>
>
>
>
Quảng trường Ba Đình
Quảng trường Ba Đình

Quảng trường Ba Đình

Mô tả

Quảng trường Ba Đình là nơi diễn ra các cuộc diễu binh, diễu hành vào những ngày lễ lớn, quang trọng của đất nước và đặc biệt đã trải qua những sự kiện mang tính lịch sử của dân tộc. Nơi đây là địa điểm mang những dấu mốc quan trọng với ý nghĩa to lớn về mặt lịch sử, cùng với không khí hào hùng, trang trọng mãi còn đây, khiến bất kỳ ai đến đây cũng cảm thấy tự hào, tình yêu nước dâng trào. 

 

1. Giới Thiệu Quảng Trường Ba Đình, Hà Nội
Quảng trường Ba Đình được đánh giá là quan trọng và lớn nhất Việt Nam, với công trình nổi bật nhất là Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Quảng trường Ba Đình ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của Việt Nam, đặc biệt là vào ngày 2 tháng 9 năm 1945, khi Chủ tịch Chính phủ Cách mạng lâm thời Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt nam Dân chủ Cộng hòa.
Quảng trường Ba Đình ngày nay là một khuôn viên lớn có sức chứa khoảng 20 vạn người. Khuôn viên quảng trường được tô điểm bởi hàng trăm ô cỏ vuông vức, xen giữa là lối đi rộng. Những ô cỏ này không chỉ để tăng không gian xanh cho quảng trường, mà còn có tác dụng giải nhiệt mặt sân bê tông. Loại cỏ được trồng tại quảng trường là cỏ gừng, vừa xanh tốt quanh năm mà nếu lỡ có bị giẫm đạp thì vẫn chịu được. Giữa quảng trường là cột cờ cao 25m, và nằm sau cột cờ chính là Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
 
2. Lịch Sử Quảng Trường Ba Đình
Năm 1808, dưới thời vua Gia Long, Hoàng Thành được cho phá dỡ để xây lại một ngôi thành mới, nhỏ hơn, để làm trụ sở cho Bắc Thành. Khu vực Quảng trường Ba Đình ngày nay chính là cửa Tây của ngôi thành mới. Năm 1831, vua Minh Mạng đặt tên ngôi thành mới là thành Hà Nội.
Đến đầu thế kỷ XX, khu vực này là bãi đất hoang, cùng hồ ao mới được san lấp. Người Pháp đã cho xây dựng vườn hoa, đặt tên là Rond Point Puginier, hay còn gọi là Quảng trường Tròn. Xung quanh Vườn hoa Pugininer này một số công trình công sở, biệt thự như: Phủ Toàn quyền (1902), nay là Phủ Chủ tịch, trường Albert Sarraut (1919), nay là Cơ quan Trung ương Đảng và Sở Tài chính (1925), nay là Trụ sở Bộ Ngoại giao.
Tên Quảng trường Ba Đình là do thị trưởng - bác sĩ Trần Văn Lai đặt. Ông chọn tên Ba Đình vì cảm phục nghĩa quân Đinh Công Tráng đã kiên cường chống Pháp ở căn cứ Ba Đình, Thanh Hóa vào những năm cuối thế kỷ XIX.
Tháng 8/1945, sự kiện Cách mạng tháng Tám thành công đã đưa nhân dân Việt Nam trở thành những người chủ thật sự của đất nước. Có nhiều địa điểm được đưa ra lựa chọn để làm nơi diễn ra Lễ Độc lập, và cuối cùng Quảng trường Ba Đình đã được chọn.
Và vào ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh, với tư cách là Chủ tịch Chính phủ Lâm thời, đã bước lên lễ đài để đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, kết thúc hàng nghìn năm phong kiến, phát xít và thực dân.
 
3. Quảng Trường Ba Đình Ở Đâu?
Quảng trường Ba Đình nằm trên đường Hùng Vương, thuộc phường Điện Bàn, quận Ba Đình.
Phía Bắc quảng trường là Văn phòng Trung ương Đảng Cộng Sản Việt Nam, phía Nam là trụ sở Bộ Ngoại giao, phía Tây Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và phía Đông là Hội trường Ba Đình.
 
4. Hướng Dẫn Cách Đi Quảng Trường Ba Đình
Nếu di chuyển bằng xe cá nhân, bạn nhớ ghi chú hai điểm gửi xe là:
  • Đường Ông Ích Khiêm, đối diện Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng
  • Đường Ngọc Hà, cổng vào Bảo tàng Hồ Chí Minh
 
Nếu chọn đi xe buýt, bạn có thể tham khảo một số tuyến có đi ngang Quảng trường Ba Đình như sau:
  • Xe số 09: Bờ Hồ – Bờ Hồ
  • Xe số 33: Bến xe Yên Nghĩa – Xuân Đỉnh
  • Xe số 22: Bến xe Gia Lâm – Kim Mã
  • Xe số 45: Times City – Bến xe Nam Thăng Long
  • Xe số 50: Long Biên – Sân vận động quốc gia
Ngoài ra, bạn còn có thể thử đi xe buýt hai tầng Hanoi City Tour khởi hành từ Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục đến Quảng trường Cách Mạng Tháng Tám. Ở mỗi lượt đi, bạn sẽ được tham quan 30 điểm danh thắng của thủ đô Hà Nội, trong đó có Quảng trường Ba Đình. Di chuyển bằng hình thức này rất được ưa chuộng bởi không chỉ vui, an toàn, mà bạn còn có thể nhìn ngắm phố phường Hà Nội một cách chậm rãi, thoải mái nhất.
 
5. Các Sự Kiện Ở Quảng Trường Ba Đình Đáng Chú Ý
Quảng trường Ba Đình không chỉ là nơi diễn ra các cuộc diễu binh và diễu hành nhân các ngày lễ lớn của Việt Nam, mà còn chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của nước nhà như:
  • Ngày 2/9/1945, Chủ tịch Chính phủ Cách mạng lâm thời Việt Nam Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
  • Ngày 1/1/1955, người dân Hà Nội tham gia mít tinh và cuộc duyệt binh đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam, mừng Trung ương Đảng Lao động Việt Nam và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trở về Hà Nội.
  • Ngày 9/9/1969, lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh được cử hành trọng thể.
  • Ngày 2/9/1975, cuộc diễu binh và diễu hành mừng đất nước thống nhất được tổ chức long trọng.
  • Ngày 10/10/2010, các cuộc mít tinh, diễu binh, và diễu hành với quy mô lớn được tổ chức mừng đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội.
  • Ngày 2/9/2015, lễ diễu binh kỷ niệm kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam cũng diễn ra tại quảng trường.
Ngoài ra, Quảng trường Ba Đình còn tổ chức nghi lễ Thượng cờ hàng ngày vào đúng 6h sáng mùa hè và 6h30 sáng mùa đông, và Hạ cờ vào 21h cùng ngày. Nghi lễ này được đội Tiêu binh danh dự thực hiện trước Lăng Chủ tịch.

 

Xem thêm
image

Địa danh liên quan

Danh sách khách sạn