Mô tả
Phước Minh Cung còn có các tên gọi khác là Chùa Quan Thánh đế hay Chùa Ông là cơ sở tín ngưỡng tiêu biểu của cộng đồng người Hoa trên địa bàn tỉnh Trà Vinh.
Như tên gọi chùa Quan Thánh đế, vị thần chính được thờ tại Phước Minh cung là Quan Công, tức Quan Vũ hay Quan Vân Trường – viên tướng văn võ song toàn, nổi tiếng trung hiếu tiết nghĩa của lịch sử Trung Hoa thời Tam quốc. Sau khi ông mất tương truyền hiển thánh và việc thờ cúng Quan Thánh đế trở thành tín ngưỡng phổ biến như một giá trị văn hóa truyền thống khắp đất nước Trung Hoa. Trước những biến động của đất nước, nhiều thế hệ người Hoa di cư ra nước ngoài tìm kế sinh nhai, trong đó có bộ phận đến Trà Vinh, đã mang theo tín ngưỡng thờ Quan Thánh đế vừa cầu mong sự phò trợ của ngài, vừa để giữ gìn bản sắc văn hóa cội nguồn cho các thế hệ cháu con sinh ra, lớn lên nơi đất khách quê người.
Cùng được phối tự với Quan Thánh đế tại Phước Minh Cung còn có Phước đức chính thần, Chúa sanh nương nương và hai vị tùy tướng của Quan Thánh đế là Quan Bình và Châu Xương.
Phước đức chính thần trong quan niệm của người Hoa Trà Vinh là sự đồng nhất giữa Thổ công, Thần tài và Bổn đầu công. Riêng Bổn đầu công, hay còn gọi là ông Bổn là viên quan có tên Trịnh Tu Hòa – người được hoàng đế nhà Minh cử đi thương thuyết với triều đình các nước Đông Nam Á tạo điều kiện cho Hoa kiều làm ăn, sinh sống.
Phước sanh nương nương hay còn gọi là Mẹ Thai sanh, trong quan niệm của người Hoa, là vị nữ thần cai quản việc sinh đẻ, nuôi dưỡng trẻ con.
Phước Minh cung tọa lạc tại số 44 đường Điện Biên Phủ, Phường 3, thành phố Trà Vinh. Phường 3 là phường trung tâm thương mại sầm uất, có đông đồng bào Hoa cư trú, rất thuận tiện các hoạt động văn hóa tâm linh không chỉ tại địa phương mà cả cộng đồng Hoa kiều cư trú khắp các tỉnh Nam bộ.
Khuôn viên ngôi chùa rộng hơn 800 m2, cửa trước quay về hướng đông ra mặt tiền đường Điện Biên Phủ, cửa sau quay về hướng tây ra đường Lê Lợi. Cũng như nhiều ngôi chùa người Hoa khác, Phước Minh cung có kiến trúc theo kiểu “nội công ngoại quốc” (bên trong là chữ “Công”, vòng ngoài là chữ “Quốc”). Mặt bằng tổng thể gồm ba tòa nhà tiền điện, trung điện và chính điện song song nhau; dọc hai bên có hai dãy nhà Tả điện và Hữu điện đối diện nhau, tạo thành hình chữ “Khẩu”. Giữa các tòa nhà có sân thiên tĩnh và hành lang thông thương nhau. Toàn bộ các tòa nhà đều thiết kế theo tầng bậc và lợp ngói lưu ly. Mặt dựng đầu hồi trang trí bằng các đồ án truyền thống Trung Quốc như lưỡng long tranh châu, bát tiên, hoa lá, muông thú…
Từ cửa chính bước vào qua khoảng sân hẹp là ngôi Tiền điện. Tiền điện có 16 trụ cột bằng gỗ lim sơn màu son, trong đó có 4 cột vuông trên táng đá tròn và 12 cột tròn trên táng đá vuông, biểu trưng của âm dương hòa hợp. Sảnh Tiền điện cũng là mặt tiền của ngôi chùa nên được trang trí rất công phu. Cửa chùa bằng gỗ quý với bốn cánh là bốn bức bích họa thể hiện hình tượng bốn vị danh tướng Trung Hoa là Tần Thúc Bảo, Uất Trì Cung, Từ Mậu Công và Ngụy Trưng. Phía trên là bức đại tự “PHƯỚC MINH CUNG” bằng chữ Hán cùng các phù điêu thể hiện đề tài truyền thống như Song tiền, Đào viên kết nghĩa, tứ dân… Bao lam được chạm trổ hình lưỡng phụng tranh châu, tượng trưng nguyện vọng âm dương hòa hợp, con người và vạn vật sinh sôi phát triển. Tiền điện là nơi thờ Ngọc hoàng thượng đế ở án giữa cùng phối tự Tiên hiền – Hậu hiền hai bên tả hữu.
