá vôi đủ hình dáng, đủ kích thước. Có những mảng đá tai mèo xếp chồng thành thành lũy, có những nơi đá nhọn như chọc trời, làm du khách mê mẩn.
Khám phá điểm đến ở Điện Biên này, ngoài ngắm một cao nguyên đá độc đáo, du khách còn có cơ hội tìm hiểu thêm về cuộc sống và sinh hoạt của người Mông nơi đây. Tưởng chừng ở nơi chỉ toàn là đá này chẳng làm gì được, ấy thế mà người Mông đã biết tận dụng đổ đất lên các hốc đá để trồng rau, trồng cỏ và các loại cây ăn quả.
Ở những thung lũng nhỏ bằng phẳng không có đá, cư dân bản địa cũng tranh thủ trồng thêm lúa để tăng thêm nguồn nông sản phục vụ cuộc sống. Nhìn cái cách mà người Mông tranh thủ từng tấc đất để canh tác mới thực sự cảm phục tinh thần vượt khó của họ.
Về cao nguyên đá Tủa Chùa, du khách còn có cơ hội khám phá các hang động nằm sâu trong đá. Trong đó, hang Thẩm Khến ở bản Nà Xa, xã Mường Đun được nhiều du khách tìm đến. Vào trong hang động này, bạn sẽ được chiêm ngưỡng những dải nhũ đá có màu vàng, xanh, xám với đủ hình ảnh như đèn chùm, bó lúa, cây đa, ruộng bậc thang... rất đặc biệt.
Địa danh liên quan
Đánh giá của khách hàng
0.0
Tổng
0 đánh giá
Rate
0.0 / 5.0
Hiện tại chưa có đánh giá nào cho mục này. Hãy là người đầu tiên đánh giá!
Đánh giá của bạn
Địa chỉ email của bạn sẽ không được hiển thị.