Chùa Đán

Phường Thịnh Đán, Thành phố Thái Nguyên, Thái Nguyên

Chùa Đán

Mô tả

Chùa Đán nằm cách trung tâm thành phố Thái Nguyên khoảng 5km về phía Tây, thuộc địa phận xóm Chùa, phường Thịnh Đán, TP. Thái Nguyên. Chùa Đán trước đây là một ngôi chùa cổ. Thời kỳ đất nước có chiến tranh, chùa thực hiện tiêu thổ kháng chiến. Trải qua nhiều lần xây dựng và tu bổ, đến nay ngôi chùa đã được xây dựng bề thế, gồm một số hạng mục công trình như : Nhà Tam Bảo, nhà thờ Tổ, cung mẫu. Đặc biệt, trong khuôn viên của chùa còn có ngôi nhà sàn tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhà mang kiến trúc của đồng bào Tày, Nùng Việt Bắc.

 

Cụm di tích Việt Nam giải phóng quân tại thành phố Thái Nguyên gắn liền với sự kiện lịch sử diễn ra thời kỳ cả nước sục sôi đứng lên giành chính quyền Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Từ kết quả khảo sát, căn cứ tư liệu lịch sử, cụm di tích Việt Nam giải phóng quân thuộc loại hình di tích lịch sử với 3 điểm di tích đó là: Chùa Đán (phường Thịnh Đán), địa điểm đình Hàng Phố và địa điểm Khu chủ sự Nhà Đèn (phường Trưng Vương). Cụm di tích vừa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia.

Chùa Đán xưa kia vốn là một ngôi chùa làng của làng Đán. Chùa được nhân dân xây dựng vào thời nhà Nguyễn với kiến trúc nhỏ, khiêm nhường. Chùa có 3 gian trình tường, vì kèo quá giang bào trơn đóng bén, mái lợp ranh. Chùa Đán tồn tại đến thời kỳ bắt đầu kháng chiến chống Pháp thì thực hiện “tiêu thổ kháng chiến” (1947). 

Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, ngôi chùa được cán bộ Việt Minh dùng làm chốn đi về, gặp gỡ, bàn chuyện đánh Pháp, đuổi Nhật, giành lại độc lập, tự do. Ngày 16/8/1945, đồng chí Võ Nguyên Giáp đưa quân chủ lực từ Cây đa Tân Trào, huyện Sơn Dương (Tuyên Quang) sang giải phóng thị xã Thái Nguyên. Khi đến Thái Nguyên, Đại tướng đã lựa chọn chùa Đán làm “đại bản doanh”, tập kết quân, dân, và làm “trụ sở” chỉ huy tiến đánh Nhật đang co cụm trong trung tâm thị xã. Tại đây, ngày 19/8/1945, đồng chí Võ Nguyên Giáp thay mặt Bộ Chỉ huy Quân Giải phóng và Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc cùng đồng chí Trần Đăng Ninh và cán bộ chỉ huy bàn và thông qua kế hoạch tác chiến đánh Nhật trong tỉnh lỵ Thái Nguyên.

Năm 1993, chùa được phục hồi tường gạch, mái lợp ngói vuông, xung quanh cảnh chùa thoáng đãng, rộng rãi. Chùa được thiết kế theo bố cục kiểu chữ Đinh (T) gồm 1 nếp nhà tiền đường và nhà hậu cung, phần vì kèo cột cái, cột quân đều được làm bằng gỗ quý. Trên nóc chùa có đắp tên “Thịnh Đán tự”, các bờ nóc và bờ dải có đắp con kim và con sô. Xung quanh nhà tiền được thiết kế dãy hành lang dựng cột đá 4 mặt trên chạm khắc hoa văn câu đối. Sau chùa có nhà tổ kiến trúc theo kiểu tường đầu hồi, bít đốc, trong nhà vì kéo, các hệ thống cột cũng được làm bằng gỗ quý, mái lợp ngói vảy rồng. Trong chùa Đán được bài trí các bàn thờ và tượng phật giống các chùa ở làng quê Việt Nam. 

Ngoài các hạng mục trên, trước sân chùa Đán có cây đa do Đại tướng Võ Nguyên Giáp trồng khi về thăm cán bộ, nhân dân phường Thịnh Đán ngày 13/8/1998. Cũng tại đây, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã kể chuyện lịch sử cho cán bộ và nhân dân Thịnh Đán về những ngày chiến đấu đánh quân Nhật ở thị xã Thái Nguyên (ngày 19 và 20/8/1945). Đại tướng nói: “Lúc trước, khi bộ đội ta đến đây, dân làng Đán đã đùm bọc và giữ bí mật rất tốt cho quân cách mạng. Ngày nay dân làng Đán cần phấn đấu gương mẫu, đoàn kết, làm ăn giỏi như mong muốn của Bác Hồ”.

Xem thêm
image

Địa danh liên quan

Danh sách khách sạn


Đánh giá của khách hàng

0.0
Tổng
0 đánh giá
Rate
0.0 / 5.0
Hiện tại chưa có đánh giá nào cho mục này. Hãy là người đầu tiên đánh giá!

Đánh giá của bạn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được hiển thị.