Chùa Thầy Quốc Oai Hà Nội
Hà Nội
Mô tả
Chùa Thầy Quốc Oai Hà Nội là một trong những ngôi chùa sở hữu cảnh quan vô cùng xinh đẹp kết hợp với thiên nhiên tươi đẹp nơi đây. Chùa Thầy Quốc Oai Hà Nội còn là nơi lưu dấu tu hành của một vị cao tăng thời nhà Lý – Thiền sư Từ Đạo Hạnh. Ngôi chùa cổ kính từ bao đời nay đã luôn là một điểm du lịch tâm linh của người dân Hà Thành nói riêng và người dân của đất nước hình chữ S nói chung. Phong cảnh non nước hữu tình cùng với lối kiến trúc độc đáo đã mang lại giá trị tôn giáo và lịch sử, góp phần tạo nên nét cuốn hút riêng biệt ở nơi đây.
1. Chùa Thầy Quốc Oai Hà Nội nằm ở đâu? Lịch sử của ngôi chùa
Chùa Thầy Quốc Oai Hà Nội có vị trí nằm ở chân núi Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Nội. Chùa Thầy - tên chữ là Thiên Phúc Tự, nằm gối đầu vào núi Phật Tích hay còn gọi là núi Thầy, được xây dựng từ thời nhà Lý và gắn liền với giai thoại, truyền thuyết về cuộc đời Thiền sư Từ Đạo Hạnh. Đây là một quần thể di tích và danh thắng nổi tiếng với nhiều điểm tham quan hấp dẫn như quán Tam Xã, đình Thuỵ Khuê, hang Cắc Cớ, vườn trúc Lữ Gia… nhưng giá trị kiến trúc nổi bật nhất của khu di tích chùa Thầy lại nằm ở ba toà của chùa Cả với những dấu ấn đặc trưng của kiến trúc thế kỷ XVII.
Chùa Thầy sở hữu lối kiến trúc nghệ thuật độc đáo, đẹp mắt với những hình ảnh chạm khắc tượng trưng cho thời nhà Lý. Đặc biệt, với khung cảnh núi non hùng vĩ và hồ Long Trì, bạn như lạc vào chốn bồng lai tiên cảnh. Nếu có dịp đến khám phá phố cổ Hà Nội, chắc chắn bạn không nên bỏ lỡ hành trình khám phá quần thể Chùa Thầy đâu đấy.
2. Nên đến viếng thăm Chùa Thầy vào thời điểm nào?
Vào độ sau Tết Nguyên đán, bầu không khí ở đây rất mát mẻ, thoải mái hoàn toàn phù hợp để đi du xuân, trẩy hội. Đầu tháng 3 chính là mùa hoa gạo nở đỏ rực một khoảng trời nhìn vô cùng rực rỡ. Bạn sẽ có cho mình 1001 bức ảnh "sống ảo" thơ mộng ở đây đấy. Hoặc bạn cũng có thể chọn ghé thăm Chùa Thầy vào khoảng tháng 9, tháng 10 bởi lúc này tiết trời đầu thu rất trong lành và dễ chịu.
Đặc biệt, nếu bạn muốn khám phá lễ hội Chùa Thầy, trải nghiệm những nét văn hóa độc đáo thì nên lưu ý thời gian từ mùng 5 đến mùng 7 tháng 3 Âm lịch. Tuy nhiên, thời gian này chùa đón hàng trăm lượt khách thập phương ghé thăm nên bạn có thể cân nhắc, lựa chọn thời điểm vắng vẻ hơn để thưởng ngoạn nhé. Tùy theo sở thích mà bạn hãy lên lịch trình đến thăm Hà Nội vào một ngày nào đó và ghé thăm nơi đây vào thời điểm đẹp trong năm nhé.
3. Cách di chuyển đến Chùa Thầy
Hiện nay đã có rất nhiều phương tiện di chuyển đến Hà Nội thoải mái và an toàn cho du khách tha hồ lựa chọn. Sau khi đến thủ đô, bạn có thể tham khảo một số tuyến đường liệt kê dưới đây để đến Chùa Thầy nhé.
- Di chuyển dọc theo tuyến đường Đại lộ Thăng Long (CT08) tới nút giao Sài Sơn thì rẽ ra khỏi cao tốc, đi về phía bên phải khoảng 3km nữa sẽ thấy các thông tin chỉ dẫn phân làn phương tiện vào nơi gửi xe.
- Di chuyển theo đường gom Đại lộ Thăng Long, ở cung đường này các bạn lưu ý rằng trên Đại lộ Thăng Long cấm xe máy nên đừng di chuyển vào đây nhé, từ ngã 4 Big C – Trần Duy Hưng đến điểm rẽ vào Chùa Thầy khoảng 15km.
- Tuyến xe buýt: Từ trung tâm Hà Nội các bạn có thể bắt tuyến buýt CNG01 có lộ trình Bến xe Mỹ Đình - Bến xe Sơn Tây, xe buýt sẽ dừng ngay trước cổng vào Chùa Thầy, vô cùng tiện lợi.
4. Khám phá nét độc đáo của Chùa Thầy
4.1 Khuôn viên quần thể kiến trúc Chùa Thầy
Chùa Thầy được xây dựng trên thế đất hình con rồng ở đất Hà Thành. Phía trước chùa là một sân được lát gạch, tầm nhìn hướng thẳng ra hồ Long Trì hệt hình hàm trên của rồng; bờ hồ phía bên trái chính là hàm dưới.
