>
>
>
>
>
Tháp Cánh Tiên Bình Định
Tháp Cánh Tiên Bình Định

Tháp Cánh Tiên Bình Định

Mô tả

Tháp Cánh Tiên Bình Định là một trong những tháp ít thấy trong lịch sử kiến trúc Chăm pa. Bình Định vốn được biết đến như là một trong những vùng đất của người Chăm pa cổ xưa vì thế nên là nơi đây còn sót lại rất nhiều di tích mang đậm nét văn hóa đặc trưng của người Chăm pa. Tháp Cánh Tiên là một trong số đó, đến nay tòa tháp vẫn giữ được khá nguyên vẹn các đường nét kiến trúc của mình và là điểm đến thường được nhắc tới khi du khách có dịp du lịch, tham quan Bình Định.

 

Tháp Cánh Tiên Bình Định xưa kia được đặt tại vị trí trung tâm của thành Đồ Bàn. Nếu có dịp được ghé thăm Bình Định thì du khách nhất định phải đặt chân đến đây một lần để ngắm nhìn trọn vẹn vẻ đẹp của tòa tháp.
 
1. Tháp Cánh Tiên Bình Định ở đâu?
Tháp Cánh Tiên Bình Định có vị trí nằm trên một quả đồi thuộc địa phận thôn Nam Tân, xã Nhơn Hậu, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định. Tòa tháp này vừa là một công trình kiến trúc mang tính tôn giáo, vừa mang cả tính lịch sử và là nơi thờ Nữ thần Y A Na.
Từ vai tháp trở lên, bốn phía tháp giống như cánh tiên bay lên vì thế mà được gọi là tháp Cánh Tiên. Bên cạnh đó, còn có một cái tên gọi khác của người Pháp thì là tháp Đồng, trong tiếng Pháp là Tour de Curve.
 
2. Vài nét về tháp Cánh Tiên
Xưa kia, tháp được là vị trí trung tâm bên trong quần thể di tích thành Đồ Bàn trên địa phận xã Nhơn Hậu. Điểm riêng biệt của tháp là phía bên trong các cột ốp tường được ốp kín bằng các phiến đá sa thạch được chạm khắc hoa văn hình dây xoắn vô cùng tinh tế, tỉ mỉ. Ngôi tháp được tạo dáng thanh thoát nhưng không kém phần trang nghiêm, tháp có 4 tầng thu nhỏ về phía trên, tầng nào cũng có 4 tháp góc trang trí, mỗi góc lại có những tầng nhỏ, tạo dáng lá lật nhỏ dần về phía trên tạo cảm giác như cánh chim đang bay, từ vai tháp trở lên, 4 phía đều giống như cánh tiên bay lên nên được gọi là Tháp Cánh Tiên.
Tháp được xây dựng vào thời vua Chế Mân nên có truyền thuyết cho rằng: đây là ngôi tháp vua Chế Mân dành tặng cho hoàng hậu Paramecvari tức Huyền Trân Công Chúa, người con gái Việt cao quý đã cùng ông kết mối lương duyên trong lịch sử.
 
3. Cách di chuyển đến Tháp Cánh Tiên từ Quy Nhơn
Tháp Cánh Tiên được xây dựng trên đồi cao. Từ xa xa khi đi đến đầu xã chúng ta có thể thấy lấp ló bóng dáng tháp. Từ thành phố Quy Nhơn, bạn đi theo hướng Quốc lộ 1A, để thăm thú Chùa Thiên Hưng – Ngôi chùa đẹp nhất Quy Nhơn, sau đó bạn tiếp tục di chuyển thẳng Quốc lộ 1A. Khi đã đặt chân đến địa phận An Nhơn, bạn đến Thôn Nam Tân sẽ thấy ngay Tháp Cánh Tiên
 
4. Giá vé và giờ hoạt động của tháp Cánh Tiên
Nơi đây sẽ mở cửa hoạt động để đón du khách vào khoảng thời gian từ 7h30 - 11h30 sáng và chiều sẽ là từ 14h00 - 16h30 là đóng cửa. Du khách lưu ý thời gian để đến tham quan nhé. Để vào được bên trong, du khách sẽ phải tốn một khoản nhỏ cho giá vé là 10.000 VNĐ/ lần/ người, đối với trẻ em dưới 6 tuổi, những thương binh, bệnh binh mà có thẻ và người khuyết tật thì sẽ được hoàn toàn miễn phí.
 
