>
>
>
>
>
Khu di tích Đại thi hào Nguyễn Du
Khu di tích Đại thi hào Nguyễn Du
Thị trấn Tiên Điền, Huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh
Mô tả
Khu di tích Đại thi hào Nguyễn Du là một trong những điểm tham quan văn hóa - lịch sử thu hút đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước. Đến đây, du khách thắp nén hương thơm tưởng nhớ đến những đóng góp to lớn của cụ cho nền văn học nước nhà. Những người đã trót yêu những vần thơ lục bát của Kiều, hay chỉ đơn giản là ngưỡng mộ tài năng của vị Đại thi hào dân tộc, đều chọn đây là địa điểm nhất định phải đến mỗi khi có dịp đặt chân đến vùng đất của núi Hồng, sông La hùng vĩ và thơ mộng.
1. Nguyễn Du là ai?
Nguyễn Du (1765 - 1820), tên chữ là Tố Như, hiệu là Thanh Hiên, quê là làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Ông xuất thân trong gia đình quý tộc, có cha là Nguyễn Nghiễm, từng giữ chức Tể tướng dưới triều Lê - Trịnh.
Năm Quý Mão 1783, Nguyễn Du dự khoa thi Hương ở trường Sơn Nam và đậu Tam trường (Tú tài). Mặc dù từng làm quan nhưng ông lại được hậu thế đánh giá cao ở sự nghiệp văn chương với các tác phẩm thơ chữ Hán hay chữ Nôm, có thể kể đến như:
- Thơ chữ Hán: Thanh Hiên thi tập, Nam Trung tạp ngâm, Bắc hành tạp lục...
- Thơ chữ Nôm: Đoạn Trường Tân Thanh, Văn tế thập loại chúng sinh, Văn tế Trường Lưu nhị nữ...
Nguyễn Du mất ở Huế năm 1820. Đến năm 1824, người ta cải táng ông và đưa về quê nhà Tiên Điền, Hà Tĩnh.
2. Lịch sử xây dựng khu di tích Nguyễn Du
Ngôi nhà thờ Nguyễn Du được xây dựng năm 1825 tại quê nhà của ông ở xóm Tiền Giáp. Hơn 400 sinh sống tại xã Tiên Điền, con cháu dòng họ Nguyễn Tiên Điền đã xây dựng nên một số đền, chùa, văn bia, cầu cống, đình làng...
Đến năm 1962, khi quyết định thành lập khu di tích, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Tĩnh đã cho phục dựng và làm mới nhiều công trình. Di tích Nguyễn Du hiện nay có tổng diện tích khoảng 28.562m2, thuộc địa bàn thôn Hồng Lam, xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh.
Những năm gần đây, khu di tích Nguyễn Du đã được đầu tư theo hướng trở thành một khu du lịch quốc gia và trở thành địa điểm du lịch Hà Tĩnh về văn hóa - lịch sử thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước.
3. Cách di chuyển đến khu di tích Nguyễn Du
Khu di tích Nguyễn Du Hà Tĩnh được xây dựng để các văn sĩ, nho sĩ và du khách trong và ngoài nước yêu quý Truyện Kiều và cụ Nguyễn Du đến thắp hương tưởng niệm.
Cách di chuyển đến khu di tích Nguyễn Du như sau:
- Từ TP. Vinh: Theo đường quốc lộ 1A, qua cầu Bến Thủy là đến địa phận thị trấn Xuân An, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh. Du khách tiếp tục đi theo quốc lộ 8B khoảng 4km là đến khu di tích Đại thi hào Nguyễn Du.
- Từ TP. Hà Tĩnh: Theo đường quốc lộ 1A về phía Bắc 45km, đến thị trấn Xuân An, rẽ phải theo biển chỉ dẫn, đi khoảng 6km là đến khu di tích Nguyễn Du.
4. Tham quan bên trong khu di tích Đại thi hào Nguyễn Du
Khu di tích Nguyễn Du nằm trong quần thể di tích dòng họ Nguyễn ở Tiên Điền. Quần thể này bao gồm nhiều di tích như đền thờ Đại Vương tiến sĩ Nguyễn Huệ; đền thờ Nguyễn Nghiễm, Nguyễn Trọng; đàn tế Nguyễn Quỳnh; 2 ngôi nhà Tư Văn; khu mộ Đại thi hào Nguyễn Du, bảo tàng Nguyễn Du và nhà thờ Nguyễn Du.
Nổi bật tại khu di tích là bức tượng cụ Nguyễn Du được đúc bằng đồng với chiều cao từ bệ tượng lên đến đỉnh tượng là 4m, được làm bằng đồng, khăn đóng áo dài, tay cầm bút lông, toát lên thần thái nho nhã của Đại thi hào dân tộc.
Tiếp đến là ngôi nhà thờ Nguyễn Du được xây dựng vào năm 1825. Bàn thờ được xây bằng vôi cát, phía trên là bài vị bằng đá khắc dòng chữ “Thanh Hiên Nguyễn Tiên Sinh” và bức hoành phi đề 4 chữ “Hồng Sơn thế phả” được Hoàng Phù Phái đời nhà Thanh triều Càn Long trao tặng.
Đi sâu vào bên trong khu di tích là khu tưởng niệm Nguyễn Du với nhà tiếp khách và bảo tàng. Nơi đây lưu giữ hơn 1.000 hiện vật, tư liệu về Nguyễn Du và dòng họ Nguyễn Tiên Điền: các bản Kiều Nôm cổ, nghiên mực, chén uống trà, móc treo mũ áo,...
Ghé thăm di tích lịch sử Hà Tĩnh - Nguyễn Du, du khách trong và ngoài nước được nghe thuyết minh về khu di tích Nguyễn Du và tìm hiểu về những giá trị di sản văn hóa to lớn mà Đại thi hào và Truyện Kiều đã để lại.
Khu trưng bày sách hiện có hơn 500 ấn phẩm nghiên cứu thân thế, sự nghiệp của Nguyễn Du. Đặc biệt hơn, tại đây còn có thêm 47 bản sưu tập Truyện Kiều bằng chữ Hán và chữ Nôm được số hóa từ bản Truyện Kiều năm 1866.
Bên trong khu lưu niệm Nguyễn Du còn được đặt 2 bức đại tự. Phía trên có đề ''Hồng Sơn phế tổ'' do đại thần nhà Thanh tặng dòng họ Nguyễn Tiên Điền, có ý nghĩa là dòng dõi nổi tiếng dưới chân núi Hồng. Phía dưới là ''Thiên môn tái đăng'', có nghĩa là lên cửa trời do Chu Lễ cháu 24 đời của Chu Công tặng Nguyễn Đề năm 1795.
Về phần mộ cụ Nguyễn Du, nhiều người đặt câu hỏi không biết mộ Nguyễn Du ở đâu. Sau nhiều lần di dời, con cháu của cụ hiện đã cải táng và đưa cụ đến xứ Đồng Cùng, giữa một vùng cát rộng.
Địa danh liên quan
Danh sách khách sạn
Đánh giá của khách hàng
0.0
Tổng
0 đánh giá
Rate
0.0 / 5.0
Hiện tại chưa có đánh giá nào cho mục này. Hãy là người đầu tiên đánh giá!
Đánh giá của bạn
Địa chỉ email của bạn sẽ không được hiển thị.