Ở giữa hồ Long Trì xây có thủy đình cổ kính được ví như viên ngọc tỏa ánh hào quang rực rỡ trong miệng rồng thiêng. Nơi đây vào các ngày lễ hội sẽ trở thành sân khấu của các nghệ sĩ múa rối nước vô cùng đặc sắc.
Ngoài ra, còn có 2 cây cầu Nhật tiên kiều và Nguyệt tiên được xây dựng theo kiểu kiến trúc “thượng gia hạ kiều” trông giống hệt 2 râu rồng vậy.
4.2 Khám phá những ngôi chùa cổ kính nằm trong Chùa Thầy
Được xây dựng theo lối kiến trúc “tiền Phật hậu Thánh” kiểu chữ Tam gồm ba tòa nằm song song với nhau là chùa Hạ, chùa Trung, chùa Thượng. Tòa ngoài là nhà tiền tế hay còn gọi là chùa Hạ - là nơi lễ bái của các tăng ni phật tử đến hành hương và cũng là nơi giảng kinh của các nhà sư đắc đạo. Tòa giữa là trung điện hay chùa Trung. Nơi đây là để thờ cúng Tam Bảo, bàn thờ Phật, tượng Hộ pháp, tượng Thiên Vương. Đi sâu thêm một đoạn, bạn sẽ bắt gặp chùa Thượng nằm tách biệt so với chùa Hạ và chùa Trung. Ở đây thờ tượng Di Đà tam tôn, Thích Ca, tượng ba kiếp (Tăng, Phật và Đế vương) của thiền sư Từ Đạo Hạnh. Phía sau chùa còn có lầu chuông đồng, lầu trống do bà Chúa Chè – tuyên phi Đặng Thị Huệ xin chúa Tĩnh Đô Vương Trịnh Sâm cho xây dựng ngày trước. Đi dọc theo đường lên phía trên núi, bạn sẽ đến viếng thăm chùa Cao, vốn là Hiển Thụy am – nơi tu hành đầu tiên của Thiền sư Từ Đạo Hạnh. Càng lên núi cao, bạn sẽ bắt gặp các hang động nhỏ hang Bụt Mọc, hang Bò, hang Gió và ngôi chùa Một Mái (chùa Bối Am). Chùa Một Mái là một công trình kiến trúc nghệ thuật cực kỳ đặc sắc và ấn tượng bởi ngôi chùa nằm tựa vào vách núi cao hiểm trở và chỉ có một mái che mà thôi. Lên đến đỉnh núi, bạn sẽ ghé vào khám phá hang Cắc Cớ sâu hút hút với nhiều giai thoại bí ẩn được lưu truyền từ thời ông cha ta đến nay. Tương truyền, động có tới 9 tầng tượng trưng cho 9 tầng địa ngục, tuy vậy ít ai xuống tới tầng thứ 2, 3 bởi đường xuống rất hiểm trở và nguy hiểm.
5. Tham gia lễ hội nổi tiếng của Chùa Thầy
Diễn ra từ mùng 5 đến mùng 7 tháng 3 Âm lịch hàng năm (mùng 7 là ngày hội chính). Vào mỗi dịp lễ hội, chùa Thầy đã thu hút hàng ngàn du khách thập phương về đây để góp vui, trẩy hội.
Hội được mở đầu bằng lễ cúng Phật và chạy đàn - một diễn xướng có tính chất tôn giáo với sự phối hợp của các nhạc cụ dân tộc, trang nghiêm. Các tăng ni, Phật tử và du khách khi đến đây đều bị cuốn hút theo nhịp hát kinh của các nhà sư.
Ngoài ra, đây cũng là dịp để bạn có thể đến dâng hương khấn Phật cầu bình an, may mắn và cầu duyên cho một năm mới nữa đấy. Đặc biệt, bạn còn có cơ hội xem các buổi trình diễn múa rối nước đặc sắc với sân khấu ở ngay trước Thủy Ðình. Có nhiều tích trò rối như Thạch Sanh, Tấm Cám hay các cảnh sinh hoạt dân dã như đi cày, chăn vịt, đấu vật được tái hiện sống động.
6. Một số lưu ý khi đến viếng thăm Chùa Thầy
- Chùa là nơi linh thiêng, tôn nghiêm nên bạn nhớ ăn mặc trang nhã, nên mặc áo dài tay, quần hoặc váy dài qua gối để tỏ lòng thành kính.
- Để tiết kiệm chi phí, bạn có thể mang theo đồ ăn và nước uống đi đường. Tuy nhiên, bên ngoài cổng chùa cũng có nhiều hàng quán để bạn lấp đầy cơn đói bụng.
- Không để người dân sắp lễ bởi đôi lúc họ sẽ ép giá đắt hơn bình thường đấy.
- Di chuyển tham quan khuôn viên chùa theo bản đồ ngôi chùa, không nên để người dân thuyết trình vì bạn sẽ phải mất khoảng 100.000 - 300.000 VNĐ tiền phí hướng dẫn.
- Nếu muốn tham gia bất kỳ dịch vụ hay mua đồ lưu niệm để làm quà, bạn hãy nhớ hỏi giá trước và thương lượng để tránh phải trả giá quá đắt nhé.
Địa danh liên quan
Danh sách khách sạn
Đánh giá của khách hàng
0.0
Tổng
0 đánh giá
Rate
0.0 / 5.0
Hiện tại chưa có đánh giá nào cho mục này. Hãy là người đầu tiên đánh giá!
Đánh giá của bạn
Địa chỉ email của bạn sẽ không được hiển thị.