5. Tên gọi "Tháp Cánh Tiên" xuất phát từ đâu?
Tháp Cánh Tiên là ngôi tháp có vị trí đặc biệt, nằm ở trung tâm thành Đồ Bàn – kinh đô của vương quốc Chămpa xưa, đây là ngôi tháp duy nhất còn lại trong kinh thành Đồ Bàn cho đến hiện nay. Từ xưa đến nay, tháp có nhiều tên gọi khác nhau. Trong sách Đại Nam nhất thống chí, tháp có tên gọi nữa là “Nam An cổ tháp” là tên gọi theo địa danh nơi tháp tọa lạc.
Cũng trong Đại Nam nhất thống chí, tháp có tên dân gian là Cánh Tiên, giải thích cho tên gọi này, người ta cho rằng: vì “từ vai tháp trở lên, chu vi bốn phía ngó giống cánh tiên bay lên, nên cái tên "Cánh Tiên ra đời từ đó”. Trong tư liệu của người Pháp, tháp có tên là tháp Đồng. Tuy nhiên, Cánh Tiên là tên gọi phổ biến nhất cho ngôi tháp này và từ tên gọi này càng làm tôn thêm vẻ đẹp duyên dáng và thanh thoát của ngôi tháp.
 
6. Kiến trúc đặc sắc của Tháp Cánh Tiên
Trong số những tháp cổ Chămpa hiện còn tồn tại thì tháp Cánh Tiên là một trong những kiến trúc còn khá nguyên vẹn, hoàn chỉnh và thuộc nhóm những cụm tháp ít thấy trong lịch sử Chămpa – khu đền chỉ có một tháp, bởi vì về cấu trúc quần thể, các tháp Chăm thường tập hợp theo hai loại: Loại thứ nhất là các quần thể kiến trúc bộ ba gồm ba tháp song song thờ 3 vị thần của 5 Ấn Độ giáo là Brahma, Visnu, Siva; loại thứ hai là các quần thể gồm nhiều tháp, trong đó có một tháp trung tâm thờ thần Siva và các tháp phụ vây quanh. Riêng tháp Cánh Tiên lại là một kiến trúc khác biệt hơn, cho đến nay, qua nhiều đợt điều tra vẫn chưa phát hiện ra các dấu tích của tường bao cũng như của các kiến trúc phụ khác quanh tháp Cánh Tiên.
Về vị trí, tháp Cánh Tiên được xây dựng trên quả đồi ở trung tâm của kinh đô Đồ Bàn xưa. Xét về vị trí và tính đơn nhất của ngôi tháp, có thể cho rằng tháp Cánh Tiên có ý nghĩa như một kiến trúc núi thiêng tức biểu tượng của núi Mêru, giữa kinh đô Đồ Bàn. Xét ở khía cạnh tôn giáo, tháp Cánh Tiên có vị trí gần giống như đền núi Bayon nằm giữa đô thành Ăngco Thom của vương triều Angco ở Campuchia tại cùng thời điểm đó.
Ở tháp Cánh Tiên, hình dáng cũng giống như những ngôi tháp Chămpa truyền thống khác ở Bình Định. Tháp cao gần 20m, bình đồ vuông, chất liệu chủ yếu được làm là bằng gạch, cửa chính của tháp hướng về phía đông, các mặt còn lại được trang trí bằng các cửa giả. Tháp được xây dựng nhiều tầng, các tầng trên là hình ảnh thu nhỏ của tầng dưới, trên các tầng tháp có các tháp góc xung quanh. Vấn đề đặt ra là lý do vì sao ở các tháp Chăm truyền thống, người Chăm thường thể hiện các tháp góc trên các tăng tháp như vậy? Vì theo quan niệm Ấn Độ giáo, núi thiêng Mêru là một dãy núi thần thoại và được xem như là trung tâm của vũ trụ, nơi ngự trị của các thần linh. Núi Mêru gồm nhiều đỉnh cao thấp khác nhau, vị thần tối cao ngự trị ở đỉnh cao nhất, các vị thần khác tùy theo đẳng cấp của mình mà ngự trị ở các đỉnh núi thấp hơn lần lượt trên cùng một dãy Mêru.
Người Chăm xưa theo Ấn Độ giáo, vì vậy họ xây dựng các tháp Chăm tượng trưng cho đỉnh núi Mêru, là đền thờ các vị thần hoặc các vua Chămpa, vì vậy ở các tháp Chăm, các tháp góc trên các tầng tháp là thể hiện các đỉnh cao thấp của núi Mêru. Và tháp Cánh Tiên cũng vậy, cũng thể hiện những tháp góc trên các tầng tháp, những tháp góc ở đây với những phiến đá trang trí hình hoa lá nhô ra như những cánh tiên đang bay lên trời vô cùng xinh đẹp, hòa cùng màu gạch đỏ tươi rực rỡ, nhìn từ xa, cả ngôi tháp như một ngọn lửa khổng lồ đang rực cháy lung linh tỏa sáng.
Tháp Cánh Tiên còn mang đầy đủ những đặc trưng của phong cách tháp Chăm Bình Định, đó là tháp được xây trên đồi cao, khối hình lớn; các mặt tường phía ngoài của thân tháp được trang trí bằng những cột ốp và các khung dọc nhô ra khỏi mặt tường hoàn toàn để trơn không chạm khắc bất kì hoa văn trang trí nào, các vòm của các cửa giả vút cao vươn lên như một chiếc mũi giáo khổng lồ. Ngoài ra, một chi tiết nữa thể hiện đặc trưng của phong cách Bình Định là việc sử dụng đá vào công cuộc xây dựng tháp.
 