Trung điện là tòa nhà nhỏ hình vuông, có bốn cột đều vuông trên táng đá tròn. Đây là nơi thiện nam tín nữ thập phương tề tựu chuẩn bị lễ vật cúng tế trước khi bước vào ngôi Chính điện.
Chính điện là tòa nhà cân đối với Tiền điện với 16 cột tròn trên táng đá vuông. Ngôi chính điện được chia thành ba gian:
– Gian trung tâm đặt án thờ Quan Thánh đế quân dưới bức đại hoành phi bằng chữ Hán “Càn khôn chính khí”. Ba pho tượng Quan Vân Trường ở giữa cùng Quan Bình, Châu Xương hầu hai bên với ngựa Xích thố bằng mây.
– Gian trái đặt án thờ Chúa sanh nương nương dưới bức hoành phi “Tải sinh tải dục” bằng chữ Hán.
– Gian phải đặt án thờ Phúc đức chính thần dưới bức hoành phi “Uy linh uy đức” bằng chữ Hán.
Trước các án thờ từ Tiền điện vào Chính điện được bố trí nhiều vật linh thờ cúng như trống, chuông, thư quyển, bát bửu, lỗ bộ, lư trầm, lư hương, chân đèn…, trong đó có một số cổ vật trên trăm năm tuổi. Các án thờ bằng chất liệu gỗ quý được chạm khắc, sơn phết tỉ mỉ, tinh xảo.
Toàn bộ tường vách, trụ cột ngôi chùa được sơn chủ đạo là màu son. Trên vách được trang trí bằng các bức bích họa, phù điêu và chạm trỗ gỗ với các chủ đề mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống của người Hoa như bát tiên, long vân, lưỡng long tranh châu, Đào viên kết nghĩa… cùng hệ thống các bức hoành phi, liễn đối bằng chữ Hán thể hiện lòng ngưỡng vọng đối với trời đất, công ơn dưỡng dục sinh thành, đề cao khí phách trung liệt, tiết nghĩa, thuận hòa… Tất cả các tác phẩm mỹ thuật được bố trí một cách hài hòa, chặt chẽ từ chủ đề tư tưởng, màu sắc, bố cục… thể hiện ước mơ của các thế hệ người Hoa trên vùng đất Trà Vinh về một thiên nhiên phong điều vũ thuận, con người và vạn vật không ngừng sinh sôi phát triển.
Phước Minh cung thực sự là một “Bảo tàng mỹ thuật truyền thống” của cộng đồng người Hoa trên địa bàn Trà Vinh cũng như cả Nam bộ.
Cơ sở tín ngưỡng Phước Minh cung gắn liền với lễ hội văn hóa dân gian Nguyên tiêu thắng hội, diễn ra vào đêm Mười bốn và suốt ngày Rằm tháng Giêng âm lịch hàng năm. Ban đầu, đây là lệ cúng Vía Đức Quan Thánh đế hiển thánh vào ngày mồng Bốn tháng Giêng âm lịch. Dần dần, để thuận lợi hơn cho người dân địa phương cũng như thiện nam tín nữ gần xa, lễ hội được tổ chức vào dịp Nguyên tiêu.
Từ chiều Mười bốn âm lịch, Ban Quản trị Phước Minh cung đã trang hoàng cờ phướn, cờ nheo, lồng đèn đỏ… từ bên trong ra bên ngoài ngôi chùa và dọc tuyến phố Điện Biên Phủ cùng với tiếng trống, tiếng chuông, tiếng nhạc dàn “lầu cấu”… tạo ra một không khí lễ hội nào nức lòng người. Hàng chục ngàn người dân tại thành phố Trà Vinh, các huyện, thị xã trong tỉnh và đông đảo người Hoa từ khắp các tỉnh thành Nam bộ cùng về tham dự. Họ đến với tất cả lòng thành kính cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, mua bán hanh thông, gia đình hạnh phúc, xã hội no ấm an vui. Nhiều trò chơi dân gian như múa lân, múa rồng, múa sư tử cùng dàn nhạc các bang hội người Hoa, dàn nhạc truyền thống người Kinh, người Khmer thay nhau trỗi lên trong suốt đêm Mười bốn và trọn ngày Rằm tháng Giêng âm lịch.
Với các giá trị văn hóa về nghệ thuật kiến trúc, hội họa, điêu khắc, âm nhạc truyền thống cũng như vai trò của ngôi chùa trong đời sống văn hóa tâm linh của cộng đồng người Hoa, vai trò củng cố tình đoàn kết các dân tộc cùng cộng cư trên vùng đất Trà Vinh, Phước Minh cung đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia vào năm 2005.
Ngày nay, Phước Minh cung là địa chỉ du lịch văn hóa tâm linh sắc thái dân tộc Hoa và là một địa chỉ quan trọng trong hệ thống chuỗi địa chỉ du lịch trên địa bàn thành phố Trà Vinh.
Địa danh liên quan
Đánh giá của khách hàng
Đánh giá của bạn
Địa chỉ email của bạn sẽ không được hiển thị.