7. Cấu trúc hình thành Tháp Cánh Tiên
Cũng như mọi ngôi tháp Chăm pa truyền thống khác, Tháp Cánh Tiên có cấu trúc gồm hai phần: tiền sảnh và điện thờ; với ba tầng thu nhỏ dần về phía bên trên. Hai tầng trên của tháp Cánh Tiên thu vào khá mạnh và có hình dáng, cấu trúc giống phần thân, nhưng đơn giản hơn một chút. Tầng thứ nhất chỉ có ba cột ốp để trơn ở mỗi mặt tường và bốn cửa giả hình cung nhọn nhô mạnh ra ở giữa bốn mặt tường. Tầng thứ hai có cấu tạo tương đồng tầng thứ nhất, nhưng chỉ có hai cột ốp ở mỗi mặt tường và các cửa giả hình cung nhọn nhô ra ít hơn.
Trên mỗi tầng tháp, ở 4 mặt tường đều được trang trí cửa giả. Các cửa giả được tạo ba tầng thu nhỏ dần về phía trên. Các tầng của cửa giả đều có cấu trúc hai phần: hai trụ ốp tạo thành ô khám bên dưới và hình cung nhọn bên trên.
Tháp Cánh Tiên đã được trùng tu, cải thiện. Thật sự cho đến nay, các nhà khoa học vẫn chưa giải mã được kỹ thuật xây dựng tháp của người Chăm xưa. Làm thế nào để các viên gạch có thể gắn kết lại chặt chẽ với nhau mà không thấy mạch hồ nhưng vẫn tồn tại vững bền thách thức với thức thời gian đã và đang là một vấn đề chưa được giải đáp.
Hiện nay, giải pháp và kỹ thuật trùng tu tôn tạo các tháp Chăm ở Bình Định được Bộ Văn Hóa, Thể Thao và Du Lịch và nhiều nhà khoa học đánh giá cao. Với những cố gắng của chúng nay, các tháp Chăm nói chung và tháp Cánh Tiên nói riêng đã và sẽ được phục hồi để trở thành điểm đến của chúng ta trong hành trình di sản miền Trung.
 
 

 

Xem thêm
image